Mẹ ngủ trưa, bé 9 tuổi nạp tiền game gần 100 triệu và vấn nạn trẻ nhỏ chìm vào thế giới ảo


Thứ 5, 22/04/2021 | 06:48


Cùng sự kiện

Trẻ 5 tuổi lên mạng 3 tiếng mỗi ngày, người mẹ bị con lấy đi gần 100 triệu đồng trong giờ nghỉ trưa và ngày càng nhiều trẻ em bị đắm chìm trong thế giới ảo.

Trẻ 5 tuổi lên mạng 3 tiếng mỗi ngày, người mẹ bị con lấy đi gần 100 triệu đồng trong giờ nghỉ trưa và ngày càng nhiều trẻ em bị đắm chìm trong thế giới ảo.

Ngày càng nhiều trẻ em đắm chìm vào thế giới ảo. Ảnh minh họa

Khi trẻ tiếp xúc với Internet quá sớm

"Đồng chí cảnh sát, anh có thể giúp tôi dạy dỗ đứa con được không? Nó mới 5 tuổi nhưng đã dùng điện thoại di động của tôi để chơi game và nạp tiền", cô Trương ở thành phố Lục An (tỉnh An Huy, Trung Quốc) mang theo con trai 5 tuổi đến sở cảnh sát địa phương.

Cô Trương cho biết, trung bình con trai cô tiếp xúc với Internet ít nhất 3 tiếng mỗi ngày, nếu không được chơi, cháu sẽ tức giận và khóc.

Cùng cảnh ngộ, cô Lưu ở thành phố Vu Hồ (tỉnh An Huy, Trung Quốc) bị đứa con gái 9 tuổi nghiện game lén lút nạp mất 28.000 NDT (99 triệu đồng) trong lúc cô ngủ trưa nên đã gọi cảnh sát giúp đỡ.

Do nhu cầu về các lớp học trực tuyến trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái, con gái cô Lưu thường cần sử dụng máy tính bảng để tham gia các lớp học và làm bài tập về nhà.

Một ngày nọ, cô bé nhìn thấy thông báo "Nhận vật phẩm trò chơi miễn phí" cho một game trực tuyến mà cô bé đang chơi do một blogger trực tuyến đăng tải và chủ động tham gia nhóm của blogger này

Dưới sự "hướng dẫn" của chủ nhóm, cô bé 9 tuổi đã lấy điện thoại di động của cô Lưu, trốn trong phòng tắm và khóa cửa, làm theo hướng dẫn và hoàn thành chuyển khoản nạp tiền vào game.

Cùng lúc đó, cô Lưu tỉnh dậy sau khi nghe tiếng thông báo tin nhắn và đi vào phòng tắm để tìm con gái. Kiểm tra điện thoại, cô Lưu thấy rằng 28.000 NDT trong điện thoại di động của mình đã bị chuyển khoản thành công.

Báo cáo Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về "Sử dụng Internet của Trẻ vị thành niên" năm 2019 cho thấy 32,9% cư dân mạng tiểu học đã bắt đầu sử dụng Internet trước tuổi đi học.

Sau khi tiếp nhận xử lý nhiều vụ việc, cảnh sát tin rằng xu hướng nghiện Internet ở độ tuổi trẻ là rõ ràng và hành vi lừa đảo trên Internet đã bắt đầu nhắm vào những công dân ít tuổi, những người thiếu khả năng nhận biết.

Điều gì đưa trẻ em đi lạc vào "vực thẳm"?

Có nhiều yếu tố đằng sau sự gia tăng người dùng Internet trẻ tuổi.

Một là sự dễ dàng tiếp cận Internet. Cuộc khảo sát "Báo cáo nghiên cứu về việc sử dụng Internet của trẻ vị thành niên ở Trung Quốc năm 2019" cho thấy trong số những cư dân mạng chưa đủ tuổi vị thành niên, 74,0% có thiết bị có thể truy cập Internet riêng và 63,6% trong số họ sở hữu cho mình điện thoại di động.

Thứ hai là thiếu sự đồng hành của cha mẹ. Lâm Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tâm lý Thanh niên của thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, tin rằng: "Nhiều bậc cha mẹ không có thời gian ở cạnh con cái, hoặc họ không có thời gian chăm sóc con cái một cách tốt nhất".

"Thực tế là những đứa trẻ nghiện Internet hoặc chơi game phần đông đều thiếu tình cảm từ gia đình, vì vậy họ tìm đến Internet để tìm kiếm cảm giác ấm áp, cảm thấy rằng sẽ được công nhận và có nhiều đồng hành", ông Lâm chia sẻ thêm.

Thứ ba, việc rà soát các nền tảng trực tuyến còn lỏng lẻo, và việc triển khai "hệ thống tên thật" cho các trò chơi trực tuyến còn nhiều bất cập.

Trâu Quân, một sĩ quan thuộc sở cảnh sát thành phố Lục An, cho rằng "hệ thống tên thật" của một số trò chơi trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập, bởi trẻ em có thể dùng chứng minh thư của bố mẹ để đăng ký tài khoản.

Làm thế nào để ngăn chặn "vấn nạn"?

Đối mặt với "vấn nạn" nghiện Internet ở trẻ em, cảnh sát, phụ huynh và các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng cần tăng cường quản lý, nâng cao nhận thức, xây dựng Internet trở thành một "công cụ" chứ không phải là một "đầm lầy".

Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy định không cho phép học sinh tiểu học và trung học cơ sở mang điện thoại di động cá nhân vào khuôn viên trường.

Về vấn đề này, các bên đều cho rằng ngoài quy định cấm trong trường học, cũng cần có quy định rõ ràng về thời gian và phạm vi sử dụng cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở sử dụng điện thoại di động ngoài nhà trường. Cha mẹ nên làm gương, giảm thời gian sử dụng điện thoại di động và Internet, nêu gương đúng đắn cho trẻ vị thành niên và trau dồi thói quen sinh hoạt tốt.

Trữ Triều Huy, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, cho rằng hiện không ít trẻ em chưa đến 1 tuổi đã được cha mẹ dỗ dành bằng cách cho xem điện thoại di động. Do đó, nhận thức và hiểu biết cơ bản của cha mẹ là một phần quan trọng trong việc ngăn trẻ bị nghiện Internet.

Ngoài ra, không ít ý kiến đề nghị thanh lọc quảng cáo trò chơi trên những phần mềm thường được trẻ vị thành niên sử dụng, chẳng hạn như nền tảng mạng xã hội hay video, để giảm khả năng thu hút trẻ đến với các trò chơi ảo.

"Nhiều nền tảng video có thể không gặp vấn đề lớn với nội dung của chúng nhưng các quảng cáo nhỏ sẽ luôn xuất hiện để thu hút trẻ em trải nghiệm", cô Trương nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các nền tảng trò chơi nên tăng cường hơn nữa các phương pháp nhận dạng kỹ thuật khi đăng ký tài khoản và nạp tiền. Đồng thời, áp dụng nhiều cách thức xác minh danh tính như nhận dạng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để giảm khả năng trẻ vị thành niên dùng tài khoản ngân hàng của cha mẹ để nạp tiền.

Hoa Vũ (Theo Sina)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-ngu-trua-be-9-tuoi-nap-tien-game-gan-100-trieu-va-van-nan-tre-nho-chim-vao-the-gioi-ao-a363286.html