+Aa-
    Zalo

    Mộ Quốc tổ Lạc Long Quân và giải mã ký tự trên viên gạch 2.000 năm tuổi

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Chẳng ai biết ngôi mộ được đặt ở vị trí nào. Đến khi lần lượt viên gạch 2.000 năm tìm thấy, người dân mới cho rằng mộ của Quốc Tổ Lạc Long Quân nằm ở đỉnh Ba Gò.

    (ĐSPL)- Nói chuyện với chúng tôi, nhiều cụ cao niên làng Bình Đà (xã Bình Minh- Thanh Oai- Hà Nội) thừa nhận rằng, họ từng nghe thế hệ trước nói về ngôi mộ của Quốc tổ Lạc Long Quân đang nằm ở đâu đó trên vùng mình đang sinh sống. Tuy nhiên, chẳng ai biết chính xác ngôi mộ bí ẩn đó được đặt ở vị trí nào. Phải đến khi lần lượt viên gạch 2.000 năm tuổi và các cổ vật khác được tìm thấy, người dân mới cho rằng, ngôi mộ được cho là của Quốc tổ Lạc Long Quân đang nằm ở đỉnh Ba Gò.

    Vùng đất thiêng“bất khả xâm phạm”

    Không ai biết ngôi Đền Nội (xã Bình Minh), thờ Quốc tổ Lạc Long Quân có từ bao giờ. Người ta chỉ biết Đền Nội có từ hàng ngàn năm và tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2 trên lưng con rùa (Hoàng Quy Cung - PV) đầu hướng về phía mặt trời mọc. Ngôi đền rợp bóng cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Cửa đền nhìn ra hướng tây, đồng điền nhô lên Ba Gò (còn có tên gọi Bảo Hoa, Tam Thai) mang dáng hình hổ phục.

     Ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

    Nói chuyện với PV tại căn nhà gỗ nằm trong khuôn viên Đền Nội, cụ Bùi Đăng Thịnh (Thủ từ Đền Nội) giúp chúng tôi mường tượng ra khung cảnh của làng Bình Đà cách đây hơn nửa thế kỷ. “Khi tôi là một cậu bé, khu vực Ba Gò hay còn gọi là Tam Thai là núi rất cao. Thỉnh thoảng, tôi và đám bạn thường trèo lên núi chơi đùa. Tuy nhiên, do làng Bình Đà và khu vực Ba Gò nằm cạnh một nhánh của con sông Hồng đỏ nặng phù sa nên cứ mùa lũ, sông Hồng lại đem đất, cát bồi vào. Và bây giờ thì chỉ còn lại những mô đất cao hơn mặt bằng khoảng 3-4m”, cụ Thịnh kể.

    Cũng theo cụ Thịnh, chẳng ai có thể ngờ được, ngôi mộ được cho là của Quốc tổ lại có thể nằm cách Đền Nội đó chưa đầy 2km. Ngôi mộ mà biết bao nhiêu đời, người dân Bình Đà tìm kiếm lại nằm trong gò cao nhất của gò Tam Thai. Cụ Thịnh nói rằng: “Từ đời cụ, đời ông, đời cha tôi có dạy rằng có thể làm bất cứ điều gì nhưng không được động đến khu vực đất ở Ba Gò. Biết đó là đất thiêng nên các thế hệ sau không ai dám bén mảng tới đào bới gì cả. Tuy nhiên, cũng chỉ biết đó là khu vực “bất khả xâm phạm” nhưng không ai tìm hiểu sâu hơn. Mà có lẽ, nếu có muốn tìm hiểu cũng chẳng có thêm thông tin gì”.

    Cụ Bùi Đăng Thịnh, Thủ từ Đền Nội trao đổi với PV báo ĐS&PL.

    Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, 17 năm trước, một người dân trong làng thấy phần đất nghĩa địa tại nghĩa trang đã chật nên tìm đến vùng Ba Gò đào một cái hố để cải táng mộ cha mình. Ở gần đỉnh gò, vừa đào sâu xuống khoảng 5-6m, người đàn ông này bỗng thấy có những lớp gạch chồng chéo nhau xếp hàng hàng, lớp lớp. Cậy từng viên lên, người này thấy đó là một loại gạch rất lạ, chưa từng nhìn thấy bao giờ. Và, cũng ở đây, người ta còn phát hiện ra một tấm bia đá phía trên có ghi những dòng chữ liên quan cho rằng đây chính là mộ của Quốc tổ Lạc Long Quân.

    Sáng ngày 10/8, PV báo ĐS&PL có mặt tại khu vực Ba Gò, nơi được cho là chỗ đặt ngôi mộ của Quốc tổ Lạc Long Quân. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại, khu Ba Gò chỉ còn hai mỏm đất nhô lên, cao hơn mặt đất chỉ 3-4m. Ngôi mộ được cho là của Đức Quốc tổ nằm trên mỏm đất cao nhất, hướng về phía đường. Ở bên dưới rất nhiều những ngôi mộ mới được chôn cất dọc lối đi. Điều chúng tôi cảm thấy bất ngờ là mặc dù coi ngôi mộ đó là của Quốc tổ Lạc Long Quân nhưng tại sao người ta lại có thể để lối đi cỏ mọc dài đến đầu gối và không hề có một quy hoạch nào cả. Có lẽ việc coi khu vực này là vùng “bất khả xâm phạm” chỉ là suy nghĩ, quan niệm của các thế hệ từ đời cụ Thịnh trở về trước. Sau này, có thể do đất chật, người đông, người dân trong làng đã mai táng người thân của mình ở mảnh đất linh thiêng này.

    Dẫn chúng tôi ra Ba Gò, anh Hoa, cán bộ văn hóa UBND xã Bình Minh nói rằng, do sự biến thiên của thời gian nên một trong ba gò đã biến mất hoàn toàn. Hiện tại chỉ còn hai gò nằm đối diện và cách nhau khoảng hơn 10m. Ở nơi được cho là mộ của Đức Quốc tổ, người ta lập một ban thờ, lư hương. Đằng sau ban thờ là một tấm bia bên trên khắc hai dòng chữ song song bằng tiếng Việt và tiếng Hán với nội dung: “Quốc tổ chi mộ”.         

    Bí mật về viên đá niên đại hai thiên niên kỷ

    Lại nói về người đàn ông liều lĩnh đào xới khu vực đất Ba Gò để làm nơi an táng cho cha mình, khi ông ta đào sâu xuống dưới lòng đất thì phát hiện những hàng gạch được xếp chồng chéo. Thông tin này ngay lập tức được truyền về làng. Một cụ cao niên khi đó chạy ra, tìm trong đống đào bới thì thấy nhiều viên gạch đã vỡ nát. Sau khi xới lên, lật xuống, cụ đã tìm được một viên gạch còn lành lặn mang về nhà rửa sạch sẽ và đưa cho cụ từ trông Đền Nội cất vào hậu cung.

    Nói về hòn đá 2.000 năm tuổi, cụ Bùi Đăng Thịnh, người đầu tiên nhìn thấy khi đưa lên mặt đất nhớ lại: “Tôi thấy viên gạch này to, kích thước khoảng 40 x 17cm. Ở một mặt bên cạnh của viên gạch có hoa văn hình nửa quả trám lồng và bị mất một góc nhỏ. Chúng tôi chưa thấy loại hoa văn này trên bất cứ đồ vật hay công trình cổ nào cả. Nó rất lạ”. Khi PV hỏi tại sao truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ cách đây 4.000 năm mà viên gạch chỉ có niên đại 2.000 năm, cụ Thịnh giải thích: “Các cụ có truyền lại, thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, quân giặc đã phá ngôi mộ trên đỉnh Ba Gò. Sau đó người dân phải xây dựng lại, vì vậy viên gạch mới có niên đại 2.000 năm”.

    Sau khi phát hiện viên gạch cổ, năm 2001, UBND xã Bình Minh tổ chức hội thảo và có mời đại diện sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (cũ), đại diện phòng Văn hóa Thông tin huyện Thanh Oai cùng với các ban ngành, đoàn thể, Ban chấp hành hội Người cao tuổi xã Bình Minh đến dự. Hội thảo tổ chức tại hội trường UBND xã Bình Minh trước sự trông chờ của rất nhiều người. Người ta đến xem không chỉ để biết giá trị của món đồ cổ này mà còn ngóng trông liệu nó có liên quan gì đến truyền thuyết về ngôi mộ Quốc tổ Lạc Long Quân mà người xưa nói rằng đang nằm ở vùng đất này. Thật bất ngờ, tại hội thảo, các nhà chuyên môn cho rằng viên gạch cổ được tìm thấy tại trung tâm mô Ba Gò có niên đại cách đây hơn 2.000 năm.

    “Khi đó, một chuyên gia đã nhận định rằng viên gạch này có từ thời kỳ đầu của nhà Hán hay còn gọi là Tiền Hán. Bởi, nhìn vào hoa văn gạch chéo hình nửa quả trám lồng cộng với kích thước rất lạ, vị chuyên gia đã cho rằng, hình thức của viên gạch này thường xuất hiện ở những khu vực khảo cổ có liên quan đến thời kỳ Tiền Hán”, cụ Thịnh nói với PV.

    Trong bài viết “Lại nói về mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà” của tác giả Phan Duy Kha, người xuất bản nhiều sách, tài liệu về lịch sử có ghi lại: “Viện Khảo cổ đã về tìm hiểu và xác định viên gạch mà người dân Bình Đà tìm thấy tại khu vực Ba Gò có niên đại trên 2.000 năm. Niên đại này tương ứng với năm 111 trước Công nguyên, là năm nhà Tây Hán thôn tính nước Nam Việt”.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, một vị lãnh đạo UBND xã Bình Minh cho biết, Đền Nội có từ hàng nghìn năm nay. Người dân Bình Minh và khách thập phương luôn dành cho ngôi đền sự thành kính nhất. Đền Nội uy nghi với những tinh thần vô giá và được coi là báu vật của dân làng. Ngôi đền như hồn vía của làng, người dân chúng tôi luôn tự hào về tài sản quý báu này. Những truyền thuyết về đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và những vật cổ tìm thấy sẽ được dân làng ghi nhớ và lưu truyền cho con cháu sau này.    

    Anh Hoa, cán bộ văn hóa xã dẫn PV ra khu vực Ba Gò, nơi tìm thấy nhiều báu vật cổ.

    Nơi lưu giữ vượng khí Nam Bang?

    Theo cuốn Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân có ghi lại, trước đây, ngôi đền có nhiều kẻ định phá bỏ. Lần thứ nhất, Mã Viện chỉ huy đốt phá đền và bắt đi nhiều người tài giỏi trong vùng, lần thứ hai là Cao Biền (lĩnh ý vua Đường Ý Tôn từ Trung Quốc) sang làm An Nam đô hộ sứ chỉ huy đốt đền và làm nhiều bùa phép trấn yểm chế ngự long mạch Bảo Đà ở Ao Hạc. Họ cho rằng đất này là nơi có vượng khí của Nam Bang. Nơi đây sẽ sinh ra những bậc công hầu, hào kiệt, các vị hổ tướng oai dậy khắp nơi. Nếu táng đúng long mạch thì nữ sẽ phát tới vương phi, trai thì trúng khoa giáp. Vì thế, cần phải phá bỏ. Những ý định đó đều không thành, ngôi đền không ai có thể xâm phạm. Lần thứ ba, Mã Kỳ (tướng nhà Minh, Trung Quốc) kéo quân về Bảo Đà phá dỡ đền làng để thiết lập đồn lũy chống quân Lê Lợi…

     Chương - Hằng

    Xem thêm video:

    [mecloud]iyPSyR2DdP[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-quoc-to-lac-long-quan-va-giai-ma-ky-tu-tren-vien-gach-2000-nam-tuoi-a107272.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.