+Aa-
    Zalo

    Luật sư tố giác thân chủ: Xung đột với nhiều quy định đã có

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Nếu quy định này được thông qua, không chỉ luật sư mà Người bào chữa nói chung phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng khi tham gia tranh tụng

    “Nếu quy định này được thông qua, không chỉ luật sư mà Người bào chữa nói chung  phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng khi tham gia tranh tụng sẽ đứng giữa dòng: Nếu người bào chữa không thực hiện Điều 19 BLHS thì họ có thể chịu trách nhiệm hình sự. Nếu thực hiện Điều 19 đi tố giác thân chủ thì luật sư - người bào chữa có thể bị thân chủ tố ngược là vu khống”, Đại biểu Nguyễn Chiến chia sẻ về hệ lụy của quy định hình sự hóa quan hệ giữa Luật sư phải tố giác khách hàng trong dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi nếu quy định này không được tiếp thu sửa đổi.

    Dự luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 đang thu hút sự chú ý từ công luận, nóng nhất là quy định tại khoản 3 Điều 19 “Luật sư cũng phải tố giác tội phạm nếu đó là những tội đặc biệt nghiêm trọng, tội xâm phạm an ninh quốc gia”.

    Ông Nguyễn Văn Chiến - ĐBQH khóa XIV, Phó chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam

    Trước những vấn đề gây tranh luận xung quanh dự thảo Luật, Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến - ĐBQH khóa XIV, Phó chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam về những vấn đề trên:

    Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về quy định “Luật sư phải tố giác thân chủ” trong một số trường hợp được quy định tại khoản 3 điều 19 dự thảo BLHS sửa đổi thưa ông ?

    Đại biểu Nguyễn Chiến: Khoản 3 điều 19 trong dự thảo Luật quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng đã thực hiện hành vi thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”. Việc bổ sung chủ thể người bào chữa phải tố giác tội phạm đối với thân chủ trong khi luật sư đang thực hiện nhiệm vụ bào chữa cho họ là vi hiến vì quyền bào chữa của họ theo Hiến pháp quy định không thực hiện được ngay khi luật sư thực hiện việc tố giác. Luật sư thực hiện quyền bào chữa bản chất là thực hiện quyền phái sinh từ quyền bào chữa của thân chủ, cả hai quyền có luật sư bào chữa và quyền bào chữa của luật sư đều được Hiến pháp quy định, mọi cơ quan, tổ chức cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo đảm cho luật sư và bị can, bị cáo thực hiện quyền này. Ngay khi luật sư có hành vi tố cáo họ, quyền của luật sư và thân chủ bị tố cáo lập tức bị đảo ngược, xung đột nhau, trái với bản chất của các quyền của hai chủ thể này theo nguyên tắc luật định.

    Mặt khác quy định buộc luật sư, người bào chữa phải chịu chế tài hình sự về hành vi này không những không bảo đảm nguyên tắc cụ thể nêu trên của Hiến pháp 2013 mà còn xung đột rõ ràng và trực tiếp với quy định của BLTTHS 2015, Luật Luật sư và những quy phạm đạo đức nghề của luật sư, không phù hợp với văn minh pháp lý thế giới, thậm  chí ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

    - Ngoài vi Hiến thì quy định này còn xung đột với nhiều quy định pháp luật khác, xin ông cho biết rõ hơn?

    Đúng vậy, đây là vấn đề tôi băn khoăn nhất khi mà BLTTHS vừa được Quốc hội thông qua năm 2015 phải tạm đình chỉ hiệu lực thi hành chờ Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi được Quốc hội thông qua có hiệu lực. Bộ luật TTHS là chìa khóa mở cảnh cửa cho BLHS được thực thi, do vậy nếu được thông qua, quy định này rõ ràng không thực hiện được vì xung đột với nhiều quy định của các luật khác hiện hành. Cụ thể, do tích chất nghề nghiệp của luật sư khi tham gia tố tụng vụ án hình sự nên Khoản 2 điều 73 BLTTHS 2015 quy định cấm tuyện đối người bào chữa không được sự đồng ý của khách hàng mà tiết lộ thông tin về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa trừ khi được khách hàng đồng ý, cụ thể:  “người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa…”. Điểm c, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư quy định: Nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Sự xung đột này dẫn đến việc luật đặt ra  nhưng không thực thi được bởi sự giàng buộc, ức chế nhau mà luật sư phải tôn trọng thực hiện. Về nguyên tắc luật sư sư muốn tố giác khác hàng thì phải thực hiện theo luât TTHS trước, nhưng BLTTHS cấm luật sư tiết lộ thông tin của khác hàng thì quy định tại Điều 19 BLHS không có cơ hội khả thi.

    Mặt khác, Điều 9 Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư sẽ đuwọc luật sư vận dụng để tự bảo vệ mình. Các cơ quan Tiến hành tố tụng đương nhiên cũng phải tôn trọng quy định của BLTTHS  khi xác minh, điều tra vụ án hình sự nên dự luật có quy định điều này nhưng chúng ta nhìn thấy trước không khả thi và xung đột như vậy thì có nên cố gắng bổ sung vào dự luật nữa hay không?

    Bên cạnh đó, bổ sung quy định này trong dự luật không bảo đảm nguyên tắc xây dựng luật đó là: Khi sửa luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Sửa luật không kéo theo phải sửa nhiều luật khác gây rất tốn kém và giảm uy tín của cơ quan lập pháp mà còn không trái với những Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Những điều này làm tôi băn khoăn trăn trở nhất!

    - Thưa ông, quy định đó có tác động gì đến nghề luật sư, đang được khuyến khích và phát triển tại Việt Nam?

    - Nó ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, tác động rất lớn đến vị thế của luật sư trong xã hội vì nghề luật sư vốn là nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Luật sư thực hiện chức năng xã hội nên hoạt động phải độc lập, luật sư không được nhà nước trả lương trong ngân sách mà hoàn toàn sống nhờ tiền thù lao do chính khác hàng chi trả. Pháp luật quy định luật sư sống bằng tiền của thân chủ nhưng luật lại quy định luật sư phải quay lưng lại với họ là đi tố giác họ, làm xấu đi tình trạng của họ thì không hợp cả tình lẫn lý.

    Với những tác động nới trên, quy định còn ảnh hưởng đến hoạt động của luật sư tham gia một số vụ án Cơ quan tố tụng chỉ định luật sư bào chữa. Do quy định của BLTTHS bảo đảm quyền của bị can, bị cáo bắt buộc có luật sư khi họ bị điều tra, truy tố hoặc xét xử ở khung hình phạt mức cao nhất đến 20 năm từ. (Bộ luật TTHS hiện hành là chung thân hoặc tử hình). Nếu quy định của Bộ luật Hình sự buộc luật sư phải tố cáo họ, họ sẽ cho rằng luật sư đứng về phía nhà nước để buộc tội họ, thì họ sẽ lập tức từ chối luật sư và theo đó quyền bào chữa của họ không được bảo đảm là do tâm lý bị tác động bởi chính điều luật quy định chứ không phải do họ từ chối luật sư do họ muốn hoặc do họ tự bào chữa được.

    Người bị tình nghi, bị can, bị cáo thậm chí người bị hại và xã hội nói chung sẽ không coi luật sư là chỗ dựa pháp lý cho mình khi vướng vào vòng lao lý hay cần luật sư trợ giúp.

    Giá trị nghề luật sư ở nước ta sẽ bị giảm sút không những với người dân và cả đối với bạn bè quốc tế.

    - Điều đó gây hệ lụy tiêu cực nào đối với xã hội nói chung và công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng và nhà nước đặt rất nhiều kì vọng và niềm tin thưa ông ?

    - Việc luật sư bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội là trách nhiệm của luật sư được Hiến pháp, Luật Luật sư và BLTTHS quy định. Đây chính là chức năng nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ nhà nước pháp quyền với vai trò luật sư làm tròn của bên “gỡ tội” và bảo đảm cho thân chủ mình được đối xử công bằng, đúng pháp luật. Vì thế, tham gia bào chữa hoàn toàn không phải phục vụ mục đích của cá nhân luật sư.

    Việc giới luật sư tích cực nói tiếng nói, đấu tranh cho quyền bào chữa là đấu tranh để bảo đảm quyền con người mà pháp luật bảo vệ. Điều này có liên hệ mật thiết với các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định trong Hiến pháp 2013. Nếu quyền của bị can/bị cáo không được bảo đảm thì đương nhiên đi ngược quy định của Hiến pháp, chủ trương chính sách pháp luật hình sự của Đảng và Nhà nước cũng như trái với tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

    - Vậy theo ông đâu là giải pháp để hài hòa trách nhiệm xã hội của luật sư và trách nhiệm của luật sư với thân chủ?

    - Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy việc quy định trách nhiệm của luật sư khi biết việc tội phạm đang và sẽ thực hiện là tội phạm nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không thể chế trực tiếp trong luật. Họ thường đặt ở các quy phạm về đạo đức đối với ngành nghề luật sư.

    Bởi vậy pháp trước mắt, tôi cho rằng cần giới hạn hành vi xâm phạm ANQG nếu có căn cứ người bào chữa biết rõ khách hàng đang hoặc sẽ thực hiện nhưng giao cho Liên Đoàn luật sư Việt Nam, BTP với chức năng  tự quản và phối hợp quản lý nhà nước có thể xử lý nếu luật sư không thực hiện việc tố cáo khách hàng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Với vi phạm này có thể BTP rút chứng chỉ HNLS, LĐLSVN thu hồi thẻ hành nghề luật sư là phù hợp với thông lệ quốc tế. Không quy định xử lý hình sự ngay như quy định tại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015, như vậy luật sư, người bào chữa có quyền lự chọn để thực hiện trách nhiệm công dân trước sự an nguy của quốc gia, dân tộc do tội phạm đang đe dọa gây ra, đồng thời luật sư vẫn hoàn thành bổ phận của mình với thân chủ, tạo dựng được lòng tin của mình với xã hội.

    Về giải pháp lâu dài, nên quy định ở đâu, quy định thế nào về vấn đề này thì phải cần có một quá trình nghiên cứu, khảo sát kĩ lưỡng và cụ thể./.

    Cảm ơn Luật sư về những chia sẻ trên!

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-to-giac-than-chu-xung-dot-voi-nhieu-quy-dinh-da-co-a191937.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan