+Aa-
    Zalo

    Mồ hôi mặn chát của cha mẹ phụ hồ đổi trái ngọt HC vàng quốc tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau hai năm cật lực, miệt mài, những giọt mồ hôi mặn chát đã được đền đáp bằng kết quả cao nhất của cậu con trai trên đấu trường quốc tế.

    (ĐSPL) - Mong muốn cho con có được điều kiện tốt nhất để thỏa sức đam mê trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức, hai vợ chồng anh Hòa, chị Thảnh đã bàn nhau tìm kế mưu sinh trên Hà Nội bằng nghề phụ hồ. Sau hai năm cật lực, miệt mài, những giọt mồ hôi mặn chát đã được đền đáp bằng kết quả cao nhất của cậu con trai trên đấu trường quốc tế.
    Những giọt mồ hôi của cha mẹ sau tấm huy chương Vàng Olympic Toán
    Gia đình là động lực lớn nhất để chàng trai nghèo vượt khó vươn lên. Ảnh: Quỳnh Trang.

    Nhọc nhằn nuôi ước mơ cho con

    Câu chuyện cảm động ấy là của gia đình Nguyễn Thế Hoàn, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội. Cậu "em út" trong đoàn thi Olympic Toán quốc tế của Việt Nam vừa "rinh" cho mình một trong tổng số ba tấm huy chương vàng mà đoàn Việt Nam đoạt được. Biết tin con giành giải cao từ cuộc điện thoại ngắn phía "trời Tây", anh Nguyễn Văn Hòa và chị Nguyễn Thị Thảnh (bố mẹ Hoàn - PV) vui mừng không kể xiết. Họ hồi hộp chờ ngày ra tận sân bay đón con. "Tôi muốn khi cháu về Việt Nam sẽ được nhân lên niềm vui khi thấy gia đình quây quần bên mình. Biết nghỉ việc ngày nào là mất thu nhập ngày ấy, nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian ra đón cháu tận sân bay", chị Thảnh chia sẻ.

    Phụ hồ - nghề vất vả, cực nhọc hễ cứ "ráo mồ hôi là hết tiền" ấy lại là lựa chọn duy nhất và tốt nhất của hai vợ chồng nông dân quê lúa. Với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, họ đi theo các công trình, xách vữa kiếm tiền để tiết kiệm chi phí đắt đỏ nơi thị thành. Theo lời chị Thảnh tâm sự thì: "Hai vợ chồng tôi không thuê nhà ở riêng mà hễ công trình xây dựng ở đâu lại dựng bạt ở đó luôn. Như thế vừa tiện cho công việc, lại tiết kiệm được tiền cho con yên tâm tập trung vào học tập. Chúng tôi biết, cháu nghĩ bố mẹ vất vả nên sống tiết kiệm lắm thì lại thương, lại càng cố gắng".

    Vậy là suốt hai năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi bàn tay hai vợ chồng trẻ không lúc nào ráo vữa, khô xi. Những vết chai sạn ngày một cứng và chai lì vì bưng bê gạch cát suốt ngày. Làn da cũng sạm đen bởi hay phải phơi mình ra ngoài trời nắng gắt. Thế nhưng, trừ lúc ốm đau quá nặng, còn hễ có mệt mỏi thường thường, anh chị cũng cố động viên nhau cùng làm. Vì công việc thời vụ, trả lương theo công điểm mỗi ngày không ổn định, nếu nghỉ ngày nào là không có tiền ngày ấy.

    Chị Thảnh rưng rưng nhớ lại, có những ngày thương con đến thắt lòng vì biết cháu sợ bố mẹ quá vất vả kiếm tiền mà thường xuyên nhịn ăn sáng. Mỗi khi ốm đau, Hoàn cũng giấu giếm, chỉ khi nào ốm nặng quá mới để bạn bè gọi điện cho bố mẹ. Biết sự hiếu thảo của con và nhất là đam mê với học tập, vợ chồng chị Thảnh chỉ biết gắng gượng hết mình, cố gắng không phải nghỉ việc ngày nào. Hễ công trình này gần đến ngày hoàn thành là anh chị đã phải đi tìm dạm trước công trình khác để công việc không bị gián đoạn.

    Cứ thế đều đặn và chăm chỉ làm trọn cả tháng không nghỉ ngày nào, cả hai anh chị cũng có được 4 - 5 triệu đồng. Số tiền này dành hết để lo cho chi phí ăn ở học tập của Hoàn. Một phần, anh chị gửi về quê cho bà và đứa con trai thứ hai hiện đang học lớp chuyên văn ở trường huyện. Còn phần chi tiêu của hai vợ chồng luôn là nhỏ nhất. Chị Thảnh nói: "Chúng tôi từ người nông dân mà ra, quen vất vả rồi, luôn tiết kiệm hết mức có thể. Nhưng với các cháu, chúng tôi không muốn vấn đề kinh tế gia đình eo hẹp chi phối chuyện học hành".

    Không chỉ làm phụ hồ, anh chị Hòa, Thảnh còn làm thêm hai sào ruộng ở quê. Cứ mùa vụ đến, hai vợ chồng lại về nhà ít ngày lo cấy, gặt. Xong mùa vụ lại lên ngay Hà Nội vì để con trai ở một mình trên đó là không yên tâm, hơn nữa ở nhà lâu thì cũng không có tiền nuôi hai con ăn học.

    Học giỏi để trả ơn bố mẹ

    Không phụ công sức và những mong mỏi của cha mẹ, Hoàn luôn luôn là cậu học trò nghị lực vượt khó và đạt thành tích cao trong học tập, được nêu gương sáng trước toàn trường. Mỗi kỳ học được học bổng, Hoàn lại mang hết số tiền đưa bố mẹ. Còn nhớ cuối năm lớp 9, Hoàn thi đậu điểm cao trường chuyên Thái Bình và chuyên Khoa học Tự nhiên, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hoàn đã lưỡng lự và định học trường gần nhà. Nhưng được thầy cô tư vấn, bố mẹ động viên, Hoàn quyết tâm lên Thủ đô để thực hiện đam mê với môn Toán học. Đến bây giờ, Hoàn đã không cảm thấy hối hận vì quyết định của mình và những người đặt niềm tin vào em cũng không phải thất vọng.

    Hỏi về bí quyết học tập của mình, Hoàn chỉ cười vì không có bí quyết nào ngoài sự cần cù, chăm chỉ. Hoàn chia sẻ: "Không nhất thiết phải là người thông minh, chỉ cần chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm bài tập, không ngại trao đổi trực tiếp những khúc mắc với thầy, cô ngay trên lớp là sẽ học tốt. Internet cũng là một công cụ vô cùng hữu ích trong học tập đối với em".

    Hôm còn ở Nam Phi, vừa thi xong, Hoàn đã tính nhẩm được số điểm của mình nằm trong khoảng 28 - 29 điểm. Khi có kết quả chính xác được 29 điểm, Hoàn còn có thêm cảm xúc hồi hộp khác thường. Bởi số điểm này hàng năm luôn là ranh giới của màu hai tấm huy chương Bạc hoặc Vàng. Khi biết mình đoạt huy chương Vàng thứ ba cho đoàn, Hoàn thực sự bất ngờ và vui lắm. Điều đầu tiên em nghĩ đến chính là có thể mang huy chương về dành tặng cho bố mẹ. Đó là món quà ý nghĩa nhất để tỏ lòng biết ơn của em đối với những hy sinh của bố, mẹ hết lòng chăm lo cho em những điều tốt đẹp nhất.

    Hoàn xúc động cho biết: "Từ những năm học cấp 1 rồi lên cấp 2 và đặc biệt, thời gian học cấp 3 là khoảng thời gian em cảm nhận rõ nhất sự hy sinh của bố mẹ. Những ngày đầu lên Hà Nội, bố mẹ không quen đường nên đi đâu cũng phải hỏi liên tục. Có những công trình dù ở cách xa trường em học nhưng bố mẹ vẫn không quản mưa nắng thường xuyên sang thăm em. Đó là những kỷ niệm mà em đã mang đến Nam Phi để có thêm động lực và quyết tâm giành giải về báo đáp bố mẹ".

    Không cần hỏi, tôi cũng có thể cảm nhận sức ảnh hưởng lớn như thế nào từ bố mẹ đến cậu bé thông minh và giàu nghị lực ấy. Hoàn luôn tự hào và không ngại ngần chia sẻ với mọi người về công việc phụ hồ của bố mẹ vì với Hoàn, "nghề nào cũng đáng trân trọng, miễn là kiếm tiền bằng công sức lao động của mình". Hoàn nói với tôi: "Em không đặt ra một mục tiêu nào quá lớn. Nhưng, em có ước muốn giành được học bổng và đi du học. Sau này khi thành đạt, em sẽ có cơ hội tốt để báo hiếu bố mẹ".

    Hãnh diện khi mang "vàng ngoại" về quê khiến bà nội trẻ lại

    Cả xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã có một niềm vui chung rất lớn. Đi đâu, gặp ai thời gian này cũng thấy họ bàn tán xôn xao về câu chuyện cậu học trò nghèo sang nước ngoài mang "vàng" về tận quê. Ngôi nhà nhỏ bé của gia đình Hoàn luôn có người đến chia vui. Hoàn kể: "Vừa về đến nhà, em đã thấy họ hàng, làng xóm đứng chật từ cổng vào sân với hoa và quà. Nhưng, điều em hạnh phúc nhất là bà nội ra tận đầu làng đón cháu. Nhìn bà vui mà như trẻ ra cả chục tuổi".


    Học ngay cả lúc chơi

    Trao đổi với PV, thầy Lê Công Lợi, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tự hào cho biết: "Mỗi kỳ thi Olympic quốc tế, trường tôi đều có học sinh dự thi và đoạt giải. Tôi rất ấn tượng với khả năng tự học của các em. Dường như trong đầu các em luôn có các bài toán tồn tại. Các em say mê tập trung vào bài vở đến mức nhiều người nghĩ các em chậm, ngơ ngẩn về một điều gì đó. Nhưng trên thực tế, các em học ngay cả những lúc chơi".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-hoi-man-chat-cua-cha-me-phu-ho-doi-trai-ngot-hc-vang-quoc-te-a42564.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan