+Aa-
    Zalo

    Kỳ lạ chuyện Thủ tướng thời Dân quốc 2 tay tặng vợ cho tình địch

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Sau khi được Đoàn Kỳ Thụy cưới về, Lưu Thị vẫn chưa hết nguôi ngoai mối tình đầu, thường xuyên hẹn hò với người đàn ông này.

    (ĐSPL) - Sau khi được Đoàn Kỳ Thụy cưới về, Lưu Thị vẫn chưa hết nguôi ngoai mối tình đầu, thường xuyên hẹn hò với người đàn ông này.

    Đoàn Kỳ Thụy sau khi phát hiện chuyện này, sai vợ tổ chức nghi lễ như gả con gái về nhà chồng rồi gọi tình nhân tới và tác thành cho hai người…

    Sau khi Viên Thế Khải chết, từ năm 1912 – 1928, Trung Quốc bước vào giai đoạn thống trị của quân phiệt Bắc Dương. Trong suốt thời kỳ này, chính quyền trung ương đặt tại Bắc Kinh bị khống chế bởi các tướng lĩnh khác nhau quân Bắc Dương.

    Đoàn Kỳ Thụy.

    Các chức vụ Tổng thống và Thủ tướng, hai chức vụ quan trọng nhất trong chính quyền Bắc Dương vì thế cũng thay tên đổi chủ liên tục. Nội các lâu nhất thì được hơn 1 năm, có nội các chỉ tồn tại 6 ngày, chỉ trong vòng 16 năm có tổng cộng 26 người đảm nhiệm chức Thủ tướng.

    Trong số gần 30 Thủ tướng thời kỳ này, vị Thủ tướng nổi tiếng và được bàn cãi nhiều nhất chính là Đoàn Kỳ Thụy. Họ Đoàn vốn tên thật là Khởi Thụy, tự là Chi Tuyền, là thủ lĩnh của quân phiệt An Huy (vùng An Huy, Trung Quốc).

    Năm 1881, khi mới chỉ 16 tuổi, Đoàn Kỳ Thụy mang theo một lạng bạc, đi bộ cả tháng trời vượt hơn hai ngàn kilomet tới Uy Hải, Sơn Đông nơi một người chú trong họ là Đoàn Tùng Đức đang làm chức Quân đới, để xin vào quân đội.

    Cuối năm đó, Đoàn được đưa vào học tại Học viện Quân sự Bảo Định, chuyên ngành pháo binh.  Đoàn tốt nghiệp thủ khoa đầu lớp. Sau khi tốt nghiệp năm 1885, Đoàn được chuyển đến Lữ Thuận Khẩu để giám sát việc xây dựng công sự pháo binh. Tại đây ông đã được Lý Hồng Chương trọng dụng và gửi đi nghiên cứu khoa học quân sự ở Đế chế Đức trong hai năm. Về nước năm 1891, Đoàn được phong làm Ủy viên trưởng Cục Quân giới Bắc Dương, rồi sau đó nhận làm trợ giảng tại Học viện Quân sự ở Ủy Hải, Sơn Đông.

    Sau đó, Đoàn được Viên phong chỉ huy pháo binh trong Tân quân. Trong hơn 20 năm, Đoàn Kỳ Thụy nhanh chóng thăng tiến, trở thành quan chi phủ, hàm tam phẩm. Hai năm sau, triều đình nhà Thanh thành lập cơ quan huấn luyện Tân quân (quân đội kiểu mới) dưới sự lãnh đạo của Viên Thế Khải. Đoàn Kỳ Thụy được Viên giao cho nhiệm vụ huấn luyên Tân quân với chức vụ Chính sứ Quân lệnh ty. Cùng với Vương Sỹ Trân, Phùng Quốc Chương, Đoàn Kỳ Thụy được gọi là “Bắc Dương tam kiệt”.

    Năm 1912, sau khi Viên Thế Khải chết, các tướng lĩnh quân phiệt Bắc Dương thay nhau khống chế chính quyền Bắc Kinh, sử gọi là chính quyền Bắc Dương. Từ 1916 – 1918, Đoàn Kỳ Thụy được bổ nhiệm làm Thủ tướng trong nhiều nội các khác nhau dù thời gian cầm quyền không dài. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn quân phiệt An Huy của Đoàn và quân Trực Lệ của Ngô Bội Phù, quyền lực của Đoàn gần như tiêu tan. Đoàn phải chạy sang tô giới Nhật Bản để chốn.

    Ngày 23/10/1924, quân phiệt Phùng Ngọc Tường phát động chính biến ở Bắc Kinh, phế tổng thống Tào Côn, mời Tôn Trung Sơn đến Bắc Kinh đàm phán, và thỏa hiệp với các quân phiệt Trương Tác Lâm, Trương Học Lương, Trương Tông Xương. Phùng cũng mời Đoàn nắm giữ chức vụ Tổng thống trong Chính phủ lâm thời Bắc Dương. Tuy nhiên, lần trở lại này của Đoàn không thành công do không còn thực quyền trong quân đội. Tháng 4/1926, Phùng Ngọc Tường lại một lần nữa phát động chính biến, Đoàn lại phải chạy đến Thiên Tân để lánh nạn. Từ đó, Đoàn thoái ẩn cho tới khi qua đời vào năm 1936.

    Ba lần đảm nhiệm chức chính quyền Bắc Dương, một lần làm Tổng thống, Đoàn Kỳ Thụy được coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ này. So với các quân phiệt Bắc Dương khác, Đoàn Kỳ Thụy khá khác biệt. Đoàn nổi tiếng là một đời làm quan thanh liêm và không hề có những tật xấu như rượu và gái như các tướng lĩnh quân phiệt khác. Người dân khi đó vẫn gọi Đoàn là vị “Thủ tướng 6 không”: Không hút thuốc, không uống rượu, không chơi gái, không đánh bạc, không tham tiền, không chiếm đoạt của người khác.

    Mặc dù vậy, Đoàn cũng giống như các tướng lĩnh Bắc Dương khác, có rất nhiều vợ. Trước sau, Đoàn Kỳ Thụy lấy hai cô vợ cả và có năm cô vợ bé. Năm 1901, sau khi người vợ đầu của Đoàn Kỳ Thụy mắc bệnh qua đời, Viên Thế Khải đã gả con gái nuôi của mình là Trương Bội Hoành cho Đoàn làm vợ hai. Ngoài 2 người vợ chính thức, 5 người vợ bé của Đoàn Kỳ Thụy đều là do Trương Bội Hoành tuyển lựa. Nguyên nhân là do Trương không sinh được con trai, sợ người ngoài nói là không làm tròn bổn phận của người vợ nên mới tìm vợ bé để sinh con trai nối dõi cho nhà họ Đoàn.

    Trong 5 người vợ bé này thì cô đầu tiên họ Trần, qua đời năm 1914. Một đứa con trai và một con gái do Trần Thị sinh ra đều yểu mệnh. Cô vợ bé thứ hai họ Biên, chỉ sinh được một cô con gái. Cô ba và cô tư đều họ Lưu, người hầu nhà học Đoàn gọi họ là “Lưu tam” và “Lưu tứ”. Cô thứ năm họ Lý, cũng được gọi là “Lý ngũ”. Cả ba cô này đều xuất thân thấp hèn, do bà cả Trương Bội Hoành bỏ tiền ra mua về. Chính vì vậy, ba cô vợ bé này gây ra khá nhiều phiền toái cho Đoàn Kỳ Thụy.

    Ở nhà, Đoàn Kỳ Thụy nổi tiếng là người gia trưởng, tính tình lại rất nóng nảy, một khi đã nói một không ai dám nói hai, quản lý vợ cũng rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, nhiều người nói thực tế Đoàn dù thành công trên chính trường nhưng lại thất bại trong việc “tề gia”. Mặc dù là vị Thủ tướng “6 không”, trong đó, Đoàn Kỳ Thụy cực kỳ ghét người hút thuốc. Thế nhưng, các cô vợ của Đoàn lại vụng trộm Đoàn hút thuốc.

    Năm 1918, khi Đoàn bị thôi chức Thủ tướng, tới lánh nạn tại tô giới Nhật Bản ở Thiên Tân tại nhà một thuộc hạ tên là Ngụy Tông Hàn. Một năm sau đó, Đoàn nhận lời mời của một thuộc hạ khác là Điền Trung Ngọc tới Đại Liên trị bệnh, mang theo Trương Bội Hoành và cô vợ bé thứ hai họ Biên. Ba cô vợ bé còn lại ở lại Thiên Tân, không có ai quản thúc nên thường xuyên trang điểm lòe loẹt rồi ra ngoài chơi bời, thường phải tới quá nửa đêm mới về nhà. Một lần, Đoàn Kỳ Thụy về Thiên Tân phát hiện trong nhà có điều gì đó không bình thường, hai cô vợ bé cũng như bọn người hầu đều giấu giếm Đoàn điều gì đó.

    Một hôm, nửa đêm Đoàn ngủ không được nên trở dậy ra sân tản bộ. Đúng lúc đó thì phát hiện cô vợ bé thứ ba đi chơi đêm về. Đoàn Kỳ Thụy nhìn bộ dạng của “Lưu tam” mà ngỡ như phát hiện người ngoài hành tinh. Một tướng lĩnh quân đội “6 không” như Đoàn không thể nào ngờ được rằng có ngày vợ mình lại có thể ăn mặc như một cô kỹ nữ đi chơi tới nửa đêm mới quay về nhà.

    Lúc bấy giờ, “Lưu tam” cũng sợ đến tái xanh mặt mày. Lưu Thị biết tính tình của Đoàn Kỳ Thụy gia trưởng thế nào nên tự biết kết cục của mình sẽ ra sao. Không nằm ngoài dự đoán, Đoàn Kỳ Thụy trong cơn tức giận đã tát Lưu Thị một tát rồi hầm hầm quay vào nhà. Sáng hôm sau, Đoàn sai Trương Bội Hoành đưa Lưu Thị trở về nhà mẹ đẻ.

    Chuyện của cô vợ bé thứ 3 còn chưa yên thì cô thứ 4 lại xảy ra chuyện. Chẳng là cô “Lưu tứ” khi còn chưa được mua về nhà họ Đoàn đã từng yêu một người đàn ông. Tuy nhiên, sau khi được Đoàn cưới về, Lưu Thị vẫn chưa hết nguôi ngoai mối tình đầu, thường xuyên hẹn hò với người đàn ông này. Đoàn Kỳ Thụy sau khi phát hiện chuyện này, sai vợ tổ chức nghi lễ như gả con gái về nhà chồng rồi cho gọi tình nhân tới và tác thành cho hai người. Việc Đoàn Kỳ Thụy gả vợ mình cho tình nhân đã trở thành một giai thoại khi đó bởi nó khác hẳn chuyện cướp đoạt vợ người khác thường thấy của các tướng lĩnh quân phiệt.

    ĐẠI NAM

    Bài đã đăng trên Hôn nhân & Pháp luật/một chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật

    Xem thêm video: Cháy nhà dưỡng lão ở Trung Quốc, 38 người chết

    [mecloud]b2gsobwHAi[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-la-chuyen-thu-tuong-thoi-dan-quoc-2-tay-tang-vo-cho-tinh-dich-a95963.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.