+Aa-
    Zalo

    Ai đang làm hư ông chồng vốn chăm chỉ của bạn?

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều chị em kêu ca phàn nàn về việc chồng lười biếng, không chịu làm việc nhà, không có trách nhiệm, đổ mọi việc cho vợ... Vậy ai gây ra tình trạng này?

    Nhiều chị em kêu ca phàn nàn về việc chồng lười biếng, không chịu làm việc nhà, không có trách nhiệm, đổ mọi việc cho vợ... Vậy ai gây ra tình trạng này?

    Mỗi người mỗi phận?

    Cùng phận đi lấy chồng, nhưng chồng chị Mai Anh lại rất chăm làm việc nhà giúp vợ. Những lúc thấy chồng chị tất bật dọn dẹp, cơm nước, chị em hàng xóm, bạn bè trông thấy lại không quên buông lời khen ngợi chị tốt số, lấy được chồng đảm đang.

    Mai Anh cũng phải công nhận chồng chị là hình mẫu lý tưởng mà biết bao người vợ đang phải vừa đi làm, vừa lo cơm nước, chăm con mơ ước. Mỗi buổi sáng, anh thức dậy sớm giặt quần áo rồi mới đi tập thể dục, tối đi làm về lại chăm chăm lo cơm nước, tắm và cho con ăn.

    Chồng chị Mai Anh rất chăm giúp vợ làm việc nhà - Ảnh minh họa.

    Trái lại, chị Thu Hương lại đầu tắt mặt tối suốt cả ngày do vừa đi làm vừa phải chăm sóc hai đứa con cùng ông chồng chẳng chịu động vào việc gì.

    "Sáng tôi dậy sớm từ 5h30, lấy quần áo trong máy giặt ra phơi, nấu ăn sáng cho gia đình rồi đánh thức con dậy làm vệ sinh. Cho con ăn, dọn dẹp qua rồi vội đưa hai đứa đến lớp xong còn phải đi làm. Chiều đi làm về vội đón hai con về nhà, cho chúng tắm rửa rồi nấu ăn. Tranh thủ rút quần áo, gấp gọn rồi cất vào từng tủ của mỗi người. Cả nhà ăn tối xong thì rửa bát, dọn dẹp sau đó thúc giục con làm bài tập, kiểm tra và giảng giải những phần còn chưa hiểu cho chúng... Con học xong, tầm 9h30 tôi mới có thời giờ đi tắm và nghỉ ngơi.  

    Trước khi đi ngủ, tôi phải mang quần áo cả gia đình cho vào máy giặt để sáng hôm sau phơi. Nghỉ cuối tuần tôi mới có thời gian đi chợ mua đồ ăn, về lại phải sơ chế sẵn cho vào tủ lạnh để cả tuần ăn dần. Rồi còn lau chùi nhà cửa, cọ 2 cái toilet... Một ngày nghỉ phải dành ra để đưa con đến thăm ông bà nội, ngoại...", chị Thu Hương cho biết lịch trình một tuần của mình.

    "Chồng tôi chỉ có việc đi làm. Thường ngày rất hay về muộn, thậm chí không ăn cơm tối ở nhà. Có lúc chồng tôi báo trước cho vợ biết để khỏi nấu cơm nhưng cũng có khi chẳng báo gì. Vợ nhắc nhiều lại bảo việc đột xuất nên quên mất, không kịp báo.

    Mỗi tháng chồng đưa lương về cho tôi rồi phủi tay. Mọi việc thanh toán điện nước, vệ sinh, chi phí xe cộ, khám chữa bệnh, học phí cho các con, hiếu hỉ, biếu tặng bố mẹ, mua sắm đồ dùng, tiết kiệm... tôi phải tự tính toán và chi trả. Tất nhiên, tiền lương của tôi cũng phải tính gộp vào đó.

    Nhiều lúc tôi cũng không biết mình lấy chồng để đồ cái gì? Tôi mong con lớn hơn chút để có giúp san sẻ việc nhà và tôi có thời gian nghỉ ngơi", chị nói thêm.

    Chồng không làm việc nhà lỗi là của ai?

    Hai trường hợp trên sẽ khiến nhiều người tự hỏi làm sao mà chị Mai Anh lại may mắn thế, trong khị chị Thu Hương lại không được như vậy?

    Hãy lắng nghe tâm sự của chị Mai Anh: "Để có được ông chồng chăm chỉ như bây giờ, tôi phải thật nhẫn nại, kiên trì tiến hành “tẩy não”, giáo dục, đào tạo suốt mấy năm sau khi cưới mới được. Từ lúc yêu cho đến sau khi kết hôn, tôi đều chủ động yêu cầu chồng mình giúp làm việc nọ kia. Tất nhiên là tôi cũng làm cùng. Làm nhiều riết rồi 2 người đâm ra ăn ý, vừa làm vừa nói chuyện, khá vui vẻ.

    Thật ra mới đầu chồng tôi cũng không phải người chăm chỉ. Nhiều lúc cũng nói những câu khiến tôi chạnh lòng kiểu như: "Em có bầu muốn đẻ dễ thì phải chăm vận động. Giặt quần áo đi.", hay "Em mệt quá thì nghỉ đi…. Khi nào khỏe dậy dọn nhà cũng được".

    Tôi ấm ức lắm nhưng rồi quyết không thỏa hiệp, nói chồng chưa đủ, tôi còn vận động bố mẹ hai bên "tấn công". Chồng làm việc gì, dù lóng ngóng chậm chạp hay chưa tốt tôi cũng không nhúng tay. Tôi chỉ khen anh rồi chỉ ra những chỗ chưa được.

    Hai đứa con học 2 trường khác nhau, tôi nói mình chỉ đón được 1 đứa, còn đứa kia anh phải lo. Hôm nào một trong hai người thật bận việc thì phải tự nghĩ cách nhờ nhau hay người thân.

    Thời gian rảnh rỗi, chị kéo anh đưa các con đi chơi. Có tiền, có thời gian thì đi du lịch, chơi xa. Ít tiền và không nhiều thời gian thì cho con đi xem phim hay ra công viên cho chúng chạy nhảy, hoặc cả nhà cùng nhau đi siêu thị mua sắm..."

    Chị Thu Hương vất vả vì chồng lười biếng, không muốn giúp vợ làm việc nhà - Ảnh minh họa.

    Còn chị Thu Hương thì cho hay, nhiều lần chị cũng cố bảo chồng giúp làm việc nhà những lúc anh rảnh rỗi, nhưng anh thường từ chối vì... không biết làm. Nếu có làm thì cũng rất ẩu, lại để bừa bãi vãi vung, xong chị phải đi dọn dẹp quá tội.

    Đã thế, làm được có tí việc anh lại cáu gắt, xoi mói việc nọ việc kia ầm ĩ khiến chị đau đầu không thôi. Thế nên chị tự nhủ thà tự làm cho nhanh gọn và "yên cửa, yên nhà".

    Hôn nhân là sự thỏa hiệp từ hai phía

    Hôn nhân là sự thỏa hiệp. Hai người cần thống nhất với nhau mọi vấn đề. Bạn có thể phải thỏa hiệp mỗi ngày từ việc ăn tối hay bất cứ sự việc nào khác. Nếu như bạn không nhường chồng, anh ấy sẽ ức chế. Tuy nhiên, nếu bạn cứ nhường nhịn mãi thì chồng bạn sẽ trở nên lười nhác, vô trách nhiệm và ngừng cố gắng giúp đỡ bạn.

    Sự thỏa hiệp từ cả hai phía và chìa khóa cho hôn nhân bền vững - Ảnh minh họa.

    Có người nói rằng, hôn nhân giống như khiêu vũ vậy, người này lùi thì người kia tiến. Tuy vậy, chẳng có điệu nhảy nào mà một bên cứ lùi còn bên kia tiến cả vì như thế sẽ đập vào tường.

    Việc bạn tự làm mọi việc không nhờ chồng giúp đỡ sẽ tạo cho anh ấy thói quen xấu, ỷ lại vào bạn và không muốn làm gì cả. Chuyện này kéo dài sẽ khiến bạn nổi khùng và có cảm xúc tiêu cực, đè nén. Có thể nó chưa thể hiện ra ngay, nhưng tích lũy lâu ngày sẽ thành "quả bom hẹn giờ" cho cuộc hôn nhân của bạn.

    Cách tốt nhất là bạn hãy nói chuyện với chồng mình về những mong muốn của hai người. Hy vọng "anh ấy thấy vợ vất vả sẽ giúp đỡ" là điều không thực tế. Hãy nói cho chồng về nhu cầu của bạn thay vì trông chờ anh ra đọc được suy nghĩ của mình.

    Bạn cần phải tin rằng, ít có người đàn ông thực sự vụng về, vấn đề là anh ấy có muốn làm hay không mà thôi.

    Minh Khôi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-dang-lam-hu-ong-chong-von-cham-chi-cua-ban-a297496.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tôi ở nhà làm nội trợ thì sao?

    Tôi ở nhà làm nội trợ thì sao?

    Tôi phát điên vì mỗi khi có ai hỏi tôi làm gì, tôi trả lời là ở nhà làm nội trợ thì họ đều nhìn tôi với ánh mắt thông cảm, thương hại như kiểu người trên nhìn xuống.