+Aa-
    Zalo

    Lào Cai – Bài 1: Làm đường ra giữa sông để khai thác cát

    • DSPL
    ĐS&PL Để thuận tiện cho việc khai thác cát, con đường tự phát đã vươn mình ra giữa dòng sông Chảy thuộc địa phận 2 xã Tân Dương, Xuân Hoà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Trên những con đường “ngăn dòng” bất đắc dĩ, hoạt động khai thác cát của công ty TNHH Thương mại Kiến Thịnh và công ty TNHH MTV Ngọc Hà đã để lại nhiều hệ lụy cho người dân nơi đây.

    Ngang nhiên đắp đập, tập kết cát giữa sông

    Người dân trên địa bàn 2 xã Tân Dương, Xuân Hoà cùng chung bức xúc khi dòng sông chảy ngang qua địa bàn đang dần bị thu hẹp, hàng nghìn m2 đất lòng sông và đất bán ngập bị lấn chiếm.

    Những ngày đầu tháng Ba, phóng viên đã có mặt tại khu vực thôn Làng Rằm, xã Tân Dương; thôn Cuông 1, xã Xuân Hoà để ghi nhận thực tế này.

    Đứng từ trên cầu Bắc Cuông có thể thấy rõ, dòng sông chia làm đôi, một con đập được doanh nghiệp mở nối từ bờ chạy thẳng ra giữa lòng sông, có bề ngang khoảng 4 mét, dài hơn 100 mét giữa dòng sông Chảy (đoạn chảy qua xã Xuân Hoà). Theo quan sát, để đắp con đập này, ước tính doanh nghiệp đã đổ xuống sông hàng nghìn m3 sỏi đá.

    khai thac cat 1
    Hình ảnh khu vực khai thác trên bản đồ vệ tinh.
    khai thac cat 21
    Hàng nghìn m2 đất bán ngập, đất lòng sông bị lấn chiếm.

    Việc đào hố, đắp đập đã và đang làm thay đổi, chuyển hướng dòng chảy của con sông, khiến nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở không thể canh tác.

    Đặc biệt, các đơn vị khai thác ở đây không dùng bất kỳ tàu hút cát nào. Họ đắp đập, làm đường ra giữa lòng sông để thuận tiện cho những chiếc máy xúc đồ sộ, trực tiếp vục gầu xuống lòng sông lấy cát, vận chuyển về bãi tập kết. Tại hiện trường hai bên bờ sông, hàng vạn khối cát, sỏi được chất đống chờ chở đi tiêu thụ.

    khai thac cat 3
    Quá trình khai thác cát, sỏi nơi đây có dấu hiệu sai quy định.

    Phản ánh với phóng viên, anh H. – người dân sinh sống gần cầu Bắc Cuông - cho biết: “Hoạt động khai thác cát ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng tôi, chuyện ăn không ngon, ngủ không yên đã diễn ra từ lâu rồi. Không chỉ là tiếng ồn, mỗi khi các phương tiện di chuyển, cát sỏi rơi vãi, người dân lãnh đủ. Hơn nữa, nhiều diện tích đất canh tác đang dần bị sạt lở và có nguy cơ mất trắng”.

    Con đường dẫn vào bến bãi tập kết cát được cắm biển giới hạn xe có trọng tải 10 tấn, tuy nhiên nhiều xe cỡ lớn, cơi nới thành thùng vẫn bất chấp ra vào để vận chuyển cát sỏi. Điều đáng nói, hoạt động của “đại công trường” này diễn ra ngay giữa ban ngày trong suốt thời gian dài.

    Ngoài phạm vi của khai thác của công ty Kiến Thịnh, cách đó không xa cũng xuất hiện một đơn vị khai thác với những hoạt động tương tự. Theo tìm hiểu, đơn vị này thuộc công ty TNHH MTV Ngọc Hà, đang hoạt động khai thác trên địa bàn thôn Làng Rằm, xã Tân Dương.

    Lãnh đạo xã trả lời bất nhất

    Trao đổi qua điện thoại với phóng viên vào ngày 15/3, ông Vũ Thành Công - Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã cho cán bộ đi kiểm tra và có báo cáo lại, hiện tại công ty Kiến Thịnh đang hoạt động trong khu vực được phép khai thác.

    Theo những hình ảnh phóng viên gửi qua Zalo, thì đó không phải lấn chiếm đất sông và không làm dưới sông, diện tích đó là diện tích bờ sông mà đơn vị được cấp phép hoạt động. Đơn vị được cấp phép khai thác giữa dòng, họ cứ ở giữa sông họ làm, nếu như khai thác ngoài phạm vi cho phép, UBND xã Xuân Hoà sẽ lập biên bản để xử lý”.

    Còn Chủ tịch UBND xã Tân Dương Hoàng Đình Kiểu cho biết: “Công ty Ngọc Hà được cấp phép khai thác trên địa bàn, tuy nhiên không có việc lấn chiếm, đắp đập, cho máy xúc ra giữa sông để khai thác, nếu có thì đó là bên địa phận xã Xuân Hoà”.

    Ngày 17/3, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện chính quyền tại trụ sở cũng về những nội dung trên. Sau khi xem một loạt hình ảnh phóng viên ghi nhận, lãnh đạo UBND xã Xuân Hoà xác nhận hoạt động khai thác cát, sỏi tại đây có dấu hiệu vi phạm, lấn chiếm sai quy định, UBND xã Xuân Hoà sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra lại và lập biên bản vụ việc.

    Khi được hỏi về công tác quản lý, giấy phép của đơn vị khai thác cát nêu trên, lãnh đạo UBND xã Xuân Hoà cho hay: “UBND xã không được giữ bất cứ giấy tờ liên quan đến công ty Kiến Thịnh, kể từ khi đi vào khai thác, đơn vị này không cũng cấp cho địa phương”.

    Liên quan đến phản ánh về tải trọng cho phép tại khu vực cầu Bắc Cuông, đường vào bãi tập kết của công ty Kiến Thịnh, vị lãnh đạo xã Xuân Hoà thừa nhận, đường chỉ cho phép xe có trọng tải 10 tấn, tuy nhiên, đôi khi có xe trọng tải lên đến 80 tấn ra vào lấy cát, sỏi.

    Sau khi làm việc với phóng viên, ngày 18/3, UBND xã Xuân Hoà phối hợp với UBND xã Tân Dương kiểm tra thực trạng khai thác cát sỏi của công ty Kiến Thịnh tại thôn Cuông 1, xã Xuân Hoà. Biên bản về cuộc kiểm tra nêu rõ: “Tại đây, công ty xuất trình được 01 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; 01 sơ đồ khu vực xin cấp phép khai thác khoáng sản; 01 báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án khai thác cát trên sông Chảy thuộc các xã Tân Dương, Xuân Hoà, Xuân Thương. Qua kiểm tra thực tế, công ty Kiến Thịnh đang khai thác trong phạm vi được cấp phép”.

    Ngoài nội dung kiểm tra các giấy tờ liên quan, các dấu hiệu vi phạm như đắp đập, làm lệch dòng chảy sông, lấn chiếm đất sông đang xảy ra hằng ngày nhưng không hề được nhắc tới.

    Từ những phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế của phóng viên, kính đề nghị các cơ quan hữu quan sớm vào cuộc làm rõ, có hay không vi phạm quy định của các đơn vị khai thác cát?

    Đánh giá sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Hậu - công ty Luật hợp danh FDVN, thuộc Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho biết: “Theo Điều 11 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều thì cá nhân vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai; hành vi khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông, suối, kênh rạch, bờ biển đều có thể bị xử phạt hành chính. Doanh nghiệp vi phạm có thể chịu phạt số tiền gấp đôi cá nhân theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 02/2022/ NĐ-CP. Các đối tượng vi phạm có thể bị xem xét xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (khoản 5, Điều 6, Nghị định 02/2022/NĐ-CP). Ngoài ra còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 5, Điều 26 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP).

    Việc đào hố, đắp đập đã và đang làm thay đổi, chuyển hướng dòng chảy của con sông, khiến nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở không thể canh tác thì tùy vào hiện trạng, tính chất, mức độ, mà có thể bị xử phạt theo Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP.

    Ngoài ra có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm; Buộc phá dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy đối với các hành vi vi phạm”.

    Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

    Tuấn Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lao-cai-bai-1-lam-duong-ra-giua-song-de-khai-thac-cat-a534487.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan