+Aa-
    Zalo

    Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực: "Quy định nồng độ cồn 0% là quá khắt khe"

    • DSPL
    ĐS&PL Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực khiến cánh lái xe (chủ yếu là đàn ông) thắc mắc, lo sợ mình trong lúc vô ý bị "dính chưởng".

    Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực khiến cánh lái xe (chủ yếu là đàn ông) thắc mắc, lo sợ mình trong lúc vô ý bị "dính chưởng".

    Quy định mới "khai tử" người uống bia rượu khi lái xe

    Theo quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm.

    Luật mới có mức phạt nặng để phòng tránh tình trạng tai nạn giao thông do người lái xe uống bia rượu gây ra.

    Theo điều 5, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Vì vậy, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện... hay phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô... đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.

    Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam trong 100 mililit máu hoặc 0,25 miligam trong một lít khí. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn.

    Việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia cũng bị cấm. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, học sinh, sinh viên... không được uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

    Luật nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Các doanh nghiệp, cá nhân không được cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

    Người vui mừng, người khóc mếu trước quy định mới

    Nhiều người cứ nói đàn ông giờ hư, hay đi nhậu nhẹt nhưng nhiều người cho hay họ cũng không muốn vậy, tuy nhiên, sinh hoạt trong "văn hóa bàn nhậu" nên họ buộc phải "nhập gia tùy tục".

    Luật mới giúp mọi người dễ dàng từ chối uống bia rượu với lý do phải lái xe.

    Chú Khánh Hòa (ở Hà Nội) cho biết: "Tôi đã nghỉ bia, rượu hơn 30 năm rồi, nhưng gần 2 năm trở về nghỉ hưu ở Việt Nam, cứ bị bạn bè mời mãi. Họp lớp cũng bia, rượu; tiệc cưới cũng rượu, bia; tất niên, tân niên cũng phải nhậu; mỗi khi có bạn cùng niên khóa từ xa về cũng họp mặt... Từ chối thì bị cho là không hòa đồng hay không nể bạn bè, kiểu cách... Giờ có luật này rồi sẽ dễ dàng từ chối hơn!".

    Anh Hoàn (ở Hải Phòng) vui mừng: "Tôi thấy thích ghê. Trước vào bàn nhậu, tôi cứ phải chối mãi. Nói mình dạ dày không khỏe vẫn bị buộc phải uống một ít. Giờ khỏe rồi, chỉ cần nói: "Em sợ chai bia 35 triệu lắm" là xong. Nếu thế mà còn ép thì là kẻ thù, chứ bạn bè cái nỗi gì?".

    Cấm bia rượu khi lái xe giúp ngăn chặn tình trạng ép nhau uống bia rượu tại bàn nhậu.

    Ông Hà (làm nghề lái xe công nghệ ở Hà Nội) cho biết: "Luật đã có, nhưng đừng "phạt tiền rồi cho đi tiếp" đối với người say, bởi người lái xe say vẫn dễ gây tai nạn cho người khác. Mặt khác, triển khai phạt tiền và tước bằng lái 2 năm cần làm kiên quyết và lâu dài, ban đầu có thể gây khó chịu cho một số người, nhưng rồi sẽ quen thôi. Cũng giống như đội mũ bảo hiểm đó, dần sẽ vào guồng hết. Đối với xe đạp, xe máy tuyệt đối không nương tay, ai không có tiền nộp phạt thì mời lao động công ích để "trừ nợ"".

    Đa số người điều khiển giao thông cho rằng mọi người nên chấp hành quy định thiết thực này vì an toàn cho bản thân và người khác, ngoài ra còn tốt cả cho sức khỏe và kinh tế.

    Nhiều người vui mừng nhưng cũng có người lo lắng. Anh Công (ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Nên xem xét mức nồng độ trên 0% là rất nhạy cảm. Ăn hoa quả, trái cây, sử dụng nước súc miệng, kem đánh răng, uống siro ho... thì sao. Cứ nhích lên một cái mất 40 triệu đồng thì ai chịu nổi.

    Cấm bia rượu khi lái xe là đúng, nhưng cần phân biệt nồng độ còn trong người là do bia rượu bia hay thực phẩm lên men. Cái này chưa được quy định rõ ràng, sẽ gây oan sai".

    Đồng ý với quan điểm trên, anh Bằng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) nói thêm: "Tôi không phải người thích nhậu nhẹt, nhưng thấy quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu mà không dựa vào mức bao nhiêu % là thiếu khoa học. Thực tế, có một tí cồn trong máu không ảnh hưởng. Một số người uống, 24 giờ sau mặc dù tỉnh táo nhưng vẫn còn cồn trong hơi thở thì làm sao? Hoặc giả ở nhà ăn cơm chỉ uống ly rượu thuốc hay ly rượu vang nhỏ cho thơm miệng là không được lái xe ra đường hay sao?".

    Nhiều lái xe lo ngại về quy định nồng độ cồn 0% là quá khắt khe và không thực tế.

    Anh Minh (Nhân viên văn phòng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất bình: "Hầu hết các nước trên thế giới không áp dụng vi phạm ở nồng độ cồn ở mức >0, họ áp dụng mức 0,1; 0,2; 0,3; 0,5; 0,8...mg/lit khí thở, (chỉ những quốc gia cấm rượu do luật tôn giáo của họ thì mới áp dụng mức >0%). Vì ví dụ khi thổi mà ở mức 0,02mg/L cũng bị phạt là quá, rất quá vô lý, do mức này không ảnh hưởng gì đến an toàn lái xe".

    Có ý kiến cho rằng nên tham khảo thêm với bên y tế để biết ngưỡng gây ảnh hưởng mới cấm, chứ cứ thoáng thấy có nồng độ cồn đã cấm thì không nên.

    Thậm chí có người còn thách thức: "Đố ai cấm được. Những gì thuộc về "hành vi văn hoá" hay "thói quen đời thường" của người Việt, thì xin lỗi mình nói thật, không thể nào cấm được, nếu không đã không phải là Việt Nam.

    Mình đi làm về mệt là mở tủ lạnh làm lon bia thế là lên giường đi ngủ, quên hết mệt mỏi của công việc, bực tức do tắc đường kẹt xe của ngày hôm đó. Sáng sau tỉnh dậy lại đi làm, lại kẹt xe, lại mệt mỏi, lại bực tức, tối về lại cần uống bia và đi ngủ.

    Đây thuộc về thói quen sinh hoạt, tự do mỗi cá nhân. Không thể vì lon bia uống từ tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn bị phạt được".

    Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Năm 2015, có 80,3% nam và 11,6% nữ trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi vị thành niên và thanh niên cũng tăng mạnh, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

    Thực trạng này đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Do vậy, dư luận mong mỏi quy định nghiêm khắc khi được đưa vào thực hiện sẽ có tác dụng chấn chỉnh tình trạng nhức nhối hiện nay.

    Trả lời câu hỏi về việc "Bao lâu sau uống rượu mới được lái xe?" của nhiều người, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng, loại rượu mình uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao.

    Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

    “Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ. Với những trường hợp khác như uống lúc đói thì hấp thu rượu càng nhanh, khi có thức ăn thì hấp thu chậm hơn. Cơ thể người mà cứ uống kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào sức khỏe cơ thể, cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian nồng độ cồn có trong máu. Không ai giống ai cả.

    Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”- bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

    Về việc nhiều người lo lắng khi ăn các thức ăn hay một số loại quả lên men, socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng... cũng có thể có ethanol trong hơi thở khiến bị hiểu lầm là có uống bia rượu dẫn đến bị phạt, bác sĩ Nguyên trấn an: “Người dân cứ hoàn toàn yên tâm, các đồng chí công an có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2. Ở một số nước, test sàng lọc ban đầu, nếu dương tính họ sẽ làm bước 2. Ở Việt Nam, tôi được biết là cũng làm như vậy".

    Để tránh những rắc rối ngoài ý muốn, bác sĩ Nguyên khuyên những người không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì nên đợi khoảng 15- 30 phút rồi mới tham gia giao thông.

    Minh Khôi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-phong-chong-tac-hai-ruou-bia-co-hieu-luc-quy-dinh-nong-do-con-0-la-qua-khat-khe-a306968.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan