+Aa-
    Zalo

    Kỳ 1: Mạo danh bệnh viện Tuệ Tĩnh, lợi dụng hình ảnh GS. Nguyễn Lân Dũng bán TPCN?

    • DSPL
    ĐS&PL Sử dụng danh nghĩa của bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, lợi dụng hình ảnh GS. Nguyễn Lân Dũng để bán thực phẩm chức năng (TPCN), đơn vị nà

    Sử dụng danh nghĩa của bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, lợi dụng hình ảnh GS. Nguyễn Lân Dũng để bán thực phẩm chức năng (TPCN), đơn vị nào đang cả gan qua mặt cơ quan chức năng?

    Thời gian gần đây, Báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc về những hành vi mập mờ của của một đơn vị bán nhiều sản phẩm TPCN như Liễu Tâm An, Khớp Tâm An, Dạ Dày Tâm An, Đại Tràng Tâm An, Xoang Tâm An, Viên Tâm An, Trĩ Tâm An,… thông qua website và bán hàng online trên các trang mạng xã hội.

    Mạo danh bệnh viện Tuệ Tĩnh để bán TPCN

    Theo tìm hiểu của PV, hàng chục các Fanpage gắn mác bệnh viện Tuệ Tĩnh, viện Y dược học cổ truyền Việt Nam có địa chỉ số 2 Trần Phú (Hà Đông) như: Khoa tiêu hóa viện Y Học Cổ Truyền - Số 2 Trần Phú Hà Đông (@khoatieuhoaVYHCT), Dược Tâm An (@duoctaman.jsc),...

    Theo đó, các Fanpage này đều hoạt động chung dưới một hình thức: Đưa ra những quảng cáo TPCN có tính chất chữa bệnh, mạo danh bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, yêu cầu bệnh nhân để lại số điện thoại, sau đó nhân viên tư vấn sẽ gọi điện trao đổi để khám bệnh qua điện thoại rồi sẽ gửi thuốc cho bệnh nhân.

    Danh sách bác sỹ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh - học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam không có khoa khám bệnh online và người tên Quyên

    Những sản phẩm trên đều là dòng TPCN do Công ty TNHH Dược Tâm An phân phối và đa phần được sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Smard (có địa chỉ tại thôn Thượng, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

    Tại địa chỉ website https://yduoctaman.vn  của công ty Dược Tâm An, mọi hoạt động công khai qua hình thức quảng cáo và chào bán đa dạng các sản phẩm như: Liễu Tâm An, Khớp Tâm An, Dạ Dày Tâm An, Đại Tràng Tâm An, Xoang Tâm An, Viên Tâm An, Trĩ Tâm An,…

    Website bán hàng Y dược Tâm An quảng cáo bán nhiều loại TPCN

    Để xác minh, vào vai khách hàng cần được tư vấn, PV liên hệ với công ty này qua đường dây nóng hiển thị trên web và được một người xưng nhân viên công ty trả lời: “ Sản phẩm của công ty đã được kiểm chứng, xuất hiện trên thị trường một thời gian dài, công ty khẳng định về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ giao hàng toàn quốc và thanh toán sau khi nhận hàng”.

    Qua một kênh bán hàng khác, người tự nhận là Dược sĩ Đỗ Quyên – khoa Khám bệnh trực tuyến của viện Y học cổ truyền gọi điện và tư vấn bán hàng cho PV. Người này cho biết mình làm tại viện Y học cổ truyền và đang khám trực tuyến hỗ trợ người bệnh. Nhưng khi PV ngỏ ý muốn gặp dược sĩ để khám xét cho chuẩn thì người này nhanh chóng tắt máy.

    Trao đổi với PV, PGS, TS Phạm Quốc Bình – Phó giám đốc Học viện Y học cổ truyền cho biết, phía Học viện và Bệnh viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh không có tư vấn trực tuyến. Học viện cũng không kết hợp với bất cứ doanh nghiệp nào để tư vấn bán dược phẩm, TPCN.

    Trong vai người có nhu cầu bán sản phẩm Xoang Tâm An, PV liên hệ với ông S. – là người đang cần tuyển nhiều nhân sự chuyên gọi điện tư vấn, chốt đơn với khách hàng (hay còn gọi là telesale) của một công ty phân phối dược phẩm, qua nhiều nguồn thông tin PV được biết ông S. tuyển nhiều nhân sự cho rất nhiều chi nhánh xung quanh thành phố. Ông S. cho biết công ty mình là MP Group (Công ty công nghệ MP Việt Nam) hiện đang phân phối rất nhiều dòng sản phẩm trong đó có các sản phẩm của Tâm An. Ông S. cũng thừa nhận rằng MP Group có rất nhiều chi nhánh tại Hà Nội và hẹn PV đến phỏng vấn tại Văn Phú hoặc tầng 28, tòa nhà SME Hoàng Gia (Hà Đông). Hiện, công ty đang phân phối hai dòng sản phẩm là Tâm An và Thái Dương Xuân.

    Bịa đặt hình ảnh Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

    Ngoài việc mạo danh bệnh viện Tuệ Tĩnh, viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, đơn vị này cũng đang lợi dụng hình ảnh của GS. Nguyễn Lân Dũng để phát ngôn quảng cáo cho các sản phẩm của Dược Tâm An.

    Điển hình, một Fanpage mang tên Khoa Tiêu Hóa - Viện Nghiên Cứu Y Học Cổ Truyền (@khoatieuhoa) sử dụng hình ảnh GS. Nguyễn Lân Dũng dưới dạng ý kiến chia sẻ: “Nguyễn Lân Dũng: Tôi không cần danh lợi, cũng chẳng cần kiếm lợi. Cả đời chạy theo danh lợi rồi, gần cuối đời rồi muốn chia sẻ bài thảo dược quý chữa dạ dày cho bà con…”. Sản phẩm được quảng cáo ở đây là TPCN Tâm An Vị, một trong các sản phẩm của Dược Tâm An.

    Thế nhưng, trao đổi với PV, GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Tôi rất bức xúc vì đó là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Tôi chưa bao giờ lấy hình ảnh của bản thân để quảng cáo cho bất cứ sản phẩm nào của Dược Tâm An hay viện Y học cổ truyền nào cả”.

    Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng bị đơn vị kinh doanh lợi dụng hình ảnh lừa dối người tiêu dùng

    Cũng theo GS. Nguyễn Lân Dũng, thời gian gần đây có rất nhiều người gọi điện cho ông nhờ tư vấn, khiến cuộc sống của ông bị đảo lộn. Trước sự việc trên, GS. Nguyễn Lân Dũng đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.

    Trong quá trình tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi tìm đã phát hiện mối liên hệ giữa công ty Dược Tâm An và công ty TNHH Công nghệ MP Việt Nam có nhiều điểm bất thường. Về vấn đề này Đời sống và Pháp luật sẽ đăng tải trong bài viết tiếp theo.

    Tào Đạt

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1-mao-danh-benh-vien-tue-tinh-loi-dung-hinh-anh-gs-nguyen-lan-dung-ban-tpcn-a292235.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan