+Aa-
    Zalo

    Mẹ chồng siêu "độc", siêu "hiếm" đập tan ám ảnh của tôi về cảnh làm dâu nước mắt chan cơm

    • DSPL
    ĐS&PL Tôi đã luôn định kiến với chuyện kết hôn vì không muốn đối diện với cuộc sống làm dâu, nhưng rồi sự nhã nhặn, lịch thiệp, thân tình của mẹ chồng em đã làm tôi thay đổi

    Tôi đã luôn định kiến với chuyện kết hôn vì không muốn đối diện với cuộc sống làm dâu, nhưng rồi cách cư xử nhã nhặn, lịch thiệp, thân tình của mẹ chồng em đã khơi gợi trong tôi một màu sắc khác.

    Tôi là cô nàng 31 tuổi đang độc thân- Ảnh minh họa. 

    Xưa nay tôi vẫn thường nghe về những mâu thuẫn xoay quanh mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, chị dâu – em chồng… đầy rối rắm, phức tạp, mệt mỏi, tủi hờn… Thế nên, mặc cho bố mẹ và người thân vẫn ngày ngày ca thán về việc tôi không chịu lấy chồng, trái lại tôi – một cô gái 31 tuổi đôi khi lại thấy mình còn có chút may mắn khi còn được tận hưởng bầu không khí tự do ít ỏi còn lại trước khi bước chân vào cái ngưỡng cửa của cuộc sống hôn nhân.

    Tôi sợ cái ngột ngạt, sợ cái đau lòng mà mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, chị em nhà chồng mang lại. Tuy nhiên, trong khi tôi sống vui vẻ, kiên định với lý tưởng đề cao tự do cá nhân của mình thì trong mắt bố mẹ, tôi đích thị là một nỗi khổ tâm hết sức. Tôi trở thành chủ đề bàn luận trong mỗi bữa cơm gia đình, trở thành người phải luôn học hỏi các chị em gái lớn bé trong dòng họ. Và cũng có đôi khi, tôi là nỗi xấu hổ đối với các bậc sinh thành nếu có những người quen, người thân nhỡ miệng hỏi thăm cha mẹ tôi: “Bao giờ cháu nó lấy chồng?", "Cháu nó yêu ai chưa?",...

    Chứng kiến cảnh tình khó xử của phụ huynh, tôi cũng có đôi lần e ngại. Thế nhưng, chứng kiến cảnh chị em cơ quan cứ canh cánh hết giờ làm là lao xe như bay trên đường để kịp đón con, nhẩm tính rau dưa cà mắm để nấu bữa cơm chiều, dọn dẹp nhà cửa sao cho sạch sẽ, chỉn chu để vừa mắt nhà chồng…, rồi nghe các chị hay rỉ rả chuyện mẹ chồng xét nét, cấm cản, em chồng xúc phạm, hơn thua… thì sự e ngại đó trong tôi cũng nhanh chóng tan đi.

    Tôi lại nhanh chóng trở về thói quen la cà quán xá, đi xem phim bất cứ lúc nào tôi thích, ngủ lúc nào tôi có nhu cầu, nhà cửa chỉ dọn dẹp khi thực sự hứng thú… và đôi khi còn ngẫu hứng theo đám bạn “xách ba lô lên và đi” cho nó thực sự theo trend.

    Tâm thế, suy nghĩ và hiện thực cuộc sống của tôi tưởng cứ mãi yên vị như thế cho đến một hôm cuối tuần, cả phòng tôi có lịch đi thăm một cô em út của phòng mới sinh.

    Chúng tôi đến thăm nhà em đúng thời điểm chồng em đi công tác xa, bố chồng đi ăn giỗ nhà họ hàng, trong nhà chỉ còn lại em, mẹ chồng và cháu nhỏ. Mẹ chồng em tiếp đón chúng tôi với thái độ vô cùng niềm nở và chu đáo. Nhìn cách bà chăm con dâu, bế bồng cháu nội, nói những lời nhẹ nhàng, yêu thương cưng nựng với con trẻ, tôi cũng đoán được phần nào cuộc sống của em trong gia đình nhà chồng, có lẽ nó sẽ hơi “khác màu” với những câu chuyện mà các chị cùng phòng tôi hay bàn tán về những nhân vật mẹ chồng.

    Tâm sự với chúng tôi, em chia sẻ, mẹ chồng em thương em lắm. Em thì vụng về, không giỏi bếp núc, cũng chẳng đảm việc nhà nhưng may mắn được mẹ thương như con gái. Điều gì mẹ cũng chỉ bảo, dặn dò từng chút một. Em sinh con trong lúc chồng đi công tác xa nhà, mẹ đẻ đang chăm chị dâu mới sinh cháu tận trong Nam, thành thử mọi việc từ lớn tới nhỏ là một tay ông bà nội hết. Mẹ chăm em, chăm cháu, rồi lại lo cho bố chồng mà mọi việc vẫn đâu vào đấy.

    Mẹ chồng em thương em lắm. Ảnh minh họa

    Em cũng thương mẹ chồng em lắm. Nhiều đêm cháu quấy khóc, em dậy bế ru cháu nhưng mẹ bảo: “Để mẹ trông cho, mới sinh nghỉ ngơi cho lại sức chứ không sau này sức khỏe yếu lắm con ạ”. Em nghe xong, thương mẹ chảy nước mắt. Thấy em khóc, mẹ chồng lại nhắc: “Mới sinh đừng khóc không ảnh hưởng tâm lý, lại không có sữa cho con bú thì khổ cả nhà đấy con ạ”.

    Em xúc động nói: "Con đúng là có phước lớn mới được làm con dâu của mẹ”. Mẹ cũng chỉ hiền từ nhỏ nhẹ: “Mẹ cũng sống cảnh làm dâu, cũng từng sinh con, cũng thức đêm trông con mòn mỏi nên mẹ hiểu tâm lý của con những lúc này. Mẹ chỉ muốn con dù sống ở bên nhà nội hay nhà ngoại thì vẫn có cảm giác thoải mái, không tủi hờn điều gì. Mẹ không có con gái nhưng mẹ vẫn luôn tâm nguyện rằng, nếu có mẹ cũng mong con gái mẹ luôn được nhà chồng chăm sóc, bảo ban như con ruột. Dâu hay gái – con nào chẳng là con mình, con nhỉ!”.

    Em cũng kể, tháng trước, mẹ đẻ ra thăm cháu ngoại mà say xe, nằm bệt cả ngày. Vậy là mẹ chồng em thay vì được nghỉ ngơi đôi phần lại phải chăm thêm cả mẹ đẻ em nữa. Hai mẹ cũng à ríu rít với nhau lắm. Mẹ đẻ cũng bảo: Ông bà thông gia dễ gần nên mẹ cũng đỡ ngại.

    Và rồi ngoài những lúc cùng nhau trông cháu, cùng đi tập thể dục, hai mẹ còn nhận thêm công việc dán phong bì, vừa làm vừa tỉ tê chuyện trò đủ thứ chuyện. Mâm cơm nhà em có thông gia ngồi với nhau mà như là anh chị em ruột thân tình.

    Câu chuyện đang rôm rả thì mẹ chồng em đem theo đĩa hoa quả vào, hồ hởi giới thiệu: "Bưởi nhà bác đấy, ngay vườn sau, cây nhà lá vườn”, thế là các chị trong phòng tôi lại có chủ đề mới để bàn luận, những câu chuyện không đầu không cuối nối tiếp mãi không thôi.

    Vài tiếng đồng hồ cứ trôi qua êm ả như thế, lúc chúng tôi chào gia đình em để về thì trên tay mẹ chồng em nào những túi nhỏ túi to, quà cáp gửi về cho mấy chị em. Thức quà chẳng có gì cao sang, chỉ là ít rau nhà trồng được, vài quả bưởi với ít hoa thiên lý trước sân nhà. Chúng tôi cảm ơn bác rối rít vì thấy tình cảm của bác thật thân tình, ấm áp.

    Trên đường về các chị phòng tôi bàn tán đủ các kiểu câu chuyện, nhưng tôi hồ như không nghe thấy được gì, bởi trong đầu tôi lúc này chỉ hiện hữu hình ảnh một bà mẹ chồng ẵm bồng đứa cháu nội với đôi mắt chan chứa yêu thương và nói những lời ngọt ngào về cô con dâu vụng về, ngốc nghếch nhưng hết mực thật thà của mình cho đồng nghiệp của con nghe.

    Tôi thấy trân quý biết bao tình cảm đó của mẹ chồng em, bởi vị phụ huynh ấy đã đem một làn gió mới thổi vào cái suy nghĩ xưa nay vốn cố hữu trong tôi về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, về cuộc sống gia đình với những bữa cơm nàng dâu chan nước mắt…

    Tôi nghĩ mình cũng cần sớm khởi động kế hoạch tìm kiếm một mẹ chồng tương lai!

                                                                                                                                        Hà Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-chong-sieu-doc-sieu-hiem-dap-tan-am-anh-cua-toi-ve-canh-lam-dau-nuoc-mat-chan-com-a294097.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan