+Aa-
    Zalo

    "Mái ấm" Nhà xã hội Long Hải

    • DSPL
    ĐS&PL Hơn 10 năm qua, Nhà xã hội Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn có cơ hội được học tập miễn phí.

    Hơn 10 năm qua, Nhà xã hội Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã giúp hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn có cơ hội được học tập miễn phí.

    Lớp dạy nghề may cho các em học sinh tại Nhà xã hội Long Hải. 

    Cùng với việc dạy văn hóa giúp các em biết đọc, biết viết, Nhà xã hội Long Hải còn tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề cho các em. Qua các lớp học, khi trở về xã hội, nhiều em dễ dàng hòa nhập với cộng đồng và có được một nghề có thể nuôi sống bản thân. Nơi đây đã thực sự là mái ấm của các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

    Nhà xã hội Long Hải trước đây là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải được thành lập cuối năm 2008. Đây là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trực thuộc Sở Lao dộng - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Nhà xã hội Long Hải được xây dựng và duy trì hoạt động hơn 10 năm qua nhờ tài trợ về kinh phí từ Tổ chức Vì trẻ em Vùng đồng bằng Aper của Pháp. Trẻ em tại cơ sở là các em dưới 16 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Trẻ em nghèo, lang thang, trẻ em lao động sớm và cả trẻ tàn tật, trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin…

    Trước đây, Nhà xã hội Long Hải chỉ có 5 lớp học văn hóa, từ lớp 1 đến lớp 5 theo hình thức bán trú. Từ năm 2012, Nhà xã hội Long Hải mở thêm lớp học dành cho trẻ khuyết tật và 3 lớp học nghề là nghề sửa xe, nghề làm tóc và nghề may. Không chỉ được hỗ trợ học tập, học nghề miễn phí, các em còn được hỗ trợ ăn uống từ 1 đến 2 bữa/ngày trong thời gian ở tại cơ sở, được chăm sóc y tế và được tặng quà trong các dịp lễ, Tết.

    Em Phan Thị Ánh Nhung (11 tuổi, ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba làm phụ hồ, mẹ đi bán vé số. Nhung đã vào học tại Nhà xã hội Long Hải được 3 năm. Khi bắt đầu vào đây, em được học văn hóa, sau đó được các thầy cô trong Nhà xã hội Long Hải tạo điều kiện cho học nghề may. Đến nay, Nhung đã biết may thành thạo, có thể may được quần áo cho mình và các bạn trong trung tâm.

    Theo bà Đỗ Thị Hà, Chánh Văn phòng Nhà xã hội Long Hải, qua hơn 10 năm đi vào hoạt động, Nhà xã hội Long Hải đã tiếp nhận trên 1.200 lượt trẻ em vào chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ học văn hóa và học nghề. Đến nay, nhiều em sau khi rời khỏi trung tâm đã có nghề nghiệp ổn định, tự mở cơ sở hoặc phụ giúp gia đình; có em đã vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

    Em Nguyễn Thanh Phong (ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà đông anh em, Phong chỉ được học hết lớp 3 rồi phải nghỉ học theo cha mẹ đi bán vé số kiếm sống qua ngày. Thấy hoàn cảnh của em thất học khi tuổi còn quá nhỏ, các thầy cô trong Nhà xã hội Long Hải đã tạo điều kiện cho em vào đây học tập. Vào Nhà xã hội Long Hải, Phong được học tiếp văn hóa lên đến lớp 5 và được học nghề sửa chữa xe máy.

    Sau khi rời Nhà xã hội Long Hải, với nghề đã học được, Phong đã xin việc ở một tiệm sửa chữa xe máy trên địa bàn thị trấn Long Hải. Khi có một số vốn trong tay, Phong đã mở một cửa hàng sửa xe máy ngay tại nhà và rất đông khách. Cửa hàng này đã cho em thu nhập ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình.

    Cô Bạch Thị Lệ hướng dẫn cho học sinh học nghề may tại Nhà xã hội Long Hải.

    Để có thể duy trì hoạt động của Nhà xã hội Long Hải, hơn 10 năm qua, ngoài sự hỗ trợ về kinh phí từ Tổ chức Vì trẻ em Vùng đồng bằng Aper của Pháp, Nhà xã hội Long Hải còn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong tỉnh, các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự tình nguyện và nỗ lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của cơ sở. Hiện cơ sở có 18 cán bộ, nhân viên, trong đó 9 giáo viên làm công tác giảng dạy. Thu nhập của mỗi cán bộ, nhân viên và giáo viên đều rất thấp, chỉ mang tính chất hỗ trợ, thế nhưng, mỗi thành viên đều luôn nỗ lực hết mình, với mong muốn cùng chung tay hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có một tương lai tươi sáng hơn.

    Nhiều năm gắn bó tại Nhà xã hội Long Hải, cô Bạch Thị Lệ, giáo viên dạy nghề may chia sẻ: “Tôi rất vui khi gắn bó với nơi đây, được dạy các em một nghề để sau khi rời khỏi trung tâm các em có thể nuôi sống bản thân. Thời gian làm việc tại đây, tôi được chứng kiến nhiều em đã trưởng thành. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với Nhà xã hội Long Hải”.

    Phần lớn các em đang tham gia học tập tại Nhà xã hội Long Hải đều thuộc các gia đình khó khăn. Khi tiếp nhận vào cơ sở, nhiều em tuy lớn tuổi nhưng vẫn chưa từng đi học, hoặc đã đi học nhưng do bỏ học quá lâu nên quên cả mặt chữ. Do vậy, các em tuy học trong cùng khối lớp nhưng không đồng đều cả về độ tuổi, khả năng tiếp thu. Điều đó gây nhiều khó khăn cho việc học tập của các em, cũng như việc giảng dạy của các thầy cô. Vấn đề khó khăn nhất của Nhà xã hội Long Hải hiện nay là kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của cơ sở ngày càng giảm dần.

    Ông Trần Văn Đấu, Phó Giám đốc Nhà xã hội Long Hải cho biết, cơ sở duy trì hoạt động được là nhờ nguồn kinh phí chủ yếu của Tổ chức Vì trẻ em Vùng đồng bằng Aper của Pháp và một số "mạnh thường quân" khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí để Nhà xã hội Long Hải đang ngày càng giảm dần, dẫn đến trung tâm gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính để duy trì hoạt động. Thời gian tới, Nhà xã hội Long Hải tăng cường vận động kinh phí từ các nhà từ thiện, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để đảm bảo hoạt động.

    Hơn 10 năm qua, Nhà xã hội Long Hải không chỉ là trường học mà còn là mái nhà chung của hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có được cơ hội học tập và vươn lên trong cuộc sống. Tập thể của Nhà xã hội Long Hải vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ để hỗ trợ, tiếp bước cho những trẻ em kém may mắn.

    Hoàng Nhị(TTXVN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mai-am-nha-xa-hoi-long-hai-a298518.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan