+Aa-
    Zalo

    Lãnh đạo gương mẫu, cán bộ suy thoái sẽ "lộ diện"!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Nhận diện sự thật và tìm điểm mấu chốt nhân tố con người là bài toán được đặt ra với ngành tư pháp nhằm nâng cao đạo đức, lương tâm của những người giữ trọng trách và hạn chế oan sai.
    (ĐSPL) - Nhận diện sự thật và tìm điểm mấu chốt nhân tố con người là bài toán được đặt ra với ngành tư pháp nhằm nâng cao đạo đức, lương tâm của những người giữ trọng trách và hạn chế oan sai.
    Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận của việc cải cách tư pháp, tạo niềm tin cho người dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có ĐBQH cho rằng, tội phạm trong lĩnh vực tư pháp gia tăng, chiếm tới 10\% tổng số loại tội phạm trên cả nước!? Đó là con số đáng báo động trong đội ngũ những người giữ cán cân công lý. Nhận diện sự thật và tìm điểm mấu chốt nhân tố con người là bài toán được đặt ra với ngành tư pháp nhằm nâng cao đạo đức, lương tâm của những người giữ trọng trách và hạn chế oan sai.
    Cũng trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi ba vấn đề: Một là chính trị, hai là tiền bạc, ba là tình cảm. Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì "công lý sẽ cắp cặp ra đi". Nhận định này đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
    Ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (VKSND Tối cao): Lãnh đạo gương mẫu, cán bộ suy thoái sẽ "lộ diện"!
    "Nếu xét riêng ở góc độ tình cảm, công lý chắc chắn sẽ không "cắp cặp ra đi" vội vàng, bởi người ta sẽ tìm những cách xử lý sao cho khéo léo nhất. Còn chính trị và tiền bạc, chắc hẳn, công lý sẽ "cắp cặp ra đi" nhanh lắm, đi ngay lập tức...(?!)" - Đó là nhận định của ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (VKSND Tối cao) khi đánh giá về những tác động của "chính trị, tiền bạc, tình cảm" đối với quá trình tố tụng hiện nay. Theo ông Thái, hiện có một bộ phận nhỏ cán bộ suy thoái, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của các cơ quan tư pháp, các cơ quan Nhà nước trước nhân dân.
    Đại biểu Quốc hội luận bàn về cải cách hoạt động tư pháp
    Ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (VKSND Tối cao).
    Những "đòn bẩy" để "xoay chiều"
    - Với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác trong ngành tư pháp, ông nghĩ sao về nhận định mới đây của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền?
    Theo tôi được biết, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền cũng làm trong ngành kiểm sát (hiện đang là Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng) nên ông ấy chẳng lạ gì những "chuyện trong nhà". Bản thân ông ấy cũng khởi đầu từ quân ngũ, tính tình vốn nổi tiếng thẳng thắn, thế nên sẽ chẳng có gì bất ngờ khi ông ấy "nói thẳng, nói thật, nói hết" như vậy. Ngay bản thân tôi cũng công tác trong cơ quan tư pháp một thời gian rất dài (chính thức làm việc tại VKSND Tối cao từ năm 1977 đến 2012), nên tôi cho rằng, quan điểm của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền là có cơ sở.
    Tôi có thể lấy ví dụ, trên thực tế, có khi chỉ cần "một cú phone" của vị nào đó là vụ án có thể xoay chiều ở phút 89?! Một tập "tài liệu" gói trong bọc nào đó đưa đến trước mặt cũng có thể khiến tình thế thay đổi?! Đó chính là biểu hiện của việc bị chi phối bởi chính trị và tiền bạc. Còn về tình cảm, cũng không khó để lý giải, đôi khi là tình thân, cũng có khi chỉ là quan hệ xã hội kiểu "có đi có lại"...
    - Vậy ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng, đạo đức của một số người "cầm cân nảy mực" đang có dấu hiệu xuống cấp?
    Trước đây, có những cán bộ đầy đạo đức, hết mình vì công lý, còn bây giờ cán bộ cũng đang bị tha hóa. Chúng ta không thể phủ nhận thực tế là trong đội ngũ cán bộ tư pháp có một bộ phận nhỏ sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trong công việc... Những trường hợp bị khởi tố điều tra thực chất là những cán bộ thoái hóa, biến chất vì động cơ tư lợi dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đưa người phạm tội ra xử lý... Chính bộ phận này đã gây tổn hại không nhỏ cho người dân vô tội, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của các cơ quan tư pháp, các cơ quan Nhà nước trước nhân dân.
    Đại biểu Quốc hội luận bàn về cải cách hoạt động tư pháp

    Đẩy mạnh cơ chế xử lý, giám sát lẫn nhau
    - Cá nhân ông chắc hẳn chứng kiến không ít những trường hợp cán bộ trong ngành tư pháp tiêu cực?
    Tôi vẫn nhớ lần xét xử vụ con một cán bộ công an gây tai nạn giao thông trên đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) khiến hai nữ sinh tử vong xảy ra cách đây hơn chục năm. Vụ việc kéo dài, gây bất bình trong dư luận (hơn 300 bài báo phản ánh). Đến phiên xét xử lần thứ năm, với vai trò kiểm sát viên, tôi đã đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm để giao Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra lại.
    Sở dĩ cần tiến hành điều tra lại vụ án này vì các điều tra viên (thuộc Công an TP. Hà Nội) đã vi phạm pháp luật, khi trả hồ sơ điều tra lại thì phần lớn vẫn sử dụng những điều tra viên cũ. Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường được cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra lập không đúng quy định, không có giá trị như một chứng cứ. Tôi cũng đề nghị phải đưa bảy cán bộ công an có mặt tại hiện trường hôm đó ra tòa. Tại sao lại có việc "sờ nắn" vào chứng cứ như vậy? Tôi nhớ, sau vụ việc này, các cán bộ công an đã bị kỷ luật. Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ tiêu cực.
    - Theo cách tổ chức hiện nay, thực hiện phân công quyền lực theo nguyên tắc thủ trưởng nắm quyền. Làm thế nào để tránh được hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi", thưa ông?
    Trước hết, chúng ta phải tin tưởng những lãnh đạo đó. Họ phải thực sự trong sáng mới được đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cơ quan tư pháp. Và ở nơi nào người đứng đầu thật sự gương mẫu và tích cực trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này thì nơi đó "một bộ phận không nhỏ" cán bộ suy thoái sẽ lộ diện. Tất nhiên, khi có quyền lực mà không bị kiểm soát bởi các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân dân... thì người có quyền dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền và thao túng quyền lực. Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh cơ chế giám sát lẫn nhau.
    Vì sao pháp luật đặt ra cơ chế độc lập xét xử, kiểm soát điều tra, kiểm soát xét xử. Nguyên tắc này chính là để phòng ngừa những trường hợp có thể có những sai sót, sơ suất của những cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể chính cơ quan điều tra, viện kiểm sát, thậm chí tòa án cũng có những sai sót. Do vậy phải có những cơ chế để xử lý, giám sát lẫn nhau. Và đã sinh ra cơ chế này thì phải làm thế nào để nó vận hành hiệu quả và thực hiện nghiêm túc, làm sao vừa đấu tranh phòng chống tội phạm mà đảm bảo quyền lợi của mọi công dân.
    Một số nhỏ cán bộ tư pháp phạm tội là thực tế rõ ràng
    - Cũng trong phiên họp Quốc hội, một vị ĐBQH dẫn chứng số liệu, trong ba năm qua, số người trong cơ quan tư pháp phạm tội chiếm 10\%. Ông có cảm thấy bất ngờ trước con số này không?
    Tôi nghĩ cần xem xét lại số liệu này xem có thực sự chính xác không. Theo quan điểm của tôi, một bộ phận cán bộ từng làm trong cơ quan tư pháp phạm tội là một thực tế rõ ràng, nhưng con số 10\% chưa hẳn nhiều như thế. Nếu tính trung bình một năm có khoảng 20 nghìn vụ phạm pháp (chỉ tính riêng số liệu năm 2013 đã khám phá hơn 28 nghìn vụ phạm pháp hình sự). Như vậy, trong vòng ba năm số vụ có thể sẽ gấp ba lần. Nếu trong ba năm qua, số người trong cơ quan tư pháp phạm tội chiếm tới 10\% thì con số sẽ rất lớn. Tôi nghĩ, đây là một thực tế đã và đang xảy ra nhưng cần xem lại sự chính xác của số liệu này.
    Trân trọng cảm ơn ông!
    ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Hoạt động tư pháp xảy ra oan sai thường có bóng dáng của tội phạm tham nhũng
    Hoạt động tư pháp xảy ra oan sai thường có bóng dáng của tội phạm
    ĐBQH Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
    Sau hơn 30 năm công tác trong ngành và nghiên cứu, tôi thấy thực chất công tố là toàn bộ những hoạt động tố tụng của hình sự để thực hiện việc đưa vụ án ra tòa và buộc tội người phạm tội trước tòa án. Đó là trách nhiệm chính của công tố phải làm cho tốt. Còn kiểm sát hoạt động tư pháp thực chất là hoạt động kiểm tra có tính căn cứ và tính hợp pháp trong các hành vi và quyết định tư pháp, khi phát hiện vi phạm thì phải kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu xử lý vi phạm và khôi phục lại trật tự pháp luật đã bị vi phạm. Hai chức năng này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau như bóng với hình, để quyết định chất lượng hiệu quả của công tác kiểm sát.
    Xuất phát từ chức năng như thế thì công tố là quyết định việc buộc tội cho nên cũng quyết định cả việc bắt giam, quyết định cả việc khởi tố và quyết định việc truy tố, suy cho cùng cơ quan điều tra dù có được đặt ở bộ, ngành nào thì cũng là để dọn đường cho công tố đưa vụ án ra tòa và buộc tội người đó trước tòa án. Nếu thấy không đủ căn cứ, tòa án sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tòa án tuyên hủy, tòa án tuyên vô tội, tranh tụng mà thua VKS phải bồi thường. Các nước cũng như pháp luật ta bao giờ cũng dành cho công tố quyền điều tra, nên VKS điều tra một số loại tội xảy ra trong hoạt động tư pháp.
    Nếu VKS chỉ phát hiện và kiến nghị xử lý những hoạt động vi phạm bề nổi thì sẽ không loại trừ được những hành vi tội phạm ẩn nấp đằng sau vi phạm đó. Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động tư pháp có oan sai thì có bóng dáng của tội phạm tham nhũng. Tham nhũng trong hoạt động tư  pháp là ăn tiền, nhận hối lộ, tham ô dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật, hai điều này song hành với nhau. Chính vì vậy, tôi thấy rằng nếu như ta không làm rõ chỗ này thì sẽ không hiệu quả trong công tác thực hành công tố và kiểm sát tư pháp. Do đó, tôi đồng ý tiếp tục phải quy định cơ quan điều tra và chỉ tổ chức ở VKSND Tối cao thì mới làm được, vì vấn đề này rất khó.
    Quy định theo hướng chung nhất là điều tra một số tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp, người phạm tội là cán bộ cơ quan tư pháp, cụ thể sau này tội gì để cho Luật Tổ chức điều tra hình sự quy định. VKS bảo vệ quyền con người, trong Hiến pháp quy định VKS phải chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định, đấy là tính kịp thời. Tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác tư pháp không phải cải cách trụ sở, không phải cải cách vỏ vật chất mà phải cải cách con người, cải cách cái đầu, cải cách lương tâm và cải cách trách nhiệm. Tập trung vào cải cách con người làm sao để thẩm phán, kiểm sát viên độc lập chỉ có theo luật. Nhưng họ độc lập chỉ khi vô tư trách nhiệm tố tụng, phải độc lập khi có cơ chế pháp lý chặt chẽ, không có sơ hở, phải dành cho họ một chế độ, lương bổng cho thỏa đáng, chỉ khi họ không nghĩ đến tiền thì họ mới trong sáng được, bởi "đói ăn vụng, túng làm liều". Những việc mới quá và những việc được ta cứ suy đoán, ta tưởng tượng ra, trong khi đó có những việc hạn chế, khiếm khuyết tôi cho rằng cần phải có biện pháp để hạn chế, khắc phục.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lanh-dao-guong-mau-can-bo-suy-thoai-se-lo-dien-a37316.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan