+Aa-
    Zalo

    Loạn "lò" đào tạo âm nhạc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hàng loạt cơ sở đào tạo âm nhạc dưới nhiều hình thức khác nhau.

    (ĐSPL) - Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hàng loạt cơ sở đào tạo âm nhạc dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đáng nói là trong “thượng vàng hạ cám” ấy có rất nhiều cơ sở, điểm dạy nhưng không thể kiểm soát được chất lượng. Âm nhạc khi đã sai một ly thì… đi cả một thế hệ.

    Một số cơ sở “mượn danh”, có giảng viên của các trường âm nhạc lớn giảng dạy nhưng thực chất chỉ là sinh viên. (Ảnh minh họa).

    Mượn danh giảng viên

    Chỉ cần gõ cụm từ “luyện âm nhạc TP.HCM” trên Google thì sẽ có cả triệu kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây. Tất cả các cơ sở, “lò” luyện này đều quảng cáo với những mỹ từ để khẳng định kết quả dạy học. Trong vai một phụ huynh đi tìm lớp học thanh nhạc cho con, PV đã tìm đến một số trung tâm, cơ sở luyện âm nhạc tại TP.HCM và phát hiện nhiều điều bất cập.

    Tìm đến công ty TNHH truyền thông quảng cáo và giải trí M. (quận Gò Vấp), PV đã được một người tên Thúy, nhân viên ở đây tư vấn: “Nếu bé muốn học theo hướng chuyên nghiệp thì trước mắt cần trải qua lớp căn bản. Lớp căn bản sẽ học 8 buổi/tháng với học phí là 800 ngàn đồng. Sau khi học khoảng 2 – 3 tháng (tùy vào khả năng của bé) thì sẽ chuyển sang lớp nâng cao. Học phí lớp nâng cao sẽ đắt hơn, là 2 triệu đồng/tháng, do có nhiều kỹ thuật khó hơn. Nếu bé muốn trở thành học viên chuyên nghiệp thì phải học ít nhất từ 9 tháng đến 1 năm, khi đó mới giống mấy bé trên ti vi được”.

    Về thành phần giảng viên giảng dạy, theo như quảng cáo thì đây là những người “dày dạn kinh nghiệm, tham gia giảng dạy bộ môn thanh nhạc. Họ là giảng viên Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM, đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội...”. Tuy nhiên, khi PV hỏi cấp tập, Thúy thành thật: “Giáo viên là những người đã tốt nghiệp các trường nói trên, chứ không phải giảng viên”.

    Tương tự, tìm đến trung tâm âm nhạc F. (quận Tân Phú), PV được biết, học phí cho khóa học cơ bản ở đây là 3 triệu đồng/khóa (15 ngày). Và, học tiếp khóa nâng cao thì cũng đóng số tiền tương tự. Đây được quảng cáo “là một trung tâm thanh nhạc, chuyên đào tạo học viên các lớp thanh nhạc với đội ngũ giáo viên, giảng viên của Nhạc viện TP.HCM, đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, cao đẳng Văn hoá Nghệ Thuật TP.HCM... được đào tạo và chắt lọc chặt chẽ, có chuyên môn nghiệp vụ cao về sư phạm và trình độ âm nhạc”.

    Không chỉ thế, các “lò” luyện nhạc hiện nay còn nhận luôn việc lăng xê cho học viên. “Nếu anh muốn thì bên em đẽ đảm nhận việc hướng cho con anh đi theo chuyên nghiệp. Khi đó sẽ tìm chỗ hát, nơi để biến em thành người của công chúng. Cái này thì phải ngồi lại để tính toán, ký hợp đồng từng giai đoạn mới được anh à”, người tên Hòa tại trung tâm thanh nhạc M. (quận Tân Phú) tư vấn.

    Tương tự, trung tâm T.N (quận 4) cũng giới thiệu: “Những học viên sau khi kết thúc khóa học nếu được đánh giá là học sinh xuất sắc thì Công ty sẽ nhận và đào tạo 3 tháng để trở thành ca sỹ độc quyền của Công ty hoặc của các công ty sản xuất âm nhạc khác mà chúng tôi hợp tác và được hỗ trợ 100\% đi hát tại những sân khấu tại TP.HCM. Học tại công ty, bạn sẽ được ký vào giấy đảm bảo 100\% sẽ hỗ trợ cho bạn công việc sau khi kết thúc khóa học nên bạn hãy an tâm mà đặt niềm tin vào chúng tôi”.

    Nói về giảng viên tại các trung tâm này, những người kinh nghiệm trong nghề cho hay thực ra quảng cáo có giảng viên dạy chỉ là chiêu trò để thu hút học sinh. “Họ thuê giáo viên dạy là sinh viên của các trường văn hóa - nghệ thuật, mới có giá rẻ. Đây là những người biết cơ bản về âm nhạc nên nói họ hướng dẫn thì đúng, chứ dạy thì chưa đủ trình độ. Thậm chí, họ dạy cũng không có giáo trình, nghiệp vụ sư phạm nên chất lượng không cao”, ông Nguyễn Văn Hóa, một người từng mở dịch vụ này cho biết.

    Khao khát được nổi tiếng khiến nhiều em tham gia các chương trình truyền hình thực tế. (Ảnh minh họa).

    Sai một ly... đi túi tiền và niềm tin

    Sở dĩ các “lò” này phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua chính là do nhu cầu của người học quá nhiều. Anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ quận 3, TP.HCM phản ánh: “Gia đình tôi có hai con đang học tiểu học, ở trường các con đều có học thanh nhạc nhưng vì các con thích nên chúng tôi cho đi học thêm ở ngoài. Các cháu xem các cuộc thi, chương trình thực tế rất thích được như người thắng cuộc và sau đó muốn nổi tiếng nên đòi đi học cho bằng được. Thôi thì chiều các cháu. Nhưng học phí cũng không rẻ, hai cháu hết 7 triệu đồng/tháng”.

    Nhu cầu đi học và khao khát trở thành người nổi tiếng trong giới trẻ, đặc biệt là các em trong độ tuổi đến trường (cấp 2, cấp 3) là điều dễ hiểu. Không ít các em mong muốn trở thành ca sỹ, người nổi tiếng trong làng giải trí, đặc biệt là sau những cuộc thi trên sóng truyền hình được tổ chức khắp nơi đã tạo cho các em nhiều động lực và mong muốn mình cũng trở thành người nổi tiếng.

    “Thực tế, các cuộc thi về âm nhạc luôn thu hút các bạn trẻ, kể cả các bé thiếu nhi. Chính vì thế nó thôi thúc các em tìm đến với các lò luyện âm nhạc từ rất sớm”, NSND Nguyễn Hải Tâm cho biết. Còn PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng: “Trong khoảng chục năm trở lại đây, tại TP.HCM khó có thể thống kê đầy đủ số lượng các trung tâm dạy âm nhạc. Đa phần là các cơ sở, trường tư với quy mô từ vài học viên cho đến hàng trăm học viên. Các cơ sở này ra đời cũng chạy theo thị hiếu của người học. Thậm chí các công ty, đơn vị chuyên về truyền thông cũng tham gia”.

    Theo các chuyên gia, rất khó kiểm soát chất lượng của các “lò” đào tạo này. “Có những cơ sở đào tạo nhưng thầy dạy không hề có bằng cấp, chuyên môn gì cả, chỉ dạy theo kinh nghiệm có được. Rồi một số nơi còn mời cả những người chỉ biết chút thông tin về nhạc lý hay thanh nhạc dạy cho các em. Điều tai hại là không ai kiểm soát chất lượng của các cơ sở này cả. Chính vì thế, có khi các em nhỏ theo học mà vài năm sau vẫn chưa chơi được bản nhạc nào. Cũng giống như trong giáo dục, văn hóa vậy, nếu dạy nhạc sai thì sẽ mất cả một thế hệ, muốn sửa sẽ rất khó khăn”, một NSƯT tại TP.HCM (đề nghị giấu tên) chia sẻ.

    Cũng theo NSƯT này thì: “Cần phải thành lập ngay một trung tâm kiểm định chất lượng của các điểm, cơ sở, trường đào tạo âm nhạc. Nơi nào đạt chuẩn thì cho tiếp tục hoạt động, nơi nào không thì phải kiên quyết dẹp bỏ, chứ không thể để tình trạng lộn xộn như hiện nay. Nhưng khi làm phải nghiêm, quy củ, tránh để tình trạng lại chạy giấy phép như các loại hình khác (massage, karaoke...) lại biến tướng thêm, rất khó quản lý”.

    THANH TÙNG

    Xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]bVAV90uDoq[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loan-lo-dao-tao-am-nhac-a147218.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan