Moldova lo ngại nguy cơ bị kéo vào xung đột Ukraine


Thứ 6, 29/04/2022 | 14:10


Cùng sự kiện

Chính phủ Moldova mới đây đã đưa ra cảnh báo về việc các lực lượng không xác định gây căng thẳng ở khu vực ly khai nói tiếng Nga Transnistria.

Phó thủ tướng Moldova Nicu Popescu cho biết đất nước của ông đang đối mặt với "thời khắc vô cùng nguy hiểm" khi các lực lượng chưa xác định tìm cách làm gia tăng căng thẳng tại khu vực ly khai Transnistria trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc họp báo gần đây, ông Popescu nói rằng chính phủ đã nhận thấy "tình hình xấu đi một cách nguy hiểm" trong những ngày gần đây, sau các cuộc tấn công nhằm vào toà nhà an ninh ở khu vực ly khai Transnistria hôm 25/4 (giờ địa phương).

Ông nhận định các cuộc tấn công đã đánh dấu "một thời điểm mới rất nguy hiểm trong lịch sử" đất nước, đồng thời cho biết thêm rằng các cơ quan của Moldova đã được đặt trong tình trạng báo động cao để sẵn sàng đối phó.

Nỗi lo về nguy cơ Moldova và Transnistria có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột Ukraine hiện nay đang tăng lên. Khu vực chủ yếu nói tiếng Nga Transnistria ở miền Đông Moldova đã nằm trong tầm kiểm soát của phe ly khai từ năm 1992. 

Tin thế giới - Moldova lo ngại nguy cơ bị kéo vào xung đột Ukraine
Transnistria là khu vực ly khai nói tiếng Nga ở Moldova. Ảnh: CNN

Tuần trước, một chỉ huy cấp cao của Nga cho biết việc giành được quyền kiểm soát miền Nam Ukraine sẽ giúp Nga liên kết với Transnistria, khu vực có đường biên giới dài 453 km với Ukraine. Sau phát biểu trên, ngày 25/4, Transnistrai đã phải hứng chịu một loạt vụ nổ bí ẩn nhằm vào một nhà đài phát thanh và đơn vị quân đội. 

Theo phó Thủ tướng Popescu, phần lớn Moldova, bao gồm cả Transnistria, đều không mong bị kéo vào cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. 

Chính phủ Moldova, không kiểm soát Transnistria, đang nghiên cứu một số giả thuyết về nguyên nhân của các vụ tấn công. Đồng thời, ông Popescu cho biết các vụ tấn công có thể là một hành động khiêu khích hoặc "kết quả của một số căng thẳng giữa các lực lượng bên trong khu vực này". Ông nói thêm: "Chúng tôi không thể chỉ ra chính xác ai là người đứng sau các vụ việc nhưng những gì chúng tôi thấy là thực sự có một số lực lượng bên trong khu vực đang có hành động gây bất ổn tình hình".

Ông Popescu cũng đã trích thông báo hồi tuần trước của Transnistria rằng họ sẽ ngăn không cho nam giới trong độ tuổi chiến đấu rời khỏi khu vực và mô tả đây là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn "nguy hiểm tiềm tàng". Theo phó thủ tướng Moldova, dù đất nước của ông đã nhận được sự đảm bảo công khai và riêng tư từ Moscow" rằng Nga tiếp tục công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Moldova" nhưng "với tình hình trong khu vực, chúng tôi vẫn rất cảnh giác".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28/4 tuyên bố rằng những vụ phá hoại gần đây ở Transnistria là một nỗ lực để kéo khu vực này vào cuộc xung đột ở Ukraine. Được biết, phía Transnistrian đã cáo buộc Ukraine tiến hành các cuộc tấn công trên, trong khi Kyiv lại đổ lỗi cho Nga, nói rằng Moscow đang tìm cách gây mất ổn định khu vực.

Tin thế giới - Moldova lo ngại nguy cơ bị kéo vào xung đột Ukraine (Hình 2).
Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu. Ảnh: EPA 

Là một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Âu, Moldova đang phải vật lộn với dòng người tị nạn lớn và suy thoái kinh tế của cuộc xung đột trong khu vực đã khiến gần 15% kim ngạch xuất khẩu của nước này ngừng hoạt động.

Theo Bộ Ngoại giao Moldova, 95.000 người sơ tán khỏi Ukraine đã đến Moldova, tương đương 3,5% dân số. Trong khi số lượng này đã ổn định và thậm chí giảm gần đây, đất nước thuộc Liên Xô cũ vẫn đang thích nghi với những người mới đến, với người tị nạn Ukraine hiện chiếm 1/10 dân số trẻ em ở Moldova.

Ông Popescu cho biết xung đột cũng đang gây ra "những tác động tiêu cực lớn đến kinh tế" vì có tới 14% kim ngạch xuất khẩu của Moldova, vốn xuất sang Ukraine, Belarus và Nga, đã "gần như ngừng hoạt động". Lạm phát tăng vọt lên tới 22% và giá hàng hóa nhập khẩu của Moldova cũng tăng lên, vì cảng Odesa của Ukraine gần đó, vốn là con đường rẻ nhất để vận chuyển nhiều hàng hóa, đã không còn hoạt động. 

Trước tình hình này, Moldova đã tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế từ EU và mong một cơ hội trở thành thành viên của khối. 

Chính phủ Kishinev đã nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 3 ngay sau khi Ukraine khởi động nỗ lực gia nhập EU và đang bận rộn trả lời hàng trăm câu hỏi từ Brussels về sự sẵn sàng gia nhập khối. 

Tuần trước, chính phủ Moldova thông báo họ đã gửi cho Brussels câu trả lời cho bảng 369 câu hỏi. Moldova hiện đang làm việc mới một tài liệu thứ hai bao gồm 2.000 câu hỏi khác về khả năng tương thích của quốc gia với luật pháp Liên minh Châu Âu. 

Ông Popescu chia sẻ: "Chúng tôi là một quốc gia có lịch sử châu Âu, bản sắc châu Âu, ngôn ngữ châu Âu - và ngôn ngữ Romania của chúng tôi đã là ngôn ngữ chính thức của EU, do đó, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều".

Tuy các nước thành viên châu Âu có thể đồng ý nhận đơn xin gia nhập của Moldova, Ukraine và Gruzia nhưng việc kết nạp 3 quốc gia này vào khối sẽ mất rất nhiều thời gian.

Minh Hạnh (Theo The Guardian)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moldova-lo-ngai-nguy-co-bi-keo-vao-xung-dot-ukraine-a535851.html