+Aa-
    Zalo

    Lão đại gia Quảng Nam thuê máy bay đưa đồng hương về quê tránh dịch: Làm gì cũng phải có đam mê, kể cả từ thiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Câu chuyện về một lão đại gia thuê máy bay đưa bà con Quảng Nam từ TP.HCM về quê tránh dịch đã tạo được hiệu ứng không nhỏ trong cộng đồng về sự sẻ chia, đùm bọc trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

    Cuối tháng 7/2021, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đưa 400 người dân về quê miễn phí bằng máy bay từ nguồn xã hội hóa.

    Cụ thể, ngày 31/7, hai chuyến bay đưa 380 người dân Quảng Nam (gồm 282 người lớn, 70 trẻ em và 28 trẻ nhỏ, hầu hết là người lớn tuổi, bệnh tật, phụ nữ mang thai, trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn) trở về quê hương đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM.

    anh 1

    Lão đại gia Trần Công Cảnh là doanh nhân, nhà hảo tâm có tiếng tại vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ.

    Bỏ phố lên rừng lập nghiệp

    "Người đặc biệt" đã tài trợ chi phí cho cả 2 chuyến bay trên là ông Trần Công Cảnh (76 tuổi) - một người con của đất Quảng Nam, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Bình Phước.

    Ông Trần Công Cảnh vốn là một doanh nhân. Từ một công chức nhà nước, nhà giáo Trần Công Cảnh chuyển qua kinh doanh tư nhân ở nhiều lĩnh vực như: Mở cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, thành lập Công ty xây dựng Thu Bồn, Công ty CP Tân Minh (Bình Long – Bình Phước) và làm Trang trại Nghĩa Phúc (Bình Phước)…

    Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ XX, từ bỏ công việc kinh doanh đang phát triển tại TP.HCM, hưởng ứng chính sách "trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) thời đó, lại thêm "máu" đam mê cây cỏ, rừng núi, ông Trần Công Cảnh quyết tâm "bỏ phố lên rừng" lập nghiệp tại xã Minh Đức (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).

    Quyết định vào thời điểm đó quả thật có chút liều lĩnh và táo bạo, cũng không ít người cho rằng khá "điên rồ", thế nhưng, nhờ những lời động viên của gia đình, người thân, ông Cảnh càng có thêm động lực làm giàu tại mảnh đất "khỉ ho cò gáy" nhiều khó khăn thiếu thốn tại tỉnh Bình Phước.

    "Lên đó, thấy đất đai thì đam mê, khai phá dần dần. Sức người không đủ, tôi dồn vốn thuê máy móc để phá, ủi, trồng cao su. Nắm bắt được thời cơ các dịp giá đất lên, tôi cứ xoay vòng và tái đầu tư, dần dần gây dựng được 200 ha cao su. Những năm giá cao su cao, thu nhập ổn định hơn giai đoạn đầu, tôi có suy nghĩ mình có chén cơm thì chia sẻ cho những người khó khăn hơn mình", ông Cảnh chia sẻ.

    Cái tâm của người con xa xứ

    Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng dường như tầm nhìn, suy nghĩ kinh doanh, tấm lòng hướng về những hoàn cảnh khó khăn của nhà giáo- doanh nhân Trần Công Cảnh vẫn khiến không ít người ngưỡng mộ. Bởi ngoài việc làm kinh tế giỏi ông còn nổi tiếng là nhà hảo tâm luôn tích cực trong các phong trào xã hội tại vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ, dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện.

    "Thời điểm đầu mới đặt chân lên Bình Phước lập nghiệp, người dân ở vùng sâu vùng xa khó khăn, chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, cơm không đủ ăn, phải ăn với trái ớt, 'thịt cộp' (muối trắng cho vào cối đâm tiêu giã nát, phát ra tiếng cộp cộp nên người dân thường gọi vui là thịt cộp- PV) đến khi chết rồi cũng chỉ có mảnh chiếu. Tôi trăn trở lắm, vậy nên mới xây dựng nên chương trình 'Người chết có hòm', người dân chỉ cần liên hệ, tôi sẽ giúp đỡ cho hòm, chi phí lo liệu tang lễ. Lúc đó, mỗi năm tôi cũng giúp cho hàng trăm gia đình khó khăn", ông Cảnh cho biết.

    anh 2

    Mỗi người thường chỉ có một quê hương nhưng với ông Trần Công Cảnh, có 2 nơi mà ông luôn đau đáu hướng về, đó là mảnh đất Bình Phước nơi ông lập nghiệp và cố hương Quảng Nam- nơi "chôn rau cắt rốn".

    Dù năm nay đã bước sang tuổi gần 80 nhưng không khi nào ông không nhớ về quê cũ. Mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương, ông đứng ra kêu gọi những người đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tập trung lại với nhau, cùng chia sẻ, giúp đỡ những đồng hương hoạn nạn, ốm đau, khó khăn trong cuộc sống, hay thậm chí là thất bại về kinh tế...

    Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Cảnh làm Chủ tịch còn chăm sóc, động viên, thăm hỏi các đồng hương cao tuổi, tổ chức nhiều chương trình kết nối đồng hương, để giao lưu chia sẻ cùng nhau phấn đấu lao động, học tập, phát triển kinh tế ở địa phương cư trú, lắng nghe kinh nghiệm về làm kinh tế, xây dựng sự nghiệp,.. của những đồng hương thành đạt trong nhiều lĩnh vực, động viên thế hệ trẻ noi gương những người đi trước.

    Điều đáng tự hào nhất đối với vị lão đại gia Quảng Nam là không để một cháu nào trong các gia đình hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng phải thất học.

    "Với mục tiêu 'Dân Quảng Nam – Đà Nẵng' không thất học, các thành viên trong hội cùng chung tay đóng góp và hỗ trợ để lo cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ăn học từ các cấp học nhỏ đến ít nhất là tốt nghiệp phổ thông. Các cháu có sức học tốt có thể được hỗ trợ cho đến khi hoàn thành những năm đại học. cao đẳng”.

    Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, dù không cư trú tại TP.HCM nhưng thấu hiểu khó khăn, thiếu thốn của những người con Quảng Nam xa quê, thất nghiệp phải bám trụ lại TP, ông Cảnh quyết định thuê máy bay đưa bà con đồng hương về quê tránh dịch.

    "Là một người trong tổ chức đưa đồng hương về quê tránh dịch, thấy tình hình bà con khó khăn, nhiều người lớn tuổi, bệnh tật, phụ nữ có thai, em bé mà phải đi ôtô thì tội quá, vất vả quá nên tổ chức cho họ về bằng máy bay.

    Ban đầu tôi chỉ định tổ chức 1 chuyến bay khoảng 200 người nhưng thời điểm đó, thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương quá, một chuyến không đủ nên thôi cũng ráng tổ chức thành 2 chuyến", ông Cảnh cho biết.

    Lão đại gia nói về hai chuyến bay nghe nhẹ tênh như thế, nhưng trong thời buổi dịch dã gồng gánh để lo cho công nhân suốt một thời gian dài thất nghiệp, số tiền khoảng 400 triệu đồng chi phí bỏ ra không phải nhỏ. Dường như, ông không bận lòng về việc mình sẽ khó khăn thế nào với những ngày sau, chỉ đau đáu một nỗi niềm giúp đỡ được bà con đồng hương được chút nào hay chút đó.

    Được biết, ngoài việc đưa gần 400 người dân Quảng Nam từ TP.HCM về quê tránh dịch, ông Trần Công Cảnh còn không ít lần hỗ trợ cho người dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung trong đợt dịch COVID-19 này.

    Lão đại gia gốc Quảng Nam cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện tích cực như hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn tại các khu trọ một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, ủng hộ những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên trực chốt kiểm dịch,…

    "Tôi làm được gì là tôi làm hết, làm cho bà con quê hương là tôi vui lắm, từ khi dịch đến nay, riêng cá nhân tôi đã hỗ trợ hàng tỷ đồng. Tôi cũng không vận động từ ai vì tôi biết, nhiều người cũng đang khó khăn. Quê hương mình thì mình phải lo chứ không phụ thuộc vào ai được…", ông Cảnh chia sẻ.

    Xuất thân là một nhà giáo nên ông Cảnh rất nặng lòng với giáo dục. Vì thế, các hoạt động thiện nguyện của ông Trần Công Cảnh phần nhiều liên quan đến giáo dục.

    Tại Bình Phước, cái tên Trần Công Cảnh được cộng đồng nhắc đến như một ông giáo già hết lòng vì trẻ con các vùng khó khăn. Ông bỏ tiền xây dựng một trường Tiểu học lấy tên Trần Cao Vân - một vị chí sĩ của Quảng Nam.

    Hằng năm, ông hỗ trợ kinh phí để trẻ em ở đây được đến trường... Tâm nguyện mà ông luôn đau đáu là được nhìn thấy thế hệ con cháu mai sau học hành thành tài, góp sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước phát triển.

    Làm gì cũng phải có đam mê, kể cả từ thiện

    Lao động cả một đời, gây dựng được sự nghiệp đáng nể và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân, đến nay đã vào tuổi xế chiều, nhưng trách nhiệm với quê hương, tâm huyết với công tác từ thiện khiến cho nhà giáo- doanh nhân Trần Công Cảnh vẫn chưa dừng bước.

    anh 3
    Ông Trần Công Cảnh trao tặng bức tranh đấu giá cho ông Đỗ Phượng- nguyên Tổng giám đốc TTXVN.

    Trong buổi trò chuyện với PV Đời sống& Pháp luật, tôi nghe rõ phía bên ông hồ như lúc nào cũng tất bật. Đó là thanh âm của những sự bận rộn không tên thường thấy ở người đi làm chuyện “bao đồng”.

    "Bao đồng" từ sự chia sẻ chân thành với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, quyết tâm không để con em đồng hương phải thất học, hỗ trợ người nghèo ăn Tết, ủng hộ chiến sĩ ở Hoàng Sa, Trường Sa… Chương trình xã hội - từ thiện nào ở địa phương cũng có sự tham gia của vợ chồng ông, đồng thời, ông Cảnh cũng vận động các doanh nghiệp cùng tham gia quyên góp.

    Là một nhà giáo, doanh nhân thành đạt, nhà hảo tâm nhiệt thành, ông Cảnh còn có niềm đam mê mãnh liệt với ngành sinh vật cảnh. Ông là một trong những thành viên đầu tiên sáng lập ra Diễn đàn Sinh vật cảnh các tỉnh miền Đông Nam bộ- mô hình sinh hoạt Hội liên tỉnh thu hút sự quan tâm của giới sinh vật cảnh trong những năm vừa qua.

    Tâm huyết với nghề sinh vật cảnh, nghệ nhân Trần Công Cảnh ấp ủ hiện thức hóa ước mơ đưa  trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, giúp một bộ phận người lao động sản xuất hoa cây cảnh phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào sự phát triển của địa phương và cống hiến cho xã hội.

    "Nghề sinh vật cảnh cần tiềm lực nhưng cần nhất là phải có đam mê. Mà nghề nào cũng vậy không chỉ có cây kiểng, làm gì cũng phải có đam mê, kể cả làm từ thiện cùng đam mê. 'Đam mê' là thấy mọi người còn cực, còn nghèo là mình không cầm lòng được, phải hỗ trợ, giúp đỡ".

    Khi những thông tin cá nhân, số điện thoại được công khai sau các hoạt động thiện nguyện, ông Cảnh đã nhận được không ít tin nhắn, cuộc gọi chia sẻ, tâm tình từ những người đã được ông giúp đỡ.

    Thiết nghĩ, đây cũng chính là nguồn động lực, niềm tự hào và động viên tinh thần giúp cho lão đại gia Quảng Nam phấn đấu nhiều hơn nữa trong lao động và cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội.

    "Tôi làm các hoạt động thiện nguyện kể từ khi kiếm được đồng tiền, Thế nhưng, tôi vẫn suy nghĩ rằng, việc làm của mình mới chỉ như muối bỏ bể và vẫn phải cố gắng hơn nhiều", ông Cảnh tâm sự.

     

    Sự việc lão đại gia ở độ tuổi "bát thập đắc hi hỉ" thuê máy bay đưa đồng hương Quảng Nam về quê tránh dịch đã tạo hiệu ứng không nhỏ trong cộng đồng. Ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam xác nhận, ông Trần Công Cảnh là người đã chi 400 triệu đồng thuê 2 máy bay giúp đưa người dân có hoàn cảnh khó khăn từ TP.HCM trở về địa phương.

    Cũng theo ông Ca, việc ông Cảnh chi hàng trăm triệu thuê máy bay đưa người dân về quê là từ tấm lòng khi là người con đất Quảng. Không những vậy, trong quá trình đón người dân đang sinh sống, làm việc ở TP.HCM về quê tránh dịch, tỉnh Quảng Nam cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của ông Trần Công Cảnh.

    "Không cư trú ở TP.HCM, song biết được tình cảnh khó khăn của đồng hương, ông Cảnh quyết định hỗ trợ hai chuyến bay đưa người về. Không chỉ lần này mà trước đó đã nhiều lần ông Cảnh giúp đỡ người dân Quảng Nam", ông Võ Xuân Ca trả lời báo chí.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lao-dai-gia-quang-nam-thue-may-bay-dua-dong-huong-ve-que-tranh-dich-lam-gi-cung-phai-co-dam-me-ke-ca-tu-thien-a524285.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Doanh nhân Phạm Quang Trường và câu chuyện cảm hứng gây dựng “cơ nghiệp bạc tỷ” vươn ra biển lớn

    Doanh nhân Phạm Quang Trường và câu chuyện cảm hứng gây dựng “cơ nghiệp bạc tỷ” vươn ra biển lớn

    Bất kể ai trong chúng ta đều có ước mơ trở nên thật “giàu có”, trong tay có hàng tỷ đồng để sống một cuộc sống như mơ ước. Những khát khao, hoài bão đó, đôi khi chỉ xuất phát từ những ý tưởng nhỏ bé, tưởng chừng như “viển vông” và xa vời với thực tế. Thế nhưng, rõ ràng là ai cũng có thể hiện thực hóa ước mơ của mình và gây dựng nên cơ nghiệp đáng tự hào. Và một minh chứng cho những điều vừa nhắc tới đó chính là câu chuyện về Doanh nhân Phạm Quang Trường - Nhà sáng lập của chuỗi siêu thị liên hoàn Nutri Mart.