+Aa-
    Zalo

    Kỳ cuối: “Quyền lực ngầm” trong thế giới xà xẻo đất nông nghiệp thành nhà ở

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Thua thiệt thuộc về ai đã rõ, nhưng xem ra có nơi chính quyền vẫn chưa có động thái nào mạnh tay để dứt điểm vấn nạn này.

    (ĐSPL)- Thay cho lời kết của loạt bài này chúng tôi xin đưa ra một nghịch lý đang hiện hữu trong thế giới xà xẻo đất nông nghiệp. Việc sở hữu được một mảnh đất giá bèo ấy là việc vô cùng dễ, nhưng việc xây dựng công trình trên những diện tích phải đổi bằng tiền và giấy viết tay này thì lại khá vất vả, không những thế, họ còn phải mất một khoản “phí bôi trơn” cho “cò” thì mọi chuyện mới êm. Thua thiệt thuộc về ai đã rõ, nhưng xem ra có nơi chính quyền vẫn chưa có động thái nào mạnh tay để dứt điểm vấn nạn này.

    Kỳ cuối: Chính quyền bất lực hay bị “vô hiệu hóa”?

    Không “làm luật...không xong?!

    Tại các điểm nóng mua bán đất nông nghiệp, bằng cảm quan sẽ không nhìn thấy được cái nóng hổi của một thế giới ngầm âm ỉ cháy. Thế giới ấy có vẻ trầm lắng nhưng bản thân nó luôn dậy sóng. Để tiếp cận, trong vai một gia đình trẻ có nhu cầu mua đất, xây nhà PV khá ngỡ ngàng khi biết không chỉ phải bỏ tiền ra để mua đất, việc muốn xây dựng nhà hoặc công trình sản xuất trên những lô đất nông nghiệp bắt buộc phải thông qua một bước trung gian vô cùng phức tạp. Thông qua cảnh báo của “cò đất” chúng tôi biết thêm rằng, tại bất cứ điểm nóng nào trên địa bàn Hà Nội nếu có tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp thì đều phải làm... luật(?!).

    “Cò đất” tên B. (Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) mà chúng tôi đã diện kiến từ những lần gặp trước, bây giờ chúng tôi đã lấy được niềm tin. Lần này “cò” B. không còn thái độ ậm ừ, hồ nghi, gã thẳng tuột cho chúng tôi biết: “Bọn em muốn xây dựng ở đây nói chung dễ mà khó. Với anh thì thế nào cũng xong, nhưng còn nhiều người nữa”. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy thắc mắc và hơi lo lắng tự đặt ra câu hỏi rằng những người trong cuộc thực sự họ sẽ như thế nào.

    Những lô đất nông nghiệp được cắt ra chờ thượng khách thuộc quận Tây Hồ.

    Đang phân vân, “cò” B. trấn an: “Không có gì phải suy nghĩ cho mệt, các em muốn xây dựng nhà để ở đúng không? Đóng tiền luật thì đâu sẽ vào đấy”. “Bao nhiêu?”, chúng tôi hỏi. “Ba triệu đồng một mét vuông”, “cò” B. nói. “Sao đắt thế, bọn em đã mất tiền mua đất rồi, giờ lại phải thêm tiền này nữa, kiếm đâu ra?”, chúng tôi hỏi. “Đó là giá chung rồi, không phải mặc cả. Không làm luật... không xong?”,  B. nói. “Không có tiền đóng luật thì sao?”, chúng tôi hỏi tiếp, cò B. nói thẳng: “Em không làm luật anh thách em xây được nổi hai lớp gạch, trừ khi em có người thân tín trên phường”. Việc này khiến chúng tôi đặt nghi vấn về việc các đối tượng xã hội đã áp dụng “luật rừng” để trục lợi bất chính.

    Biết khó nhằn khi thấy chúng tôi lấy lý do là về xin thêm tiền gia đình rồi đóng luôn một thể, “cò” B. chẳng thèm nói nữa, bước vội lên xe phóng mất hút sau rặng mướp để lại lớp khói khét lẹt của con xe phân khối lớn. Việc chúng tôi nói chuyện với “cò” B. được nhiều người ở đó chú ý nhưng không ai dám chen ngang. Khi gã đi khỏi, một người dân đã mua đất và cất nhà ở đây được 3 năm kéo chúng tôi lại thổ lộ: “Các em đôi co làm gì cho mệt, chị ban đầu đến đây cũng thế, chân ướt chân ráo bị dọa nạt rồi cũng đành ngậm đắng làm theo. Trong khu nhà chị có mấy nhà mạnh miệng ban đầu không luật lá cho rõ ràng, cứ cho xe ba gác chở cát với gạch về tự ý xây. Đang xây được nửa buổi sáng không biết từ đâu kéo ra hơn chục thanh niên to khỏe, cởi trần, xăm trổ hổ báo kín người. Tay cầm búa xẻng lao vào đập nát công trình đang xây dở. Chị vợ thì mếu máo khóc, anh chồng chỉ dám đứng nhìn, không dám ho he”.

    Chúng tôi hỏi tiếp, “thế khi làm luật xong xuôi thì mình có dễ dàng xây dựng không? Nếu gặp một nhóm giang hồ khác như thế thì biết kêu ai”, vị này cho biết thêm: “Thực tế muốn xây dựng ở đây người dân có hai giới hạn để đóng luật. Một là đóng theo độ rộng của diện tích như các em mới tranh cãi với “cò đất” lúc trước, mức chung là 3 triệu đồng 1m2. Thứ hai là bọn em phải đóng theo chiều cao của công trình, công trình càng cao thì số tiền làm luật càng cao. Nhưng công trình xây cao tối đa thì cũng ước chừng bằng một ngôi nhà hai tầng (cao khoảng 6m – PV). Các em muốn xây nhà ba tầng thì chỉ có cách là xây nhà hai tầng bên trong tạo thêm một gác xép lửng. Nói chung, xây cao làm gì cho tốn “tiền luật”, không có tiền thì nên xây theo kiểu gia đình chị đang sử dụng, thấp, nóng tí nhưng tiết kiệm”. Vị này cũng không quên nhấn mạnh, một khi việc đóng “tiền luật” đã êm xuôi thì công việc xây dựng rất thuận lợi. Thậm chí còn có người bố trí cấp điện, nước đầy đủ để phục vụ thi công.

    Đó là đối với những trường hợp người muốn mua đất và xây dựng nhà theo ý thích. Còn những hộ dân muốn mua nhà có sẵn, chủ yếu là nhà xây dưới dạng nhà cấp bốn thì thủ tục cũng rất đơn giản. Trong trường hợp người mua đất nếu có nhu cầu bán lại thì chỉ cần thỏa thuận bằng giấy viết tay là chủ mới có thể vô tư vào ở, không ai quản lý.

    Tuy nhiên, các hộ dân muốn yên lành ở đây thì phải đóng thuế đất hàng năm bằng giá đất nông nghiệp. Đồng thời, phải khai báo tạm trú, tạm vắng như những người thuê trọ. Tại các khu vực này người dân đang xây dựng rầm rộ và quy mô, một số hộ dân cho biết họ sống ở đây cũng gần chục năm rồi nhưng không có cơ quan nào đến nhắc nhở hay giải tỏa.

    Những câu hỏi chưa có lời giải

    Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương. Tuy nhiên, nhiều nơi có dấu hiệu né tránh câu hỏi của bản báo. Tại buổi làm việc với phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) phường Lĩnh Nam cho biết: “Làm gì có chuyện đó, việc liên quan đến đất đai là hết sức nhạy cảm nên chúng tôi quản lý rất chặt. Thậm chí chúng tôi còn lập đoàn thanh tra, mỗi tuần đi tuần tra hai đến ba lần. Nếu phát hiện trường hợp nào xây dựng trái phép chúng tôi sẽ cho đập bỏ ngay”.

    Sau khi ông Thọ khẳng định không có trường hợp nào trên địa phương xảy ra tình trạng này, chúng tôi đặt câu hỏi: “Nếu không có thì tại sao những khu đó vẫn đang hiện hữu những căn nhà cấp bốn” và cung cấp hình ảnh cụ thể, ông Thọ trả lời: “Tôi mới về quản lý UBND phường hơn một năm nay, địa bàn lại rộng rất có thể chưa bao quát hết”. Khi PV đặt câu hỏi về những trường hợp mua, bán đất đang được dư luận cho rằng có giang hồ bảo kê, làm luật và âm thầm qua mặt thì phía UBND xử lý thế nào? Ông Thọ khẳng định: “Chuyện giang hồ bảo kê là thông tin bịa đặt, nếu có trường hợp nào như thế chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”.

    Còn tại UBND phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều lần PV đến liên hệ công tác nhưng vẫn nhận được câu trả lời từ bộ phận trực ban rằng lãnh đạo đang đi vắng. PV lại tiếp tục đến để liên hệ công tác với UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Khi lên gặp trực tiếp bà Khương Thị Tuyết Mai – Chủ tịch UBND phường, chúng tôi ngay lập tức bị từ chối và được giới thiệu xuống làm việc với bộ phận văn phòng. Tại Văn phòng UBND phường Quảng An, chúng tôi được người phụ trách yêu cầu để lại thông tin rồi phía Ủy ban sẽ có lịch trả lời báo chí sau. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết các lãnh đạo đã được xếp lịch bận trong cả tuần. Kiên nhẫn chờ đợi nhưng đã một tuần trôi qua, bản báo vẫn chưa nhận được thông tin hồi âm từ đại diện của phường này.

    Cũng đem câu hỏi này lên gặp lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, Hà Nội, PV được giới thiệu đến làm việc với ông Lê Trung Đức – Chánh văn phòng UBND quận. Tại đây, ông Đức cũng yêu cầu PV để lại nội dung và thông tin để trình lên lãnh đạo rồi sẽ thông báo lại. Khi phóng viên đề cập đến chuyện muốn UBND quận hợp tác trả lời báo chí trong thời gian sớm nhất thì vị này cho biết là cứ đợi, khi nào lãnh đạo thu xếp thì mới có thể hồi âm lại được.

    Do sự yếu kém trong công tác quản lý

    Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp là do sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở và một bộ phận nhỏ chủ đầu tư xây dựng ý thức chấp hành pháp luật kém. Để triệt để xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, phải đưa các quy định, cùng những chế tài xử lý cụ thể đối với các vi phạm của các công trình nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp. Bởi thực tế để xử lý những thực trạng tồn đọng trong công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thì rõ ràng không thể chỉ xử lý mỗi công trình là nhà mà không xử lý vi phạm về đất.

    (Nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT Đặng Hùng Võ)

    TRUNG DŨNG – TRẦN QUYẾT

     Xem thêm video:

    [mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-cuoi-quyen-luc-ngam-trong-the-gioi-xa-xeo-dat-nong-nghiep-thanh-nha-o-a105317.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.