+Aa-
    Zalo

    Kỹ xảo trong phim Việt: Tiết lộ của những "phù thủy điện ảnh"

    • DSPL
    ĐS&PL Ngoài kịch bản hay, diễn viên xuất sắc, ê-kíp chuyên nghiệp thì công nghệ là yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên thành công của bộ phim.

    Khán giả đã từng phải thốt lên đầy thán phục, trầm trồ, choáng ngợp trước những pha hành động thót tim hay hình ảnh thần tiên, khung cảnh kỳ vĩ trong các phim Thiên mệnh anh hùng, Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám: Chuyện chưa kể... Ngoài kịch bản hay, diễn viên xuất sắc, ê-kíp chuyên nghiệp thì công nghệ là yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên thành công của bộ phim. Ẩn sau những thước phim hoành tráng đó chính là bàn tay “phép thuật” mang tên kỹ xảo (Visual Effect - VFX).

    Kỹ xảo trong phim Việt đang đứng ở đâu?

    Kỹ xảo được xem là thứ “gia vị” đặc biệt tạo nên sự hấp dẫn, thú vị cho phim ảnh. Tuy nhiên, muốn dung hòa thứ “gia vị” ấy để tạo nên một bộ phim hay, vừa lòng người xem quả không phải là điều dễ dàng. Người làm kỹ xảo được ví như những “phù thủy” của bộ phim, biến những điều không tưởng thành hiện thực. Tuy nhiên, để có những “phù thủy” cao tay không phải là điều dễ dàng.

    Một cảnh phim sử dụng kỹ xảo trong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể".

    Dưới con mắt nghệ thuật của chuyên gia kỹ xảo Ngô Quốc Duy, một bộ phim cũng giống như một món ăn. Muốn làm nên món ăn ngon phải có nhiều yếu tố như nguyên liệu, cách chế biến, tay nghề đầu bếp, gia vị... Trong một bộ phim, kỹ xảo cũng đóng vai trò giống như gia vị.

    “Nếu gia vị góp phần tăng thêm hương vị cho món ăn, thì kỹ xảo cũng tăng thêm sự hấp dẫn cho bộ phim. Làm kỹ xảo có thể chỉ là thay một bầu trời, hoặc xóa biểu hiện nhỏ trên một tòa nhà, đưa một đoàn người vào một bối cảnh. Hầu như các phim hiện nay đều sử dụng hiệu ứng kỹ xảo, từ phim tình cảm lãng mạn đến phim bom tấn siêu anh hùng, chỉ khác nhau là hiệu ứng kỹ xảo được sử dụng như thế nào.

    Bước tiến vượt bậc nhất về mặt kỹ xảo phim của phim Việt phải kể đến trường hợp của Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Bộ phim được thực hiện với 100% ê-kíp người Việt, sử dụng công nghệ CGI, các cảnh kỹ xảo và cảnh thật khá ăn khớp gây được ấn tượng mạnh khi lên màn ảnh rộng”, Quốc Duy nói.

    “Ngày nay, khi kỹ xảo ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các nhà làm phim cũng mạnh tay hơn trong việc ứng dụng kỹ xảo vào sản phẩm của mình. Kỹ xảo mang đến cho các nhà sản xuất phim sức mạnh đặc biệt, cho phép họ có thể mơ nhiều hơn tới những điều mà con người chưa từng làm được, sáng tạo hơn các chi tiết trong kịch bản, mang tới cho khán giả những câu chuyện mới, hấp dẫn hơn như thể chạm tay vào một giấc mơ, khán giả sẽ có lúc như bị hớp hồn vì kỹ xảo.

    Ngoài ra, việc dùng kỹ xảo cũng là cách giúp nhà sản xuất giảm chi phí. Đôi khi, có những khung cảnh, địa điểm,... đoàn làm phim chỉ cần một phim trường rộng với nhiều phông xanh là đủ để tạo ra những thước phim như mong muốn”, chuyên gia kỹ xảo Lâm Thảo bật mí.

    Chuyên gia kỹ xảo Lâm Thảo.

    Điện ảnh Việt đã có khá nhiều bộ phim gây tiếng vang với hiệu ứng kỹ xảo bắt mắt, ấn tượng, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, hiệu ứng kỹ xảo trong phim Việt hiện nay chỉ ở mức tạm chấp nhận được. Ngay như Tấm Cám: Chuyện chưa kể vẫn lộ khuyết điểm quá đà, phi thực tế.

    Nói về điều này, chuyên gia kỹ xảo Nguyễn Quang Huy – người từng tham gia thực hiện kỹ xảo cho phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay,... cho rằng: “Để hoàn thiện một bộ phim có kỹ xảo tốt phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ kinh phí, thời gian, đội ngũ thực hiện, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện có đến sự kết hợp ăn ý, chặt chẽ giữa các khâu tiền kỳ, hậu kỳ, sản xuất. Đó là quy trình sản xuất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam quy trình còn rời rạc, nhân sự chuyên nghiệp thiếu, kinh phí, thời gian, cơ sở hạ tầng hạn hẹp, nên còn nhiều sản phẩm điện ảnh chưa tốt là khó tránh khỏi”. Bên cạnh đó, chuyên gia Lâm Thảo cho rằng, có lúc dùng kỹ xảo lại như “con dao hai lưỡi”.

    Trong khi đó, chuyên gia Quang Huy lại có góc nhìn nhẹ nhàng hơn: “Kỹ xảo điện ảnh ngoài việc vẽ lên được những điều chỉ có trong tưởng tượng, nó còn dùng để tô điểm thêm chi tiết cho phim, sửa các lỗi mà trong quá trình quay phim không tránh được. Nhiều nhà làm phim bây giờ sử dụng kỹ xảo điện ảnh khéo léo tới mức không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là hiệu ứng, người ta gọi nó là kỹ xảo vô hình, ngay cả những chuyên gia trong nghề khi xem phim cũng khó nhìn ra. Cho nên, nói nhiều phim Việt lạm dụng kỹ xảo là chưa đúng, chỉ là chưa đủ tinh tế thôi”.

    Còn vô vàn khó khăn

    Với tốc độ phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, kỹ xảo trong phim Việt cũng đã có những bước tiến khá ấn tượng. Thị trường mở cửa tạo điều kiện cho việc học hỏi, trau dồi tay nghề, công nghệ tiên tiến... là những thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn đó vô vàn áp lực, khó khăn.

    Chuyên gia kỹ xảo Nguyễn Quang Huy.

    Nói về đội ngũ kỹ xảo hiện nay của Việt Nam, chuyên gia Lâm Thảo cho biết: “Thực tế, anh em làm kỹ xảo đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, nhân lực mình sáng tạo, chịu khó nhưng chuyên môn còn phải học nhiều. VFX là ngành rất lớn nên cần những người làm việc chuyên sâu. Ở các nước phát triển, việc này phân chia rất rõ ràng, mỗi người chỉ một khâu thôi, còn ở mình, hiện tại, các anh em làm VFX đều phải làm một lúc 2-3 khâu.

    Thứ hai, việc sản xuất một sản phẩm phim ảnh, quảng cáo, MV ca nhạc đều trải qua nhiều khâu, góp sức của cả ê-kíp nên việc sử dụng kỹ xảo vào sản phẩm có hiệu quả hay không còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của cả ê-kíp và đội ngũ VFX.

    Thứ ba, vì thị trường còn mới, nên nhiều nhà sản xuất, khách hàng chưa có cái nhìn đúng đắn về công sức, giá trị của ngành kỹ xảo, bởi vậy chưa tạo đủ điều kiện về thời gian, kinh phí cho việc sản xuất một sản phẩm tốt. Ngoài khả năng chuyên môn, việc đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí là vấn đề khó khăn với những người làm kỹ xảo”.

    Liên quan đến vấn đề kinh phí cho khâu kỹ xảo, chuyên gia Quốc Duy cho biết: “Thật ra, mức độ kỹ xảo của phim Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn phần lớn là vì kinh phí còn eo hẹp. Kinh phí thực hiện kỹ xảo ở Hollywood có thể lên đến hơn một nửa tổng kinh phí của phim đó, nghĩa là bỏ ra hàng chục triệu USD riêng cho phần kỹ xảo.

    Ngược lại, ở Việt Nam, một bộ phim có tổng kinh phí hơn 20 tỷ (chưa đầy 1 triệu USD) đã được xem là kinh phí lớn. Điều này cũng dễ hiểu, vì phim Việt Nam có doanh thu cao nhất hiện nay cũng chỉ khoảng 165 tỷ đồng (tương đương hơn 7 triệu USD) thì các nhà đầu tư không thể bỏ ra kinh phí cao được.

    Nếu trong tương lai gần, phim Việt may mắn bứt phá so với thế giới, mở ra thị trường mới và doanh thu cao hơn, kinh phí đầu tư cho các bộ phim cũng sẽ nhiều hơn. Khi đó, quỹ dành cho kỹ xảo sẽ nhiều hơn và những bộ phim của chúng ta sẽ tốt hơn trong tương lai”.

    Hà Linh

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 149

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-xao-trong-phim-viet-tiet-lo-cua-nhung-phu-thuy-dien-anh-a213620.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan