+Aa-
    Zalo

    Kỳ họp Quốc hội thứ 10: Chất vấn tổng thể các lĩnh vực

    • DSPL
    ĐS&PL Tại kỳ họp thứ 10 khai mạc vào ngày mai (20/10), Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn tổng thể các lĩnh vực chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực như tại các kỳ họp trước.

    Tại kỳ họp thứ 10 khai mạc vào ngày mai (20/10), Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn tổng thể các lĩnh vực chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực như tại các kỳ họp trước.

    Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn tổng thể các lĩnh vực chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực như tại các kỳ họp trước - Ảnh: VGP/Thành Chung

    Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp thứ 10 cho biết thông tin trên tại buổi họp báo diễn ra sáng 19/10.

    Theo ông Phúc, tất cả các thành viên Chính phủ sẽ có mặt trong 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp vào giữa tháng 11 để các đại biểu Quốc hội chất vấn đối với các vấn đề quan tâm, những mặt hạn chế để thống nhất các phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

    Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thực hiện chất vấn các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tư pháp trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với sự tham gia của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.

    Theo đó, quy trình sẽ là Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ (năm 2011) tới nay. Căn cứ vào báo cáo đó, các đại biểu Quốc hội sẽ đặt câu hỏi chất vấn. Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết riêng để chuyển lại cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, đảm bảo những cách làm tốt được nhân rộng, những hạn chế được khắc phục tới cùng.

    Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là cách làm mới khi kỳ họp thứ 10 có ý nghĩa quan trọng, là kỳ họp cuối cùng của năm 2015 và là một trong những kỳ họp cuối của khóa XIII.

    Ngoài nội dung trên, ông Phúc cũng cho biết kỳ họp này có khối lượng công việc nặng nề với số lượng tài liệu nhiều gấp 3 lần ở các kỳ họp trước đó.

    Một trong những điểm chính là kỳ họp này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tư pháp nếu các đạo luật được Quốc hội thông qua. Có thể kể đến các đạo luật lớn như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam....

    Về xây dựng pháp luật nói chung, kỳ họp này sẽ xem xét, thông qua 18 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 8 dự án luật để nhằm thực hiện cụ thể các quy định của Hiến pháp năm 2013.

    Quốc hội cũng tiến hành bầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia với 15-21 thành viên tại kỳ họp này để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XIV.

    Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, kế hoạch thực hiện năm 2016; đánh giá việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm qua và trong 5 năm tới; các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp...

    Kỳ họp thứ 10 sẽ kéo dài trong 31 ngày làm việc.

    Theo baochinhphu.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-hop-quoc-hoi-thu-10-chat-van-tong-the-cac-linh-vuc-a115614.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.