+Aa-
    Zalo

    Mạo hiểm với nghề câu “cọp biển” ở Hoàng Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Nhiều ngư dân chọn cách mưu sinh bằng một thứ nghề rất nguy hiểm: nghề câu “cọp biển”. Đã có người đã bị sóng biển cuốn trôi, không tìm thấy xác.

    (ĐSPL) – Nhiều ngư dân chọn cách mưu sinh bằng một thứ nghề rất nguy hiểm: nghề câu “cọp biển”. Đã có người đã bị sóng biển cuốn trôi, không tìm thấy xác, thậm chí, chỉ cần sơ ý cũng có thể bị loài cá dữ tấn công.

    Tin tức từ Dân trí cho biết, nhiều hộ dân ở làng Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã chọn cho mình cuộc sống lênh đênh trên những con tàu giữa biển khơi mênh mông để săn cá mập.

    Những cuộc chiến không cân sức với loài cá dữ được mệnh danh là "cọp biển" luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Không ít người đã ăn nên làm ra nhờ nghề săn cá mập, song cũng nhiều ngư dân đã mãi mãi không trở về. Dẫu biết vậy, nhưng nghề săn cá mập vẫn được các ngư dân bám biển gìn giữ và phát triển.

    Những con cọp biển vừa là miếng cơm vừa là tử thần đối với những ngư dân. (Ảnh minh họa)

    Anh Trương Quốc Bảo, chủ của một trong những ngôi nhà làm theo lối biệt thự lớn với tàu lớn đánh cá mập chia sẻ về những chuyến đi lênh đênh trên biển săn cá mập:

    “Đi khoảng 32 đến 42 ngày/chuyến câu cá mập. Đi từ Thủy Đầm, suốt 3 ngày 3 đêm thì đến ngư trường Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lặn xuống các rạn san hô bắt những con cá to bằng bắp chân, bằng bàn tay để móc vào làm mồi câu sống. Cá mập rất thích món đó. Giăng câu khoảng 30 hải lý dằng dặc. Lưỡi câu đây, nó to bằng đầu đũa, cước câu cá mập cũng to lắm. Người ta gọi câu cá mập là săn cọp biển, quê tôi gọi đơn giản là câu to. Tức là câu bằng tàu to, lưỡi và cước to, lá gan người đi biển lớn, con cá mang về rất bự”.

    Khoảng 8 năm gần đây, được Nhà nước cho ưu tiên vay vốn, dám nghĩ lớn, đóng tàu lớn, anh Bảo và khoảng 20 chủ tàu nữa ở Thủy Đầm bắt đầu vươn khơi, tới các ngư trường không thể xa xôi và sóng gió hơn: Trường Sa, Hoàng Sa. Cưỡi con tàu 500 mã lực, trị giá gần 3 tỉ đồng, đang đóng thêm một con tàu lớn hơn nữa, đắt đỏ hơn nữa, vậy nhưng ông tỉ phủ làng chài này vẫn chưa bao giờ biết chữ. Không biết một chữ nào, chưa bao giờ đi học, rất nhiều ngư dân tỉ phú khác ở Thủy Đầm cũng rơi vào tình trạng tương tự.

    Sống giản dị, hồn nhiên. Nhưng lúc ra biển lớn, sóng dữ, thì anh đánh bắt cá mập kiên cường, dũng mãnh hơn ai hết.

    Hình ảnh dữ dằn khủng khiếp của một con cá mập sau khi bị giết bởi các “tráng sĩ câu cọp biển”. (Ảnh: Lao động)

    Hàng xóm anh Bảo, một ngư dân tên là Phan Hạnh, năm nay 39 tuổi, cũng là chủ một con tàu 440 mã lực - kể: “Sợ nhất là gặp bão biển. Mà cá mập nó oái oăm lắm, cứ phải ăn cá tươi, nên chúng tôi lặn bắt hàng tấn cá sống để cài vào lưỡi câu, rất mệt. Oái oăm hơn nữa là biển động, bão gió cấp 6, nó càng hay ăn mồi. Đánh cọp biển, phải chấp nhận sóng gió thì mới đầy khoang. Chúng tôi nghe dự báo thời tiết của cả Mỹ, Nhật, Pháp, Philippines, Đài Loan…, không biết tiếng tây thì người ở nhà nghe sau đó báo tin cho thủy thủ trên tàu. Để xông vào bão vừa phải mà bắt cá mập.”

    Video tham khảo:

    Đặt cược mạng sống với nghề kiếm tiền tỉ giữa lòng biển khơi

    Có đi câu cọp biển mới biết đời người săn cá mập không chỉ khiến vợ, con, cha mẹ, anh em, hàng xóm ở nhà phải “hồn treo cột buồm” mà chính các ngư phủ cũng luôn có cảm giác mạng sống của mình treo nơi ngọn sóng. Đó thật sự là một thứ nghề nguy hiểm nhất trong những nghề nguy hiểm, có người đã sa sẩy vùi thây trong bụng cá mập, có nhiều người bị cơ quan chức năng Philippines bắt giữ, xét xử, tịch thu tàu mà đến khi chúng tôi tới thăm Thủy Đầm, họ vẫn biền biệt xứ người.

    Còn lúc này, những ngư dân can trường và quả cảm kia, đang nghĩ rất giản dị, họ đang buốt lòng vì giá cá và vi cá bị sụt giảm quá mạnh. Trước đây, hơn 2,3 triệu đồng/kg vi (vây) cá mập, giờ chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Mà giá cả sinh hoạt thì cái gì cũng tăng cao. Cả con cọp biển 3 tạ, bán với giá 25.000 đồng/kg thịt, hơn chục kí-lô vây, tính ra chả được bao nhiêu. Nhiều chuyến vươn khơi trở về, các con tàu tiền tỉ hay chịu cảnh ngư phủ tay trắng, bởi ngày ấy “biển đói”, cá mập không cắn câu.

    Tuy nhiên, ở góc độ bảo tồn, nhiều quốc gia đã cấm đánh bắt cá mập, vì bao năm biển cả mới chăm bẵm được những cá thể mang tên cá mập như thế. Về mặt loài giống và vai trò đa dạng sinh học, con cọp biển ấy quan trọng với trái đất này cũng như con cọp (hổ) trên mặt đất, cũng như các loài được bảo tồn tử tế trước nguy cơ tuyệt chủng khác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mao-hiem-voi-nghe-cau-cop-bien-o-hoang-sa-a79759.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan