Mẹo nhỏ "cứu" làn da cháy nắng siêu tốc tại nhà


Thứ 4, 15/05/2019 | 09:09


Vào mùa hè, khi di chuyển thường xuyên ngoài trời, làn da của bạn rất dễ bị cháy nắng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp làn da của bạn sớm được hồi phục trở lại.

Vào mùa hè, khi di chuyển thường xuyên ngoài trời, làn da của bạn rất dễ bị cháy nắng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp làn da của bạn sớm hồi phục trở lại và mịn màng hơn. 

Vì sao da bị cháy nắng?

Khi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian dài mà không có sự che chắn, mảng da bị phơi nắng sẽ trở nên đỏ ửng, thậm chí đau rát và sưng tấy. Đó là những biểu hiện có thể thấy được của việc da bị cháy nắng. 

Nguyên nhân là do trên da có tồn tại các phân tử mang tên melanin - các hắc sắc tố. Chất này có khả năng hấp thụ ánh sáng với dải quang phổ rất rộng và đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ tự nhiên của da trước các tia tử ngoại. Càng phơi nắng, lượng melanin càng được gia tăng để bảo vệ da, khiến da đen đi và thậm chí là xuất hiện những nốt đồi mồi, nám sạm do cơ thể tự tăng cường sắc tố bảo vệ, giảm thiểu tia cực tím xuyên qua da.

Làn da bị cháy nắng (Ảnh minh họa).

Theo các nghiên cứu mới nhất, tia UVB có trong ánh nắng mặt trời chính là “thủ phạm” chủ yếu làm da bị cháy nắng. Tia UVB cung cấp năng lượng cho da tạo nên vitamin D (chỉ trước 9 giờ sáng), song nó cũng ảnh hưởng trực tiếp lên bề mặt da khiến da bị đen sạm, cháy nắng và làm tổn thương trực tiếp DNA, gây ra nguy cơ ung thư da cao.

Không những thế, tia UVA cũng rất nguy hiểm. Theo đó, khi tia UVA ăn sâu vào lớp hạ bì của da, nó sẽ phá hủy collagen, elastin khiến da nhanh chóng mất đi độ đàn hồi và thúc đẩy sự xuất hiện của các vết nám, nếp nhăn, đồi mồi...

Làm thế nào để phục hồi làn da bị cháy nắng?

Ngay khi bạn thấy da mình bị cháy nắng, hãy sử dụng một trong những mẹo nhỏ sau đây để làn da nhanh chóng được phục hồi:

- Rửa mặt bằng nước lá trà xanh

Trong trà xanh có chứa nhiều chất catechin và flavonoid. Đây là những chất có tác dụng xoa dịu cảm giác nóng rát do cháy nắng và giúp khôi phục các tế bào bị tổn thương, phồng rộp, đen sạm hiệu quả.

Cách làm: Sử dụng nước lá trà xanh đã nấu thoa lên da mặt khoảng 5- 10 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần để làn da nhanh chóng được hồi phục.

- Làm mát da với dưa chuột

Sử dụng những lát dưa chuột cắt mỏng đắp lên vùng da bị cháy nắng sẽ giúp cho làn da nhanh chóng được mát dịu. Ngoài ra, những loại vitamin và dưỡng chất có trong dưa chuột sẽ giúp da phục hồi hiệu quả.

Đắp dưa chuột là cách phục hồi làn da cháy nắng hiệu quả - Ảnh: Minh họa

- Thoa mật ong

Bạn có thể sử dụng mật ong thoa trực tiếp lên da hoặc pha mật ong với một ít sữa tươi không đường lạnh rồi dùng bông tẩy trang thấm hỗn hợp lên da mặt. Cách làm này sẽ giúp làn da được làm dịu và phục hồi một cách nhanh chóng.

- Đắp lòng trắng trứng gà

Với những vùng da bị tổn thương thì lòng trắng trứng gà có tác dụng làm dịu và phục hồi rất hiệu quả. Hãy sử dụng trứng gà ta, tách lấy lòng trắng và dùng bông gòn hoặc bông tẩy trang thấm dung dịch lên da mặt, sau 10-15 phút rửa mặt lại thật sạch.

- Bôi gel nha đam

Nhờ khả năng kích thích tế bào tái tạo, cung cấp độ ẩm, chống lão hóa, trị bỏng… nên nha đam có thể giúp xoa dịu và phục hồi lan da cháy nắng nhanh chóng.

Cách làm: Dùng một nhánh nha đam nhỏ, cắt bỏ phần vỏ, cạo lấy lớp gel bên trong bôi lên da hoặc cắt phần thịt nha đam thành những miếng mỏng đắp lên da trong 15 phút rồi rửa sạch.

- Đắp mặt nạ cà chua

Cà chua là loại quả giúp làn da cháy nắng phục hồi rất nhanh chóng. Bạn có thể dùng cà chua cắt lát mỏng đắp lên vùng da bị cháy nắng hoặc sửa dụng nước ép cà chua thoa lên da, chắc chắn cách làm này rất hiệu quả. 

- Sử dụng dấm làm dịu làn da

Pha vài giọt dấm trắng vào nước mát và dùng hỗn hợp này để rửa mặt là cách giúp giảm cảm giác đau rát do cháy nắng rất hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể dùng dấm trắng hoặc dấm táo vỗ nhẹ lên vùng da đang bị tổn thương bằng một chiếc khăn hoặc cho vào chai xịt rồi phun trực tiếp lên vùng da đó.

- Làm dịu da với sữa chua

Bôi sữa chua không đường lạnh lên vùng da bị cháy nắng sẽ giúp xua tan cảm giác ngứa rát, giúp da mát lạnh, hết mẩn đỏ, không những thế còn trị được phần da đen do rám nắng. Theo đó, sau khi rửa mặt sạch, bạn có thể bôi sữa chua lên da khoảng 5-10 phút rồi rửa sạch và dùng khăn mềm lau khô da.

Bôi sửa chua lên vùng da bị cháy nắng giúp da hết mẩn đỏ - Ảnh: Minh họa

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu

Khi bị cháy nắng quá, da của bạn có thể xuất hiện tình trạng bỏng nắng, vì thế bạn cần hết sức lưu ý. Theo các nghiên cứu về da, cháy nắng ít nguy hiểm, nó chỉ làm xỉn màu da và sẽ biến mất sau một thời gian (tùy cơ địa mỗi người). Tuy nhiên, bỏng nắng thì khác nó thường gây tổn thương da trên diện rộng, mức độ đỏ da cứ tăng dần, có thể kèm theo đau đầu, sốt và mệt mỏi.

Các dấu hiệu của bỏng nắng thường xuất hiện trong vòng 2-6h tiếp xúc. Thời gian hay gây bỏng nắng là khoảng giữa trưa từ 11-14h khi nồng độ tia cực tím tập trung cao.

Do đó, khi thấy cơ thể có các dấu hiệu như cảm thấy mệt hay chóng mặt, bị buồn nôn, bị phồng rộp nặng, mạch đập nhanh... bạn cần đi khám chuyên khoa da liễu để tránh các vết thương ngày càng rộng và ăn sâu hơn.

Quỳnh Chi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/meo-nho-cuu-lan-da-chay-nang-sieu-toc-tai-nha-a275470.html