+Aa-
    Zalo

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 2: Chuyện những người giữ biển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tàu KN 628 thả trôi dập dềnh theo con nước, chúng tôi ngồi quây quần trên boong, nhâm nhi chén nước trà và nghe các anh CSB, KNV kể về quá trình thực hiện nhiệm vụ.

    Tàu KN 628 thả trôi dập dềnh theo con nước, chúng tôi ngồi quây quần trên boong, nhâm nhi chén nước trà và nghe các anh Cảnh sát biển (KSB), Kiểm ngư viên (KNV) kể về quá trình thực hiện nhiệm vụ cam go, quyết liệt.

    Đêm bình yên ở Hoàng Sa

    Biển về đêm hiền hòa, gió hiu hiu thổi, mặt nước lấp lánh ánh trăng, những phút giây yên bình ở Hoàng Sa. Các anh kể chúng tôi nghe về đời sống trên biển, gia đình và đồng đội.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 2: Chuyện những người giữ biển
    Dâng lá quốc kỳ xin thề “tôi nguyện hy sinh vì Tổ quốc”.

    Thuyền trưởng tàu KN - 628 Hoàng Văn Lâm tâm sự: “Nghề này ai thật sự yêu thích và dám hy sinh mới theo đuổi đến cùng. Vì nhiệm vụ, mọi người phải thường xuyên xa gia đình, sống lênh đênh trên biển cả tháng trời, cặp bờ lo bảo dưỡng máy móc và chuẩn bị cho chuyến đi mới. Ai vợ, con gần thì được ở bên nhau hai ba buổi tối, người gia đình xa thì chờ ngày nghỉ phép. Trên biển chỉ quẩn quanh tàu, anh em mỗi người một quê, một hoàn cảnh nên xem nhau như máu mủ, ruột thịt, thương yêu, đùm bọc nhau trong cuộc sống và công việc. Kể về hoàn cảnh các chiến sĩ CSB và KNV thì nhiều người còn khó khăn lắm, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng động viên nhau vượt qua tất cả, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

    Trong chiến dịch thực hiện nhiệm vụ ở Hoàng Sa vừa qua, nhiều chiến sĩ tự hào vì được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay tại Biển Đông. Qua chuyện kể, tôi được biết Chi bộ tàu CSB 4034 tổ chức kết nạp Đảng cho hai đồng chí Trương Văn Trọng và Lâm Văn Điện, chuyển Đảng chính thức cho trung úy Tống Văn Biên. Các chiến sĩ được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay trên tàu đang thực thi nhiệm vụ là niềm vinh dự, tự hào, là kỷ niệm nhớ mãi suốt cuộc đời.

    Buổi sáng sớm đầu tiên ra Hoàng Sa trên tàu CSB 8003, chúng tôi được chứng kiến nghi thức chào cờ trên biển. Dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, mỗi người chiến sĩ đều thấy rõ niềm vinh dự và tự hào, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Lời hát Quốc ca đã vang lên trên vùng biển Hoàng Sa mà bao thế hệ cha anh đã đổ máu, vun thành cột mốc chủ quyền thiêng liêng cho Tổ quốc.

    Bố cứ xin cho con đi

    Trung sĩ Trần Hữu Trà, nhân viên tàu 4032 học cao đẳng kế toán ra trường, tiếp bước truyền thống của bố làm CSB nên cậu tình nguyện vào CSB. Ba tháng sau khi nhập ngũ Trà được cử đi học chuyên môn tại Hải Phòng. Nghe tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam, Trà điện thoại nói bố xin cho con được ra Hoàng Sa cùng các anh làm nhiệm vụ. Ông Trần Hữu Lượng nghe con nói vậy thì hỏi “ngoài đó đang phức tạp và nguy hiểm, con đi không sợ à?”. Trà đáp lời bố “con không sợ, bố cứ xin cho con đi, con nguyện hy sinh vì Tổ quốc”.

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 2: Chuyện những người giữ biển
    Mỗi buổi sáng, các chiến sĩ tập trung ở boong tàu thực hiện nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca vang vang trên biển Hoàng Sa.

    Ông Trần Hữu Lượng xúc động trước tinh thần của cậu con trai độc đinh nên đến gặp thủ trưởng xin cho Trà được lên tàu ra Hoàng Sa cùng các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ông Lượng tâm sự: “Tôi tin và tự hào về con trai, nó đã trưởng thành, trở thành một người đàn ông chân chính, trụ cột của gia đình”.

    Phút giây yêu đời

    7h sáng ngày 16/7, tàu KN - 628 nhận lệnh trở về đất liền. Tàu mổ lợn 50kg để liên hoan, ngồi vào mâm cơm, thuyền trưởng Lâm nói: “Đáng lẽ có món tiết canh ngon nhưng trên biển thì phải chấp hành ăn chín, uống sôi, bảo đảm sức khỏe để làm nhiệm vụ. Anh em trên tàu cất giữ được ít rượu, hôm nay vào bờ mang ra mời cả nhà cùng vui”. Chúng tôi vỗ tay, nâng chén chúc mừng cán bộ, kiểm ngư viên tàu 628 hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trở về.

    Cán bộ tàu KN - 628 Đoàn Bảo Anh cầm cây đàn ghi ta trên tay nói, mình sẽ hát tặng các bạn bài hát do mình sáng tác “Chuyện tình người lính biển”. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, dù phải hy sinh chúng tôi quyết không để mất một tấc biển đảo của Tổ quốc. Bảo Anh ngân nga câu hát, hòa vào sóng biển du dương: “Chỉ có con sóng xô bờ mới hiểu/ Chỉ có cơn gió ru hoài mới hiểu/ Câu chuyện tình, vượt đại dương, từ bao la sóng vỗ/ Chẳng thể hiểu đâu, người con gái quê nhà, đem lòng yêu chàng trai đêm ngày giữ biển… Em dù vẫn biết xa anh đầy nỗi nhớ/ Lòng thủy chung em trao anh và biển/ Biển rộng mở, biển bao dung, biển khát khao một tình yêu nồng cháy…”.

    Kiểm ngư viên Trương Đình Diên cao hứng, đứng dậy nói: Em xin đọc tặng các anh bài thơ “Nhật ký những chuyến tàu”. Em làm bài thơ này lúc còn làm nhiệm vụ trên biển, để tặng vợ nhân ngày cưới.

    Anh lại lên tàu rẽ sóng ra khơi

    Tạm biệt phố phường, tạm biệt ánh mắt người em gái

    Sóng rẽ đôi cho con tàu bẻ lái

    Cánh hải âu thăm thẳm giữa bầu trời

    Gió nói gì cùng sóng biếc biển khơi

    Nhắc anh nhớ những chiều dắt tay em đi dọc bờ cát trắng

    Em hỏi thầm ở ngoài kia chắc sóng chẳng lặng

    Như chuyện chúng mình lắm lúc bão giông

    Tàu lại đi vào vùng trắng xóa những cơn mưa

    Trắng trời mịt mùng những ngày bão tố

    Tiếng trẻ con vui chơi trên hè phố

    Nhắc con vững vàng giữa sóng gió biển khơi

    Có những đêm sao thắp sáng trời

    Ngửng mặt nhìn lên thấy muôn vàn tinh tú

    Nguyện hóa máu mình cho màu cờ Tổ quốc đỏ tươi

    Câu hát, lời thơ đã nói lên nỗi lòng của những người giữ biển, kiên trung bất khuất nhưng cũng lãng mạn, yêu đời, giúp con tàu vượt qua sóng dữ, bão giông. Đất nước Việt Nam với 3.260km đường bờ biển và 1.000.000km2 diện tích vùng biển thuộc chủ quyền sẽ được bảo vệ vững chãi bởi những con người trung kiên.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-hoang-sa---bai-2-chuyen-nhung-nguoi-giu-bien-a46372.html
    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua nhưng trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn thổn thức khi nghe Tổ quốc gọi tên mình.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Ký ức Hoàng Sa - Bài 1: Đường đến Hoàng Sa

    Sự kiện TQ hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã đi qua nhưng trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn thổn thức khi nghe Tổ quốc gọi tên mình.