+Aa-
    Zalo

    Làm việc online ở nhà để phòng dịch Covid-19, người lao động có bị giảm lương?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư Hải, pháp luật lao động không có quy định việc người sử dụng lao động được tự ý cắt giảm các khoản phụ cấp đã thỏa thuận với người lao động.

    Theo luật sư Hải, người lao động làm việc online tại nhà để phòng dịch bệnh Covid-19 được coi là vẫn đang thực hiện công việc và pháp luật lao động không có quy định việc người sử dụng lao động được tự ý cắt giảm các khoản phụ cấp đã thỏa thuận với người lao động.

    Trước diễn biến phức tạp của của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đồng ý cho người lao động được làm online tại nhà, không phải đến trụ sở cơ quan. Vậy tiền lương của những người lao động này, đặc biệt là phần phụ cấp có bị ảnh hưởng hay không?. Đây chính là điều mà rất nhiều người lao động quan tâm.

    Trao đổi với PV, luật sư Phạm Ngọc Hải (Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng do đặc thù công việc mà người lao động có thể làm việc online tại nhà thì được coi là người lao động vẫn đang thực hiện công việc, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động theo Hợp đồng lao động đã ký kết.

    Đối với các khoản phụ cấp liên quan, nếu được quy định, thống nhất bằng một thỏa thuận giữa các bên (quy định trong Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể) thì việc thay đổi những quy định đó phải được sự thống nhất từ hai phía. Pháp luật lao động không có quy định việc người sử dụng lao động được tự ý cắt giảm các khoản phụ cấp đã thỏa thuận với người lao động. Ngược lại, nếu các khoản phụ cấp này không được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên mà được áp dụng theo quy chế của doanh nghiệp trong từng thời điểm thì tùy từng trường hợp, điều kiện cụ thể mà doanh nghiệp có thể xem xét áp dụng hoặc không áp dụng.

    Theo luật sư Hải, đối với những khoản phụ cấp như đi lại, xăng xe… thực tế sẽ không phát sinh nếu người lao động chỉ làm việc online tại nhà. Xét việc người lao động phải làm việc tại nhà do Covid-19 trên phương diện sự kiện bất khả kháng thì việc cho phép doanh nghiệp cắt giảm phụ cấp trong trường hợp này là hợp lý vì sự kiện dịch bệnh không phải do lỗi của người sử dụng lao động cũng như người lao động.

    Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, pháp luật lao động hiện hành vẫn chưa có quy định cho phép người sử dụng lao động được cắt giảm phụ cấp của người lao động trong trường hợp này. Vì vậy, doanh nghiệp cần chờ đợi thêm hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có thể thực hiện việc cắt giảm các khoản phụ cấp một cách hợp pháp nhất.

    Trong khi đó, luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN cho hay, ngoài khoản mức lương cơ bản theo công việc thì hàng tháng người lao động có thể nhận thêm được các khoản phụ cấp lương. Việc người lao động nhận được khoản phụ cấp lương như thế nào thì thường đã được quy định rõ trong Hợp đồng lao động, hoặc trong Quy chế của người sử dụng lao động ban hành.

    Luật sư Mai Quốc Việt

    Về bản chất thì phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt cho người lao động, khuyến khích tăng gia sản xuất. Do vậy, nguyên tắc phát sinh phụ cấp là khi phát sinh điều kiện được thụ hưởng trên thực tế thì người được hưởng phụ cấp sẽ được hưởng. Đơn cử, theo thỏa thuận thì người lao động đi công tác sẽ có phụ cấp công tác phí, tiền xăng xe, phương tiện đi lại và ăn uống. Nếu người lao động không đi công tác thì không đương nhiên có thêm các khoản phụ cấp này. Do vậy, việc người lao động làm việc tại nhà và doanh nghiệp không trả thêm các khoản phụ cấp như đi lại, gửi xe là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

    Luật sư Việt cho hay, đối với khoản phụ cấp ăn trưa thì đây là khoản hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động hạn chế di chuyển, nấu ăn, để tập trung công việc, nghỉ ngơi tái tạo lại sức lao động trong giờ nghỉ trưa tại Doanh nghiệp. Do đó, cũng có doanh nghiệp sẽ cắt luôn khoản này, tuy nhiên người lao động làm việc ở nhà hay tại trụ sở của doanh nghiệp thì người lao động cũng phải tốn chi phí ăn trưa, nên doanh nghiệp cũng có thể xem xét, giữ lại khoản phụ cấp này để hỗ trợ người lao động.

    Theo luật sư Việt, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang gây ra những hệ lụy rất xấu cho thị trường, theo thống kê của Cục Thuế thành phố Hà Nội thì trong 2 tháng đầu 2020 đã có trên 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn phải giải thể, đóng cửa và tạm nghỉ kinh doanh. Trong đó có hơn 3.000 hộ kinh doanh phản ánh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh do dịch bệnh Covid – 19.

    "Do vậy, việc doanh nghiệp còn duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động là một nỗ lực rất lớn. Trong quan hệ lao động thì điều cơ bản là đảm bảo hài hòa giữa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Khi doanh nghiệp cắt giảm phụ cấp hoặc tiền lương (nếu có) cũng nên nói rõ cho người lao động biết được tình hình thực tế hiện nay của doanh nghiệp, phương hướng hoạt động của doanh nghiệp thời gian sắp tới. Để từ đó xây dựng lộ trình, hay có phương án để vượt qua khó khăn, trong đó có việc cắt giảm các khoản phụ cấp một cách hợp lý, thực tế, trên cơ sở trao đổi giữa các bên, trong đó có thể trao đổi thông tin với Công đoàn cơ sở tại Doanh nghiệp", luật sư Việt nhấn mạnh.

    Luật sư Việt cho rằng, việc minh thị với nhau tất cả các thông tin thì người lao động sẽ có phương thức để chia sẻ phần nào khó khăn với doanh nghiệp, chỉ khi doanh nghiệp còn tồn tại, còn hoạt động, có lợi nhuận thì người lao động sẽ có được việc làm, thu nhập ổn định để phục vụ cho sinh hoạt của gia đình.

    Hoàng Yên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-viec-online-o-nha-de-phong-dich-covid-19-nguoi-lao-dong-co-bi-giam-luong-a317914.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan