+Aa-
    Zalo

    Lòng tham của các đơn vị đã tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Các luật sư đã chỉ ra lòng tham của các đơn vị đã tạo điều kiện cho Như lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng và chính bị cáo này phải bồi hoàn những khoản tiền đã chiếm.

    (ĐSPL) - Thẳng thắng bác bỏ những lí lẽ luận tội của đại diện VKS, các luật sư tham gia tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm xét xử Huyền Như đã đưa ra những lập luận cho thấy VKS đang làm xấu đi tình trạng của bị cáo và không làm rõ được bản chất hành vi phạm tội...

    Bên cạnh đó, các luật sư cũng chỉ ra lòng tham của các đơn vị đã tạo điều kiện cho Như lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng và chính bị cáo này phải bồi hoàn những khoản tiền đã chiếm đoạt của bị hại...

    Chuyển tội danh của Huyền Như là vi phạm tố tụng?

    Trước đó, tại bản luận tội của mình, đại diện VKS cho rằng cần phải truy tố bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như về tội “tham ô tài sản” chứ không phải “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với kiến nghị này, đại diện VKS đã đưa bị cáo Như đứng trước một bản án cao hơn nhiều với khung hình phạt lên đến mức tử hình.

    Bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư Ngoan khẳng định việc đại diện VKS đề nghị như vậy là việc làm bất lợi cho bị cáo, điều này không đúng với quy định.

    Luật sư Ngoan lập luận, bị cáo Như đã chấp nhận bản án sơ thẩm đối với cả 2 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Sau khi có bản án sơ thẩm, bản thân bị cáo không kháng án và đã chấp nhận hình phạt cao nhất của khung tội danh này. Bản án sơ thẩm đối với bị cáo Như đã có hiệu lực từ khi hết thời hạn kháng cáo.

    Việc đại diện VKS đưa ra các lập luận để đề nghị chuyển hành vi của bị cáo Như là bất lợi cho bị cáo. Trong khi đó, theo quy định thì vấn đề này chỉ được kiến nghị khi có phán quyết của HĐXX phúc thẩm.

    Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xét xử phúc thẩm.

    Đồng tình với ý kiến của luật sư Ngoan, luật sư Nguyễn Thị Bắc, người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, đã “phản pháo” với bản luận tội của VKS cho rằng Huyền Như tham ô tài sản. Luật sư Bắc cho rằng xét về thủ tục tố tụng, ý kiến này của vị đại diện VKS là không phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự vì Như không kháng cáo và VKS cũng không kháng nghị về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tòa án đã tuyên nên phần bản án về tội danh có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

    Do vậy, chiếu theo các điều 230 và 240 của Bộ luật tố tụng hình sự thì cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo đối với phần đã có hiệu lực pháp luật.

    Cũng trong phần bào chữa của mình, luật sư Võ Văn Ngoan lí giải việc Như chỉ chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng và 9 công ty và 3 cá nhân để chỉ rõ việc Như có ý thức từ trước trong việc chiếm đoạt tài sản bằng cách thực hiện các hành vi gian dối.

    Trên thực tế, Như đã thành lập công ty Hoàng Khải từ năm 2007 để kinh doanh bất động sản và chứng khoán, nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã vay bên ngoài hơn 200 tỉ đồng với lãi suất cao (0,4-1,5\%/ngày), vay trả lãi cao làm nợ chồng nợ, dẫn đến không có khả năng chi trả.

    Tiếp đó Như đã bị các chủ nợ thúc ép, đe doạ nên mới có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền. Và dù không có tiền để chi trả khi thực hiện hành vi gian dối nhưng Như vẫn chấp nhận với mục đích nhằm chiếm đoạt. Đó là ý thức chủ quan của hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Lòng tham, sai phạm của bị hại là cơ sở để Huyền Như phạm tội

    Luật sư Ngoan nhấn mạnh, để gian dối được Như phải dẫn dụ câu dẫn đánh vào mong muốn của công ty bị hại, người môi giới bằng các lợi ích. Và lợi ích đó chính là lãi suất vượt trần, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 4\% đến 18\%/năm. Như sử dụng các khoản chi lót tay với các hình thức chi ngoài hoa hồng cho các các nhân, người trực tiếp giao dịch với Như mà không phải chủ trương của Vietinbank.

    Việc câu dẫn này đã đánh vào long tham và khi đã có lợi ích các công ty bị hại người môi giới đã chấp thuận mọi việc làm theo sự sắp đặt của Như từ mở tài khoản, lập và mở tài liệu, chuyển tiền ký giấy tờ không thực hiện đúng đủ các trách nhiệm của mình. Chính chủ tài khoản là người đã tạo điều kiện cho Như thực hiện việc chiếm đoạt.

    Bên cạnh đó, việc Như tự làm giảm 8 con dấu của các đơn vị, giả chữ ký, hợp đồng, mạo danh Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để làm các đơn vị tin vào như, từ đó tưởng là thật và tưởng rằng Như huy động tiền cho Chi nhánh Nhà Bè nên đã chuyển tiền.

    Còn thực tế thì đây đều là thủ đoạn gian dối để tạo lòng tin và dùng bẫy lãi suất cao, chi ngoài để đánh vào lòng tham nhằm dẫn dụ. Như vậy có thể kết luận nguồn tiền Như chiếm đoạt không phải do Vietinbank huy động. Ông Ngoan nhấn mạnh nguyên nhân, điều kiện tội phạm của Như chính là từ sai phạm, sơ hở, tắc trách của chính các công ty, bị hại.

    Ông Ngoan cũng nhấn mạnh việc các công ty ký hợp đồng, thực chất là sân sau của các Ngân hàng để che dấu giao dịch gửi tiền sai quy định. Và để che giấu hành vi đó, Chủ tài khoản đã trao quyền quản lý, định đoạt tài sản cho Như ngay từ khi thực hiện giao dịch; hợp đồng giả có điều khoản tạo thuận lợi cho Như lợi dụng để chuyển tiền đi; thậm chí chưa ký hợp đồng nhưng vẫn chuyển tiền đến như trường hợp của công ty An Lộc; ký hợp đồng nhưng không thực hiện theo hợp đồng như ACB. Mặt khác, các đơn vị chỉ giao dịch với Như qua điện thoại, email cá nhân của Như, không phải do Vietinbank cấp là không phải giao dịch trực tiếp với đại diện VietinBank.

    Video tham khảo:

    Diễn biến mới nhất phiên xử phúc thẩm “đại án” Huyền Như

    Huyền Như phải bồi thường số tiền chiếm đoạt là có căn cứ?

    Cũng trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Thị Bắc, người bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, đã tranh luận nhằm bác bỏ các nội dung kháng cáo, ý kiến luật sư của ACB, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) yêu cầu Vietinbank bồi thường khoản tiền Huyền Như đã chiếm đoạt, đồng thời phản bác ý kiến của đại diện VKS về việc Vietinbank phải bồi thường tiền.

    Luật sư Bắc viện dẫn tài liệu từ vụ án Nguyễn Đức Kiên về việc có “thoả thuận ngầm” giữa Huyền Như và Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ ACB) về việc huy động tiền lãi suất cao với lãi suất chênh lệch 3,8-4,5\%/năm và riêng Ngọc được hưởng 1,5\%/năm. Thoả thuận này là trái pháp luật và cũng xuất phát luôn từ chủ trương trái pháp luật của HĐQT ACB khi uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác. Các cá nhân này đều mắc bẫy lãi suất cao dẫn đến việc phó thác tài sản của ACB cho Như toàn quyền theo kiểu “miễn sao lãi suất thoả thuận là như vậy”.

    Nhân viên của ACB đã thờ ơ, vô trách nhiệm với các biến động tài khoản để cho Như chiếm đoạt tiền bằng chuyển tiền bằng lệnh chi khống, lệnh chi giả từ chính các nhân viên ACB đến tài khoản của các nhân, tổ chức mà Như vay tiền trước đó để chiếm đoat hơn 718 tỉ đồng của ACB. Tài liệu trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (án đã có hiệu lực pháp luật) cũng thể hiện các nhân viên ACB chỉ đứng tên để được hưởng thù lao từ 200.000 đến 1 triệu đồng, làm theo sự chỉ đạo của Huỳnh Thị Bảo Ngọc mà Ngọc thì được hưởng lợi đến 3,7 tỉ đồng. Luật sư cũng dẫn chứng khoản tiền 3,7 tỉ này và tiền nhân viên ACB nhận được đều là tiền của Huyền Như chứ không phải của Vietinbank.

    Đối với yêu cầu đòi bồi thường 210 tỉ đồng của SBBS, cùng với lập luận về việc Huyền Như có ý định chiếm đoạt từ trước và trên cơ sở “lòng tham” của các cá nhân liên quan SBBS, luật sư Bắc đã bác ý kiến đòi bồi thường của SBBS. Thực chết, trong thương vụ này, Huyền Như và Vũ Thị Mỹ Linh, kế toán trưởng của SBBS, đã có thoả thuận ngầm tương tự như trên nên Linh đã được hưởng lợi đến 9,9 tỉ đồng.

    Đáng chú ý, toàn bộ 14 Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn đều quy định lãi suất 14\%/năm, SBBS đã nhận khoản lãi suất 14\% này đều đặn hàng tháng với tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng, nhưng lại nhận thêm khoản lãi suất chênh lệch 4,2 tỉ đồng nhưng không thông báo cho Vietinbank biết. Mặt khác, theo hợp đồng thì tiền thanh toán phải chuyển vào tài khoản của SBBS tại Vietinbank nhưng thực tế đều chuyển vào tài khoản của SBBS tại Eximbank và đều đứng tên người giúp việc của Như thanh toán.

    Như vậy, trong vụ việc này, SBBS không những đã bị lừa ký và thực hiện Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả, chuyển tiền vào tài khoản giả... mà còn không thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào của Chủ tài khoản. Điều này cho thấy việc toà sơ thẩm tuyên buộc Như phải bồi thường cho SBBS 210 tỉ đồng là có căn cứ và đúng pháp luật.

    Tương tự, Huyền Như còn thực hiện những thủ đoạn trên để chiếm đoạt tiền của các đơn vị khác và bản án sơ thẩm đã tuyên buộc Huỳnh Thị Như phải bồi thường cho các đơn vị này là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật. Như vậy, Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường số tài sản mà Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của 7 đơn vị.

    Do đó, luật sư Bắc đề nghị HĐXX xem xét bác kháng cáo của Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Việt, Công ty CP Chứng khoán SaigonBank Beryaja, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Đầu tư và Thương mại An Lộc và bà Lê Thị Ngọc Nga; không chấp nhận đề nghị của vị đại diện VKS hủy một phần bản án sơ thẩm đối bị cáo Như và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty trên trên để điều tra lại.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/long-tham-cua-cac-don-vi-da-tao-dieu-kien-cho-huyen-nhu-lua-dao-a76248.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan