+Aa-
    Zalo

    Lộ trình kiểm soát khí thải xe máy: Liệu có “đứt gánh” như thu phí đường bộ?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - - Sau 6 năm được phê duyệt, đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo với lộ trình thực hiện có thể bắt đầu từ 1/7/2018 ở 5 TP lớn

    (ĐSPL) - Sau 6 năm được phê duyệt, đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo với lộ trình thực hiện có thể bắt đầu từ 1/7/2018 ở 5 thành phố lớn. Tuy nhiên, dù mới chỉ là dự thảo nhưng tính khả thi, mức phí kiểm định và quan trọng nhất, liệu nó có bị “đứt gánh giữa đường” như việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy được dư luận vô cùng quan tâm.

    Kiểm định soi xe “nhả khói” không đạt chuẩn

    Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa trình bộ GTVT lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với xe máy, dự kiến sẽ được thực hiện tại 5 thành phố lớn, từ ngày 1/7/2018. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đưa ra tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, xe máy chiếm 95\% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56 \% xăng nhưng lại thải ra 94\% Hyđrô cácbon (HC); 87\% cácbon ôxit (CO); 57\% ôxit Nitơ (NOx)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Và, xe máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn chính thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm.

    Nội dung đề án thể hiện, kiểm tra khí thải xe máy nên được thực hiện tập trung trước mắt tại các thành phố lớn, trực thuộc Trung ương – nơi được cho là đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương khác chủ động, phối hợp với bộ Giao thông Vận tải công bố lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại địa phương.

    Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy sẽ xóa sổ xe máy xả khói đen kịt.

    Đầu tiên sẽ thực hiện kiểm tra xe từ 15 năm tuổi, đến xe 10 năm tuổi và 5 năm tuổi trở lên, thời hạn kiểm tra 2 năm một lần, ở các TP.Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Dự thảo đưa ra tính toán sơ bộ về mức phí kiểm tra khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/lần/xe/2 năm. Đề án cũng đề ra 3 phương án với lộ trình cụ thể, thực hiện việc kiểm định theo dung tích xe và thời gian sử dụng xe. Theo đó, muộn nhất đến năm 2025 sẽ áp dụng đối với tất cả mô tô, xe máy (trừ xe máy của công an, quân đội, xe dùng cho người khuyết tật).

    Dù dự thảo mới đang ở giai đoạn đề xuất, nhưng nhiều người dân đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Hằng (Phú Mỹ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: “Kiểm định xe máy mà giúp không khí bớt ô nhiễm cũng tốt. Nói thật, chúng ta giờ ra đường chẳng ai dám bỏ khẩu trang cả. Tuy nhiên, việc kiểm định có đơn giản, thuận lợi hay không hay lại xếp hàng chờ kiểm định? Tôi thấy giờ ra đường đầy xe bus, xe tải xả khói đen kịt, mà vẫn chạy ầm ầm trên đường đấy thôi?”.

    Chị Hằng đặt câu hỏi: “Trước đây tôi bị ráo riết bắt nộp tiền phí bảo trì đường bộ xe máy trong khi tôi biết nhiều người không nộp và bây giờ là dừng thu phí. Những người đóng cũng bằng người không. Vậy liệu kiểm định xe máy có giống việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy thất bại trước đó? Người thực hiện nghiêm bằng người không thực hiện”.

    Nhìn nhận về đề án này, chuyên gia giao thông – TS. Nguyễn Xuân Thủy đánh giá: “Việc kiểm soát khí thải xe máy ở các thành phố lớn, tôi nhớ đã từng được đưa ra lấy ý kiến cách đây vài năm. Thời điểm đó, họ đề nghị kiểm soát khí thải ở 4 thành phố, giờ đề án này đề nghị đưa 5. Nhưng thành thật tôi e ngại là đề án khó có thể thực hiện được”.

    Theo ông Thủy, dù là đơn vị, đại lý nào đứng ra kiểm tra khí thải đều phải trả phí. Chuyện phí là yếu tố mà người dân đặc biệt quan tâm nhưng không biết người dân có ủng hộ hay không. “Có lẽ, tất cả chúng ta còn nhớ câu chuyện về việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Các đơn vị chức năng cũng rất quyết liệt để thực hiện nhưng sau đó thất bại vì không được người dân ủng hộ. Đối với những đề án như này tính xã hội rất là cao. Đặc biệt, xe máy cũ, là “cần câu cơm” của nhiều gia đình khó khăn liệu họ có sẵn sàng hợp tác?”, TS. Thủy băn khoăn.

    Tận thu tiền của người dân?

    Trước ý kiến phản biện rằng, đề án trên khó có tính khả thi và tận thu tiền của người dân, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Anh Tú, phòng Khoa học công nghệ, cục Đăng kiểm Việt Nam (bộ GTVT) cho biết: “Việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết, để bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe, thực hiện các công việc quản lý Nhà nước khác đối với mô tô, xe máy”. Theo ông Tú, đa số đều đồng ý về chủ trương, chỉ quan ngại tính khả thi trong điều kiện hiện nay. Việc thực hiện kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, do tư nhân thực hiện nên không thể nói là tận thu.

    Ông Tú nhận xét, theo đề án, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2, nơi đang bị ô nhiễm không khí, không phải kiểm soát hết gần 50 triệu xe. Ngoài ra, việc thực hiện theo lộ trình từng bước, không làm đồng loạt cùng một lúc. “Ô nhiễm không khí do khí thải mô tô, xe máy thường chỉ xảy ra tại khu vực các thành phố. Vì vậy, trách nhiệm chính là của chính quyền các thành phố vì lợi ích của địa phương mình. Bộ GTVT sẽ ban hành các quy định, cơ chế chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai thực hiện”, ông Tú nói thêm.

    Dù đề án nêu trên đã có lộ trình thực hiện cụ thể nhưng TS.Thủy thẳng thắn nhận định: “Quả thực, xe máy hiện đang là phương tiện gây ra ô nhiễm môi trường thông qua khí thải. Nhưng các lần trước đều không thực hiện được vì việc này trực tiếp tác động đến người dân và nhiều ý kiến phản đối. Nếu đề án thực hiện, mà không thành công lại phải hủy bỏ giữa chừng giống việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy thì ai chịu trách nhiệm cho sự tốn kém trong triển khai”.

    Về mức phí dự kiến là 100.000 – 150.000 đồng/xe/2 năm, TS. Thủy cho rằng, một xe ô tô cá nhân qua rất nhiều khâu kiểm tra mà cũng chỉ mất mức phí khoảng 220.000 đồng. Với xe máy, đo mỗi tiêu chuẩn khí thải họ lấy bao nhiêu? Mức thu phí theo đề án cũng được cho là cao. Hơn nữa, việc kiểm tra khí thải với xe máy phải thực hiện dễ dàng, thuận lợi và phù hợp với túi tiền người dân. Những việc này là tiêu chí quan trọng để đề án có tính khả thi và được người dân ủng hộ.

    Đại diện cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thừa nhận: “Việc thực hiện cần thiết phải có sự tham gia ủng hộ của các cấp, các ngành và người dân, đặc biệt vai trò chủ đạo là của chính quyền địa phương. Một mình ngành đăng kiểm hay bộ GTVT không thực hiện được”.

    PHAN TUẤN – ĐỖ THƠM

    [mecloud]ZB9Klz2pUF[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-trinh-kiem-soat-khi-thai-xe-may-lieu-co-dut-ganh-nhu-thu-phi-duong-bo-a140537.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan