+Aa-
    Zalo

    Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng tăng, lãi suất cho vay "hết cửa" giảm?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng lại đang được điều chỉnh tăng. Theo các chuyên gia đặc biệt lo ngại khi dư địa để giảm lãi suất cho vay hiện không còn.

    (ĐSPL) - Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng lại đang được điều chỉnh tăng. Theo các chuyên gia đặc biệt lo ngại khi dư địa để giảm lãi suất cho vay hiện không còn.

    Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng tăng

    Tin tức mới nhất trên báo VnExpress, từ ngày 14/6, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7\% mỗi năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2\% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05 - 0,3\% một năm.

    Một số ngân hàng khác như Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động (nhận lãi cuối kỳ) kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1\%, từ 5,4\% lên 5,5\%.

    Bên cạnh đó, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi (nhận lãi trước) kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng từ 5,7\% lên 5,8\%. Tương tự, VIB đã áp mức lãi suất huy động mới cho khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, tăng 0,15\% từ 4,75\% lên 4,9\%. 

    Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo của NamA Bank cho rằng, đây chỉ là động thái điều chỉnh mang tính cục bộ chứ không phải xu hướng chung. "Có thể một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất là để cơ cấu lại nguồn vốn chứ thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá tốt", ông chia sẻ.

    Điều này được thể hiện khá rõ qua diễn biến trên thị trường 2. Theo đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng thời gian qua có xu hướng giảm. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ ngày 23 đến 27/5, lãi suất qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, về sát 0,66\% mỗi năm.

    Các chuyên gia lý giải, có thể do Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối đồng nghĩa với việc đã có hơn 150.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Diễn biến này đã giúp thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào hơn.

    Ngoài ra, tín dụng hiện nay cũng chỉ tăng trưởng bình thường nên không tạo nhiều áp lực lên nguồn vốn. "Hiện giờ đã bước qua tháng giữa năm nhưng ngân hàng tôi tăng trưởng tín dụng chưa được 50\% chỉ tiêu", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết.

    Mặc dù lãi suất liên ngân hàng có tăng nhẹ trở lại trong tuần đầu tháng 6/2016, nhưng các chuyên gia dự báo thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong thời gian tới.

    Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng lại được điều chỉnh tăng, nhưng theo đại diện phía ngân hàng, đây chỉ là động thái điều chỉnh mang tính cục bộ chứ không phải xu hướng chung. (Ảnh minh họa).

    Lãi suất cho vay khó giảm?

    Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành quả đạt được của kinh tế năm 2015 là tốt, nhưng năm 2016 đã có những dấu hiệu khó khăn hơn. Ông đặc biệt lo ngại khi dư địa để giảm lãi suất cho vay hiện không còn.

    Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tháng 5/2016 mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4\% một năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 5,4-7,2\% đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức 9,27\%.

    Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn khiến việc duy trì ổn định mức lãi suất vay như năm 2015 còn khó khăn, chứ chưa nói tới việc giảm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    “Các ngân hàng thương mại cổ phần không có khả năng hạ lãi suất, do nợ xấu cơ bản không được giải quyết mà chủ yếu là “lùa” vào VAMC, vì thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ. Nợ xấu cao, chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp. Lãi suất là vấn đề rất lớn trong năm 2016”, ông Trương Đình Tuyển nói thẳng.

    Cũng tỏ ra lo lắng nếu lãi suất đầu ra khó giảm thêm, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, thâm hụt ngân sách cũng là nguyên nhân khiến lãi suất không thể giảm. 5 tháng đầu năm, con số thâm hụt ngân sách ở mức 70.000 tỷ đồng. “Thu luôn không đủ bù chi, bội chi tháng sau cao hơn tháng trước. Không đủ chi, Nhà nước sẽ phải đi vay bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Điều này sẽ gây áp lực lên lãi suất”, ông Thiên nhìn nhận.

    Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những cam kết giảm lãi suất đầu ra của một số nhà băng lớn như BIDV, Vietcombank... đưa ra vừa qua thể hiện sự hỗ trợ của Chính phủ để giúp doanh nghiệp nhẹ gánh nặng về chi phí vốn. “Với các ngân hàng đã cam kết giảm lãi vay, họ cũng phải “cắn răng” vì điều kiện giảm lãi suất hiện nay là rất khó khăn. Trong điều kiện này tính chia sẻ cao như vậy là rất tốt. Nhưng làm thế cũng khó giải quyết được gốc rễ vấn đề”, Tiến sỹ Trần Đình Thiên chia sẻ với VnExpress.

    Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quả quyết, “không thể chia sẻ đau đớn mãi như vậy, phải quyết liệt xử lý nợ xấu thì mới mong giải quyết được nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. Nợ xấu cao, ngân hàng buộc phải cho vay lãi suất cao để bù đắp lãi suất cho đống nợ cũ”.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-suat-tien-gui-tai-mot-so-ngan-hang-tang-lai-suat-cho-vay-het-cua-giam-a135948.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan