+Aa-
    Zalo

    Luật hóa chi tiết đám tang cán bộ, công chức một cách khiên cưỡng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khẳng định tiết kiệm, tránh lãng phí trong ma chay là cần thiết, nhưng "nghĩa tử là nghĩa tận" nên việc thăm viếng, nhìn mặt người thân lần cuối là nhu cầu chính đáng.

    (ĐSPL) - Mặc dù đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và người dân nhưng tờ trình của bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào tháng 1/2014 về dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều về tổ chức đám tang cán bộ, công chức có sửa đổi nhưng vẫn bộc lộ sự thiếu thực tế.
    Khẳng định tiết kiệm, tránh lãng phí trong ma chay là cần thiết, nhưng "nghĩa tử là nghĩa tận" nên việc thăm viếng, nhìn mặt người thân lần cuối là nhu cầu chính đáng. Vì thế nhiều quy định trong Nghị định là khiên cưỡng chưa thực sự phù hợp với tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân.
    GS.TS. NGND Trần Văn Bính: 
    "Định lượng" tín ngưỡng chủ quan, thiếu thực tiễn
    Đó là nhận định của GS.TS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng viện Văn hóa (học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khi bình luận về dự thảo Nghị định sửa đổi "Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức" của bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Theo GS. Bính, nhiều quy định trong dự thảo là một bước lùi. "Bước tiến của chúng ta là làm sao phải đảm bảo tính khoa học, không lãng phí mà vẫn giữ được tình nghĩa. Thông qua hình thức tổ chức tang lễ cho người đã mất, làm sao để người ta nghĩ đến mối quan hệ giữa người đang sống với nhau", nhà giáo lão thành khẳng định.
    Làm thiếu đi "cái tình"   của con người
    Bộ VH-TT&DL đang trình Chính phủ bản dự thảo Nghị định sửa đổi "Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức" với những điều "hạn chế" về số lượng vòng hoa, cửa kính trên quan tài, thậm chí là "siết" rải vàng mã... Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo có quá nhiều quy định chi tiết, thực chất là không cần thiết. Xin GS. cho biết quan điểm của mình về điều này?

    Theo quan điểm của cá nhân mình, tôi không hoàn toàn tán thành dự thảo này. Tôi cũng nhiều lần nêu ý kiến với các cơ quan hữu quan, chỉ rõ những quy định không cần thiết, thiếu tính khả thi trong dự thảo nói trên. Ví dụ, không sử dụng quan tài có nắp kính. Bất kể ai cũng vậy, gần như đều chung tâm trạng khi tiễn đưa một thân nhân sang thế giới bên kia, họ đều mong muốn có giây phút cuối cùng được nhìn mặt người thân của mình. Tại sao lại phải bịt kính của nắp quan tài? Tất nhiên, người ta lo sợ chuyện bị bệnh dịch nên phải kín đáo, nhưng đó chỉ là ngoài lề, tại sao lại phải đưa vào quy định này? Ai sẽ kiểm tra làm rõ người đang nằm trong quan tài mắc bệnh truyền nhiễm hay không, vì chính người thân trong nhà sẽ tự có trách nhiệm để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe của mình khi bên cạnh thi hài người chết. Theo tôi, những quy định trên làm thiếu đi cái tình của con người.

    Nhiều người vẫn nói "nghĩa tử là nghĩa tận", việc bày tỏ thương tiếc bằng cách rắc, rải vàng mã trong lễ tang là tín ngưỡng lâu đời, để vong linh người quá cố biết đường quay về với gia đình. Quy định không được rắc, rải vàng mã như vậy liệu có hợp lý, thưa GS.?
    Theo quan điểm của người xưa, việc rải, rắc vàng mã là để tiễn đưa người quá cố, để linh hồn của họ được siêu thoát. Nó cũng thể hiện tình cảm của con cháu, những người đang sống với người quá cố. Thực ra mà nói, chuyện này cũng chẳng lãng phí bao nhiêu, quan trọng làm sao đừng quá lạm dụng thôi. Mà tôi thấy, trong xã hội hiện đại, đại đa số cán bộ, nhân dân cũng chẳng lạm dụng nhiều chuyện đó nữa, trừ một vài trường hợp quá phô trương, thích thể hiện mà thôi.
    Luật hóa chi tiết đám tang cán bộ, công chức một cách khiên cưỡng
    GS.TS.NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng viện Văn hóa (học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
    Bước tiến hay bước lùi?
    Ngoài việc "hạn chế" về số lượng vòng hoa, cửa kính trên quan tài, trong dự thảo còn những điểm gì mà GS. nhận thấy không khả thi?
    Theo tôi, trong việc tổ chức tang lễ cũng đừng phân biệt đẳng cấp nhiều quá. Tại sao lại quy định, cấp Thứ trưởng trở lên thì cơ quan, tổ chức Nhà nước đứng ra lo tang lễ, còn dưới cấp đó lại trả về cho khu dân phố lo. Trước đây không hề có, tại sao bây giờ lại quy định như vậy? Điều này khó tránh khỏi khiến người đang sống nghĩ rằng, sau này mình mất, cơ quan không chịu trách nhiệm về mình. Cái đó có lợi hay có hại? Cả cuộc đời người cán bộ gắn bó với cơ quan, đến lúc họ ra đi, cơ quan cũng nên thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình. Đó không chỉ là tri ân những người đã mất mà còn cổ vũ những người đang sống gắn bó nhiều hơn với cơ quan, đơn vị. Điều này sẽ góp phần cho sự phát triển của đất nước. Theo tôi, những quy định kiểu này nhìn chung là một bước lùi. Bước tiến của chúng ta là làm sao phải đảm bảo tính khoa học, không lãng phí mà vẫn giữ được tình nghĩa.
    GS. nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, thay vì ban hành những quy định chi tiết, khiên cưỡng thì nên vận động lâu dài, thay đổi suy nghĩ, tư tưởng của người dân, tuyên truyền tiết kiệm, tránh việc cấm đoán khiến dư luận phản ứng?
    Lúc còn sống, Bác Hồ dạy chúng ta rất nhiều về hai chữ "tình - nghĩa". Bác căn dặn rằng: "Dân tộc chúng ta vốn sống với nhau rất có tình có nghĩa, từ ngày có Đảng lãnh đạo tình nghĩa đó đã phát triển sâu rộng hơn thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà...". Tư tưởng đó của Bác mãi mãi vững bền trong đời sống tinh thần của dân tộc chúng ta. Trong nhiều hội thảo tôi vẫn nói, cái cây nuôi sống văn hóa chính là đạo đức, lối sống. Nếu đạo đức, lối sống bị thương tổn, hư hại, cây văn hóa sẽ khô héo. Do đó, phải xuất phát từ tư tưởng này để quy định các chế tài trong đời sống văn hóa, kể cả nghi thức tổ chức lễ tang.
    Để đưa ra lời bình luận ngắn gọn nhất về dự thảo lần này, GS. muốn nói điều gì?
    Tôi đề nghị các dự thảo về tang lễ phải làm sao tạo được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa những người đang sống với nhau. Qua đó cũng thể hiện tấm lòng tri ân đối với những người đã mất. Thông qua hình thức tổ chức tang lễ cho người đã mất, người ta nghĩ đến mối quan hệ giữa người đang sống với nhau.

    Xin trân trọng cảm ơn GS!

    Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An:

    Người làm chính sách phải hiểu luật và tường minh đời sống văn hoá

    Nghị định quy định chi tiết tổ chức lễ tang cán bộ, công chức với việc quan tài có hay không đặt lắp kính, rắc vàng mã, tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số lượng vòng hoa luân chuyển, trang trí nơi tang lễ... thực sự không cần thiết đối với văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt Nghị định này lại điều chỉnh một vấn đề mang tính văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đã có từ lâu đời của người dân.
    Nhìn nhận thực tế này, bà Bùi Thị An khẳng định: "Về nguyên tắc, tôi khẳng định những hủ tục mang tính chất lạc hậu thì nên chống trong tất cả các lĩnh vực lễ hội, tang lễ. Nhất là những hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người chẳng hạn như để người chết mấy ngày mới chôn thì phải loại bỏ. Những hủ tục này đôi khi ẩn dưới dạng phong tục tập quán của từng vùng miền, và cũng có dạng đám tang cố tình tổ chức "hoành tráng" để phô trương sự giàu sang, địa vị thì phải cực lực phản đối. Song việc lạm dụng tang lễ để đạt mục đích cá nhân không nhiều mà người Việt mình luôn trọng tình cảm, ân nghĩa, họ coi "nghĩa tử là nghĩa tận". Đó là cơ hội cuối cùng để họ chia tay người thân nên nhìn mặt người đã khuất lần cuối cũng là ý nguyện của nhiều người. Chính vì nhu cầu đó mà sau này người ta mới nghĩ ra mặt kính quan tài".
    Tuy nhiên, nhìn nhận những chi tiết quy định trong Nghị định, bà An cho rằng: "Mỗi vùng miền có những phong tục tập quán riêng, nếu như điều đó không ảnh hưởng đến cộng đồng, đến tổng thể mối quan hệ xã hội, thuần phong mỹ tục thì văn bản quy phạp pháp luật điều chỉnh cần phải cân nhắc, xem xét rất kỹ. Bởi lẽ luật, nghị định phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống. Nếu quy định đưa ra không khả thi sẽ tạo ra sự lãng phí, làm cho người dân "nhờn luật" và không có tác dụng. Mong ước của chúng ta điều hành đất nước bằng luật pháp thì đã không đạt yêu cầu".
    Luật hóa chi tiết đám tang cán bộ, công chức một cách khiên cưỡng
    ĐBQH Bùi Thị An.
    Những quy định về không mua vòng hoa bằng tiền ngân sách mà ban tổ chức lễ tang sẽ chuẩn bị những vòng hoa luân chuyển (với kích thước vòng hoa được quy định cụ thể) để các đoàn thể, thân nhân, bạn bè vào viếng người quá cố. Điều này xuất phát từ thực tế lãng phí, có đám tang số lượng lên tới 400 vòng hoa.
    Trước kiến giải này, bà An nêu quan điểm: "Đối với những quy định chống lãng phí, tiết kiệm cho người đến viếng, tiết kiệm cho ban tổ chức, cho gia chủ chúng ta cũng nên ủng hộ. Tôi nghĩ rằng trong tang lễ không nên bày vẽ, hình thức bởi chữ hiếu của những người thân trong gia đình, sự thương tiếc của thân hữu không phải chỉ phô ra khi ai đó qua đời mà thực tế cuộc sống họ đã đối xử với nhau như thế nào. Tuy nhiên, với nhiều người khi đến tiễn biệt người đã khuất là mong muốn bày tỏ tấm lòng của mình sẽ có nhiều cách khác nhau. Quan hệ cộng đồng của người Á Đông khác với nhiều quốc gia nên tiết kiệm là cần thiết nhưng quy định như thế nào để phù hợp thì những người soạn thảo Nghị định cần cân nhắc. Vấn đề làm sao một đám tang vẫn phải trang trọng, nghiêm túc, tiết kiệm. Nhưng nếu Nghị định lại quy định quá chi tiết tới kích cỡ vòng hoa, hoặc các chi tiết khác mà nó không vi phạm luật, không phạm thuần phong mỹ tục như để mặt kính quan tài hay không thì không nên".
    Bà Bùi Thị An đặt ra vấn đề đặt tính thực tiễn của Nghị định: "Người làm luật phải xuất phát từ thực tế. Điều gì pháp luật không cấm, không ảnh hưởng đến cộng đồng khi đưa vào quy định hạn chế, hoặc cấm phải cân nhắc thận trọng. Chỉ như vậy dư luận mới đồng tình, người dân thấy hợp lý tự giác tuân thủ thì luật mới đi vào cuộc sống. Tôi vẫn khẳng định, những gì quá chi tiết thì không nên quy định vào văn bản quy phạm pháp luật. Đơn giản luật quy định chi tiết thì sẽ thiếu nhưng tổng thể tiết kiệm là nên làm. Tôi đã đến một số lễ tang lớn, người ta đặt những vòng hoa lớn, sau đó có những đĩa hoa để người đến đặt lễ, thắp hương kính viếng người đã khuất rất đẹp và trang trọng".
    Nhìn nhận tổng quan về dự thảo Nghị định, bà Bùi Thị An khẳng định: "Những người soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tâm linh cần thận trọng. Trong lĩnh vực này, đòi hỏi người làm luật phải am hiểu pháp luật và có sự tường minh, hiểu biết rộng thực tiễn đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhiều vùng miền. Ở đây, người làm luật không thể lấy ý chí chủ quan, hoặc lấy mô hình tang lễ của một vùng miền nào để áp đặt chung. Vì vậy, việc quy định nên chỉ dừng lại ở mức độ chung nhất, phù hợp với đại đa số những lễ tang".

    Ông Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long:

    Làm sao phải giải thích cho người dân hiểu chứ đừng nói cấm là cấm!

    "Không nhất thiết phải đưa ra những quy định quá chi tiết mang tính "áp đặt" cho một nghi lễ mang đậm phong tục tập quán của dân tộc..."- Đó là nhận định của ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về bản dự thảo lần này của bộ VH-TT&DL.
    Luật hóa chi tiết đám tang cán bộ, công chức một cách khiên cưỡng
    Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long.
    Chưa phải chuyện "nước sôi lửa bỏng"
    Ông nghĩ sao trước quan điểm cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi "Quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức" đưa ra nhiều quy định quá chi tiết, thực chất là không cần thiết, gây phản ứng trong dư luận về tính khả thi, hợp lý?    
    Tôi nghĩ, những quy định cụ thể kiểu để hay không để ô cửa kính trên nắp quan tài là việc quá nhỏ. Tang lễ là vấn đề mà cả xã hội quan tâm, tự nhiên sao lại đặt vấn đề trên làm gì? Câu hỏi đặt ra là xã hội còn rất nhiều việc bề bộn cần phải làm, tại sao lại chú trọng đến những việc chi tiết đến tủn mủn như vậy? Theo tôi, một khi quy định đưa ra mà nhiều người không đồng tình, vấp phải sự phản ứng của dư luận thì nên chăng xem lại có cần quy định như vậy không? Khi làm bất kỳ chính sách gì có "đụng chạm" đến nhiều người, xu thế của xã hội hiện đại là phải tham vấn nhất là những việc liên quan đến tang ma. Trong trường hợp này, các cơ quan soạn thảo đã tham vấn, xã hội chưa, đã điều tra dư luận chưa? Đó là điều cần thực hiện nghiêm túc trước khi đưa ra công luận.
    "Nghĩa tử là nghĩa tận", những vấn đề liên quan đến tang ma luôn được người dân đặc biệt quan tâm, bởi nó thể hiện lòng thành kính với người đã khuất. Dường như quy định này đang đi ngược lại văn hóa tín ngưỡng đó, thưa ông?
    Xưa nay, những vấn đề liên quan đến tang ma rất khó giải thích đúng hay sai, nhiều khi đã thành tập tục. Ngay như chuyện đặt một tấm kính trên quan tài cũng được thực hiện từ lâu, mục đích để người sống được nhìn và vĩnh biệt người quá cố lần cuối. Từ thực tế đó, làm sao phải giải thích cho người dân hiểu đặt kính như thế là không hợp vệ sinh, hay ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... chứ đừng nói cấm là cấm. Việc đó cũng chưa phải "nước sôi lửa bỏng", nếu chưa làm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội... Bản thân tôi nghĩ rằng, việc tang ma cũng đang đơn giản, chưa có vấn đề gì lớn lắm, không nên bày ra những quy định làm sự việc phức tạp hơn thế.
    Cần được cân nhắc cẩn trọng
    Ông nghĩ sao khi nhiều chuyên gia cho rằng, với những văn bản quy phạm pháp luật thì nên đưa ra những nội dung rõ ràng, không nên mơ hồ theo kiểu hô hào như thế? 
    Theo tôi, không nhất thiết phải đưa ra những quy định quá chi tiết mang tính "áp đặt" cho một nghi lễ mang đậm phong tục tập quán của dân tộc. Ngoài ra, trong một văn bản quy phạm pháp luật cần phải thể hiện thái độ, quan điểm dứt khoát cho việc đồng ý hay không bằng các từ như: "Cấm" hay "không cấm", chứ không thể dùng theo tính chất hô hào, khuyến nghị như kiểu: "Có thể", "khuyến khích"... Theo tôi, dự thảo này cần phải được cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống vì đây là một văn bản pháp luật "chạm" đến vấn đề tâm linh, nhạy cảm. 

    Từng là một Đại biểu Quốc hội cũng là chuyên gia văn hóa uy tín, ông nhìn nhận thế nào về tổng quan của bản dự thảo lần này?

    Nhiều năm trở lại đây, ngành văn hóa cũng có nhiều đóng góp tích cực, bớt đi nhiều hủ tục, nhất là chuyện vệ sinh, an toàn, loại bỏ dần những hủ tục cũ không có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Đó là việc làm đáng ghi nhận và cần phải phát huy. Bản thân trong dự thảo lần này, cũng không phủ nhận có những điểm cần ủng hộ. Ví dụ, chúng ta cần hiểu quy định rắc vàng mã thế nào cho hợp lý. Cấm rải vàng mã một cách vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn có lý. Bởi đây chỉ là hình thức mang tính tượng trưng đánh dấu lối về cho vong linh người đã khuất, do đó, người còn sống không được lợi dụng để khoa trương, thể hiện thái độ kênh kiệu với xã hội. Hành động trên đã đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

    Bên cạnh đó, phải nghiêm cấm việc rắc tiền thật vì không những gây phản cảm mà trái với quy định của pháp luật. Đó là thói lố bịch, là kiểu "trưởng giả học làm sang". Những trường hợp vi phạm phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Từ những dẫn chứng đó, cần phải đánh giá khách quan dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, không phải vì một vài điểm chưa được mà phủ nhận hoàn toàn tính tích cực, cần thiết của nó. Những thói quen xấu lặp đi lặp lại mà đưa vào quy định để được tốt đẹp hơn thì phải ủng hộ.
    Xin trân trọng cảm ơn ông!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-hoa-chi-tiet-dam-tang-can-bo-cong-chuc-mot-cach-khien-cuong-a32716.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.