Luật gia Việt-Hàn trao đổi kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật


Thứ 4, 26/04/2017 | 03:43


Cùng sự kiện

Nhận lời mời của đoàn Luật sư Seoul (SBA), từ ngày 24/4 đến ngày 27/4,Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt

Nhận lời mời của đoàn Luật sư Seoul (SBA), từ ngày 24/4 đến ngày 27/4,Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đã có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, ngày 25/4, tại trụ sở SBA, Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam đã có buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm lần thứ 10 với đoàn Luật sư Seoul với chủ đề : Vai trò của Luật gia, Luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật.

Tại hội thảo, hai bên đã có những tham luận và nhiều ý kiến trao đổi mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này.

Tham luận tại hội thảo, Luật sư Yoo Cheol-Hyung, Phó chủ tịch SBA cho biết: Tổ chức Luật sư tham gia xây dựng pháp luật không những hợp hiến mà còn có thể bảo vệ nhân quyền và đảm bảo công bằng xã hội. Về góc độ thực tiễn, trong những năm qua, Đoàn Luật sư Seoul đã tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật dưới nhiều hình thức: Đóng góp ý kiến về các dự thảo Luật đang được xem xét theo đề nghị của Quốc hội; hợp tác với nghị sĩ Quốc hội đề xuất các dự thảo Luật liên quan đến những vấn đề nổi cộm trong xã hội hoặc liên quan đến vấn đề cải thiện hệ thống tư pháp; Đề xuất kiến nghị trong trường hợp các dự thảo Luật liên quan đến phạm vi hành nghề Luật sư được đề xuất hoặc dự báo xây dựng; Hỗ trợ việc xây dựng các dự thảo Luật Thông qua việc hình thành và điều tra dư luận. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2015-2016, SBA đã góp ý 72 dự thảo Luật theo đề nghị của Quốc hội, hợp tác cùng nghị sĩ Quốc hội đề xuất 7 dự thảo Luật, kiến nghị về 4 dự thảo Luật liên quan đến phạm vi hành nghề Luật sư, tổ chức 14 hội nghị chuyên đề và tọa đàm công bố kết quả điều tra dư luận liên quan đến cải cách hoặc đề tài được dư luận quan tâm.

Luật gia Việt-Hàn trao đổi kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật

Theo Luật sư Yoo Cheol-Hyung, trong năm 2017, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của SBA tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cũng tại buổi hội thảo, tham luận của TS Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh: Ngay từ khi thành lập vào năm 1955, với tư cách là tổ chức của những người làm việc, hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng, cải cách pháp luật. Thời kỳ đầu (1955-1975), trong cuộc đấu tranh pháp lý phục vụ cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, VLA đã có những đóng góp cho sự phát triển của pháp luật quốc tế, nhất là việc khẳng định các quyền dân tộc cơ bản, hòn đá tảng của công pháp quốc tế hiện đại. Các luật gia Việt Nam đã góp phần quan trọng để làm rõ nguyên tắc về quyền cơ bản của dân tộc đó là: độc lập,chủ quyền,thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Từ sau 1975, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ cũng như quy định của pháp luật, các bản điều lệ của Hội qua các thời kỳ đều quy định nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ chính của Hội. Trên cơ sở nguồn lực của mình, qua từng thời kỳ, Hội đã chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan thẩm quyền ban hành.

Năm 2003, Hội đã chủ trì soạn thảo thành công Pháp lệnh Trọng tài thương mại, đến năm 2009, Hội được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo Luật Trọng tài Thương mại.

Sau hơn một năm soạn thảo, ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 QH khoá XII, Luật Trọng tài Thương mại đã chính thức được thông qua.

Thành tựu nổi bật là năm 2014, Quốc hội giao cho Hội chủ trì soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân.

Trong điều kiện Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến trưng cầu ý dân cũng như chưa từng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nào thì đây là một nhiệm vụ khó khăn. Ngày 25/11/2015,Quốc hội đã thông qua Luật trưng cầu ý dân do Hội trình. Ngoài ra, Hội cũng đã cử đại diện tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập các văn bản quy phạm pháp luật như : Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), Luật Thương mại (1997), Luật Toà án ND, Luật Thi hành án dân sự, Luật Luật sư, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoà giải ở cơ sở, Luật Trợ giúp pháp lý....

Hội cũng tham gia góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc chủ động thực hiện như: Hiến pháp 2013, Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý.

Trung bình hàng năm, Hội góp ý 20 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện 02 nghiên cứu liên quan. Ngoài ra,riêng trong nhiệm kỳ 2009-2014,các cấp Hội địa phương đã tham gia xây dựng 43. 722 văn bản quy phạm pháp luật và hàng ngàn quy chế dân chủ cơ sở,quy ước,hương ước.

Tại hội thảo, các bên cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về công tác tham gia xây dựng pháp luật.

Trước đó, tại buổi hội đàm chính thức, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và Chủ tịch đoàn Luật sư Seoul Lee Chan Hee cũng đã nhất trí tăng cường quan hệ trao đổi, hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

P.V

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-gia-viet-han-trao-doi-kinh-nghiem-tham-gia-xay-dung-phap-luat-a188340.html