+Aa-
    Zalo

    “Kỳ thi ĐH và CĐ của Việt Nam chưa bao giờ công bằng kể từ gần 40 năm trở về đây”

    • DSPL
    ĐS&PL Báo ĐS&PL đã nhận được bài viết thể hiện quan điểm của TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội, về cơ chế cộng điểm phụ của bộ GD.

    Thông tin về việc trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có thí sinh đạt gần 30 điểm vẫn trượt đại học chỉ vì thiếu tiêu chí phụ đã khiến dư luận một lần nữa đặt vấn đề về điểm cộng ưu tiên, điểm làm tròn... Về vấn đề này, báo ĐS&PL đã nhận được bài viết thể hiện quan điểm của TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội.

    Ai đã tước cơ hội của thí sinh gần 30 điểm?

    Mỗi mùa tuyển sinh mới, phụ huynh và thí sinh lại đứng ngồi không yên. Kỳ tuyển sinh năm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sau khi các trường công bố điểm trúng tuyển, nhiều thí sinh bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay được cho là cao kỷ lục trong nhiều năm.

    Theo thống kê sơ bộ về kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017, trong số 860.000 thí sinh dự thi THPT Quốc gia có tới hơn 4.150 điểm 10. Con số này nhiều gấp 60 lần năm ngoái. Cũng theo thống kê, có 13 em đạt điểm 30 (khối A: 3, khối B: 10, các khối khác không có em nào). Các thí sinh đạt số điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng. Điểm ưu tiên từ 0,5 đến 2,5 điểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là theo quy chế tuyển sinh của bộ GD&ĐT, điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển.

    Tức là khi điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng những thí sinh ở mức dưới 30 điểm, nhưng được cộng điểm ưu tiên nên sẽ bằng hoặc hơn 30 điểm. Một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn nên năm nay mới có điểm chuẩn là 30,25 và 30,5 điểm. Vậy những thí sinh được điểm tuyệt đối 30 đương nhiên sẽ trượt.

    Có thí sinh dù đạt gần 30 điểm vẫn trượt đại học (Ảnh minh họa).

    Vừa qua, dư luận rất tiếc cho thí sinh ở Thạch Thất - Hà Nội có tổng điểm là 29,15 (làm tròn thành 29,25), em chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội nên đã trượt ngành Y Đa khoa - ĐH Y Hà Nội. Trong khi những thí sinh đạt 25,75 điểm được thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ ĐH.

    Hay trường hợp của thí sinh tại TP.HCM đạt được số điểm khá cao: Toán 9,6 ; Hóa 9,75 ; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Với số điểm này em rất tự tin đăng ký nguyện vọng ưu tiên số 1 là vào ngành Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM. Các nguyện vọng tiếp theo là Y Đa khoa - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y Đa khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ. Với số điểm trên thì điểm xét tuyển cho khối B của em là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không được điểm ưu tiên).

    Như vậy, theo quy tắc làm tròn, điểm nam sinh này giảm xuống còn 29,25 điểm. Điều xót xa là NV1 ngành Y Đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM lấy đúng 29,25 điểm nhưng lại xét tiêu chí phụ: Tiêu chí đầu tiên, Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên (nam sinh trên chỉ được 8,8 điểm Tiếng Anh) và đương nhiên nam sinh này không có tên trong danh sách trúng tuyển của Y Đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM.

    Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thí sinh đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt ĐH là câu chuyện vô lý trong tuyển sinh. Việc nhiều trường đưa ra mức điểm trúng tuyển là 30,25 hay 30,5 điểm đã khiến cho những thí sinh thực sự giỏi nhưng không được điểm ưu tiên mất đi cơ hội vào các trường top cao mà các em hằng mong muốn. Và vấn đề điểm cộng ưu tiên, điểm làm tròn lại được dư luận đặt ra bàn luận với câu hỏi: Phải chăng, việc cộng quá nhiều điểm ưu tiên là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều học sinh điểm vô cùng cao nhưng vẫn trượt, tạo nên sự bất công...

    Khổ vì “mác” Thủ đô

    Cá nhân tôi nhận định, kỳ thi đại học và cao đẳng của chúng ta chưa bao giờ công bằng kể từ gần 40 năm trở về đây.

    TS.Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội.

    Vì sao vậy? Điều này, chúng ta chỉ cần hỏi tất cả các thí sinh tham gia kỳ thi CĐ và ĐH mà có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và TP.HCM sẽ thấy. Với lý do nghèo đói, các bạn ở các tỉnh đã được bộ GD&ĐT quyết định chế độ cộng điểm.

    Ngày trước, điều kiện kinh tế còn khó khăn, điều này vẫn có thể chấp nhận được dù rõ ràng là sự mất công bằng. Nhưng giờ đây, khi kinh tế đã khá giả, các thí sinh vùng nông thôn cũng có điều kiện học tập rất tốt, cộng thêm sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì chế độ cộng điểm này không những không còn phù hợp mà còn gây ra bất công rất lớn cho các học sinh ở các thành phố lớn.

    Đặc biệt, nếu so sánh thí sinh tại các thị trấn, thị xã của các tỉnh thành như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... thì các thí sinh tại các huyện của Hà Nội như Thạch Thất, Ba Vì,... còn khó khăn vất vả và thiếu thốn hơn nhiều. Tuy nhiên, với mác là cư dân Hà Nội, các em đã phải chịu sự thiệt thòi rất lớn.

    Ngoài ra, chúng ta có thể thấy rõ rằng, dù ở Hà Nội, nhưng cũng không thiếu các gia đình có gia cảnh vô cùng khó khăn, chạy ăn từng bữa. Nếu so sánh với các bạn nhỏ ở tỉnh, đôi khi các thí sinh này còn gặp khó khăn hơn nhiều.

    Như vậy, chế độ cộng điểm thực chất chỉ là sự mất công bằng dành cho các thí sinh ở các thành phố lớn mà thôi.

    Với mục tiêu đào tạo các bạn nông thôn, vùng sâu vùng xa để sau khi tốt nghiệp, các bạn trở về xây dựng quê hương, bộ GD&ĐT đã xây dựng chế độ cộng điểm. Tuy nhiên, hiện giờ, tỉ lệ các sinh viên tốt nghiệp đại học quay trở về xây dựng quê hương, theo tôi biết là vô cùng thấp. Hơn nữa, với mục tiêu này, các bạn có thể theo học ở các hệ tại chức, đào tạo từ xa,... sẽ phù hợp hơn là chế độ cộng điểm như hiện nay.

    Những hệ luỵ đáng tiếc

    Vấn đề cộng điểm còn trở thành một trong những nguyên nhân của chảy máu chất xám. Điều này có vẻ nghe vô lý. Tuy nhiên, nếu đứng ở vị trí của 1 phụ huynh thành phố lớn có con sắp thi đại học, chúng ta sẽ thấy nguyên nhân này là có thật.

    Các cha mẹ thấy rõ nếu thi đại học trong nước, con cái họ sẽ phải chấp nhận sự mất công bằng. Con họ học ngày học đêm vất vả, đến khi thi nếu chẳng may sảy chân, số điểm không như ý thì sẽ phải chấp nhận mất cơ hội đến với giảng đường đại học.

    Đặc biệt là khi, với các bạn ở thành phố, để vào được đại học, các bạn phải giỏi hơn các bạn ở khu vực khác đôi khi tới tận 3,5 điểm. Đây là số điểm không nhỏ, nó có thể là ở 2 mức đánh giá giỏi và khá. Nghĩa là các bạn thí sinh giỏi chẳng may sảy chân có thể trượt đại học và nhìn những bạn thí sinh chỉ đạt mức khá ung dung vào trường với số điểm cộng của mình.

    Vậy nên, thay vì tập trung vào học để thi đại học, nhiều gia đình đã chọn giải pháp cho con học ngoại ngữ để đi học đại học ở nước ngoài. Nơi đó các con sẽ được tuyển sinh vào trường với cơ chế công bằng hơn. Rất nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đã ở lại nước ngoài mà không trở về. Chất xám đã thực sự bị chảy máu.

    Năm nay, với tiêu chí kỳ thi nhẹ nhàng, bộ GD&ĐT đã đưa việc tổ chức làm thi về các cụm thi tại địa phương. Điều này cùng với kiểu thi trắc nghiệm đã trở thành nguyên nhân của hiện tượng “bão” điểm 10. Số thí sinh có điểm tổng từ 29 – 30 điểm không hề hiếm, thậm chí quá nhiều.

    Từ đây, câu chuyện vô lý, hài hước đã diễn ra khi một số trường, một số ngành nghề, điểm chuẩn đầu vào đại học cao hơn cả tổng điểm tối đa. Điều nghịch lý này đã xảy ra và chứng tỏ một sự thật rất rõ ràng: Các thí sinh thành phố lớn đang thực sự bị đối xử bất công.

    Nếu họ kém, họ không thể bước chân vào cánh cổng trường đại học là điều cũng hợp lý. Nhưng với tổng số điểm từ 28 – 30, rõ ràng họ chẳng thua kém thí sinh ở các tỉnh thành khác, thậm chí giỏi hơn, nhưng họ không thể đỗ được theo nguyện vọng chỉ vì họ không có một số điểm ưu tiên nào. Nói cách khác, với cách thi cử và cộng điểm ưu tiên dạng này, một số ngành đã hoàn toàn đóng cửa với những thí sinh thành phố lớn.

    Đã có phụ huynh nói đùa với chúng tôi rằng: Ngành an ninh chỉ dành riêng cho con em cán bộ trong ngành và các con em dân tộc miền núi. Lý do đơn giản là đạt được mức điểm chuẩn của ngành mà không có điểm cộng thì gần như không khả thi (điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ tại học viện Chính trị Công an Nhân dân, ngành D01 là 30,5 điểm).

    Một chính sách rất cũ kĩ đã tồn tại trên 40 năm, để lại nhiều thiệt thòi cho hàng triệu thí sinh thành phố có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi. Đã có rất nhiều thế hệ trong các gia đình thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phải chịu đựng sự bất công này. Chúng tôi tha thiết mong bộ Giáo dục sớm sửa đổi để kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng thực sự đạt được tiêu chí công bằng.

    * Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

    TS.Vũ Thu Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-thi-dh-va-cd-cua-viet-nam-chua-bao-gio-cong-bang-ke-tu-gan-40-nam-tro-ve-day-a198689.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan