+Aa-
    Zalo

    Liên tiếp các vụ sàm sỡ: Xử lý không đủ sức răn đe, cái xấu phát tác thành “dịch bệnh”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ sàm sỡ khiến dư luận cảm thấy bất bình nhưng lại bị xử phạt rất nhẹ, thậm trí không bị khiển trách.

    Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ sàm sỡ khiến dư luận cảm thấy bất bình nhưng lại bị xử phạt rất nhẹ, thậm trí không bị khiển trách. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải sửa luật, trong đó quy định rõ như thế nào là hành vi dâm ô, như thế nào là sàm sỡ để xử lý nghiêm những kẻ biến thái. Để rộng đường dư luận, PV báo ĐS&PL đã trao đổi với các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

    Cần hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục

    Trường THCS Trần Phú. Ảnh: Thanh Niên


    Mới đây nhất, một thầy giáo bị tố sàm sỡ 7 nam sinh ở trường THCS Trần Phú (phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) nhưng nhà trường lại cho rằng đó chỉ là hành vi “trêu đùa quá mức”.

    Trước đó, là vụ nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP.HCM; Vụ thanh niên Đỗ Mạnh Hùng cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội mà chỉ bị phạt 200 nghìn đồng.

    Về vấn đề này, thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Nếu gọi hành vi của gã đàn ông biến thái trong thang máy (xông vào ôm hôn, cô gái) là “cưỡng hôn” thì e rằng chưa thấy hết được tính chất nguy hiểm cũng như bản chất của hành vi này.

    Đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể phát sinh những hành vi nguy hiểm khác cho xã hội. Vì vậy đây là một hành vi đáng lên án”.

    Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: “Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang còn khoảng trống pháp lý về chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục. Theo quy định hiện nay, vẫn chưa có chế tài riêng để xử lý đối với hành vi này mà chỉ được xử lý chung chung với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác...

    Những hành vi này đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt như nhau là từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng theo quy định tại khoản 1, điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

    Theo luật sư Cường, những hành vi quấy rối tình dục diễn ra ở mức độ tiếp xúc cơ thể như: Ôm hôn, sờ mó, nắn bóp vào những bộ phận nhạy cảm của nạn nhân là nguyên nhân có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm khác cho xã hội tiếp theo như hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, cướp tài sản... xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của công dân.

    Bởi vậy, tới đây, nếu sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể có quy định riêng về hành vi quấy rối tình dục và mức xử lý đối với hành vi này. T

    hậm chí, ông Cường cho rằng, có thể bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa một số hành vi của quấy rối tình dục thành tội phạm chứ không chỉ xử phạt hành chính thì mới đủ sức răn đe, mới đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong xã hội.

    Nói về mức xử phạt 200 nghìn đồng đối với kẻ sàm sỡ nữ sinh trong thang máy, luật sư Cường bày tỏ: “Mức xử phạt như vậy không tránh khỏi sự bức xúc trong dư luận và ấm ức đối với người bị hại. Hành vi này phải xử lý ở chế tài cao hơn, xử phạt hành chính như vậy là không đủ sức răn đe.

    Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng chưa thể có căn cứ để xử lý về tội hiếp dâm, cưỡng dâm hay những tội danh khác bởi hành vi này diễn ra trong thang máy, thời gian rất nhanh và hành vi chỉ dừng lại ở hành động ôm, hôn nạn nhân chứ chưa có hành vi chứng minh ý định muốn quan hệ tình dục hay chiếm đoạt tài sản, cũng chưa gây ra thương tích cho nạn nhân. Bởi vậy, cần có quy định xử lý riêng đối với hành vi quấy rối tình dục”.

    Sớm đưa vào khung hình phạt hợp lý

    Người đàn ông bị phạt 200.000 đồng vì cưỡng hôn cô gái trong thang máy.  Ảnh cắt từ clip. 


    Luật sư Nghiêm Quang Vinh nhìn nhận về vụ việc nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao: “Rõ ràng nhìn vào camera, hình ảnh thì đây là hành động ôm, hôn, sờ... có đụng chạm.

    Hành vi của nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng không còn nằm trong Nghị định 167 chỉ là cử chỉ, lời nói nữa mà đây là hành động cụ thể. Hành động này có thể khép vào hành vi dâm ô. Tuy nhiên, trong hành lang pháp lý hiện nay dâm ô là có các hành vi cụ thể, sờ mó đến các bộ phận nhạy cảm.

    Nhưng, việc định nghĩa các bộ phận nhạy cảm này là những bộ phận nào, đâu được coi là bộ phận nhạy cảm thì các cơ quan công quyền cần phải làm rõ hơn. Bởi, đây rõ ràng là hành động rồi nên không thể áp dụng Nghị định 167 về xử lý vi phạm hành chính được mà hành động này phải xử lý hình sự”.

    Lý giải về ý kiến luật pháp không mạnh, không nghiêm cái xấu không bị xử lý có thể sẽ phát tác” thành “dịch bệnh”, GS – Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh cho biết: “Khi luật pháp không xử nghiêm sẽ gây ức chế đối với người dân, nhiều người cảm thấy không thể chấp nhận được. Như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm!

    Tôi chỉ lấy ví dụ vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy ở TP.HCM, khi theo dõi trên mạng, tôi thấy nhiều người bình luận nếu là con em họ thì họ sẽ tìm gã đồi bại này để đánh, “xử”... điều đó rất nguy hiểm.

    Còn về vụ nam thanh niên sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội bị phạt 200 nghìn đồng, xét về khía cạnh đạo đức là hành động phi đạo đức, mất nhân tính, là tiền lệ xấu với thanh thiếu niên trên toàn quốc, trở thành một câu cửa miệng “cứ chuẩn bị 200 nghìn đồng ra đường gặp ai xinh cứ thế mà ôm hôn”, nó trở thành một trò hề về luật pháp.

    Theo tôi, tất cả những sự việc tương tự đang xảy ra, với góc độ văn hoá là phi văn hoá, góc độ đạo đức là phi nhân tính và dưới góc độ luật pháp là vô luật pháp. Cả 3 yếu tố này đều không thể chấp nhận bất cứ yếu tố nào. Tôi mong muốn Quốc hội, Nhà nước và các cơ quan làm luật cần phải sớm đưa vào khung hình phạt hợp lý, đủ sức răn đe và mong muốn xã hội lên án mạnh mẽ những vụ việc tương tự”.

    Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) bày tỏ: “Vụ nam thanh niên sàm sỡ nữ sinh bị phạt 200 nghìn đồng, theo tôi, ở những vụ tương tự cần phải xem lại mức độ hành vi, vi phạm.

     Vi phạm ở mức nào, sàm sỡ ra sao? Có một định nghĩa rõ ràng, cơ quan luật pháp phải mời cả hai bên để có sự đồng nhất. Cần phải tìm hiểu mức độ sai phạm, để ban hành quyết định xử phạt cho đúng với quy định của pháp luật.

    Còn việc xử phạt hành chính 200 nghìn đồng, tôi gọi là phạt tượng trưng, đó có phải là hành vi thể hiện quấy rối tình dục hay không thì cần nghiên cứu kỹ, xem xét lại. Nếu chỉ xử phạt như vậy thì không đủ sức răn đe, chưa kể những vụ việc tương tự khác sau này xảy ra thì ảnh hưởng đến danh giá, danh dự của người phụ nữ, đặc biệt là với những cô gái mới lớn”.

    C.C

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 15

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lien-tiep-cac-vu-sam-so-xu-ly-khong-du-suc-ran-de-cai-xau-phat-tac-thanh-dich-benh-a270994.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan