+Aa-
    Zalo

    Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng bật tăng trở lại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng bật tăng trở lại trong những ngày qua khi một số ngân hàng cộng thêm mức lãi 0,2-0,3\% ở nhiều kỳ hạn...

    (ĐSPL) - Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng bật tăng trở lại trong những ngày qua, khi một số ngân hàng cộng thêm mức lãi 0,2-0,3\% ở nhiều kỳ hạn...

    Tin tức trên VnExpress, cuối tuần qua, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank vừa điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Mặc dù các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp nhưng các kỳ hạn từ 5 đến 12 tháng thì được ngân hàng này tăng 0,2- 0,3\% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5, lên quanh 5,5 - 6,8\% một năm. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng là 7,4\% với kỳ hạn 36 tháng.

    Một trong những "ông lớn" quốc doanh là Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng nhẹ 0,1\% đối với kỳ hạn 3 tháng (từ 5\% lên 5,1\%), kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4\% lên 5,5\%.

    Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6, thị trường cũng đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng khối cổ phần. Như tại Viet Capital Bank, lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7\% mỗi năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2\% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05-0,3\% một năm.

    Một số ngân hàng khác như Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động (nhận lãi cuối kỳ) kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1\%, từ 5,4\% lên 5,5\%.

    Bên cạnh đó, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi (nhận lãi trước) kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng từ 5,7\% lên 5,8\%. Tương tự, VIB đã áp mức lãi suất huy động mới cho khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, tăng 0,15\% từ 4,75\% lên 4,9\%.

    Thông tin trên báo An ninh Thủ đô, báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhẹ trong quý I-2016 và duy trì khá ổn định trong quý II-2016.

    Lãi suất cho vay trong quý I tăng nhẹ ở kỳ hạn dài so với cuối năm 2015 (tăng 0,2 – 0,5\%) và có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng thương mại lớn sau chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ 14-6, tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 \% so với cuối năm 2015.

    Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng bật tăng trở lại trong những ngày qua khi một số ngân hàng cộng thêm mức lãi 0,2-0,3\% ở nhiều kỳ hạn... (Ảnh minh họa).

    Lãi suất huy động VND sẽ còn tăng

    Thông tin trên báo Dân trí, theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN

    Dự báo lãi suất 6 tháng cuối năm 2016, Uỷ ban cho hay, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng TMCP nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.

    Cũng theo Uỷ ban Giám sát, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm. Phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) 6 tháng cuối năm chỉ còn 20\% kế hoạch, giúp làm giảm áp lực lên lợi suất TPCP, tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất. Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn có cơ sở triển khai trong trường hợp không có các cú sốc lớn từ bên ngoài nền kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát; bên cạnh đó, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương này.

    Các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng lãi suấ huy động sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và còn có xu hướng tăng nhẹ. Tại hội thảo mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính Quốc gia cho rằng, muốn giảm lãi suất, Việt Nam phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng muốn thế phải có dư địa chứ không thể in thêm tiền.

    Ông Nghĩa phân tích, Trung Quốc có dư địa tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao, Mỹ cũng vậy. Trong khi Việt Nam tỷ lệ này chỉ có 3\% không xuống được nữa, bên cạnh đó tài khóa cũng không còn dư địa và chính sách tiền tệ còn rất ít.

    Ngoài ra, nguồn lực dự trữ ngoại tệ của Việt Nam khá hạn hẹp, hiện chỉ khoảng 35-36 tỷ USD. Với số dự trữ này, nếu lỡ có thiên tai, dịch hoạ... thì chỉ đủ dùng trong 10 tuần nhập khẩu. Bên cạnh việc kinh tế đang gặp khó khăn trong chu kỳ ngắn thì sự kiện Brexit có thể làm tình hình khó khăn hơn.

    Theo ông Nghĩa, sắp tới nguồn vốn cho doanh nghiệp còn khó khăn hơn vì lãi suất có thể tăng trở lại, song mức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, ông đánh giá, trường hợp lãi suất tăng, kinh tế Việt Nam không quá ảnh hưởng vì lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng đi xuống và lãi suất bình quân liên ngân hàng ở mức thấp.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-suat-huy-dong-tai-nhieu-ngan-hang-bat-tang-tro-lai-a138377.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan