+Aa-
    Zalo

    Lấy công nghệ cao làm động lực phát triển nông nghiệp Thủ đô

    • DSPL
    ĐS&PL Với lợi thế trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, Hà Nội có nhiều thuận lợi khi tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời

    Với lợi thế trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, Hà Nội có nhiều thuận lợi khi tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời lấy công nghệ cao làm động lực để phát triển.

     

    Một mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thành Nam

    Cải thiện thu nhập của người dân

    Tính hết năm 2018, trên địa bàn Hà Nội có 126 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó, một số địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình. Thành phố hiện có khoảng 110 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng hoa lan của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng), Hợp tác xã hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ).

    Ngoài ra còn có hơn 924 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với nhiều sản phẩm chất lượng như nhãn chín muộn (huyện Hoài Đức), cam Canh (huyện Thanh Oai), chuối tiêu hồng (các huyện Thường Tín, Gia Lâm).

    Chỉ tính riêng huyện Phú Xuyên, đã có 27 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như các mô hình trồng lúa chất lượng cao như trồng giống lúa JO2 tại xã Nam Phong (30ha), xã Sơn Hà (40ha); 6 mô hình dự án trồng rau các loại, rau an toàn như mô hình măng tây xã Hồng Thái (5ha), xã Khai Thái (0,7ha), dự án rau cần Khai Thái (30ha), mô hình rau an toàn xã Minh Tân (5ha)… và 4 mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi Thồ, bưởi đào chuyên, 1 mô hình nhãn chín muộn, 3 mô hình trồng chuối, mô hình trồng cây dược liệu tại xã Thụy Phú với diện tích 1 ha, xã Khai Thái với diện tích 3.000m2; 1 mô hình trồng nấm tại xã Tân Dân cho năng suất trung bình từ 25 - 30kg/ngày, thu nhập từ 300.000-450.000 đồng/ngày.

    Ông Trần Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, thời điểm hiện tại, Phú Xuyên có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình đều đem lại thu nhập khá cho người dân. Mô hình nhỏ nhất cũng đem lại thu nhập vài trăm triệu/năm, có mô hình cho thu nhập lên đến vài tỷ/năm cho các hộ dân. Các hộ khác đang học tập mô hình này để nhân rộng trên địa bàn.

    Bên cạnh đó, tại một số xã ở các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Thạch Thất..., số hộ dân trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao cũng có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

    Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất

    Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 2,5 đến 3%; ứng dụng công nghệ cao đạt 35% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố; thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 8 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới...

    Để đạt được những mục tiêu đặt ra, Sở sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. Đẩy mạnh bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán sang mô hình trang trại, gia trại và chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích áp dụng thâm canh, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản.

    Tiếp tục duy trì và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông – lâm – thủy sản an toàn và phối hợp phát triển chuỗi cung cấp nông sản an toàn với các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ thí điểm ứng dụng hệ thống phần mềm để quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống. Đồng thời, tăng cường việc định hướng và dự báo thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

    Để không nằm ngoài xu thế nông nghiệp hiện đại, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản... Đồng thời, Hà Nội chú trọng hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ nông dân... có điều kiện ứng dụng công nghệ cao.

    Trước hết, với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở sẽ vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh (rau, hoa, cây ăn quả...) có ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật cùng với ngành nông nghiệp tạo những chuỗi sản phẩm có giá trị cao...

    Cùng với đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và thực hiện tốt chương trình “liên kết 4 nhà” nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển toàn diện nền nông nghiệp Thủ đô.

    Thành Nam/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lay-cong-nghe-cao-lam-dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-thu-do-a271104.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.