+Aa-
    Zalo

    Lý giải “siêu trăng” và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - ĐSPL)- Thời gian gần đây, nhiều người xôn xao trước thông tin, vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/9/2015, hiện tượng “siêu trăng” và nguyệt thực toàn phần.

    (ĐSPL)- Thời gian gần đây, nhiều người xôn xao trước thông tin, vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/9/2015, hiện tượng “siêu trăng” và nguyệt thực toàn phần (trăng máu-PV) sẽ cùng xuất hiện. Sự kết hợp này sẽ tạo ra một “siêu trăng máu” hay siêu nguyệt thực toàn phần. Đối với nhiều người, đây chỉ là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, nhưng số khác lại cho rằng, “siêu trăng” xuất hiện là để đánh dấu khởi đầu của nhiều sự kiện trọng đại? Điều này khiến không ít người tò mò. ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu, hé lộ nhiều thông tin…

    Mặt trăng sáng hơn bình thường

    "Mặt trăng máu" đầu tiên đã xuất hiện vào 15/4/2014, cũng năm này, nó xuất hiện lần thứ hai vào ngày 8/10 và lần thứ ba vào ngày 4/4 năm nay - mỗi lần cách nhau 6 tháng. Hiện tượng xảy ra cách nhau đều như vậy chỉ mới được vài lần ít ỏi trong suốt 2.000 năm qua. Theo giới nghiên cứu, nguyệt thực toàn phần đầu tiên của năm 2015 sẽ là lần ngắn nhất trong trong thế kỷ XXI khi nguyệt thực chỉ đạt đỉnh vỏn vẹn 4 phút 43 giây. Nhưng hiện tượng “siêu trăng” và “trăng máu” sẽ cùng xuất hiện thì đây là điều xưa nay hiếm. Nó được coi như một sự kiện lạ, gây sự tò mò cho nhiều người.

    Theo các nhà khoa học, khi hiện tượng “siêu trăng” và “trăng máu” kết hợp sẽ tạo ra một “siêu nguyệt thực toàn phần”, cũng là lần đầu tiên xuất hiện trong vòng hơn 30 năm qua. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, cụ thể, vào đêm 27, rạng sáng ngày 28/9 này, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, những người may mắn sẽ có cơ hội được nhìn thấy một mặt trăng tròn đầy, lớn hơn và sáng hơn bình thường với màu đỏ rực.

    Hiện tượng "siêu trăng máu" sẽ xuất hiện sau hơn 30 năm kể từ lần xuất hiện trước (ảnh Đất Việt)

    Theo NASA, lần gần đây nhất, “siêu trăng” và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện là vào năm 1982. Theo dự đoán thì sau lần xuất hiện này, phải đến năm 2033 nó mới tái xuất trở lại. Trong một đoạn video được lan truyền trên các trang mạng xã hội đã giải thích về hiện tượng này với ý kiến các nhà khoa học cho rằng: “Điều kiện trước tiên là trăng tròn và khi mặt trăng ở điểm cực cận với Trái đất trên quỹ đạo hình elip của nó, người ta sẽ thấy đường kính của nó lớn hơn đến 14\%. Đó là một “siêu trăng”.

    Kết hợp với một nguyệt thực toàn phần, đó là khi mặt trăng di chuyển ra phía sau của trái đất, bóng của địa cầu sẽ khiến nó có màu đỏ và giờ đây bạn có một “siêu trăng máu”. Mặt trăng trông lớn hơn vì quỹ đạo của mặt trăng xung quanh hành tinh của chúng ta là hình elip, như vậy, trong khi khoảng cách trung bình giữa mặt trăng và Trái đất là 384.000km thì tại thời điểm cực cận, tức ngày 28/9 tới, nó chỉ cách chúng ta 363.700km.

    Cũng theo tài liệu NASA, khi kết hợp “siêu trăng” và nguyệt thực toàn phần – Mặt trăng bị che khuất do nằm giữa Mặt trời và Trái đất – chúng ta có siêu nguyệt thực toàn phần. Trong lịch sử, tính từ đầu thế kỷ XX, thế giới mới chỉ ghi nhận 5 lần có siêu nguyệt thực toàn phần  theo chu kỳ 18 năm (đó là vào các năm 1910, 1928, 1946, 1964, và 1982).

    Trong khi một người có thể quan sát nguyệt thực toàn phần tại một điểm trên Trái đất theo chu kỳ 2,5 năm thì siêu nguyệt thực lại chỉ xuất hiện một lần trong hàng chục năm. Bên cạnh đó, nguyệt thực toàn phần không có nghĩa là mặt trăng sẽ tối hoàn toàn. Thay vào đó, trăng sẽ dần dần chuyển sang màu đỏ. Đó là kết quả của việc ánh sáng từ Mặt trời bị tán xạ khi đi xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất. Khi "siêu trăng máu" xuất hiện nó sẽ ảnh hưởng đến não bộ và hình dáng cơ thể của con người, tất nhiên đây chỉ là tin đồn.

    Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú

    Hiện tượng “siêu trăng máu” và những lời đồn đoán quanh việc ai vô tình nhìn thấy hiện tượng này sẽ gặp đại họa cũng như sự kết hợp vô cùng hiếm hoi này cũng đang dấy lên tin đồn về "ngày tận thế".

    Để tìm hiểu rõ hơn điều này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam. Ông Tuấn Sơn cho biết: “Nói một cách chính xác, hiện tượng xảy ra ngày 4/4 vừa qua là hiện tượng nguyệt thực toàn phần. “Mặt trăng máu” là thuật ngữ mới xuất hiện cách đây chừng một năm.

    Nhiều người khi nghe cụm từ này thường cho rằng tên gọi đó xuất phát từ màu đỏ của mặt trăng khi có nguyệt thực. Hiện tượng "siêu nguyệt thực toàn phần" xuất hiện vào ngày 28/9 sẽ là một điều đặc biệt, nhưng cũng coi đó là sự trùng hợp khi lần trăng tròn này lại có nguyệt thực toàn phần. Thực chất nó không hề khác với những lần trước, thấy lạ nên nhiều bạn trẻ tự phóng đại thành "siêu trăng máu" thôi”.

    Ông Sơn cũng lý giải, thuật ngữ "mặt trăng máu" xuất phát từ một quan niệm để chỉ chuỗi bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mỗi lần cách nhau đúng sáu tuần trăng. Các nguyệt thực khác không được gọi tên như vậy, và về bản chất thì nó có màu đỏ giống nhau chứ không phải những lần này thì đỏ hơn. “Tuy nhiên, do mặt trăng thường xuyên có màu đỏ vào mọi lần nguyệt thực, nên điềm báo này không có tác dụng trong nhận thức của nhân loại”, ông Sơn nhận định.

    Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết thêm, hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khá thường xuyên, có thể từ mấy tỉ năm trước khi hệ mặt trời đã hình thành và ổn định. Còn siêu nguyệt thực toàn phần, theo như dự đoán thì phải đến năm 2033 mới xuất hiện, nhưng đột nhiên lại đưa ra thông tin nó sẽ xuất hiện vào ngày 28/9 khiến ai cũng bất ngờ. Nhưng có lẽ, đó cũng chỉ là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đầy bí ẩn.

    Chúng ta không nên gắn cho nó những điều kỳ quặc. Bởi, đối với văn minh loài người thì hiện tượng nguyệt thực toàn phần được ghi nhận lần đầu cách đây hàng nghìn năm ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Khi đó, do nhận thức của con người còn nhiều hạn chế nên họ đã có cái nhìn chưa chính xác về hiện tượng này.

    Ở nhiều nước trên thế giới, họ còn đồn thổi cho rằng, "siêu trăng máu" là báo hiệu của ngày tận thế và con người có thể sẽ gặp họa vào những ngày này nên họ thường tránh ra khỏi nhà vào thời điểm xuất hiện nó để tránh những điềm xấu? Hoặc có một số nước thì lại lo sợ sẽ bị nhiễm độc từ ánh sáng của “mặt trăng máu”, bởi vậy, nhiều người không đi ra ngoài để tránh “đụng chạm” với ánh sáng này. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những lời nói không có cơ sở khoa học và các chuyên gia đã nhanh chóng bác bỏ những tin đồn thất thiệt này.                         

    Không phải quốc gia nào cũng quan sát được

    Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết: "Ngày nay việc dự đoán nguyệt thực sẽ xảy ra khi nào rất dễ dàng, dựa vào chuyển động của Trái đất và Mặt trăng. Trong chuỗi “mặt trăng máu” đang diễn ra, hôm 4/4 vừa rồi là lần thứ ba. Lần thứ tư sẽ diễn ra vào ngày 28/9 năm nay nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể quan sát được".

     Mai Thu

    Xem thêm video:

    [mecloud]gEXcBuYYlg[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-giai-sieu-trang-va-nguyet-thuc-toan-phan-cung-xuat-hien-a109898.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.