+Aa-
    Zalo

    Mệ Chiều và hai mặt hàng “độc nhất vô nhị” của xứ Huế

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Với những người đã gắn bó lâu với Huế thì hình ảnh mệ Chiều bán ve ve, trống lung tung trên các ngả đường vào mùa Trung Thu vẫn là hình ảnh quen thuộc, khó quên.

    (ĐSPL) - Mùa Trung Thu lại về, trên những con phố của TP Huế lại tràn ngập những món đồ chơi trung thu bắt mắt. Đầu lân, đèn lồng, đèn ông sao…đủ mọi màu sắc. Tuy nhiên, với những người đã gắn bó lâu với Huế thì hình ảnh mệ Chiều bán ve ve, trống lung tung trên các ngả đường vẫn là hình ảnh quen thuộc, khó quên.

    Đó là hình ảnh bà cụ lưng còng đi mời từng người uống cà phê cóc dọc đường mua hai thứ đồ chơi “độc nhất vô nhị”, phát ra những âm thanh rộn ràng.

    Chạy xe dọc bờ sông Bạch Đằng, chúng tôi tìm về nhà mệ Chiề. Giữa con phố khang trang Huỳnh Thúc Kháng, nhà mệ nằm nép mình trong một ngõ nhỏ, người dân xung quanh âu yếm gọi mệ với cái tên rất Huế: mệ Chiều.

    Gặp mệ Chiều, đúng lúc mệ đang cho đứa cháu ngoại mới 10 tháng tuổi đi ngủ, bên cạnh là mấy con ve ve, cái trống lung tung mệ đương làm dở để kịp cho sáng ngày mai dạo bán.

    Mệ Chiều đang tất bật hoàn tất lứa ve ve, lung tung cho kịp bán sáng ngày mai

    Mệ Chiều tên thật là Trương Thị Hường, năm nay đã bước qua cái tuổi 70. Mệ sinh ra và lớn lên ở Huế và đã llàm cái nghề này được hơn 40 năm. Nhưng tuổi mấy con ve ve, cái trống lung tung cũng đã xấp xỉ 100 năm. Kể đến đây, chúng tôi mới biết, nghề này chính là nghề gia truyền của gia đình mệ. Trước đó, ba mẹ, ông bà mệ đã gắn bó lâu dài với chúng.

    Hai sản phẩm chính và duy nhất mệ làm là con ve ve và cái trống lung tung. Sở dĩ gọi là con ve ve, vì âm thanh của loại đồ chơi này phát ra như tiếng ve kêu. Nguyên lý hoạt động của nó rất đơn giản, chỉ cần cầm lên quay, âm thanh phát ra từ đầu cán trết nhựa thông sẽ truyền dẫn theo dây cước và phát ra ở đầu ống tre hình trụ, một đầu bịt kín bằng giấy cứng với đầu kia để rỗng.

    Còn cái trống lung tung, nó được làm từ nguyên liệu tre và giấy màu liên kết với nhau bởi hồ dán (keo bột lọc). Trống lung tung có hình dạng như cây vợt bóng bàn, nhưng nhỏ hơn. Thành trống được làm từ tre vót mỏng bề ngang khoảng 3cm, rồi được uốn cong thành hình trụ tròn, lắp thêm cái cán tre dài khoảng 10cm nữa, mặt trống được phủ căng bởi lớp giấy màu và hai bên thành trống đối xứng nhau là hai sợi dây có đầu đính một cục bột nếp vo nhỏ, để mỗi khi cầm lắc lắc, nó lại va vào mặt trống tạo ra âm thanh lùng tùng vui tai.

    Trống lung tung và cái ve ve

    Mệ Chiều bảo, ở Huế duy nhất nhà mệ làm thứ đồ chơi này. Một ngày mới bắt đầu với mệ là việc được người con gái chở ra một con phố nào đó, rồi tự mình rong ruổi trên những con đường của Cố đô mời mọi người mua sản phẩm. Đến xế trưa, khi người ta không còn ngồi ngoài vỉa hè cà phê nữa, mệ lại bắt xe ôm trở về nhà. Buổi chiều, mệ lại tất bật chuẩn bị những lứa ve ve, lung tung cho sáng ngày hôm sau.

    Cứ thế, ngày này qua ngày khác, công việc của mệ chỉ có thế, rất đỗi bình thường và giản dị. Một ngày mệ có thể làm được gần trăm cái cả ve ve và lung tung. Mỗi cái mệ bán với giá 2000 đồng, trừ hết chi phí mỗi cái mệ lãi 500 đồng. Mệ bảo nghề này là “nghề lấy công làm lãi”, lời lãi ít nhưng nó đem lại niềm vui tinh thần. Theo như mệ nói, nhìn thấy lớp trẻ mua ve ve, lung tung rồi đùa nghịch vui vẻ, có người còn xin chụp hình cùng mệ, mệ vui lắm.

    Với những người con đã gắn bó lâu với xứ Huế, hình ảnh con ve ve, cái trống lung tung đã gắn liền với tuổi thơ họ một thời. Mệ Chiều chia sẻ: “Thời còn bao cấp, trẻ con thích chơi ve ve, lung tung lắm. Ngày ấy, nhà mệ làm cả ngày cũng không đáp ứng đủ nhu cầu mua của trẻ con Huế. Họ hay mua 2 món này để làm quà tặng dịp trẻ nhỏ đầy tháng. Đa số con nít Huế ngày ấy từ khi sinh ra đều đã được nghe tiếng ve ve, trống lung tung của nhà mệ làm”.

    Hình ảnh mệ Chiều ngồi bên vỉa hè bán ve ve và trống lung tung đã rất quen thuộc với nhiều người dân ở Huế

    Một cụ ông ngồi uống cà phê chia sẻ: “Nhìn thấy hình ảnh mệ Chiều là bao ký ức về tuổi thơ ngày xưa mặc dù thiếu thốn vật chất nhưng giàu có về tinh thần, lại ùa về trong tâm tưởng”.

    Tuy nhiên, sau khi đất nước đổi mới, nền kinh tế thị trường bắt đầu len lỏi, đồ chơi ngoại bắt đầu thịnh hành, trẻ con ít chơi ve ve, lung tung hơn. Người lớn thay vì mua trống lung tung bằng tre đã đổi sang mua trống được làm từ nhựa. Kể từ dạo ấy, nhà mệ chỉ làm cầm chừng, có lúc mệ thôi không làm nữa và chuyển sang nghề nhồi gối. Nhưng sau đó, nhớ nghề, vợ chồng mệ lại trở về với âm thanh lung tung và tiếng ve tha thiết.

    Tiếp xúc với mệ, sức khỏe của mệ là điều làm chúng tôi thật sự lo lắng. Mặc dù vừa mới bước sang tuổi 70 nhưng trông mệ còn già hơn rất nhiều. Lưng mệ đã còng đi, mái tóc bạc gần hết. Mà làm cái nghề này, mỗi ngày phải ngồi một chỗ mấy tiếng đồng hồ, lưng không đau sao được. Nhìn bàn tay gầy guộc của mệ kéo cưa cắt mấy khúc tre mà tôi không khỏi xót xa.


    Người đi đường ghé mua hàng ủng hộ mệ

    “Đến đời mệ nữa là nghề này mất rồi… Vì lời lãi chẳng được bao nhiêu, lại vất vả nên con cái mệ chẳng ai theo nghề”, mệ Chiều ngậm ngùi tâm sự.

    Rồi một ngày nào đó, giữa mùa thu, người Huế sẽ không còn được nghe tiếng ve kêu trên tay mệ Chiều. Nhưng trở lại với thực tại, chắc hẳn hình ảnh mẹ Chiều lưng còng, sáng sáng cầm trên tay con ve ve, cái trống lung tung cùng với những thanh âm quen thuộc từ chúng phát ra mãi trở thành hình ảnh không thể thiếu của một buổi sáng Huế.

    Lúc tạm biệt mệ, tôi lỡ tay lắc con ve ve kêu, đứa cháu ngoại của mệ thức giấc bật khóc. Hơi ái ngại, tôi loay hoay cầm trống lung tung lắc lắc dỗ dành, thứ đồ chơi ấy lại khiến đứa bé thôi khóc mà cười cười huơ tay vơ lấy trống. Thứ âm thanh quen thuộc ấy, đứa trẻ nào cũng thích thú.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-chieu-va-hai-mat-hang-doc-nhat-vo-nhi-cua-xu-hue-a107516.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.