+Aa-
    Zalo

    Làm giả vé khám bệnh, 3 nhân viên bệnh viện Nhi Đồng 1 lãnh án

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Nhóm đối tượng đã in vé khám bệnh giả rồi bán cho bệnh nhân rồi chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân.

    (ĐSPL) - Nhóm đối tượng đã in vé khám bệnh giả rồi bán cho bệnh nhân để chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân.

    Theo báo Vietnamnet, ngày 22/12, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 3 nhân viên bệnh viện tội Tham ô tài sản

    Theo đó, La Hồng Phát (SN 1981, nhân viên kế toán) 12 năm tù; Nguyễn Thái Ngọc Tú (SN 1983, nguyên hộ lý thuộc bệnh viện Nhi Đồng 1) 10 năm tù, Hồ Văn Sơn (SN 1983, điều dưỡng viên trung cấp) 7 năm tù.

    Ngoài ra, tòa buộc Phát hoàn trả 40 triệu, Tú trả 32,5 triệu đồng, buộc người có nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Mạnh Hùng giao nộp 66,5 triệu đồng cho bệnh viện Nhi Đồng 1.

    Ba bị cáo tại tòa - Ảnh: báo Vietnamnet

    Báo Dân trí thông tin, theo cáo trạng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 là đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM thực hiện cơ chế tự chủ một phần, thực hiện bán vé khám bệnh dịch vụ ngoài giờ giá 50.000 đồng/vé để thu tiền đối với các bệnh nhân đến khám dịch vụ. Tiền thu được từ hoạt động bán vé là khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước.

    Ngày 8/10/2013, bệnh viện Nhi Đồng 1 thành lập tổ kiểm tra tài chính đột xuất tại quầy thu phí khu D. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong người Phát – nhân viên kế toán thu tiền tại quầy thu phí D2 có 3 tập cùi vé thu tiền khám bệnh, mỗi tập có 100 biên lai thu tiền, mệnh giá 50.000 đồng đã qua sử dụng. Toàn bộ số vé đã bán trên đều là vé giả. Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ và trình báo công an phường 10, quận 10.

    Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định ngoài Phát còn có sự tham gia của Sơn, Tú, Hùng.

    Cụ thể, từ đầu tháng 4/2013 đến ngày 8/10/2013, Phát cùng Tú, Sơn đã đã cấu kết cùng với nhau đặt Hùng (nhân viên công ty bao bì Toàn Phát) làm giả vé khám bệnh dịch vụ và ngoài giờ, đưa vào bệnh viện bán, thu tiền chia nhau tiêu xài.

    Theo đó, Tú thông qua Sơn, Phát để nhận mẫu vé thật và tiền đặt cọc để đưa lại cho Hùng in giả. Vào đầu tháng 5/2013, Hùng bắt đầu in đồng loạt, đóng thành cuốn rồi giao lại cho Tú.

    Vì trên vé có số seri và dấu ngày phát hành của bệnh viện nên trước khi in vé Tú sẽ nhận thông tin số seri từ Sơn hoặc Phát thông báo cho Hùng biết để in. Sau khi nhận vé giả từ Hùng, Tú sử dụng con dấu ngày (do Sơn làm và đưa trước đó) và căn cứ vào ngày sử dụng để đóng lên vé. Có vé, Tú liên hệ với Sơn để giao.

    Theo hướng dẫn của Phát, để không bị phát hiện mỗi tuần, các đối tượng chỉ đưa khoảng 2 hoặc 3 cuốn vé giả vào khu D của bệnh viện để bán.

    Thời gian đầu, Tú trực tiếp vào bệnh viện để giao cho Sơn hoặc Phát nhưng do thời điểm này Tú đã nghỉ việc nên để không bị bệnh viện nghi ngờ, Phát yêu cầu Tú giao cho Sơn để Sơn giao lại cho Phát vào đầu giờ sáng hàng ngày.

    Theo đó, vào buổi sáng ngày sử dụng vé, Tú sẽ liên hệ gặp Sơn tại khu vực ngã tư Trung Chánh, hoặc cầu vượt An Sương trên đường Sơn đi làm để giao vé và nhận tiền. Nhận vé từ Tú, Sơn đến bệnh viện gặp và giao vé để Phát sử dụng bán, thu tiền.

    Số vé giả và số tiền thu được từ việc bán vé giả Phát để riêng chiếm đoạt, không đưa vào sổ sách báo cáo. Tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt 250 triệu đồng.

    Điều 278. Tội Tham ô tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

    1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

    a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

    b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

    c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

    c) Phạm tội nhiều lần;

    d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

    đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

    b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

    5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-gia-ve-kham-benh-3-nhan-vien-benh-vien-nhi-dong-1-lanh-an-a175387.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan