+Aa-
    Zalo

    Hàng trăm giáo viên kỳ cựu hoảng sợ mất việc nếu không qua kì thi công chức

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) dù có nhiều thành tích, được khen thưởng và cống hiến hàng chục năm vẫn đứng trước nguy cơ bị mất việc vì quy định phải thi viên chức.

    Những ngày qua, nhiều giáo viên ở Sóc Sơn (Hà Nội) dù có nhiều thành tích, được khen thưởng và cống hiến hàng chục năm vẫn đứng trước nguy cơ bị mất việc vì quy định phải thi viên chức, nếu thi trượt coi như thất nghiệp.

    Cống hiến nhiều năm vẫn lo mất việc

    Những ngày qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều giáo viên như chết lặng khi hay thông tin số phận họ sẽ được quyết định sau cuộc thi tuyển viên chức trong năm tới. Người đỗ thì tiếp tục được cống hiến, còn người nào trượt thì không được tiếp tục dạy.

    Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, trong số hơn 256 giáo viên hợp đồng đã công tác gắn bó từ 5-27 năm tại Sóc Sơn, nhiều người hiện là tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn, đạt thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm, những giáo viên ấy vẫn đứng ngoài biên chế của ngành.

    Nhiều thầy cô bức xúc cho rằng việc thi lần này chẳng qua là lý do để đuổi việc: “Tại sao sau trên dưới 20 năm công tác, số phận của một giáo viên, một con người lại chỉ được quyết định thông qua một bài viết 180 phút, barem 100 điểm?”.

    Hàng trăm giáo viên kỳ cựu lao đao trước nguy cơ mất việc.

    Cô Nguyễn Thanh Bình, giáo viên một trường THCS tại Sóc Sơn (Hà Nội) đã có thâm niên 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người chia sẻ: “Chúng tôi là những giáo viên đã làm việc bằng đam mê suốt mấy chục năm. Bản thân tôi cũng đã cống hiến cả thanh xuân cho sự nghiệp đưa đò.

    Để truyền đạt kiến thức cho học sinh thì tôi không có gì đáng lo ngại, nhưng đứng trước cuộc thi tuyển sắp tới kia, tôi không khỏi lo lắng. Cảm giác đau đớn lắm, đã bao nhiêu năm tìm tòi, chắt lọc kiến thức cho bao thế hệ học sinh, bây giờ lại đứng trước nguy cơ mất việc”.

    “Kinh nghiệm từ quá trình giảng dạy mấy chục năm của những người giáo viên như chúng tôi xếp ngang bằng với những sinh viên sư phạm mới ra trường. Thời điểm tôi về đây công tác, cả huyện Sóc Sơn còn hoang sơ, còn nghèo, lấy đâu ra điều kiện bồi dưỡng tiếng Anh mà bây giờ thi tuyển lại đặt tiêu chuẩn để chấm. Chưa nói đến các thầy cô công tác hơn 20 năm nói tiếng Anh thôi đã khó chứ đừng nói đến thi tiếng Anh trên máy tính. Điều đó chẳng khác nào “đánh trượt” chúng tôi trước khi thi”, cô giáo Bình bày tỏ bức xúc.

    Thi tuyển “đánh đố” giáo viên lâu năm

    Khẳng định Việt Nam vẫn đang thiếu giáo viên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc tổ chức thi tuyển cho giáo viên đã cống hiến nhiều năm là dư thừa: “Những giáo viên đã cống hiến lâu năm nếu cần thiết thì tổ chức đào tạo nâng chuẩn nghề nghiệp giáo viên, nếu không đạt chuẩn thì mới đứng trước nguy cơ mất việc. Đối với người mới, có thể tổ chức thi tuyển bình thường nhưng với những người đã gắn bó với nghề thì không cần thiết.

    Chúng ta hiện nay vẫn còn thiếu giáo viên, chứ không phải dư thừa, vì vậy, đã đào tạo ra bao nhiêu thì phải tận dụng tối đa nguồn nhân lực, tạo điều kiện, không thể “đánh đố” như thế được”. Việc làm này vừa phức tạp vừa gây áp lực, khó khăn cho giáo viên, làm sao giáo viên có thể yên tâm cống hiến?”, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định.

    ĐBQH Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đối với những giáo viên đã gắn bó với sự nghiệp trồng người hơn 20 năm, đã bước qua hành trình giảng dạy tích lũy nhiều kinh nghiệm, lại xếp ngang bằng với những giáo viên mới là điều thiếu công bằng. Nên có những chế độ để tạo điều kiện, giải quyết cho những giáo viên nếu phải sắp xếp lại. Việc tổ chức thi tuyển thì cũng nên cân nhắc, vì đối với những giáo viên đã không còn đủ điều kiện để quy hoạch cán bộ mà đã sắp đủ điều kiện nghỉ hưu, thì nên tạo điều kiện để nghỉ”.

    “Trong tổ chức thi tuyển có thể yêu cầu ngoại ngữ, yêu cầu công nghệ thông tin để thay đổi phương pháp giảng dạy, sẽ làm khó giáo viên lâu năm, nhưng họ lại có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức hơn”, bà Lan nhận định.

    Nên coi thâm niên là điểm cộng

    PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cũng cho rằng: “Theo tôi, vấn đề tiêu chuẩn là cần thiết, tuy nhiên, đối với những người đã gắn bó lâu năm trong nghề, đã có những nhận xét, chứng nhận là họ làm tốt thì cuộc thi đó cũng không quá cần thiết nữa. Bởi vì đã có những đánh giá về quá trình giảng dạy, chăm sóc, và điều đó thể hiện chất lượng rồi thì không cần thi thêm nữa.

    Hiện tại, đôi khi đặt ra những tiêu chuẩn thì những người giáo viên cao tuổi lại không đạt được, cái khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề ngoại ngữ. Trong thi tuyển công chức đặt tiêu chuẩn ngoại ngữ, đối với một số lứa tuổi có thể sẽ đạt được nhưng đối với lứa tuổi cao thì rất khó.

    Trong giảng dạy, không phải bộ môn nào cũng bắt buộc ngoại ngữ, tất nhiên, hướng đến sử dụng ngoại ngữ trong tương lai là điều rất tốt, nhưng với những giáo viên đã cống hiến thậm chí mấy chục năm thì chưa bắt kịp cũng không nên quá ép. Vì vậy, cuộc thi công chức như một “cuộc chiến không cân sức” giữa đội ngũ giáo viên đã gắn bó nhiều năm với những giáo viên trẻ”.

    Theo nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT: “Nếu tổ chức thi tuyển, có thể lấy thâm niên của những người đã cống hiến nhiều năm làm một tiêu chuẩn để bù lại, chứ nếu không, cứ đặt sòng phẳng, có thể nhiều giáo viên cống hiến nhiều năm trong ngành, nhất là phái nữ sẽ bị thiệt thòi, đang có việc làm lại bị “đẩy ra đường”. Cần phải xem xét hợp lý nhất”.

    GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông nhận định: “Những giáo viên đang dạy hợp đồng mà chuyển sang biên chế cũng là một quyền lợi, đáp ứng các tiêu chuẩn của kỳ thi là một điều tốt.

    Tuy nhiên, phải nhìn nhận thời gian làm việc của những người giáo viên đó là một “điểm cộng”. Đó là những người có kinh nghiệm lại công tác tại địa phương cũng là một điều nên tạo điều kiện. Người ta vẫn nói “thầy già, con hát trẻ”, nên không gì bằng những người thầy có kinh nghiệm”.

    Ông nhấn mạnh: “Bên cạnh đó, không nên tổ chức theo kiểu thi công chức, viên chức thông thường mà chủ yếu đánh giá giáo viên qua hiểu biết về giáo dục, về học sinh và thể hiện qua phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Các cuộc thi đó có tổ chức cũng phải làm thật nghiêm túc, chứ không làm nghiêm túc thì giáo viên “sợ” là phải!”.

    Trước đó, ngày 21/01/2019, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký văn bản số 146/UBND - NV v/v đăng ký nhu cầu tuyển viên chức đặc biệt đối với giáo viên đã hợp đồng từ 5 năm trở lên gửi về các trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trên cơ sở rà soát nhu cầu của các nhà trường, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất gửi UBND TP.Hà Nội về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 05 năm trở lên.

    Tuy nhiên, đến ngày 07/03/2019 ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký Quyết định số 1076/QĐ - UBND phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức giáo dục TP.Hà Nội, trong đó có huyện Sóc Sơn. Quyết định chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển viên chức như một gáo nước lạnh tạt mạnh vào 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn.

    Trong bài thi tuyển công chức gồm 3 phần: Phần 1 trắc nghiệm về kiến thức pháp luật, phần 2 bài trắc nghiệm bằng tiếng Anh, phần 3 là một bài tự luận 180 phút thang điểm 100.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-tram-giao-vien-ky-cuu-hoang-so-mat-viec-neu-khong-qua-ki-thi-cong-chuc-a268871.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Quá tải áp lực sổ sách của giáo viên

    Quá tải áp lực sổ sách của giáo viên

    Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì giáo viên chỉ phải thực hiện 4 loại hồ sơ, sổ sách. Nhưng trên thực tế, hiện nay họ phải thực hiện với số lượng lớn hơn nhiều.