+Aa-
    Zalo

    Kỳ 5: Nhận diện chiến thuật "tấn công- phòng thủ" của cát tặc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những "chiếc vòi bạch tuộc" ma mãnh này ngày càng làm cho những dòng sông bị băm nát theo những tiếng kêu cứu vô vọng từ người dân...

    (ĐSPL) - Khi cuộc chiến giữa đám "cô hồn" cát tặc với người dân, chính quyền còn chưa ngã ngũ thì những vòi "bạch tuộc" hút cát vẫn âm thầm sử dụng những thủ thuật tinh vi nhằm rút ruột các dòng sông.

    Vòi dài, thủy lực mạnh hút tạo gườm hàm ếch ngay cạnh bờ sông. Khi nước lên, đất bồi rìa sông sạt xuống lại biến thành... cát. Những "chiếc vòi bạch tuộc" ma mãnh này ngày càng làm cho những dòng sông bị băm nát theo những tiếng kêu cứu vô vọng từ người dân...

    Với những vòi "bạch tuộc" siêu lớn, các dòng sông ngày càng bị bức tử một cách tàn khốc.

    Những hàm ếch "tử thần"

    Vẫn biết, cát là một nguồn lợi khổng lồ cùng với lòng tham vô đáy của những "ông trùm" vật liệu xây dựng, các dòng sông lần lượt bị "đục khoét" đến tận cùng. Trong quá trình thực hiện phóng sự, chúng tôi cũng đã khảo sát khắp các dòng sông như sông Luộc, sông Cầu, sông Hồng... thì việc hút cát trái phép các dòng sông đang bị băm nát quá giới hạn quy định; nhiều tàu, thuyền qua lại đoạn sông tạo thành sóng vỗ, tạo áp lực vào bờ, làm cho đất sản xuất và cây màu rơi xuống sông, bờ sông bị sạt lở nham nhở. Chứng kiến những cảnh ấy, nhiều thủy thủ tàu sông đều cho rằng, những dòng sông bị nham nhở như vậy đều có nguyên nhân từ những vòi bạch tuộc của những kẻ hút cát dùng thủ đoạn để lấy cát san lấp mặt bằng.

    Dọc con sông Hồng, từ Hà Nội lên Phú Thọ, Yên Bái... không khó để nhận thấy tình trạng khai thác cát sỏi sôi động trên từng khúc sông. Chưa biết, trong số những tụ điểm đó có bao nhiêu là được cơ quan chức năng cấp giấy phép nhưng khu vực nào có khai thác cát là chỗ đó dân... kêu trời. Những "công trường" khai thác cát một cách quy mô như ở Chèm, Sơn Tây, Phúc Thọ (Hà Nội), Hạ Hòa (Phú Thọ)... hay ở một nơi vắng vẻ như thị trấn Văn Yên (Yên Bái). Để khai thác được nhiều cát, chủ thầu đã chọc, đâm nhiều mũi khoan vào sâu bên dưới đất bãi, khiến cả vỉa sông bị sạt lở nham nhở.

    Xuôi về hạ lưu, theo thâm nhập thực tế của PV, tình trạng "móc ruột" sông Hồng khiến người dân vô cùng bức xúc. Trong đó, trọng điểm là công trường khai thác cát trái phép dọc một khúc dài thuộc các huyện Trực Ninh, Nam Trực (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình). Chỉ riêng tại điểm thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đã có hàng chục tàu hút cát... Nhiều tàu chỉ đặt vòi hút cách đê bao 20-30m. Ngay cạnh triền đê là bãi tập kết vật liệu. Nhiều đoạn đê, mùa nước cạn, những "hàm ếch" rợn người lộ ra. Và, những "hàm ếch" này đã từng "nuốt" biết bao đoạn sông, cả con người nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến đê phòng hộ, trở thành câu chuyện hầu như chẳng ai biết, chỉ có dân là khóc than kêu trời.

    Theo chân các lái tàu sông, chúng tôi càng thấy những dòng sông này ngày càng nới rộng khoảng cách. Chung "Bảy" nói: "Nếu cứ khai thác theo đà này, một ngày không xa, những cánh đồng tươi tốt, ruộng vườn, nhà cửa của người dân sẽ bị rơi tõm xuống miệng thủy thần và chuyển thành tiền chui tọt vào túi của bè lũ tham lam". Chung "Bảy" cho biết, càng ngày, càng nhiều thủ đoạn để rút ruột dòng sông hơn. Khi dân "đuổi", các tàu cát sẵn sàng đứng giữa dòng sông, tuồn vòi bạch tuộc vào đến chân đê để hút. Nếu đứng giữa sông, chúng tôi cũng chẳng biết địa phận ranh giới của địa phương nào nên việc chính quyền vùng giáp ranh cứ "săn đuổi" tàu là chuyện không lạ. Vì thế, lực lượng cát tặc vô tư đưa vòi vào rìa sông để hút "cật lực", tạo thành một loạt các "hàm ếch" và có nguy cơ chỉ sau một trận mưa, tất cả sẽ cuốn hết những thứ trên bờ xuống dòng sông.

    "Cướp cơm" nông dân, "bịt mắt" chính quyền?

    Được "anh em" của Chung "Bảy" giới thiệu, chúng tôi được dịp theo gót một "đại gia" tên Thịnh "đen" đi thuê đất nông nghiệp ven sông. Ngạc nhiên ở chỗ, Thịnh "đen" thành "đại gia" nhờ buôn bán cát, sao lại đi thuê đất nông nghiệp ven sông. Chúng tôi được "đá mắt" rằng, đây được coi như một cách mới để làm cát. Khi lực lượng trên mặt nước bị các cơ quan chức năng truy quét mạnh mẽ, "anh em làm cát" đã chuyển qua một "cách thức mới" nhẹ nhàng và tinh vi hơn nhiều: Khai thác cát ngay trên bờ.

    Chính Thịnh "đen" đã từng kết hợp với một vài đối tượng để hút cát từ trên bờ với một số lực lượng làm cát khác để hút cát sông Hồng ngay tại khu vực Đông Anh (Hà Nội). Khi các lực lượng chức năng làm khá "rát", Thịnh "đen" cho anh em đánh tàu về mạn Hải Dương tạm nghỉ, chỉ để một vài anh em ở lại canh tàu, đợi "giảm động" thì bắt đầu "chiến" tiếp. Số anh em còn lại được đưa lên bờ... đi thuê đất nông nghiệp. Cuối năm, mùa nước xuống, các triền sông bắt đầu lộ những bãi cát lớn. Những bãi đất nông nghiệp được thuê sẽ trở thành cơ sở hút cát theo thủ đoạn mới. Thủ đoạn này nghe có vẻ rất "sạch sẽ" khi các bãi cát này sẽ được đăng ký thuê với việc tận dụng khai thác mùa nước xuống nhưng thực chất, đó chính là mặt bằng tập kết cát trái phép để rút ruột từ các bãi bồi.

    Để thực hiện được "mánh khóe" này, Thịnh "đen" thừa nhận, mình chỉ là một kẻ đi sau, trước đó gã đã từng học theo cách của Mậu Hoàng (tức Lê Mậu Hoàng, SN 1972, trú tại thôn Vân Trì, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) từng bị lực lượng công an triệt phá về hành vi lợi dụng đất nông nghiệp để khai thác cát trái phép.

    Thủ đoạn tinh vi, hút cát từ trên bờ của Thịnh "đen" là trang bị bè sắt và máy hút cát công suất lớn, đồng thời đầu tư những "vòi bạch tuộc" siêu dài, đủ sức "cắm" thẳng vào lòng bãi bồi, thậm chí vươn ngang sang khúc sông thuộc địa phương khác để hoạt động. Theo Thịnh "đen", giá thuê đất khu vực này khá rẻ, có thể thuê theo năm. Khi hết hạn khai thác, "ông trùm" sử dụng chiêu "cam kết hoàn thổ" lại cho người dân. Tuy nhiên, sau một đến hai năm "móc ruột" các cồn cát đã cơ bản hoàn thành và khi túi đã đầy, mùa nước về, chân đê mênh mông sông nước, việc "hoàn thổ" cho nông dân không hề đơn giản nhưng với các "ông trùm", đó không phải là vấn đề họ quan tâm. Thế là ngay sau khi nhận lại đất, người nông dân phải mất hàng năm trời không thể canh tác được vì vùng đất đó quá trũng. Vậy mới có câu, cát tặc "cướp cơm" của nông dân.

    "Cơm của nông dân, "ông trùm" còn cướp được thì việc "bịt mắt" chính quyền với họ không có gì là quá khó, nếu không nói là đơn giản. Bởi cái luật bất thành văn trong công việc là có những "đồng tiền khôn" dẫn đường, mọi thứ sẽ ổn hết". Thịnh "đen" quả quyết về một công đoạn mà những "nhà khai thác cát" vẫn thực hiện để có những đồng tiền "béo bở" từ lòng sông, ngoi lên bờ, chui vào túi.

    "Quá trình khảo sát" cùng Thịnh "đen", chúng tôi phát hiện khu vực bãi bồi Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội nằm sát khu vực ven sông, xa lòng sông Hồng nên các cơ quan chức năng khó phát hiện hành vi khai thác cát trái phép của các nhóm đối tượng. Thời điểm mùa nước lên, khu vực này ngập trắng nước, khi nước rút, lượng cát từ thượng nguồn sông Hồng đổ về đã lấp đầy các hố, tạo thành các mỏ cát lộ thiên lớn. Các nhóm khai thác chỉ việc dùng máy bơm, hút trực tiếp từ mỏ cát lên thẳng bãi tập kết một cách dễ dàng, không tốn kém nhiều khoản chi phí như thuê tàu hút và vận chuyển cát từ giữa lòng sông về bãi tập kết.

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực trên, cơ quan chức năng đã từng phát hiện và lập biên bản nhiều nhóm khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, điệp khúc "bắt, phạt, thả" không thể làm cho cát tặc sợ, kiêng nể mà vẫn tiếp tục hút như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

    Biến đất của hợp tác xã thành bãi hút cát

    Sau thời gian nắm tình hình, 10h sáng 19/3/2014, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự Công an huyện Đông Anh bất ngờ kiểm tra hành chính hoạt động của công ty TNHH đầu tư xây dựng Hồng Phúc (trụ sở thôn Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh), thuê đất nông nghiệp của hợp tác xã Đại Mạch, phát hiện và bắt quả tang 2 chiếc tàu đang hút cát trái phép ở bãi bồi sông Hồng, thuộc bãi cát Thạch Lam. Cát được hút trực tiếp từ lòng sông, chuyển thẳng lên bãi tập kết. Giám đốc công ty này là Nguyễn Văn Phúc, SN 1973, ở thôn Đại Độ, xã Võng La khai rằng, đã thuê nhân công từ các tỉnh Hải Dương, Nam Định đến làm thợ máy. Mỗi ngày, các tàu hút cát làm việc 8 giờ, trung bình mỗi giờ hút được từ 45 - 50m3 cát.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-5-nhan-dien-chien-thuat-tan-cong--phong-thu-cua-cat-tac-a81927.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan