+Aa-
    Zalo

    Lợi nhuận siêu khủng từ dịch vụ “móc túi” Nhà nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nắm bắt nhu cầu quyết toán cuối năm của các đơn vị, cơ quan, tại nhiều nơi đang nở rộ dịch vụ bán hoá đơn với đủ các loại hoá đơn được quảng cáo để cân đối kế toán.

    (ĐSPL) - Nắm bắt nhu cầu quyết toán cuối năm của các đơn vị, cơ quan, tại nhiều nơi đang nở rộ dịch vụ bán hoá đơn với đủ các loại hoá đơn được quảng cáo để cân đối kế toán. Dịch vụ này cũng tràn lan trên mạng và phát triển ở nhiều thành phố lớn.

    Hồ sơ của một số công ty được giới thiệu để viết hóa đơn khống. (Ảnh: P.H)

    Tăng giá từng ngày...

    Trên mạng, chủ nhân của số điện thoại 0909217xxx có tên Kh.Nguy. cung cấp hẳn video quảng cáo các loại hóa đơn mình rao bán. Qua email dichvuhoadon79@..., một người tên Th. cho hay: Mức giá là 5,5\% giá trị mỗi hóa đơn.

    Mở một đường link khác thuộc top đầu, PV nhìn ngay thấy dòng quảng cáo ngắn gọn: "Chúng tôi nhận cung cấp hóa đơn, cung cấp hóa đơn tiếp khách, hóa đơn văn phòng, hóa đơn vận chuyển...". Chủ nhân của số điện thoại trong đó là một nam thanh niên tên L.. Người này nhanh chóng xác nhận mình nhận "bán" hóa đơn tại Hà Nội, Nam Định và TP.HCM. Khi nghe đến số tiền gần 100 triệu đồng cần viết hóa đơn đỏ, L. nói chi phí là 6\% của số tiền cần viết. Không chỉ có thế, L. còn khẳng định: "Đảm bảo là hóa đơn xịn. Nếu không thanh toán được sẽ hoàn tiền 100\%. Chỉ trong vòng 12 tiếng là sẽ xong". Nam thanh niên này còn khéo léo gợi ý, nên triển khai nhanh vì đã sắp hết năm rồi. Như vậy, nếu bán được một hóa đơn trị giá 20 triệu đồng, theo tỉ lệ 6\% trước VAT được hưởng, L. đã "bỏ túi" được 1,2 triệu đồng.

    Sau đó, Hư.- nhân viên của L. đã gửi cho chúng tôi hồ sơ của một số công ty. Trong số tài liệu Hư. gửi, có hồ sơ của công ty cổ phần đầu tư phát triển và thương mại V.H. Việt Nam (địa chỉ ở số..., đường Nguyễn Đức Cảnh, phường T.M., Hoàng Mai, TP. Hà Nội, mã số thuế 106026...) bao gồm Giấy chứng nhận và đăng ký mẫu dấu; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần; Thông báo phát hành hóa đơn có dấu đỏ của chi cục Thuế quận Hoàng Mai.

    Ngoài ra, còn thông tin của hàng loạt công ty khác cũng được gửi đến để chúng tôi lựa chọn như: Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ truyền thông và thương mại C.Q. (Nam Từ Liêm, Hà Nội, mã số thuế 0105273...); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ nhà hàng Th. (quận Long Biên, Hà Nội, Giám đốc T.V.D., mã số thuế 0105260...)... Các công ty này có số lượng ngành nghề được phép kinh doanh rất đa dạng, từ xây dựng, sản xuất may mặc, ăn uống, du lịch đến thăm dò thị trường. Có lẽ đây chính là kẽ hở để những kẻ buôn bán hóa đơn dựa vào để đáp ứng mọi nhu cầu của "khách hàng".

    Lần theo lời giới thiệu của một người quen, PV tìm đến phố Trần Hưng Đạo - nơi được coi là "chợ đen" buôn bán hóa đơn ở Hà Nội. Được biết, đây là địa chỉ được nhiều công ty sản xuất, dịch vụ, thương mại... tìm đến mua hóa đơn với số lượng lớn, nếu cần gấp, chỉ một cuộc điện thoại cũng có thể "xong việc". Quả đúng như lời đồn, nơi đây đông đúc và nhộn nhịp không chỉ bởi gần ga Hà Nội và các ngân hàng lớn mà còn bởi có sự xuất hiện của các “cò” bán hóa đơn.

    Khi PV tiến đến một nhóm phụ nữ ngồi ở vỉa hè, đối diện số 115 Trần Hưng Đạo, hỏi về nơi "bán hóa đơn", những người này nhanh nhảu đáp: “Cần mua loại gì?". PV trả lời, cần mua hóa đơn thanh toán tiếp khách, Một người phụ nữ to béo chừng ngoài 50 tuổi đáp: "250.000 đồng/hóa đơn. Ngồi đây, lấy bao nhiêu cái". PV kỳ kèo giá và hỏi thêm một số thông tin, người bên cạnh nhìn với ánh mắt khó chịu nói: "Vào Tết nó đắt, khó lấy lắm, không giảm thêm được. Có mua không hay chỉ hỏi dò. Hay lại là công an mật đến hỏi?...".

    "Cò" bán hóa đơn tại phố Trần Hưng Đạo. (Ảnh: P.H)

    Theo tìm hiểu của PV, tại "chợ hóa đơn", thông thường, giá vé tàu từ 50.000-100.000 đồng/vé, vé máy bay là 200.000 đồng; hóa đơn thì dao động từ 200 đến 300.000 đồng. Theo giải thích của những người bán ở đây, cuống vé tàu hoặc vé máy bay thường dùng để về thanh toán tiền với cơ quan sau khi đi công tác. Còn hóa đơn thì có nhiều loại, 150.000 đồng cũng có nhưng nếu mua với giá 300.000 - 500.000 đồng thì sẽ là loại hóa đơn có đủ ba liên. Thời điểm gần cuối năm, các "cò" thường sẽ hét giá cao hơn.

    Bóc mẽ chiêu thức "ăn cắp" tiền của Nhà nước

    Theo chị Phạm Thu Hà, kế toán của công ty Lixil Việt Nam thì, trên thực tế, có nhiều người đã lập công ty ma, dù không hề sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đi mua hóa đơn từ các công ty khác. Với việc mua hóa đơn này, công ty ma sẽ kê chi phí doanh nghiệp lên rất nhiều và sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thuế. Bên cạnh đó, cũng có một số công ty đang hoạt động nhưng vẫn bán hóa đơn khống về những hàng hóa và dịch vụ mà mình không có cho các doanh nghiệp khác để kiếm lời. Công ty bán được tiền hóa đơn, hưởng tiền hoàn thuế, công ty mua thì được hưởng từ việc tăng chi phí sản xuất nên sẽ được giảm thuế doanh nghiệp phải chịu với Nhà nước.

    Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thế Truyền, đoàn Luật sư Hà Nội đã chỉ ra mục đích của hoạt động mua bán hóa đơn. Theo đó, việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn GTGT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... nhằm gian lận, trốn thuế. Đối tượng mua bán hóa đơn trái phép còn nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước bằng cách sử dụng các hóa đơn, chứng từ viết khống để xin hoàn thuế.

    Nói về chiêu thức mà những đối tượng sử dụng, vị luật sư này cho hay: Tội phạm mua bán hóa đơn GTGT có rất nhiều thủ thuật. Nhưng nguy hiểm và nghiêm trọng nhất vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ảo, mục đích chỉ để mua, bán hóa đơn. Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng. Tinh vi hơn, các đối tượng sẽ thành lập doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết ở nhiều địa phương.

    Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo; nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó, các bên chia lợi nhuận theo tỉ lệ phần trăm rồi ghi khống. Với chiêu thức này, bên doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hàng hoá đầu vào cũng được lợi, bên mua bán hoá đơn cũng tiêu thụ được "hàng", giữa chúng câu kết bằng lợi nhuận phi pháp. Tội phạm mua bán hóa đơn, chứng từ và tội phạm trốn thuế đã móc nối thành đường dây "ăn cắp" tiền của Nhà nước. Hậu quả để lại nghiêm trọng gây thất thu thuế lên tới hàng tỉ đồng và thiệt hại cho nền kinh tế.

    Nguyên nhân của tình trạng trên, luật sư Truyền cho rằng, công tác quản lý hóa đơn, chứng từ đang bị thả nổi nhất là từ khi Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp về việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

    Đặc biệt, thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp cũng thông thoáng hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng phạm tội lợi dụng xin phép thành lập công ty và tiến hành mua bán hóa đơn khống, trái phép. Lợi dụng điểm này, các đối tượng xấu thuê người đứng tên thành lập hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH... để mua bán hóa đơn GTGT. Sau khi thành lập doanh nghiệp, các công ty này tiến hành mua bán hóa đơn và nộp báo cáo thuế hàng tháng đầy đủ với cơ quan quản lý thuế tạo nên hệ thống doanh nghiệp ảo, công ty ma, gây lỗ hổng nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, theo quy định, hình phạt đối với hành vi "mua bán trái phép hóa đơn" chưa đủ sức răn đe, lợi nhuận từ việc mua bán hóa đơn đem lại là quá lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục phạm tội.

    Nhiều tỉ đồng của Nhà nước bị thất thoát

    Ngày 21/9/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Tiến Dũng (Nam Định) để điều tra về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Dũng đứng ra điều hành công ty TNHH Đức Kim. Từ năm 2012 đến tháng 5/2014, Công ty này đã giao dịch với trên 200 doanh nghiệp trong toàn quốc bán được gần 1.000 hóa đơn, với giá trị hàng hóa giao. Trước đó, PC46 Công an TP. Cần Thơ cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Hoàng Khánh (32 tuổi), nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV XD-TM Đỗ Hoàng Khánh về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2013, với hành vi trên, Khánh đã thu lợi bất chính hơn 3 tỉ đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-nhuan-sieu-khung-tu-dich-vu-moc-tui-nha-nuoc-a76983.html
    Giám đốc công ty mua bán hóa đơn gần 100 tỷ đồng

    Giám đốc công ty mua bán hóa đơn gần 100 tỷ đồng

    (ĐS&PL) – Cơ quan CSĐT CA TP.Cần Thơ vừa cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Đỗ Hoàng Khánh (SN 1982), giám đốc Công ty TNHH MTV XDTM Đỗ Hoàng Khánh, về hành vi mua bán hóa đơn trái phép.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giám đốc công ty mua bán hóa đơn gần 100 tỷ đồng

    Giám đốc công ty mua bán hóa đơn gần 100 tỷ đồng

    (ĐS&PL) – Cơ quan CSĐT CA TP.Cần Thơ vừa cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Đỗ Hoàng Khánh (SN 1982), giám đốc Công ty TNHH MTV XDTM Đỗ Hoàng Khánh, về hành vi mua bán hóa đơn trái phép.

     Phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT hơn 130 tỉ đồng

    Phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT hơn 130 tỉ đồng

    Một đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng vừa bị triệt phá. Bằng thủ đoạn thành lập các công ty "ma" để mua hóa đơn, sau đó mua hóa đơn nơi khác để hợp thức hóa đầu vào và xin hoàn thuế, đường dây này đã thu về được hơn 130 tỉ đồng.