+Aa-
    Zalo

    Thời đại 4.0, không thể dạy bằng nói suông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV, cần bắt tay vào nhiều hoạt động thực tế chứ không chỉ có lý thuyết suông.

    Mới đây UBND tỉnh Ninh Thuận giao sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm. Đây cũng là vấn đề đang được các trường học trên cả nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện được hiệu quả việc này, cần phải bắt tay vào nhiều hoạt động thực tế chứ không phải chỉ dạy bằng lý thuyết suông.

    Đổi mới cách học

    Theo đó, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích cán bộ, nhà giáo, học sinh sinh viên xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo... phù hợp với lứa tuổi. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho học sinh sinh viên, xây dựng và nhân rộng mô hình tốt, điển hình tiêu biểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.

    Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, xây dựng văn hóa trường học, tổ chức thực hiện có nề nếp hoạt động chào cờ, hát Quốc ca, thể dục giữa giờ, lao động, vệ sinh trường, lớp. Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cộng đồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.

    Song song đó, phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục khác có liên quan; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý, nhà giáo về đạo đức, lối sống...

    Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du.

    Chia sẻ về việc làm sao để giúp học sinh tăng cường các hoạt động trải nghiệm ngoài trời thông qua các hoạt động, từ đó nâng cao đạo đức lối sống cho học sinh, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 TP.HCM khẳng định: “Thời đại công nghệ 4.0, rất nhiều phụ huynh đầu tư điện thoại thông minh cho con mang đến trường học để tiện liên hệ, kiểm tra. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi là giúp kết nối thông tin dễ dàng, thì có nhiều bất cập xảy ra, như học sinh sẽ lên mạng xã hội, lướt web, tạo nhóm bạn để trò chuyện trong giờ học.

    Thực tế, đã có nhiều nhóm học sinh gây gổ, đánh nhau từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, việc học hành giảm sút do lối sống thụ động... Hơn bao giờ hết, vai trò của nhà trường, thầy cô hiện nay rất quan trọng với học sinh. Đó là phải định hướng, giáo dục cho học sinh có nề nếp, có lối sống lành mạnh, có tư tưởng, hoài bão lập thân, lập nghiệp khi ngồi trên ghế nhà trường, nhất là với những học sinh bậc THCS,THPT.

    Để làm được điều đó, bản thân mỗi trường, mỗi giáo viên cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo”.

    Không thể dạy bằng lý thuyết suông!

    Cũng theo ông Phú, chuyện tăng cường đạo đức, lối sống cho học sinh không phải chuyện dạy bằng lý thuyết suông, mà cần phải cho học sinh tham gia thực tế, thực hành, được tận mắt chứng kiến, tận tay thực hiện thì mới mong có hiệu quả.

    Chẳng hạn, nói về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, thì trường Nguyễn Du cho các em đến các danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử, có người sẽ kể lại câu chuyện lịch sử liên quan địa điểm đó để các em trải nghiệm, thẩm thấu hơn, khơi dậy cảm xúc học tập trong từng học sinh.

    Chẳng hạn, cho học sinh đến bảo tàng lịch sử để các em biết được đất nước Việt Nam, con người Việt Nam đã được hình thành bao ngàn năm. Đưa các em đến bến nhà Rồng để hiểu câu chuyện bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đến chùa Ngọc Hoàng để biết vì sao Tổng thống Obama tới đây tìm hiểu về chứng nhân lịch sử...

    Học sinh thực hành ngoài trời.

    Ông Phú cho biết, thời gian qua, trường thành lập các chuyên đề thực tế mời các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về văn hóa trực tiếp giảng dạy cho các em, để nâng cao giá trị việc nhận thức văn hóa cho học sinh. Thành lập phòng tư vấn học đường, thành lập các câu lạc bộ bóng rổ, cờ vua, thành lập câu lạc bộ tiếng Anh... Những câu lạc bộ hoạt động rất mạnh vào các chiều Thứ Ba, Thứ Bảy. Tổ chức chuyên đề đạo đức dưới cờ cho học sinh về đạo làm con, người con hiếu thảo, người thông minh, người khôn ngoan.

    Mục đích giáo dục học sinh có suy nghĩ về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó các em ý thức được hành động. Trong 3 năm qua học sinh rất ngoan, các học sinh đạt nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, 100% học sinh đậu đại học...

    Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định, hiện nay, nhiều vụ việc học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng vi phạm pháp luật nhưng mức xử lý với học sinh vi phạm chưa đủ răn đe. Cụ thể, nhiều trường hợp học sinh vi phạm, xử lý bằng hình thức đưa vào trường giáo dưỡng để được rèn luyện.

    Thực tế, nhiều học sinh được cải thiện về đạo đức, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp “chứng nào tật đó”. Sau khi ra trường lại tiếp tục vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, cần một hình thức giáo dục đạo đức lối sống tốt hơn sẽ ngăn chặn được tình trạng học sinh vi phạm pháp luật lứa tuổi học sinh.

    Bên cạnh đó, thời gian qua xảy ra nhiều vụ giáo viên vi phạm như dâm ô học sinh gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thể ngành giáo dục, giáo viên học sinh cả nước... Để dạy học sinh tốt, ngành giáo dục cần chấn chỉnh lối sống đạo đức cho giáo viên trước, để làm sao mỗi nhà giáo là một tấm gương tốt về đạo đức cho học sinh noi theo.

    Chuyên gia xã hội học Trương Văn Vỹ nhận định, trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như ngày nay, việc định hướng tư tưởng, tăng cường lối sống đạo đức cho học sinh là việc cần thiết làm. Nhưng cần phải thực hiện hiệu quả bằng những hành động thiết thực. Mỗi nhà giáo cần ý thức được trách nhiệm, vai trò cao cả của mình trước học sinh, trước sự nghiệp trồng người.

    Đặc biệt, yêu nghề, yêu học sinh, không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học. Quan tâm học sinh để khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong mỗi học sinh. Điều quan trọng, Nhà nước cần tập trung chăm lo đời sống cho giáo viên để họ an tâm với sự nghiệm trồng người của mình...

    Đạo đức nhà giáo sẽ ảnh hưởng đến học sinh

    Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết, để dạy đạo đức lối sống tốt cho học sinh, trước hết mỗi nhà giáo phải là tấm gương. Ngày 16/4/2008, bộ GD&ĐT cũng ban hành “Quy định về đạo đức nhà giáo”, trong đó nêu rõ các yêu cầu cụ thể về phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; lối sống, tác phong; giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo...

    Đạo đức nhà giáo được luật hóa khá rõ ràng, thế nhưng thực tế vẫn có không ít giáo viên vi phạm, một số trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội. Những biểu hiện vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của học sinh sinh viên, đến uy tín, hình ảnh của nhà giáo, mà còn khiến cho một bộ phận xã hội giảm sút niềm tin vào nền giáo dục nước nhà.

    Nguyễn Lành

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 20

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoi-dai-40-khong-the-day-bang-noi-suong-a310768.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan