Moderna từ chối chia sẻ công nghệ, WHO cố gắng "sao chép" cách sản xuất vaccine


Thứ 2, 25/10/2021 | 13:54


Cùng sự kiện

Sau khi hãng dược Moderna từ chối chia sẻ công nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thuê một công ty cố gắng tìm cách "sao chép" vaccine ngừa COVID-19 mRNA.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thuê công ty có tên Afrigen Biologics and Vaccines, theo kế hoạch trị giá 100 triệu USD, nhằm tìm ra cách sản xuất vaccine mRNA ngừa COVID-19 giống với phiên bản do hãng dược Morderna phát triển. 

Tới thời điểm hiện tại, công ty Afrigen chủ yếu phát triển vaccine thú y sử dụng công nghệ truyền thống. Giám đốc điều hành Afrigen Petro Treblanche cho biết hiện nay các phòng thí nghiệm của công ty đang tổ chức nghiên cứu về công nghệ tiên tiến đằng sau vaccine mRNA.

Tin thế giới - Moderna từ chối chia sẻ công nghệ, WHO cố gắng 'sao chép' cách sản xuất vaccine
Bà Petro Treblanche, Giám đốc điều hành công ty Afrigen. Ảnh: NPR

Nói về nghiên cứu của công ty, bà Treblanche chia sẻ: "Bạn sẽ thấy các nhà khoa học mặc áo khoác trắng và một số có trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ vận hành lò phản ứng sinh học để tạo ra DNA thực sự. Bạn sẽ thấy các phòng vi sinh nơi quá trình thử nghiệm đang diễn ra. Bạn sẽ thấy các phòng bảo quản nơi một số sản phẩm được đưa vào để trong các môi trường độ ẩm và nhiệt độ khác nhau".

Mục đích đằng sau

Theo kế hoạch, sau khi công ty Afrigen tìm ra phương pháp phát triển vaccine mRNA theo quy mô công nghiệp, WHO cùng các đối tác sẽ chi thêm tiền đầu tư để đưa công ty này trở thành trung tâm giảng dạy cho các nhà sản xuất khác.

Ông Martin Friede, quan chức WHO phụ trách vấn đề trên, cho biết: "Chúng tôi gọi sẽ gọi đó là 'trung tâm chuyển giao công nghệ'. Các nhà sản xuất vaccine từ mọi nơi trên thế giới sẽ được mời tham gia và tìm hiểu về quy trình sản xuất. Điều này sẽ thúc đẩy năng lực công nghệ, không phải chỉ với một nhà sản xuất mà cho nhiều nhà sản xuất".

Mục đich của kế hoạch này là hỗ trợ các nhà sản xuất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ông Friede nói rằng đại dịch đã cho thấy việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là vô cùng cần thiết. Cụ thể, quan chức WHO nói: "Có những nơi trên trái đất - ví dụ toàn bộ châu Phi, toàn bộ Trung Đông - thực sự bị ảnh hưởng bởi vì họ không có khả năng sản xuất vaccine".

Vì sao WHO chọn "sao chép" vaccine Moderna?

Ông Friede giải thích việc WHO lựa chọn thiết lập thêm các cơ sở sản xuất vaccine mRNA giống vaccine Moderna vì công nghệ này có hiệu quả tích cực trong việc chống lại COVID-19. Đồng thời, công nghệ mRNA cũng cho thấy những tín hiệu đáng mong đợi trong việc chống lại các bệnh gồm sốt rét và bệnh lao.

Nói về nguyên nhân lựa chọn "sao chép" vaccine của Moderna chứ không phải vaccine của Pfizer, quan chức WHO nhận định lựa chọn này là "thực tế". Ông Friede nói: "Moderna đã nhiều lần nhắc lại rằng họ sẽ không thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình trong thời kỳ đại dịch. Nói cách khác, một nhà sản xuất có thể sẽ không phải đối mặt với vấn đề pháp lý vì đã sản xuất một loại vaccine gần như giống với của Moderna".

Đồng thời, theo ông Friede, vaccine Moderna còn có nhiều thông tin công khai về quy trình sản xuất hơn là "đối thủ" do Pfizer/BioNTech phối hợp phát triển. 

Tin thế giới - Moderna từ chối chia sẻ công nghệ, WHO cố gắng 'sao chép' cách sản xuất vaccine (Hình 2).
Nhiệm vụ của Afrigen không chỉ là tìm ra cách sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. WHO giới muốn công ty trở thành một trung tâm giảng dạy, nơi các nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến để học hỏi quy trình phát triển vaccine công nghệ mRNA. Ảnh: NPR

Tuy nhiên, bà Treblanche cho biết vẫn còn nhiều thứ chưa biết về vaccine này, điều này có thể thấy từ tấm bằng sáng chế vaccine của Moderna. Giám đốc Afrigen chia sẻ: "Mọi thức được ghi lại rất cẩn thận và thông minh để không tiết lộ quá nhiều thông tin".

Vì vậy, dù Afrigen có thể xác định được các thiết bị và thành phần cần thiết của vaccine nhưng họ vẫn chưa thể biết được nồng độ chính xác của từng thành phần được sử dụng. Một câu hỏi đặc biệt gây khó khăn với công ty là làm thế nào để tái tạo "hạt nano lipid" của Moderna - một vỏ bọc đặc biệt xung quanh sợi mRNA ở trung tâm vaccine giúp sợi mRNA ổn định khi di chuyển trong cơ thể người. 

Bà Treblanche chia sẻ: "Chúng tôi biết hiểu các bước sản xuất khác. Nhưng đối với Afrigen, nhóm chúng tôi chưa bao giờ tạo một hạt nano lỏng". 

Moderna có thể tham gia kế hoạch

Ông Friede nhận định việc phát triển kế hoạch này là vô cùng quan trọng vì "chúng tôi cần đảm bảo rằng nó thuộc sở hữu của người châu Phi và người châu Phi được trao quyền". Theo đó, ông nhấn mạnh: "Nếu không, không có gì đảm bảo rằng trong trường hợp nguồn cung toàn cầu khác bị suy giảm, liều thuốc sẽ không được vận chuyển". 

Tuy nhiên, ông Friede cho biết một tín hiệu tích cực là Moderna ít nhất đang tham gia đàm phán với WHO. Đồng thời, ông hy vọng công ty cuối cùng sẽ đồng ý cung cấp thêm một số thông tin chuyển giao công nghệ. Nếu việc này xảy ra, quan chức WHO nói rằng thời gian cần thiết để sản xuất "bản sao" vaccine Moderna sẽ giảm từ khoảng 3-4 năm xuống còn 2 năm.

Nhưng theo ông Ramsus Bech Hansen, Giám đốc điều hành của Airfinity, một công ty phân tích độc lập có trụ sở tại London (Anh), việc này vẫn sẽ là quá muộn. Ông Hansen phân tích trong những tháng gần đây, một số nhà sản xuất hiện tại đã tăng cường sản năng lực xuất đến mức "phi thường". Ông dự đoán rằng vào năm tới các nhà máy hiện có sẽ cung cấp đủ lượng vaccine cần thiết cho thế giới.

Tuy vậy, ông Hansen nhận định điều này không có nghĩa là những nỗ lực của Afrigen là vô nghĩa. Ông nói: "Chúng ta nên bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai". 

Minh Hạnh (Theo NPR)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moderna-tu-choi-chia-se-cong-nghe-who-tim-cach-sao-chep-cach-san-xuat-vaccine-a517184.html