+Aa-
    Zalo

    Làm cách nào để phân biệt RSV, cúm và COVID-19?

    ĐS&PL Phân biệt RSV, cúm và COVID-19 là chuyện khá khó, tuy nhiên các chuyên gia đã chia sẻ một số dấu hiệu giúp bạn xác định dễ dàng hơn.

    Làm cách nào để phân biệt RSV, cúm và COVID-19?

    Đinh Kim

    Phân biệt RSV, cúm và COVID-19 là chuyện khá khó, tuy nhiên các chuyên gia đã chia sẻ một số dấu hiệu giúp bạn xác định dễ dàng hơn.

    Cúm, COVID-19 và RSV (virus hợp bào hô hấp) là 3 bệnh đường hô hấp đang lây lan với tốc độ nhanh, dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra 3 đại dịch cùng lúc. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, 5,8% số lượt khám ngoại trú hiện tại là do các bệnh về đường hô hấp với các triệu chứng gồm sốt, ho hoặc đau họng, cao hơn nhiều so với mức bình thường là 2,5%.

    Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh đều gặp triệu chứng tương tự nhau khi nhiễm 3 loại virus trên và bệnh đều tự khỏi. Tuy nhiên, chúng có thể tác động nghiêm trọng hơn đến một số đối tượng nhất định như trẻ em, người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Những người này có thể bị bệnh nặng và cần được chăm sóc tại bệnh viện.

    Vậy làm cách nào để bạn phân biệt cúm, COVID-19, RSV và biết khi nào cần tìm sự trợ giúp của bác sĩ? Trên thực tế, ngoài xét nghiệm, không có biện pháp chắc chắn nào để phân biệt các loại virus này. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chia sẻ một số dấu hiệu giúp bạn xác định dễ dàng hơn.

    RSV nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, người lớn bị suy giảm miễn dịch

    Cả 3 loại virus đường hô hấp đều có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng giống nhau, gồm ho, sổ mũi hoặc đau họng. Ethan Wiener – Trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld (NYU Langone) chia sẻ, bệnh cúm thường khởi phát nhanh chóng, gây mệt mỏi và khiến cơ thể đau nhức như “vừa bị một chiếc xe tải đâm phải”.

    Trong khi đó, COVID-19 có một “chùm triệu chứng”. Bệnh thường bắt đầu với biểu hiện đau họng, có thể kèm theo ho, mệt mỏi, các triệu chứng hô hấp, sốt, đôi khi người bệnh còn đau đầu, tức ngực hoặc gặp một số triệu chứng khác.

    Theo Tiến sĩ Laolu Fayanju – Giám đốc y tế khu vực, Trung tâm Oak Street Health (Ohio, Mỹ), mất vị giác và khứu giác là một cách để phân biệt COVID-19 với bệnh cúm và RSV, mặc dù hiện tại triệu chứng này ít phổ biến hơn so với những ngày đầu dịch bùng phát.

    Tình trạng này không giống mất vị giác, khứu giác do nghẹt mũi. Cleveland Clinic thông tin, mất khứu giác/ vị giác khi mắc COVID-19 thường xảy ra khá sớm và là một trong những dấu hiệu đầu tiên, đôi khi bệnh nhân thậm chí không xuất hiện triệu chứng nào khác.

    Về RSV, đây là loại virus phổ biến vào mùa đông, thường gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh nhẹ. Một số triệu chứng của bệnh gồm sổ mũi, chán ăn, ho, hắt hơi và thở khò khè. Các triệu chứng thường xuất hiện theo từng giai đoan thay vì cùng lúc. Một vài trường hợp nhiễm RSV có thể bị sốt.

    Theo CDC, ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng khi nhiễm RSV có thể là khó chịu, giảm hoạt động và khó thở. Tiến sĩ Fayanju cho biết RSV thường lây nhiễm cho trẻ em, gần như tất cả trẻ em đều nhiễm RSV khi được 2 tuổi. Nếu bạn đang chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi bị bệnh, khả năng bé nhiễm RSV cao hơn so với các bệnh khác.

    Phần lớn trẻ nhiễm RSV “tương đối nhẹ”, đều tự khỏi sau 1-2 tuần nhưng trẻ dưới 12 tháng tuổi, nhất là những trẻ có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như hệ thống miễn dịch suy yếu, mắc bệnh tim nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng. CDC thông tin, cứ 1 hoặc 2 trong số 100 trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể phải nhập viện điều trị khi nhiễm RSV.

    Trong trường hợp trẻ chỉ sổ mũi hoặc sốt nhẹ, bạn chưa cần đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vandana Madhava – Giám đốc lâm sáng Bệnh truyền nhiễm nhi khoa ở Mass General, cần chú ý và đưa trẻ đi khám nếu thấy xuất hiện triệu chứng khó thở, không uống nhiều nước.

    Vị chuyên gia này lưu ý, nhiều bệnh viện, phòng khám đang trong tình trạng quá tải, nếu bố mẹ đưa trẻ đến khám vì các triệu chứng nhẹ, bé rất có thể mắc thêm các bệnh khác. Những người lớn mắc một số bệnh mãn tính có nguy cơ tiến triển nặng khi nhiễm RSV, nhất là những người lớn tuổi bị bệnh phổi mãn tính, theo Tiến sĩ Fayanju.

    Cả Tiến sĩ Madhavan và Tiến sĩ Fayanju đều nhận định bệnh nhân sẽ không gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa nếu nhiễm RSV. Đây là triệu chứng phụ điển hình của COVID-19, có thể gây nôn và tiêu chảy.

    Tiến sĩ Madhavan cho biết, người mắc cúm cũng có khả năng gặp hai triệu chứng này. Tuy nhiên, theo CDC, vấn đề về đường tiêu hóa khi bị cúm thường phổ biến với trẻ em, hầu như người lớn sẽ không gặp.

    Khó phân biệt nếu chỉ dựa vào các triệu chứng đơn lẻ

    Một dấu hiệu giúp phân biệt COVID-19 với cúm và RSV là triệu chứng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 thường kéo dài, có thể gồm sương mù não hoặc lú lẫn sau khi khỏi bệnh, mất vị giác/ khứu giác trong nhiều tuần. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh cũng bị COVID-19 kéo dài.

    Cúm và RSV thường ít gây ra triệu chứng kéo dài nhưng nghiên cứu cho thấy RSV dễ khiến người bệnh thở khò khè một thời gian sau khi khỏi bệnh. Trong khi đó, cúm có thể làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, gây viêm nhiễm, khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh khác, chủ yếu là đau tim và đột quỵ, chủ yếu ở người lớn.

    COVID-19 cũng gia tăng mức độ viêm nhiễm trong cơ thể sau khi mắc bệnh, khiến bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ, đau tim… Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cúm và vaccine ngừa COVID-19.

    Tiến sĩ Madhavan lưu ý bạn có thể mắc 2 bệnh nhiễm trùng cùng lúc, nhất là ở thời điểm virus lây nhiễm mạnh như hiện tại. Ngay cả khi không đồng nhiễm 2 bệnh, bạn vẫn có thể bị ho, cảm lạnh, sốt. Vào mùa đông năm 2021, thuật ngữ “flurona” trở nên phổ biến khi các ca nhiễm Omicron và cúm gia tăng trên khắp nước Mỹ. Một số người nhiễm cả hai loại virus cùng lúc.

    “Khi bạn nhiễm bệnh, hệ thống miễn dịch bị tấn công, dẫn đến khả năng miễn dịch suy yếu. Do đó, khả năng chống lại sự lây nhiễm khác bị giảm đi”, Daivid Edwards – giảng viên tại Đại học Harvard chia sẻ với HuffPost. Điều này có nghĩa, khi đang phải chống lại một bệnh nhiễm trùng, cơ thể chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn.

    Cả 3 loại virus cúm, COVID-19 và RSV đều có thể lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, khiến các giọt bắn bay ra xa, rơi vào mắt, mũi hoặc miệng của người khác. Tiếp xúc gần như hôn, ôm ấp với trẻ hoặc người lớn nhiễm bệnh cũng có thể làm lây lan virus. Nghiên cứu cho thấy COVID-19 và cúm có thể lây lan qua các giọt bắn lơ lửng trong không khí. Đây là lý do vì sao cả bệnh nhân và người chăm sóc nên đeo khẩu trang.

    Theo CDC, RSV có thể tồn tại trong nhiều giờ trên các bề mặt cứng như tay nắm cửa, bàn, đồ chơi… Virus có khả năng sống trên các mô và tay trong khoảng thời gian ngắn hơn. Chạm vào về mặt đã bị ô nhiễm bởi dịch tiết đường hô hấp rồi chạm lên mặt là cách lây nhiễm RSV phổ biến.

    Để giảm nguy cơ lây nhiễm RSV, cúm và COVID-19, bạn chú ý rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, sử dụng dung dịch khử trùng tay, hạn chế chạm tay vào mặt và đeo khẩu trang. Tự bảo vệ bản thân là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng khi nhiễm virus.

    Nhìn chung, phân biệt 3 loại virus cúm, RSV và COVID-19 dựa trên các triệu chứng đơn lẻ là việc khá khó. “Cần nhấn mạnh một điều là ba bệnh này có quá nhiều triệu chứng trùng lặp. Chúng chủ yếu là virus đường hô hấp”, Tiến sĩ Madhavan nói.

    Bà lưu ý, cúm và RSV có thể giống với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc cảm lanh thông thường ở người lớn khỏe mạnh. COVID-19 cũng có biểu hiện tương tự ở những người đã được tiêm phòng đầy đủ.

    Đặc biệt, chỉ nhiễm một loại virus cụ thể không có nghĩa bạn sẽ có các triệu chứng giống người khác. Một số người mắc COVID-19 có thể bị ho dữ dội nhưng một số khác chỉ sốt, mệt mỏi.

    Thomas Murray – Phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Trường Y Yale cũng cho biết: “Rất khó để phân biệt COVID-19, cúm và RSV. Về cơ bản, bạn không cần phải phân biệt chúng vì việc này không thay đổi cách bạn chăm sóc trẻ”.

    Các bác sĩ có thể làm xét nghiệm để xác định xem bạn đang nhiễm virus nào. Cách điều trị phần lớn giống nhau: Chăm sóc tốt, kiểm soát tình trạng sốt và cơn đau bằng ibuprofen hoặc acetaminophen.

    CDC khuyên không nên cho trẻ em sử dụng aspirin vì loại thuốc này có liên quan đến tình trạng hiếm gặp được gọi là hội chứng Reye. “Nhìn chung, cách điều trị là giữ cơ thể và tinh thần thoải mái, uống đủ nước”, Ethan Wiener nói.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-cach-nao-de-phan-biet-rsv-cum-va-covid-19-a558943.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan