+Aa-
    Zalo

    Lão nông cả đời chữa bệnh xương khớp miễn phí từ bài thuốc của người Khơ-me

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Từ những bài thuốc Nam học được của ông thầy thuốc người Khơ-me, hơn 40 năm qua, ông Trần Ngọc đã cứu chữa cho hàng nghìn người mắc bệnh xương khớp, cúm...

    (ĐSPL) - Từ những bài thuốc Nam học được của ông thầy thuốc cao tay người Khơ-me, hơn 40 năm qua, ông Trần Ngọc (84 tuổi, xóm 3, thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) dốc hết tâm sức cứu chữa cho hàng nghìn người mắc các bệnh về xương khớp, cúm và một số bệnh thông thường khác.

    Ai có lòng muốn đưa gì thì tùy ý chứ không bao giờ ông ra giá. Đặc biệt, ông luôn sẵn lòng tư vấn miễn phí qua điện thoại với những bệnh nhân ở xa.

    Khỏi bệnh nhờ bài thuốc dân dã

    Có rất nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh nhờ bài thuốc dân dã của ông Ngọc. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng bà Huỳnh Thị Phàn (66 tuổi, thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) vẫn còn mãi ám ảnh về quãng thời gian bị bệnh tật hành hạ. Bà Phàn kể, cách đây khoảng 25 năm, chân trái của bà bỗng dưng sưng tấy, đau nhức từ đùi tới bàn chân rồi lở loét như muốn hoại tử. Bệnh mỗi ngày một nặng khiến bà dường như chẳng thể đi lại được, tiêm mãi nhưng mãi vẫn không bớt bệnh. Bệnh viện trả về, bà Phàn rơi vào tuyệt vọng. Lúc này bà được người quen giới thiệu đến ông Ngọc, người được biết đến với các khả năng chữa khỏi các bệnh về xương khớp bằng các bài thuốc Nam dân dã.

    “Tôi bị nặng quá nên phải nhờ người thân chở đến nhà ông Ngọc nhờ cứu giúp. Ông Ngọc xem sơ qua rồi thông báo tôi bị viêm khớp nặng. Ông giác hơi, đắp thuốc ở các khớp chân, sau đó trao cho tôi hơn 10 thang thuốc Nam để về sắc uống. Tôi chẳng biết đó là bài thuốc gì, chỉ nhớ hồi đó tôi đem về uống được chừng 3 tháng thì bớt đau. Sau đó vài năm tôi có bị tái phát lần nữa, đến ông Ngọc chữa trị lần 2 thì bây giờ gần như đã khỏi hẳn”, bà Phàn thuật lại.

    Bà Võ Thị Mãn (63 tuổi) cũng từng sống trong khốn khổ bởi chứng bệnh về xương khớp. Vì là nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối nên bà Mãn không đủ điều kiện kinh tế để đến bệnh viện khám chữa, được người quen giới thiệu bà đã tìm tới ông Ngọc nhờ giúp đỡ. Ông Ngọc sau khi nghe bà Mãn trình bày và khám xét đã cho biết bà bị thoái hóa khớp. Sau khi xoa bóp các gân khớp ở cánh tay, ông Ngọc trao cho bà Mãn một loại thuốc bột để bà mang về hào nước uống hàng ngày. Bà Mãn dùng thuốc chưa đầy một tuần không còn đau đớn gì nữa. Không chỉ bà Phàn, bà Mãn mà còn rất nhiều bệnh nhân khác cũng được ông Ngọc chữa khỏi bệnh một cách kì diệu như vậy.

    Bài thuốc nam dân dã chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Ảnh minh họa.

    Bài thuốc Nam mà ông Ngọc cho người bị xương khớp dùng uống khi về nhà gồm tổng cộng có 12 vị, trong đó có các vị thuốc cơ bản là: bạch đầu nam, bạch đầu nữ, mắc ó, mỏ quạ, trinh nữ, phóng huyết,… Đây cũng chính là một trong số các bài thuốc Nam mà ngày xưa ông Ngọc học được của ông thầy người Khơ-me. Bài thuốc có thể điều trị hầu hết các chứng bệnh về xương khớp, tuy nhiên, với những trường hợp bệnh cụ thể thì ông có những sự điều chỉnh thành phần vị thuốc, liều lượng cho phù hợp. Đây là cái khó mà cũng là cái hay của bài thuốc cổ xưa của người Khơ-me Nam Bộ mà ông Ngọc may mắn lĩnh thụ được.

    Bài thuốc Nam thứ 2 mà ông Ngọc vô cùng tâm đắc đó là bài thuốc ở dạng bột, được ông bào chế từ công thức bí truyền. Theo ông Ngọc, người bị bệnh xương khớp thì hầu hết xương khớp đã bắt đầu thoái hóa. Bài thuốc trên cũng được ông Ngọc áp dụng chữa trị cho người bị bệnh gai cột sống. Theo ông Ngọc, những người cao tuổi, cột sống thoái hóa và trên thân đốt sống sẽ phát triển phần xương, gây đau đớn và khó khăn trong đời sống hàng ngày. Để trị bệnh này, ông Ngọc sẽ giác hơi, đắp thuốc sau đó tùy vào từng người bệnh mà ông Ngọc sẽ cho họ bài thuốc Nam hoặc bài thuốc bột để dùng hàng ngày.

    Học bí quyết từ những ngày tha hương

    Nói về cái duyên với nghề chữa bệnh cứu người, ông Ngọc cho biết ông làm thuốc đã được hơn 40 năm và bắt đầu từ một sự tình cờ. Quê ông Ngọc vốn là vùng trung du dưới dãy Trường Sơn, đất đai vốn bạc màu, những năm chiến tranh thì càng thêm khắc nghiệt. Ngoài 20 tuổi, ông Ngọc phải bỏ xứ ra đi, dạt vào tận vùng biên giới Tây Nam rồi xin vào làm thuê cho một chủ đất người Khơ-me. Làm được một tháng thì ông Ngọc mới biết rằng người chủ đất tuổi ngoài bát tuần vốn là một thầy thuốc cao tay. Ông thầy người Khơ-me này tinh thông y thuật, chữa trị được các loại bệnh như gai cột sống, thần kinh tọa, gân khớp.

    Nhiều lần chứng kiến ông chủ chữa bệnh, ông Ngọc vô cùng thán phục và mong muốn được học nghề để có thể về lại quê hương giúp đỡ bà con. Sau nhiều lần đắn đo, ông Ngọc đánh bạo xin ông chủ truyền nghề dù biết nghề thuốc gia truyền không dạy cho người ngoài. Quả như vậy, người thầy thuốc từ chối với lí do đó là nghề bí truyền. Tuy vậy ông Ngọc vẫn không từ bỏ ý định học nghề thuốc. Ông Ngọc kể: “Tôi vẫn ở đó để làm thuê mưu sinh sống qua ngày. Về sau, người chủ nhà thấy tôi lén lút nhìn trộm ông ấy chữa bệnh thì gọi tôi đến, xem đôi tay rồi bảo sẽ dạy nghề. Khi đó tôi mới biết ông thấy tôi có thiện tâm, muốn truyền nghề để tôi giúp đời. Thế nhưng nghề thuốc nào không phải chỉ muốn học là được, cần phải xem tay có hợp không nữa”.

    Ông Ngọc bắt đầu học làm thuốc từ đó nhưng vẫn phải làm công việc đồng áng. Cứ mỗi khi xong công việc ngoài đồng, ông Ngọc lại đến phụ thầy chữa bệnh cho mọi người, lúc rảnh rỗi lại chuyên tâm đọc sách y học. “Ban đầu thấy ông chủ chữa bệnh thì tôi cứ nghĩ học khoảng vài tháng là mình làm theo được vì thấy các động tác đơn giản, nhẹ nhàng lắm. Ấy vậy mà tôi phải học tới 3 năm”.

    Sau khi đã thành thạo với công việc của một thầy thuốc, ông Ngọc cáo từ thầy để về quê nhà. Trước khi ông về, ông thầy người Khơ-me đã trao cho ông Ngọc vài cuốn sách y học vô cùng quý báu. Chiến tranh loạn lạc, ông Ngọc khó khăn lắm mới về tới quê nhà. Ông Ngọc lại trở về với cuộc sống khốn khó, cái đói cái nghèo đeo bám nhưng vẫn một lòng nuôi ý nghĩa chữa bệnh cứu người.

    40 năm làm thuốc cứu người, ông Ngọc chẳng nhớ nổi mình chữa cho bao nhiêu người, chỉ ước lượng được con số lên đến hàng nghìn. Nay đã ở tuổi 84 rồi nhưng ông vẫn say sưa với “cái nghiệp đã bám vào thân”. Hàng ngày, nếu không phải rong ruổi chữa bệnh thì ông Ngọc lặn lội khắp các cùng núi rừng, bờ bụi ở địa phương để tìm cây thuốc. Còn nhớ, khi chúng tôi đến nhà, ông Ngọc đang trông số thuốc vừa dạt phơi ở ngoài sân, đây là loại cây mắc ó, được ông hái ở khu vực hẻo lánh cách nhà hơn 10 cây số. “Thuốc này rất khó tìm, mình phải trực tiếp đi thôi, không nhờ ai được cả. Chặt xong rồi mang về dóc vỏ, dạt mỏng rồi mới phơi cho khô. Xong lại đi tìm vị thuốc khác về sơ chế rồi mới trộn lại để tạo thành bài thuốc”, ông Ngọc tâm sự.

    Việc làm thuốc vất vả như vậy còn việc rong ruổi chữa bệnh còn gian nan hơn. Ông Ngọc tuổi già, đâu còn sức nhiều để nay đây mai đó, nhưng ông chẳng thể chữa bệnh tại nhà bởi những người ở gần thì có thể tự đi hoặc nhờ người thân đưa đến nhà để được ông giác hơi, bó thuốc rồi mang thuốc về uống, trong khi những người ở xa thì việc đi lại vô cùng khó khăn, cách trở, thế nên ông Ngọc vẫn khát khao được truyền nghề cho càng nhiều người có tâm đức càng tốt.

    PHONG NGUYÊN

    Bài đã được đăng trên tờ Pháp luật & Cuộc sống – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật

    Xem thêm video Các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, khi nào cần phải đưa bệnh nhân đi bệnh viện

    [mecloud]TfYbOzTypW [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lao-nong-ca-doi-chua-benh-xuong-khop-mien-phi-tu-bai-thuoc-cua-nguoi-kho-me-a95949.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.