Mẹo hay phát hiện nhanh thịt lợn có chất tạo nạc Salbutamol


Thứ 2, 28/03/2016 | 01:36


(ĐSPL) - Thịt lợn có chứa chất tạo nạc nếu để ý kỹ, sẽ phân biệt rất rõ với thịt thường...

(ĐSPL) - Thịt lợn có chứa chất tạo nạc nếu để ý kỹ, sẽ phân biệt rất rõ với thịt thường...

Có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu ăn nhiều thịt có chứa chất tạo nạc

Salbutamol vốn là chất được sử dụng để chế thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn và hiện vẫn được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, từ lâu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã khuyến cáo không sử dụng chất này trong chăn nuôi. Và tại Việt Nam, từ năm 2002, chất này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận trong kinh doanh, nhiều đơn vị đã nhập loại chất này với mục đích làm thuốc chữa bệnh nhưng thực chất lại bán ra ngoài để làm chất tạo nạc cho cho lợn. Và điều này, theo các chuyên gia sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg Salbutamol về Việt Nam.

Tuy nhiên, trong 6 tấn đã được bán ra thị trường, chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định. Phần lớn lượng thuốc nhập về được bán ra ngoài cho chăn nuôi làm chất tạo nạc cho lợn.

Nếu Salbutamol được tích lũy trong cơ thể một thời gan dài, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. (Ảnh minh họa). 

Trước thông tin đó, Bộ Y tế đã lên tiếng khẳng định, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5,215 tấn chất Salbutamol. Năm 2014, nhập về 3,876 tấn chất Salbutamol chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9,14 tấn Salbutamol như thông tin đã đăng tải trên một số báo thời gian qua?

Dù thông tin về Salbutamol giữa 2 Bộ là Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT chưa rõ ràng, nhưng theo các chuyên gia cho rằng, nếu ăn nhiều thịt có chứa chất tạo nạc trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dùng, nếu nặng có thể nguy hại đến tính mạng.

Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết.

"Do đó, nếu ăn phải thịt lợn vỗ béo bằng chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư của các chất đó", PGS - TS Thịnh cho biết.

“Salbutamol và Clenbutarol đều được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu", PGS.TS Thịnh cho hay.

Về tác hại, PGS - TS Thịnh cho biết, nếu Salbutamol được tích lũy trong cơ thể một thời gan dài, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Cách nhận biết thịt lợn có chứa chất tạo nạc

Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, nên lựa chọn mua các loại thực phẩm khác, không chỉ riêng thịt lợn thì người mua nên đi chợ từ sớm.

Lúc đó thực phẩm sẽ tươi và ngon hơn, tránh đi chợ lúc đã quá trưa hoặc trời tối muộn, thực phẩm vừa không ngon lại có hiện tượng ôi rất hại cho sức khỏe.

Đối với loại thịt có chứa chất tạo nạc nếu để ý kỹ, sẽ phân biệt rất rõ với thịt thường.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, lợn nếu được nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong. Khi chọn thịt cần tránh loại mà lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm).

Đối với loại thịt có chứa chất tạo nạc nếu để ý kỹ, sẽ phân biệt rất rõ với thịt thường.(Ảnh minh họa).

Khi thái thịt nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc.

Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc.

Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Bên cạnh các loại thịt lợn có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, một vài nguyên tắc chung sau đây có thể giúp người tiêu dùng chọn lựa thịt lợn an toàn hơn.

Để chọn được các loại thịt an toàn, nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

AN NHIÊN (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/meo-hay-phat-hien-nhanh-thit-lon-co-chat-tao-nac-salbutamol-a124738.html