Liều tăng cường của vaccine Sputnik V có khả năng chống lại biến thể Omicron


Thứ 7, 18/12/2021 | 07:42


Cùng sự kiện

Nhà phát triển cho biết liều vaccine tăng cường của Sputnik V có khả năng bảo vệ chống lại biến thể của COVID-19 Omicron.

Ngày 17/12 (giờ địa phương), nhà phát triển vaccine cho biết, một mũi tiêm nhắc lại của vaccine ngừa COVID-19 Sputnik Light đến từ Nga cung cấp phản ứng kháng thể chống lại biến thể Omicron của COVID-19 mạnh hơn so với vaccine Sputnik V hai liều đơn thuần, theo Reuters.

Sputnik Light là một thành phần của vaccine hai liều Sputnik V (dựa trên loại huyết thanh adenovirus 26 ở người rAd26).

Tin thế giới - Liều tăng cường của vaccine Sputnik V có khả năng chống lại biến thể Omicron
Một chuyên gia y tế cầm trên tay lọ vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V trong một cửa hàng bách hóa ở Moscow, Nga, ngày 18/1. Ảnh: Reuters.

Viện Gamaleya của Moscow cho biết một nghiên cứu sơ bộ cho thấy mũi tiêm nhắc lại của vaccine Sputnik Light được áp dụng 6 tháng sau hai mũi Sputnik V, sẽ giúp bảo vệ tốt hơn để chống lại Omicron - biến thể đang gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở châu Âu.

Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya cho biết: “Tất cả các mẫu huyết thanh của những người đã được xét nghiệm đều chứa kháng thể trung hòa virus ở mức cần thiết liên quan đến biến thể Omicron".

Ông Gintsburg không cho biết có bao nhiêu người tham gia vào nghiên cứu. Phát hiện mới này so sánh phản ứng kháng thể ở những người ở các giai đoạn tiêm chủng khác nhau.

Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết trong một tuyên bố, hai liều vaccine Sputnik V cũng cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại các trường hợp bệnh nặng và nhập viện do Omicron gây ra. Kết luận này được cho là mâu thuẫn với một nghiên cứu quốc tế cho thấy Sputnik V không cung cấp khả năng bảo vệ chống lại biến thể mới. 

Hiệu quả của vaccine Sputnik V kết hợp với liều tăng cường của nó có thể đạt 83% hoặc cao hơn, giống như nó đã thể hiện khi chống lại biến thể Delta, ông Gintsburg cho biết. Người đứng đầu Viện Gamaleya nói thêm rằng viện sẽ công bố những phát hiện của mình trong một ấn phẩm đánh giá ngang hàng.

Nga đã báo cáo 25 trường hợp mắc biến thể Omicron tính đến ngày 16/12.

Trước sự xuất hiện của Omicron, bộ Y tế Nga đã khuyến nghị người dân tiêm vaccine tăng cường Sputnik Light, 6 tháng sau khi tiêm hai liều Sputnik V.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, chủ yếu từ Đại học Washington và Công nghệ sinh học Vir (VIR.O), đã đưa ra một kết luận khác trong một bài báo xuất bản ngày 14/12, trái với kết luận của RDIF.

Phân tích máu được lấy từ 11 nhân viên y tế tại bệnh viện Buenos Aires, những người đã được tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19 của Sputnik V, nhóm nghiên cứu quốc tế này không tìm thấy khả năng vô hiệu hóa chống lại Omicron khi họ cho các mẫu thử nghiệm với biến thể.

Họ phát hiện ra rằng vaccine của BioNTech-Pfizer, AstraZeneca và Moderna vẫn giữ được một số hoạt tính chống lại biến thể Omicron nhưng phản ứng kháng thể đã giảm đáng kể khi so sánh với phiên bản đầu tiên của virus được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc.

Các mẫu máu được lấy trong thời gian 7-10 tháng sau khi tiêm chủng.

RDIF cho biết nghiên cứu quốc tế đã "cố tình sử dụng các mẫu huyết thanh không mang tính đại diện".

Bích Thảo (Theo Reuters) 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lieu-tang-cuong-cua-vaccine-sputnik-v-co-kha-nang-chong-lai-bien-the-omicron-a522810.html