+Aa-
    Zalo

    Kỳ 4: Đại gia nghìn tỉ ôm đất vàng giữa Hà thành để... “đắp chiếu”?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Vào thời điểm khi thị trường BĐS nóng hôi hổi, người dân Thủ đô bắt đầu tò mò về cái tên tập đoàn BĐS Tân Hoàng Minh với hàng loạt khu “đất vàng” ngay giữa lòng Thủ đô.

    (ĐSPL) - Được nhắc đến như một “đại gia” với hàng loạt dự án khủng có vị trí đắc địa giữa trung tâm Hà Nội, nhưng cái mà tập đoàn BĐS Tân Hoàng Minh mang đến cho thị trường này không như người ta kỳ vọng. Có quá nhiều câu hỏi cho sự “ì ạch” trong triển khai dự án của tập đoàn này...

    Những câu hỏi lớn về Tân Hoàng Minh

    Vào thời điểm khi thị trường BĐS nóng hôi hổi, người dân Thủ đô bắt đầu tò mò về cái tên tập đoàn BĐS Tân Hoàng Minh (xin được gọi tắt là Tân Hoàng Minh - PV) với hàng loạt khu “đất vàng” ngay giữa lòng Thủ đô. Vào thời điểm đó, ai cũng mong chờ để có được những sản phẩm đầu tay của tập đoàn này gắn với những cái tên dự án đầy mỹ miều liên tục được dựng lên trên những tấm biển giới thiệu. Không những thế, để thể hiện mình tại “sân chơi” BĐS thực sự, Tân Hoàng Minh còn tung chiêu giới thiệu các dự án của mình bằng những hình ảnh, lời lẽ như một sự lột xác thực sự với những người đang tìm đến một căn hộ đẳng cấp.

    Chậm trễ trong việc thực hiện các “siêu dự án” của Tân Hoàng Minh khiến dư luận đặt ra dấu hỏi về năng lực của “đại gia” này.

    Xin được điểm qua cách mà Tân Hoàng Minh bước vào thị trường này cũng khiến không ít người phải giật mình vì cách “chơi” đẳng cấp của một kẻ nhà giàu. Bên cạnh những cái tên dự án hoàng gia mỹ miều, tập đoàn này còn gây sốc cho công chúng với những số tiền “kỷ lục”. Có thể kể đến dự án D' San Raffles tọa lạc trên diện tích “đất vàng” tại số 22-24 phố Hàng Bài, 25-27 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Ở một dự án khác, tập đoàn này còn gây “choáng” khi đưa ra mức giá dự kiến 100 triệu đồng cho 1m2 của căn hộ “đế vương” D.plais de Louis- Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội). Như vậy, để có được một căn penthouse (căn hộ áp mái) thì khách hàng phải bỏ ra hơn trăm tỉ đồng trong thời điểm mà bất động sản còn đầy ảm đạm. Ngoài ra, Tân Hoàng Minh còn tiến hành khởi công dự án D’ Le Roi Soleil, ở số 2 đường Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội – công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ quốc tế và căn hộ chung cư. Chưa dừng lại, tập đoàn này còn có thêm dự án D’San Raffles được giới thiệu là “một công trình đẳng cấp nhất từ trước đến nay” và Dlepondort nằm ngay Bờ Hồ, Đống Đa.

    Thế nhưng, trái ngược với sự hoành tráng, quy mô tầm cỡ của các dự án được giới thiệu ban đầu, sau nhiều năm xin cấp phép xây dựng và thi công, cái mà Tân Hoàng Minh có được ở việc chào bán ra thị trường dự án Dlepontdor Hoàng Cầu (Đống Đa), dù nó mới chỉ hoàn thiện đến tầng hầm thứ 4. Trong khi đó, D’San Rafles Hàng Bài (Hoàn Kiếm) vẫn án binh bất động. Còn với dự án D’Le Roi Solei Quảng An (Tây Hồ), dù đã tiến hành động thổ từ tháng 8/2013, nhưng hiện đang “đắp chiếu” bỏ hoang đã hơn năm. Chung số phận, “lâu đài Versaille” ở Nguyễn Văn Huyên của Tân Hoàng Minh bắt đầu từ 2009 vẫn liên tục chậm tiến độ?!

    “Đại gia” đang tiêu tiền ở đâu?

    Thực tế, Tân Hoàng Minh cũng không phải là một cái tên xa lạ với người dân Hà Nội, trước đó khá lâu, từ năm 2003, tập đoàn này được nhắc đến với dự án cải tạo công viên Thống Nhất (Hà Nội) và là chủ của hãng taxi “V20-Tân Hoàng Minh”. Nhưng cũng ít ai biết được Tân Hoàng Minh bắt đầu khởi nghiệp từ một công ty bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh - một lĩnh vực khá xa lạ với BĐS.

    Theo dữ liệu mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được từ trang web chính thức của tập đoàn này, thì từ năm 1995, Tân Hoàng Minh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi.

    Năm 2006, thời điểm thị trường BĐS đặc biệt là thị phần căn hộ chung cư đang rất “nóng”, Tân Hoàng Minh mới chính thức “nhúng chân” vào lĩnh vực này với một loạt các hạng mục căn hộ, chung cư cao cấp với tên gọi, hình ảnh phác thảo mỹ miều, gắn mác “hoàng gia” nằm ngay trên những mảnh “đất vàng” của Thủ đô Hà Nội, nhằm hy vọng trở thành “ông hoàng” nhà đất Hà thành. Thế nhưng, dường như đó chỉ là ảo mộng. Bởi, thị trường BĐS vốn đỏng đảnh, không phải là “sân chơi” cho những ông chủ tay ngang.

    Xin chưa bàn luận đến những dự án hiện đang “đắp chiếu”, với dự án mà Tân Hoàng Minh đang chào bán thì sao?

    Vào vai khách hàng, nhóm PV Đời sống và Pháp luật tìm đến trụ sở, cũng chính là sàn giao dịch bất động sản của Tân Hoàng Minh tại tầng 16, tòa nhà 36 Hoàng Cầu, Hà Nội để có được những thông tin và cái nhìn chính xác nhất về “đứa con đầu lòng” của tập đoàn này.

    Tại đây, một nhân viên kinh doanh tên H. cho biết: “Dự án Dlepontdor Hoàng Cầu là dự án đầu tiên, cũng là duy nhất tính đến thời điểm bây giờ (đầu năm 2015) mới được chủ đầu tư Tân Hoàng Minh đưa ra thị trường”. Tuy nhiên, theo nhân viên này, hiện dự án mới chỉ thực hiện đến tầng hầm thứ 4, khách muốn mua phải đặt cọc khoảng 45\% giá trị hợp đồng. Để thuyết phục khách mua hàng, H. còn cho biết thêm: Hiện tại thì giá chủ đầu tư đưa ra cho một căn hộ khoảng từ 38 triệu đồng đến 45 triệu đồng/m2 (chưa VAT và chưa có nội thất). Mặc dù, mới xây tầng hầm, nhưng nhân viên này cũng bật mí, hiện căn hộ của dự án đã được bán gần hết, nếu không nhanh tay, ra tết chưa chắc khách hàng còn có cơ hội lựa chọn.

    Khi được hỏi về tiến độ, H. cho biết: “Dự án Dlepontdor Hoàng Cầu phải đến năm 2017, khách hàng mới có thể nhận nhà phần thô. Sau đó, khách tự thực hiện nội thất, còn nếu đặt hàng công ty sẽ làm nội thất với giá 100 triệu đồng/m2 . Như vậy, chỉ bằng một cách nhẩm tính đơn giản, với căn hộ diện tích 99m2, có giá 40 triệu đồng/m2, thời điểm này, khách hàng muốn tiếp cận dự án phải chi khoản tiền 2 tỉ đồng để chờ đợi 2 năm sau mới nhận được nhà?!

    Nên nhớ, cũng liên quan đến dự án này, việc Tân Hoàng Minh đề nghị được giãn tiến độ đóng thuế của dự án ở Hoàng Cầu và đã được chấp thuận của thành phố từ năm 2013, đang khiến dư luận đặt ra một dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư? Bởi lẽ, điều kiện để được giãn tiến độ, gia hạn thuế, tiền sử dụng đất bao gồm: Kết quả tài chính đến 31/12/2012 là lỗ hoặc chi phí lớn hơn doanh thu do giá trị hàng tồn kho quá lớn hoặc chi phí đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu, điều này đồng nghĩa với việc Tân Hoàng Minh đang rơi vào tình hình bết bát về tài chính.

    Câu hỏi được đặt ra ở đây, liệu có phải Tân Hoàng Minh dàn trải một loạt dự án khủng chỉ là chiêu bài để “đánh bóng” tên tuổi, hay lại một kiểu “buôn xổi” BĐS của đại gia Sài thành đang bị “chết chìm” ở thị trường BĐS Hà thành? Câu hỏi trên chắc chỉ có Tân Hoàng Minh là trả lời được ngọn ngành nhất và việc tung ra các chiêu bài của mình nhằm mục đích gì.

    Dự án chậm triển khai sẽ bị thu hồi

    Tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định rõ rằng: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-4-dai-gia-nghin-ti-om-dat-vang-giua-ha-thanh-de-dap-chieu-a82760.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan