+Aa-
    Zalo

    Mối duyên kỳ lạ và 50 năm nghĩa vợ chồng của chàng bộ đội và cô thanh niên xung phong

    ĐS&PL Nên duyên chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chàng bộ đội hiền lành và cô thanh niên xung phong xinh đẹp năm ấy đã khiến không ít người thầm ngưỡng mộ.

    Nên duyên chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chàng bộ đội hiền lành và cô thanh niên xung phong xinh đẹp năm ấy đã khiến không ít người thầm ngưỡng mộ. Sau ngày “về chung một nhà”, chàng bộ đội lại tiếp tục lên đường trở lại chiến trường, khiến cô thanh niên xung phong không khỏi bồn chồn, thấp thỏm, nhưng vẫn dằn lòng đặt “ngôi sao vàng năm cánh” lên trên hạnh phúc lứa đôi.

    Đi hỏi vợ trong vòng "một nốt nhạc"

    Đó là câu chuyện nên nghĩa vợ chồng của ông Nguyễn Duy Tư (SN 1940) và bà Trần Thị Cời (SN 1950) ngay trong những năm tháng khói lửa của đất nước.

    Ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ, hai ông bà cùng bồi hồi nhớ lại những ký ức của mối duyên lạ kỳ bắt đầu từ gần 50 năm về trước.

    Ông Tư và bà Cời ngày còn trẻ. 

    Ông và bà cùng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tại hồn quê văn hiến Hưng Yên, ngay từ khi còn nhỏ đã được người lớn hai bên tính đến chuyện làm thông gia.

    Tháng 9/1965, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Tư lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, đứng trong hàng ngũ của Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Sau khi hành quân về chiến trường Khe Sanh, anh bộ đội năm ấy cùng hai đồng đội đảm nhận nhiệm vụ trinh sát trước mỗi cuộc tấn công đồn địch.

    Cô thanh niên xung phong Trần Thị Cời cũng rời nếp nhà nơi đã lớn lên từ thơ bé vào năm 18 tuổi, cùng góp bàn tay nhỏ bé xẻ núi, mở đường, đào hầm kín... nơi dải đất miền Trung, rồi hết nghĩa vụ 3 năm, trở về Bắc nhận nhiệm vụ mới.

    Giữa năm 1971, nhân mấy buổi được nghỉ về thăm quê, anh bộ đội lặn lội lên đơn vị của cô thanh niên xung phong cùng quê năm nào để... cầu hôn, dù chưa từng hẹn hò hay tìm hiểu.

    Giữa trưa nắng chang chang của tháng 8, cả dãy nhà của các nữ thanh niên xung phong xôn xao khi thấy một anh bộ đội lên “tìm người yêu”.

    Rót ly trà nóng ra chiếc chén nhỏ, bà trần Thị Cời nhớ lại: “Vừa mở cửa ra, “đập vào mắt” tôi là một anh chàng bộ đội hơi đen, vóc người hơi nhỏ, nét mặt có chút căng thẳng, nhưng khoác trên mình bộ quần áo bộ đội chỉnh tề... Trong khi bạn bè thì xúm lại trêu: “Kìa, người yêu lên thăm kìa”... khiến tôi chỉ biết ngượng chín mặt và đáp: “Không phải đâu...”.

    Sau đó, chúng tôi ra trò chuyện riêng ở một bìa rừng ngay gần đơn vị. Lúc đó, ông ấy im lặng nhiều hơn là nói chuyện, có lẽ vì ngại nên chỉ ôn lại cho tôi nhớ mấy kỷ niệm từ hồi nhỏ xíu ở gần nhà nhau... Một hồi sau, ông ấy hỏi tôi: “Thế cô có lấy tôi không để còn về tổ chức”. Tôi giật mình, thầm nghĩ, cái ông này buồn cười nhỉ... nhưng ông ấy hẹn bữa khác lại lên để nghe câu trả lời...”.

    “Sau đó độ hai, ba hôm, tôi gặp lại ông ấy vào một buổi tối để nói chuyện. Tôi đã đồng ý nên duyên, có lẽ lúc ấy một phần vì gia đình tôi ai cũng quý cái nết của ông ấy, vì ở gần nhà nên các cụ biết hết mà... Một phần nữa là, từ lâu khi quyết định đi thanh niên xung phong là tôi đã cảm mến hình ảnh bộ đội cụ Hồ, không hiểu, có những sức hút đặc biệt nào...

    Thuở ấy, tôi nghĩ lại vẫn còn thấy may mắn, vì ít ra cuộc nói chuyện của chúng tôi đã diễn ra suôn sẻ, không bị giặc Mỹ ném bom giữa chừng, nên mới có một đám cưới nho nhỏ diễn ra ngay trong một tuần đó...”, bà bật cười khe khẽ khi nhắc đến câu chuyện của ông bà.

    Trở lại chiến trường sau ngày vui

    Sau khi tổ chức một hôn lễ nho nhỏ, sớm hôm sau, ông Tư lại tiếp tục khoác ba-lô lên đường vào chiến trường nhận nhiệm vụ, chỉ gửi tặng lại cho người vợ thân thương chiếc nón bài thơ mua trên đường từ Thanh Hóa ra, cùng một chiếc đồng hồ.

    Bà Cời vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm hài hước khó quên, ngày bà chở ông Tư trên chiếc xe đạp cà tàng từ quê nhà Hưng Yên lên Hà Nội, để bà tiếp tục nhiệm vụ trong đơn vị và chia tay ông trở lại chiến trường: “Ông nhà tôi hồi ấy chưa biết đi xe đạp, nên tôi phải chở. Tôi chở ông ấy trên xe đạp, đi từ quê lên, đến đoạn dốc cao lên cầu Long Biên, chắc vì thương tôi nặng quá nên ông ấy nhảy xuống đi bộ từ lúc nào, mà tôi chẳng hay biết gì. Tôi vẫn cứ đạp xe bon bon, vừa đi vừa nói chuyện một mình. Đến giữa cầu, nhìn xuống bóng nắng trải dưới mặt đường, tôi mới tá hỏa, không thấy ông ấy đâu, phải vòng xe quay lại đón...”.

    Ông Tư và bà Cời ở tuổi 80. 

    Sau khi ông Tư đi được gần hai năm, bà Cời biên thư gửi vào hỏi thăm sức khỏe ông ba lần thì chỉ nhận được hai bức thư hồi đáp. Bức thư thứ ba mà bà gửi vào chiến trường bị trả về.

    Biền biệt suốt mấy năm chẳng có tin tức gì về chồng, lại lâu lâu nghe ngóng được tin tức, có bao nhiêu dồng chí, đồng đội hy sinh nơi dải đất miền Trung, lòng bà lại như có lửa đốt.

    “Tôi lo lắm chứ! Thư gửi đi không nhận được hồi âm mà còn bị trả về, chẳng biết tình hình chồng mình khi ấy sống chết ra sao... Thấp thỏm từng cơn mỗi khi nghe một tin dữ từ chiến trường, nhưng tôi vẫn phải dằn lòng, vì đất nước, vì nhân dân, mỗi cá nhân có thể cống hiến được gì thì sao phải ngần ngại, “ngôi sao vàng năm cánh” trên nền cờ đỏ thắm mới là quan trọng nhất lúc này... Khi mấy chị em xúm lại hỏi tôi rằng lâu lâu có tin tức gì của chồng không, tôi lại đáp lơ cho qua chuyện”, bà bộc bạch.

    Về phần ông Tư, sau khi trở lại với nhiệm vụ trinh sát cùng những người đồng đội, ông Tư gặp không ít phen cận kề sinh tử. Ông còn nhớ một kỷ niệm dở khóc dở cười trong thời kỳ đó, trong một đêm cùng đồng đội đi trinh sát, trên đường từ nhà tù Lao Bảo trở về Khe Sanh, gặp ngay một toán giặc đi tuần giữa đồng không mông quạnh, không có cây cỏ gì mà núp. Không còn cách nào khác, cả ba nhanh chân ngụp xuống một chiếc cống mương gần đó, ngửa mặt lên để thở. Trong đêm tối nhập nhoạng, toán giặc đứng sát đó nói chuyện đến cả tiếng đồng hồ mới chịu rời đi xa, cả ba mới thở phào sau bao nhiêu phút nín lặng. “Lúc bước lên bờ, trong ống quần chật ních những con đỉa bâu vào chân, hút no căng máu, con nào con nấy cứ căng như quả chuối cau ấy... Về đến Trung đoàn, cấp trên còn bảo đưa chúng tôi đi truyền máu để đảm bảo sức khỏe”, ông kể.

    Có những lần ông tưởng như không còn lành lặn trở về: “Lần đó, tôi cùng 3 đồng đội đang di chuyển trên đường đi trinh sát, bị địch ném bom. Một quả bom phía trên khiến một đồng đội bị thương nặng, một quả bom phía dưới khiến một đồng đội hy sinh. Tôi cùng một đồng đội nữa đi ở giữa bị đất vùi kín, chịu sức ép, không biết gì nữa.

    Sau đó, tôi tỉnh lại trong bệnh xá, được biết, các đồng đội đã đi tìm và đào đất cứu chúng tôi ra. Cảm giác lúc đó giống như tôi đã mất đi đôi chân, vì không có cảm giác gì, những sau khi hồi phục dân, tôi vẫn lành lặn... May mắn là tôi chỉ bị thương nhẹ, đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn những người đồng đội đã che chở, hy sinh vì đất nước mình, giống như đã gánh thay phần tôi vậy...”.

    “Một lần tôi được chuyển về Bắc dưỡng thương, nhưng cũng không tin tức gì về cho gia đình cả, Lúc đó, khoảng cách địa lý giữa hai vợ chồng không còn xa nhưng cũng chỉ là nằm một chỗ nhớ thương thôi... Sau khi bình phục thì tôi lại trở vào Quảng Trị, có lẽ, đó là giai đoạn mà bà nhà tôi gửi thư cho tôi nhưng không đến được tay tôi, lại trở về... Gặp những lúc gian nguy như vậy, tôi thoáng nghĩ đến gia đình đầu tiên, nhưng rồi, nhớ thì nhớ, thương thì thương, đất nước trên vai mình mới là quan trọng. Nước còn là nhà còn, mà nước mất thì nhà cũng tan...”, ông chậm rãi nhấn nhá.

    Mái ấm gần 50 năm vẹn nguyên ký ức

    Sau suốt mấy năm biền biệt, ông Tư khoác ba-lô trở về thăm cô thanh niên xung phong, người vợ yêu dấu.

    “Lúc ấy, nghe tin ông nhà tôi về thăm, trong khi bao nhiêu ngày tháng, tôi đã phải tự chuẩn bị tâm lý cho mình, thì không có niềm vui nào lớn hơn cả. Tôi chạy ùa ra như một đứa trẻ luôn, ôm lấy ông ấy và còn hỏi rất ngờ nghệch: “Ôi... Anh đã về đấy à, gửi thư cho anh không được, em cứ tưởng anh chết rồi cơ...”. Nói xong mới thấy mình dại miệng, nhưng vì vui mừng quá, tôi đâu có kiềm lại được”, bà Trần Thị Cời nhớ lại cuộc hội ngộ đầu tiên sau ngày cưới.

    Sau đó, ông Tư vẫn tiếp tục trở lại chiến trường đến cuối năm 1974, khi ông bị thương và được cấp trên cho trở về quê nhà tĩnh dưỡng, hẹn khi nào Đảng cần dân muốn thì lại tiếp tục xông pha, nhưng chỉ sau vài tháng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất nên ông đã ở lại quê nhà. Năm 1975, bà Cời cũng trở về quê hương rồi hai ông bà cùng di chuyển lên Lào Cai theo chính sách Xây dựng các vùng kinh tế mới của Chính phủ.

    Ông bà sinh được 5 người con, đến nay đều đã khôn lớn và dựng vợ gả chồng. Trong mắt các con, ông Tư luôn là một người bố mẫu mực vì vẫn luôn nhẹ nhàng, dịu dàng với vợ con. Suốt bao nhiêu năm chung sống, ông vẫn luôn ôn hòa dù cho người vợ nhỏ hơn 10 tuổi có đôi khi nóng tính. Ông bảo: “Bà ấy giận thì tôi cứ để bà ấy nói cho thỏa, nói xong là hết giận! To tiếng lại với nhau thì biết bao giờ nhà mới yên được!”.

    Ở tuổi 80, ông Nguyễn Duy Tư cũng có những chút quên chút nhớ, nhưng có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ quên được những ký ức một thời nơi chiến trường đã gắn bó cả thanh xuân, và những dấu mốc tươi đẹp cùng người vợ của mình. Ngày nào cũng vậy, bên cạnh những lúc ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ, nhấp ngụm nước trà, trò chuyện với những người hàng xóm ghé chơi, ông Tư lại cao hứng, kể chuyện vui thời chiến cho các cháu cùng nghe. Trong gian nhà nhỏ, vẫn ngập tràn ký ức một thời qua những khung hình đen trắng, viết về một câu chuyện nên duyên vợ chồng trong thời chiến.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (18)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-duyen-ky-la-va-50-nam-nghia-vo-chong-cua-chang-bo-doi-va-co-thanh-nien-xung-phong-a322687.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan