Kỳ 21: Bệnh nhân bị vi-rút tấn công não thoát chết ngoạn mục


Thứ 5, 22/10/2015 | 00:29


(ĐSPL) - Trái tim và khối óc là hai bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể người. Cũng vì lẽ ấy giây phút cấp cứu bệnh nhân bị tim mạch rất căng thẳng đối với bác sỹ.

(ĐSPL) - Trái tim và khối óc là hai bộ phận quan trọng bậc nhất của cơ thể người. Cũng vì lẽ ấy, những giây phút cấp cứu bệnh nhân bị bệnh về tim mạch hay liên quan đến não bộ rất căng thẳng đối với bác sỹ.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin để thực hiện loạt bài viết này, phóng viên đã tiếp cận được hai trường hợp hết sức đặc biệt liên quan đến tim và não.

Bệnh nhân đã nói nhảm và nguy cơ tử vong tức thì

Thông tin từ bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, chúng tôi liên lạc với gia đình em Lê Anh Cường (10 tuổi, trú xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Cường là bệnh nhân viêm não vi rút Dengue may mắn được các bác sỹ bệnh viện này cứu sống, cách đây không lâu. Theo lời gia đình, họ suýt mất đi người thân chỉ vì những chủ quan không đáng có.

“Chừng giữa tháng 5/2015, phát hiện Cường sốt cao, lúc đó gia đình cứ nghĩ là bị cảm sốt thông thường nên không đưa đi khám mà chỉ cho uống thuốc tự mua ở nhà. Bệnh của Cường không giảm mà càng ngày càng nặng. Sau đó, cháu có dấu hiệu nói nhảm, mất ăn, mất ngủ.  Thấy có dấu hiệu không bình thường, gia đình đưa cháu vào viện. Tuy nhiên, khi vào viện, gia đình bàng hoàng khi biết cháu bị viêm não vi-rút Dengue phải chuyển tuyến ra Đà Nẵng điều trị ngay lập tức”, mẹ Cường nói.

Bệnh nhân Lê Anh Cường (10 tuổi) được cứu sống sau khi bị vi-rút tấn công não.

Khi chuyển tuyến bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não do vi rút Dengue, hoặc sốt xuất huyết Dengue thể não cùng các triệu chứng sốt cao, tri giác kém, trạng thái lơ mơ, nói nhảm, tăng trường lực cơ, cơ thể suy còi. Bác sỹ Nguyễn Công Cảnh, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, bệnh viêm não do vi - rút Dengue là một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời phát hiện, điều trị sớm.

 Những triệu chứng bệnh do chủng vi rút này gây ra đặc biệt nguy hiểm. Bởi, nó tấn công rất nhanh cùng lúc vào cả não và máu, nên thời gian cứu chữa càng sớm thì tín hiệu sự sống càng cao. Chỉ cần một chút chậm trễ trong phát hiện bệnh và điều trị muộn thì vô phương cứu chữa. Nhận thấy sự nguy kịch của bệnh nhân, Ban giám đốc bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo các phòng, khoa chuyên môn nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhân Cường”.

Nhớ lại những giây phút căng thẳng, giành giật sự sống cho bệnh nhi này, bác sỹ Cảnh cho hay: Các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu bệnh nhân; xét nghiệm chọc dịch tủy não, chụp CT và chụp MRI. Từ những xét nghiệm ban đầu, kết quả cụ thể cho thấy, bệnh nhi Lê Anh Cường dương tính với vi rút Dengue, mà biểu hiện cụ thể ở chứng viêm não. Vì nhập viện hơi muộn, nên tình trạng của cháu Cường rất nặng, có thể mất mạng bất cứ lúc nào”.

Trên cơ sở đó, bệnh nhi đã được các bác sỹ điều trị hồi sức tích cực bằng hạ sốt, chống phù não, nâng cao thể trạng, thông khí. Kết quả, sau một tuần chạy đua với “tử thần”, các bác sỹ của bệnh viện đã cứu sống bệnh nhi Cường. Điều trị thêm, các tri giác bệnh nhân dần được cải thiện, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Nếu như ở ngày đầu nhập viện ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh thì đến ngày thứ 7, sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện vượt bậc, cháu Cường có thể tự đi lại nhẹ nhàng.

Chia sẻ với chúng tôi, người thân của em Cường bày tỏ: Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Cường là con thứ ba trong gia đình. Lúc nhập viện, Cường không có bảo hiểm y tế, gia đình không mấy dư giả nên rất khó khăn. “Khó khăn là vậy, nhưng trong suốt nhiều ngày liền cháu điều trị ở bệnh viện, chúng tôi cảm nhận được sự chân tình, tâm huyết của các y, bác sỹ. Họ đã làm hết sức mình để giành giật, cứu sống cháu Cường”, một người thân bệnh nhi Cường nghẹn ngào gửi lời cảm ơn đến tập thể y, bác sỹ bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ thực hiện phẫu thuật cứu sống cháu bé, mà khi hay tin hoàn cảnh khó khăn của em, nhiều bác sỹ, và một số người hảo tâm đã tìm cách giúp đỡ gia đình một phần nào đó về tinh thần, lẫn vật chất để qua cơn hoạn nạn.

Người đàn ông ngoại quốc thoát chết thần kỳ

Không éo le ở hoàn cảnh thiếu thốn như cháu Cường, bệnh nhân J.B.A. (45 tuổi, quốc tịch Philippines), lại rơi vào hoàn cảnh khác. Ngày 9/4/2015, trong lúc đi dạo cùng bạn bè ở Cầu Rồng (TP. Đà Nẵng), người này bỗng chóng mặt, tức ngực không lâu sau đó lại ho ra máu hồng dẫn đến ngất xỉu. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu.

Theo thông tin chúng tôi có được từ bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân J.B.A được chẩn đoán là phù phổi cấp, hẹp van 2 lá khít, tăng áp phổi nặng, được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu và thở bằng máy. Xét thấy những khó khăn và nguy cơ tử vong cực cao nếu không được phẫu thuật kịp thời, bác sỹ bệnh viện tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật thay van 2 lá cấp cứu. Trước đó, qua tìm hiểu từ người nhà, các y, bác sỹ xác định thêm, bệnh nhân này có tiền sử bệnh tăng huyết áp, cách đây không lâu đã nong van 2 lá bằng bóng tại Philippines. 

Chưa hết, sau 2 ngày phẫu thuật cứu sống bệnh nhân, quá trình điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy đa phủ tạng. Bác sỹ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng khoa Ngoại tim mạch lồng ngực, bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng xác nhận: “Đây là trường hợp hẹp van 2 lá khít nên lưu lượng máu cung cấp đến các cơ quan như thận, gan... không đủ, gây tổn thương đến các cơ quan này, đe dọa tính mạng người bệnh nên sau khi phẫu thuật thay van 2 lá, bệnh nhân vẫn cần được chăm sóc đặc biệt.

Sau hơn hai tuần điều trị tại bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, ngày 25/4, bệnh nhân J.B.A. đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện. Theo khuyến cáo của các bác sỹ điều trị, đối với những bệnh nhân có tiền sử về bệnh tim mạch như trên, phải theo dõi định kỳ, thăm khám bác sỹ  chuyên khoa để có hướng can thiệp và xử trí kịp thời, phòng tránh những phát sinh, biến chứng không đáng có.

Xung quanh chuyện cứu sống bệnh nhân người Philippines này còn có điều thú vị mà PV được một bác sỹ bệnh viện chia sẻ. Đó là ngoại ngữ của các y, bác sỹ bệnh viện. Trước lúc xuất viện J.B.A. đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến bệnh viện đã chữa trị, ngoài ra bệnh nhân còn cho hay, rất ngạc nhiên với các bác sỹ bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng Việt Nam, bởi họ vừa xuất sắc về chuyên môn, lại rất giỏi về ngoại ngữ. Trước đó, trong quãng thời gian chăm sóc cho bệnh nhân, một số người thân của J.B.A. đã lo lắng việc giao tiếp, sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc, chữa bệnh. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra bởi, y bác sỹ có thể giao tiếp bình thường với bệnh nhân này.

Những tiến bộ của y học trong phòng cấp cứu

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh là một trong số những điều kiện tiên quyết cứu sống bệnh nhân. Hiện nay, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại đã giúp ích rất nhiều trong phát hiện và khám chữa bệnh. Đơn cử, có tới hơn 300 yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch thường không có triệu chứng cụ thể, do đó, việc kiểm tra, tầm soát các bệnh lý tim mạch là điều cần thiết để phát hiện kịp thời và có phương pháp kiểm soát, điều trị hiệu quả.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

 Nhâm Thân

Xem thêm video tin tức:

[mecloud]lAbR21JghK[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-21-benh-nhan-bi-vi-rut-tan-cong-nao-thoat-chet-ngoan-muc-a115939.html