+Aa-
    Zalo

    Ký ức trước ngày giải phóng Thủ đô của anh hùng phá bom cảm tử

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Ông Nguyễn Tiến Thụ là người đã vô hiệu hóa hàng trăm hàng ngàn quả bom tại con đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần giải phóng Thủ đô.

    (ĐSPL) - Ông Nguyễn Tiến Thụ (tổ 30, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) là người đã vô hiệu hóa hàng trăm hàng ngàn quả bom tại con đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần giải phóng Thủ đô.

    (b giay)Ký ức trước ngày giải phóng Thủ đô của anh hùng phá bom c

    Nhân dân Thủ đô chào mừng đoàn quân giải phóng.

    Làm cách mạng từ năm 14 tuổi

    Mặc dù ông Nguyễn Tiến Thụ đã 80 tuổi nhưng những ký ức về thời chiến vẫn vẹn nguyên. ông Nguyễn Tiến Thụ, SN 1934, quê gốc ở xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Lớn lên, chứng kiến cảnh đất nước bị giặc xâm lăng, ông sớm có lòng căm thù giặc. Năm 1948, ông gác lại việc học hành, tham gia các hoạt động cách mạng như liên lạc, văn phòng (in ấn tài liệu) và tham gia ban công tác đội, chuyên đào hầm bí mật, cất giấu cán bộ từ tỉnh về. ông đã tham gia đào được 8 hầm tại huyện bộ Việt Minh.

    (b giay)Ký ức trước ngày giải phóng Thủ đô của anh hùng phá bom c

    Ông Nguyễn Tiến Thụ.

    Cũng trong năm 1948, giặc Pháp đã mở trận càn dữ dội ở huyện Tiên Du. Trên cánh đồng từ huyện về xã Lạc Vệ có rất nhiều xác chết. Chánh văn phòng huyện bộ Việt Minh giao nhiệm vụ cho ông đem công văn đến xã Lạc Vệ. Trên đường, ông thấy có một số xác chết sau trận càn lúc chiều. Khoảng 22h đêm mới đến đoạn đường có xác chết, ông cũng thấy hơi sợ nhưng vẫn bình tĩnh đi qua. Khi đến Lạc Vệ, gặp và đưa công văn cho ông Thành Vân (cán bộ Việt Minh, huyện Tiên Du). Sau khi vượt qua rất nhiều thử thách, người chiến sỹ trẻ Tiến Thụ đã được cấp trên tin tưởng và giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

    Năm 1951, huyện cử ông tham gia đội thanh niên xung phong công tác Trung ương. ông được cử làm Phân đội phó và tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Kết thúc chiến dịch, ông được bầu là chiến sỹ thi đua của toàn đội. Tiếp đó, ông tham gia chiến dịch Tây Bắc, mở đường 13, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Con đường rậm rạp nên các chiến sỹ phải rất vất vả mới thông được.

    Tháng 12/1953, ông Thụ được kết nạp Đảng và nhận nhiệm vụ trong chiến dịch Thượng Lào. Tại đây, Pháp cũng thả nhiều bom nổ chậm, ông đã bắt đầu tìm hiểu về cách phá bom đạn. Năm 1953, theo Chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên xung phong được thành lập, mật danh là "Đoàn X-P". Bác Hồ cử ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác) làm đoàn trưởng. Cuối năm 1953, nhiệm vụ của đội thanh niên xung phong công tác Trung ương cơ bản hoàn thành, nữ thanh niên xung phong thì cho về hậu phương, nam thanh niên được điều động vào đoàn thanh niên xung phong. Đoàn quyết định thành lập đội phá bom nổ chậm. Hai đội TNXP (đội 40 và đội 34) được điều ra phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo giao thông cho chiến dịch. ông Thụ được cử làm Đại đội phó đại đội 404 (đội 40), phụ trách việc phá bom nổ chậm.

    Phá bom cảm tử

    Đại đội 404 có nhiệm vụ đảm bảo chốt ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (đều thuộc Sơn La). Tuy nhiên, điểm nóng nhất phải kể đến là ngã ba Cò Nòi. Đội phá bom trực thuộc quân số đội 40 trực tiếp nhận nhiệm vụ tại Cò Nòi. Ngã ba này nối đường 13 (từ Yên Bái vào Điện Biên Phủ) và đường 41 (từ Hòa Bình vào Điện Biên Phủ). Con đường có thung lũng hẹp, rất sâu. Đây được coi là con đường độc đạo mà tất cả ai muốn vào Điện Biên Phủ đều phải đi qua. Nếu ngã ba này tắc thì không thể vận chuyển được xe, pháo, lương thực cho chiến dịch.

    Tại đây, địch dùng 5 loại bom gồm: Bom phá, bom nổ chậm (nổ nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất a-xít, đặc thì bom nổ nhanh, loãng thì nổ chậm), bom cối xay, bom na pan (cháy), bom bươm bướm (chuyên sát thương con người). Bom nổ chậm thì có quả 200kg, 300kg, 1.000kg. Để phá được loại bom này, chiến sỹ của ta cần phải xác định vị trí. Các chiến sỹ phải có đài quan sát để theo dõi.

    Thấy máy bay thả bom, chiến sỹ phá bom phải để ý vị trí bom rơi, khi máy bay đi khỏi thì xuống phá. Vũ khí là xẻng, cuốc và thuốn dò bom. Khi tìm thấy ngòi bom, chiến sỹ phá bom đặt bộc phá cho nổ. Tuy nhiên, việc phá bom gặp rất nhiều nguy hiểm. Quả bom có ngòi nổ được bọc bằng nhựa có bọc a- xít thì thời gian nổ nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào liều lượng a- xít đặc hay loãng hoặc nhiệt độ môi trường nên rất khó lường trước được.

    "Giữa tháng Hai năm 1954, trận chiến Cò Nòi diễn ra ác liệt, địch thả 1 quả bom nổ chậm khoảng 500kg đúng tim đường và 1 quả ở rìa đường. Đội phân ra 4 người đi tìm và phá 2 quả bom trên. ông Tảo và ông Ngoạn tìm phá quả bom ở tim đường, còn ông Thụ với ông Thụy tìm quả ở rìa đường. ông Tảo và ông Ngoạn tìm thấy bom ở cách mặt đất 2 mét. Hai người thấy ngòi nổ đã chuẩn bị lấy bộc phá để kích nổ quả bom. Tuy nhiên, khi hai người chưa kịp cho bộc phá vào lỗ thì bom đã nổ, đồng chí Ngoạn bị thương nặng, 3 tiếng sau hy sinh; đồng chí Tảo thì bị bom nổ tan xác. Anh em phải đi nhặt từng mảnh thân thể, gói lại và chôn tượng trưng tại sườn đồi cạnh đó", ông Thụ nhớ lại.

    Theo ông Thụ, còn rất nhiều trường hợp khác đã bị nổ trước và bị bom vùi. Bản thân ông cũng đã 4 lần bị chôn sống khi đang làm nhiệm vụ. "Một lần, khoảng 17h ngày 16/2/1954, khi tôi đang tìm kiếm quả bom thì một tiếng nổ xé tan mặt đất và đất đá đổ ụp xuống. Tôi bị vùi trong lớp đất đá, nếu chậm khoảng 5 giây thì tôi đã chết. Sau khi hút đất ra, đồng đội kêu "ông Thụ đã sống rồi!", ông Thụ nhớ lại.

    Bom bướm là bom có sức sát thương lớn trên mặt đất. Địch thả quả "bom mẹ" to bằng thùng phuy (chứa 200 quả nhỏ, có cánh nhỏ) xuống thì bung nắp, các quả bom nhỏ bay tung tóe và cắm xuống đất, có người đụng đến mới nổ. Quả bom nhỏ nếu nổ sẽ sát thương rất nhiều người xung quanh. Đây là loại bom duy nhất có ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc phá bom bướm thì rất đơn giản. Cách xa thì dùng sào để chọc nổ, quả nào không nổ thì dùng sào có móc để giật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chọc không nổ và giật cũng không nổ. Một đồng đội của ông vừa chọc và giật mãi, quả bom không nổ. Tức mình, anh cầm quả bom lên định quẳng xuống vực, tuy nhiên, vừa cầm lên thì bom nổ và tử vong ngay sau đó.

    Chứng kiến cái chết của đồng đội, ông Thụ rất buồn. ông quyết định phải tìm ra nguyên lý. ông tổ chức họp lại tất cả các anh em. Quyết định đào hố để phá những quả bom khó nổ. ông nhảy xuống hố và loay hoay 5 phút mà không tháo được. Lúc đó, ông mới 20 tuổi và không nghĩ đến việc tính mạng bị đe dọa mà chỉ nghĩ đến chiến thắng của chiến dịch. Mọi quả bom, cứ vặn xuôi theo kim đồng hồ nhưng quả bom bướm không phá được, ông vặn ngược lại thì thành công và đưa được ngòi nổ ra ngoài. Sau đó, ông tìm ra hướng phá bằng cách kéo về một nơi để dùng bộc phá và rất oan toàn, giảm tỉ lệ thương vong.

    Theo ông Thụ, trước sự khốc liệt của chiến tranh, trung bình mỗi ngày Cò Nòi hứng chịu 300 quả bom. Chỉ trong khoảng một tháng, Cò Nòi không còn màu xanh, cả một vùng đất bị tan hoang. Lúc đó, ông Thụ là Đại đội phó 404. "Đại đội của tôi có 200 người, đội phá bom có khoảng chục người, ai hy sinh thì bổ sung thêm”, ông Thụ nói. Trước tinh thần chiến đấu anh dũng, ông Nguyễn Tiến Thụ được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ xung phong số 1.

    Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ quan trọng tại Trung ương Đoàn Thanh niên. Sau này, ông tình nguyện trở về vùng đất Mỏ và làm Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ninh. Năm 1982, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm trưởng Ban cán sự Đoàn và được bầu là Bí thư thứ nhất tại đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô (cũ). Năm 1986, ông về nước và công tác tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến lúc nghỉ hưu. Ngày 23/07/2014, ông Thụ được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

    Sau khi về hưu, ông đã trở lại chiến trường xưa và đưa phần mộ đồng đội đã ngã xuống trở về an táng tại quê hương. Và, tất cả những kỷ vật của cuộc chiến đã được ông tặng lại cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

    Mốc son chói lọi

    Trong tâm trí người cựu binh TNXP, anh dũng Nguyễn Tiến Thụ ngày 10/10/1954 đã trở thành ngày lịch sử của dân tộc, Hà Nội bước sang một trang mới. Trải qua 60 năm, ký ức về những ngày đáng nhớ vẫn đậm nét trong ông và những người đồng đội đã may mắn trở về. Những ngày đoàn quân giải phóng trở về là những ngày Hà Nội vô cùng rộn ràng, vui mừng và hạnh phúc, Thủ đô đã thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp gần một thế kỷ. Nhân dân Thủ đô như vỡ òa trong niềm vui chung của cả nước, sự hy vọng, mong chờ vào tương lai Hà Nội sẽ thay da đổi thịt, người dân được ấm no, hạnh phúc đã thành hiện thực. Đoàn quân giải phóng trở về, nhà nhà mở rộng cửa, người người náo nức vẫy tay chào, người lính như sứ giả mang đến cuộc sống mới cho người dân Thủ đô. Nhân dân đứng kín hai bên đường trong niềm hân hoan, phấn khởi, đoàn quân đi đến đâu cờ hoa vẫy mừng đến đó. Ngày lịch sử ấy đã đưa Hà Nội bước sang một trang sử mới.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-truoc-ngay-giai-phong-thu-do-cua-anh-hung-pha-bom-cam-tu-a54578.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan