+Aa-
    Zalo

    Mặt trái sau sự hào nhoáng, sang chảnh của nghề stylist

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tìm được “chỗ đứng” trong làng stylist Việt, nhiều người trong số họ đã đổ không ít mồ hôi và cả những giọt nước mắt để được sống với đam mê của mình.

    Trong suy nghĩ của nhiều người, thế giới của stylist (người tạo phong cách - PV) vô cùng hào nhoáng, bởi họ được tiếp xúc với những bộ cánh hàng hiệu và làm việc với nhiều ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, tìm được “chỗ đứng” trong làng stylist Việt, nhiều người trong số họ đã đổ không ít mồ hôi và cả những giọt nước mắt để được sống với đam mê của mình.

    Càng hào nhoáng, càng áp lực

    Nếu trước đây khái niệm stylist còn khá mơ hồ với nhiều người thì nay công việc này lại đang “lên ngôi”. Thậm chí, stylist trở thành người không thể thiếu trong cuộc sống của hầu hết các ngôi sao hiện nay. Bằng tài năng và gu thẩm mỹ của mình, họ đã giúp những người nổi tiếng xuất hiện hoàn hảo, tạo dấu ấn tốt trước công chúng và đối tác. Tuy nhiên, không phải ai cũng tạo dựng được danh tiếng với nghề này.

    Kye Nguyễn (Nguyễn Tuấn Kiệt) – một trong những stylist trẻ đình đám từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Lan Khuê, Bùi Anh Tuấn,... đã trải lòng về những mặt trái của nghề stylist. “Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, stylist là công việc rất hào nhoáng, sang chảnh. Nếu đây là suy nghĩ của những ai không làm stylist thì điều đó hết sức bình thường. Nhưng, với những người muốn theo đuổi con đường stylist chuyên nghiệp mà suy nghĩ như vậy, thì tôi khuyên bạn ấy nên từ bỏ, bởi vốn dĩ thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều.

    Stylist Kye Nguyễn.

    Thật ra, việc stylist tham gia những buổi tiệc hoành tráng, sự kiện linh đình không phải để “trẩy hội” mà là dịp để mở rộng quan hệ, giao tiếp, học hỏi... Phần lớn các cuộc gặp gỡ đều thuộc về phạm trù công việc chứ không phải kiểu “hẹn hò” sang chảnh cùng nghệ sĩ. Có những lúc, tôi vừa thực hiện xong một buổi chụp hình thì phải lật đật về chỉnh trang phục để đến với một sự kiện nào đó. Thế nên, với tôi, sự hào nhoáng mà mọi người hay ao ước lại là một áp lực”, Kye Nguyễn nói.

    Đồng quan điểm, nhà thiết kế (NTK) - stylist Panda (Lê Huỳnh Tấn Phát) – người đang hỗ trợ hình ảnh cho MC Trấn Thành, ca sĩ Hari Won, người mẫu Lilly Nguyễn bày tỏ: “Khi nhắc đến nghề stylist, nhiều người sẽ nghĩ đến sự hào nhoáng, dễ dàng tiếp xúc với người nổi tiếng, nhưng phải bước chân vào môi trường này mới “thấu” được sự khắc nghiệt, áp lực vô cùng lớn.

    Thu nhập của stylist nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ làm việc của từng người. Nếu công việc trôi chảy, được nghệ sĩ quý mến, thu nhập của stylist sẽ cao. Nhưng, mỗi người có một định hướng, khách hàng riêng, nên có người sẽ ở mức ổn định vừa phải, có người lại thu nhập cao”.

    Người làm nghề stylist khó ở chỗ, giỏi chuyên môn, gu thẩm mỹ tinh tế và đam mê thời trang là chưa đủ. Điều quan trọng nhất nằm ở khâu mượn và thuê trang phục. Điều này đòi hỏi stylist phải có tài ngoại giao, mối quan hệ rộng để có thể nhận được cái “gật đầu” đồng ý hỗ trợ từ phía các thương hiệu và NTK. Vậy các stylist đã xoay xở thế nào để vượt qua thử thách này?

    Nỗi khổ khi là người ở giữa

    “Làm nghề stylist được 6 năm và tài ngoại giao duy nhất của tôi chính là sự tử tế. Điều này được xây dựng dựa trên uy tín, sự trân trọng và biết nghĩ đến quyền lợi của đối tác. Tôi đã từng nhiều lần bị các thương hiệu và NTK lớn từ chối. Ban đầu, tôi khá buồn, nhưng sau khi đả thông suy nghĩ, tôi đã cố tìm ra đâu là lý do khiến họ từ chối hỗ trợ mình. Tôi đã tự đặt mình vào suy nghĩ của họ để xem xét quyền lợi của họ như vậy đã thoả đáng chưa? Khi hỗ trợ mình, họ gặp những vấn đề gì? Khi có được câu trả lời, tôi đã khéo hơn và tìm hướng giải quyết tốt nhất cho những lần thương thảo.

    Thật ra, hầu hết giá trị mà các thương hiệu và NTK muốn hướng đến vẫn là giá trị kinh doanh. Với những NTK hay thương hiệu đã đồng ý hỗ trợ, bản thân người làm stylist phải trân trọng và giữ chữ tín trong vấn đề quyền lợi cho bên họ. Bản thân tôi là một stylist rất phiền hà khi luôn yêu cầu ngôi sao thực hiện đúng những cam kết trong thoả thuận. Thế nhưng, chính điều đó đã giúp Kye Nguyễn được các nhà thiết kế hay thương hiệu ưu ái lựa chọn”, Kye Nguyễn chia sẻ.

    Trong khi đó, Ti Ak – stylist 9X đình đám trong làng thời trang Việt tiết lộ: “Bản thân tôi luôn làm nghề bằng cái tâm. Tôi giao tiếp với các thương hiệu và NTK bằng năng lực thực sự và luôn có hình ảnh phản hồi khi sử dụng trang phục của họ. Tôi không thuộc tuýp người “thảo mai”, giỏi giao tiếp, nên chinh phục các thương hiệu và NTK bằng sự chân thành từ ánh mắt, giọng nói cùng hiệu quả công việc”.

    Stylist Ti Ak.

    Làm cầu nối giữa người nổi tiếng và các thương hiệu thời trang không phải là điều dễ dàng, bởi mượn được đồ đã rất khó, việc bảo quản, cất giữ để tránh hư hỏng còn khó hơn. Với các stylist, đây là áp lực không hề nhỏ và đã có không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười” xảy ra.

    “Cùng lúc làm việc với hai đối tác, tôi cũng vấp phải một số trở ngại. Đôi khi do nghệ sĩ tên tuổi chưa đủ hot, nên rất khó lấy được hàng hiệu cao cấp. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ cho rằng, đã bỏ tiền thuê stylist thì khi mặc đồ họ không có nghĩa vụ chụp hình phản hồi hoặc giữ đồ cẩn thận cho thương hiệu. Điều này đã cản trở và gây khó khăn rất nhiều cho stylist khi làm việc với các thương hiệu ở những lần tiếp theo”, stylist Ti Ak bày tỏ.

    Stylist Panda than thở: “Trong quá trình mượn đồ nếu hư hỏng thì hậu quả mà stylist phải gánh sẽ rất lớn. Đôi khi khách hàng sơ ý trong việc bảo quản trang phục dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn, trường hợp nhẹ như vết ố trên cổ áo thì có thể xử lý kịp thời để gửi trả, nhưng nếu trang phục bị rách, hư hỏng hay dính màu thì bắt buộc stylist phải đền và xin lỗi. Những chiếc đầm giá mấy chục hay mấy trăm triệu đồng chỉ cần xây xước nhẹ cũng phải đền”.

    Tổn thương khi nghệ sĩ bị “ném đá”

    Tất cả stylist đều muốn tạo sức hút khác biệt cho khách hàng của mình mỗi khi họ xuất hiện trước công chúng. Khi nghệ sĩ được công chúng khen ngợi, stylist vui và hãnh diện, nhưng nếu không may rơi vào trường hợp bị dư luận, truyền thông “ném đá” thì trách nhiệm và áp lực phải gánh là không hề nhỏ.

    Stylist Kye Nguyễn than thở: “Khi nghệ sĩ của mình bị “ném đá” về phong cách, hình ảnh, lúc đó stylist sẽ cảm giác bị tổn thương, nhất là khoảng thời gian mới vào nghề! Thế nhưng, tôi dần trở nên rắn rỏi và những lần bị chê chỉ buồn chút thôi. Sau đó, tôi bình tĩnh ngồi đọc nhận xét, bình luận của số đông, xem mình đã làm tốt điều gì và chưa tốt điều gì để cải thiện cho những lần sau. Không ai là hoàn hảo, kể cả mắt thẩm mỹ của mỗi người! Thế nên, việc cần làm là hoàn thiện mình mỗi ngày chứ không phải chỉ biết đặt áp lực một cách vô ích”.

    Trong khi đó, stylist Ti Ak có vẻ may mắn hơn, khi mang đến những hình ảnh được tán dương cho Phan Thị Mơ, Hoàng Yến Chibi hay bất cứ khách hàng nào do anh đảm nhận.

    “Các nghệ sĩ được thử đồ trước khi xuất hiện và đa số khách hàng đều thấy thích thú với sự lựa chọn của tôi. Tuy nhiên, đôi khi, nghệ sĩ xuất hiện trên thảm đỏ sẽ có một vài góc chụp xấu và bị các “thánh soi” lôi ra bình phẩm trên mạng xã hội. Thường, khách hàng của tôi họ hiểu điều đó, nên chưa bao giờ trách tôi nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Bởi, chính họ đã vui vẻ và quyết định xuất hiện trong hình ảnh đó”, Ti Ak cho biết.

    Hà Linh

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 41

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mat-trai-sau-su-hao-nhoang-sang-chanh-cua-nghe-stylist-a205020.html
    Sự kiện: Sao Việt
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan