+Aa-
    Zalo

    Mong một lần ra Trường Sa để được gần nơi con yên nghỉ

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - 19 tuổi, con trai của ông bà là anh Lê Bá Giang (SN 1968), đã dũng cảm hy sinh cùng 64 đồng đội trong trận đánh ở Gạc Ma.

    (ĐSPL) - 19 tuổi, con trai của ông bà là anh Lê Bá Giang (SN 1968) tình nguyện đi gia nhập lực lượng hải quân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc và đã dũng cảm hy sinh cùng 64 đồng đội trong trận đánh ở Gạc Ma.

    Hơn 26 năm qua, xương cốt của anh vẫn nằm ngoài biển khơi, nhưng ông bà vẫn chưa một lần được đến mộ để thắp cho con một nén hương. Nay đến tuổi “gần đất xa trời”, ông bà vẫn luôn mong một lần ra Trường Sa để được gần nơi con yên nghỉ.

    Vợ chồng ông Nghị, bà Nhị chia sẻ kỷ niệm về liệt sỹ Lê Bá Giang.

    Ký ức về chuyến tàu ngày xuân

    Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, chúng tôi tìm về nhà ông Lê Bá Nghị (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhị (73 tuổi) trú tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh - bố mẹ của liệt sỹ Lê Bá Giang hy sinh ở đảo Gạc Ma. Xen lẫn với nỗi đau là niềm tự hào khi con trai ông bà đã anh dũng hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mặc dù đã 26 năm trôi qua nhưng ông bà vẫn không thể nào quên ngày con vác ba lô lên đường ra chiến trường. Đó cũng là ngày ông bà được nhìn thấy con lần cuối.

    Được biết, Lê Bá Giang là con thứ hai trong gia đình nghèo có 4 anh chị em. Bố công tác xa nhà nên Giang sớm trở thành trụ cột của gia đình. Năm 1987, giống như bao chàng trai khác, Giang viết đơn xin gia nhập quân đội. Nhận được giấy nhập ngũ, Giang vui mừng khôn xiết nhưng lại lo mẹ và em ở nhà không có ai chăm sóc. Bà Nhị đã động viên và tiếp thêm sức mạnh cho Giang an tâm lên đường chiến đấu. Trước khi được điều về lực lượng Hải quân, Giang được đưa ra huấn luyện tại Quảng Ninh một tháng. Đúng vào dịp Tết năm 1988, Giang lên đường vào vùng 4, Hải quân đóng tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

    Háo hức vì được đi qua quê nhà, Giang nhắn tin về nhà, báo đang ngồi ở toa thứ hai của đoàn tàu. Nghe tin tối 29 Tết đoàn tàu sẽ đi qua Vinh, ông Nghị, bà Nhị cùng các con sắp vội cái bánh chưng chạy ra ga để gặp con  trai nhưng không được. Chen chúc mãi, do vào nhầm ga tàu nên hai ông bà không được gặp cậu con trai của mình. “Đợt đó nghe con báo tin tàu sẽ dừng ở ga Vinh 5 phút, vợ chồng tôi vui lắm. Tôi chuẩn bị bao nhiêu là quà quê, rồi bánh chưng để cho nó ăn Tết thêm phần ấm cúng. Nhưng khi tàu dừng, chúng tôi lên toa thứ hai tìm mãi mà vẫn không thấy con đâu. Tàu chạy, hai vợ chồng tôi buồn bã ra về. Cái Tết năm đó là cái Tết buồn nhất của gia đình tôi. Gia đình người ta đầy đủ sum họp để đón Tết còn gia đình tôi cứ ngóng tin về thằng Giang thôi”, bà Nhị nhớ lại.

    Khi vào công tác ở Cam Ranh được 7 ngày thì Giang được lệnh ra đảo. Trước khi ra đảo, Giang có viết thư về cho bố mẹ. Đó là lần cuối cùng Giang gửi thư về cho vợ chồng bà Nhị. Đến ngày 24/4/1988, hơn một tháng sau ngày Giang lên đường ra đảo, ông bà chết đứng khi hay tin con trai đã hy sinh qua sóng radio. Tuy nhiên, khi đó, không ai tin là anh Giang đã mất.

    Bà Nhị chia sẻ: “Trên danh sách người ta thông báo đúng là có tên Lê Bá Giang nhưng lại nhầm địa chỉ quê nhà là Hương Dũng (trong khi nhà mình là Hưng Dũng) nên vợ chồng tôi hy vọng có sự nhầm lẫn. Chúng tôi cứ hy vọng Giang sẽ trở về. Nhưng hai năm sau, chúng tôi chính thức nhận được giấy báo tử của đơn vị Giang công tác. Dù biết cái chết của con là vì nhiệm vụ cao cả nhưng Giang ra đi mãi mãi ở tuổi 20 - cái tuổi đẹp nhất của đời người, ai cũng xót xa...”.

    Ông Nghị mong muốn một lần được ra đảo Trường Sa để được gần nơi con trai yên nghỉ.

    Ước mong một lần ra Trường Sa

    Dù đau đớn nhưng gia đình bà Nhị vẫn tự hào khi có con trai là liệt sỹ ở Trường Sa. Với bà, Giang là đứa con trai ngoan ngoãn, hiền lành và chăm chỉ. Kỷ niệm làm bà nhớ về con mình, nhất là đợt Giang được nghỉ phép một tuần trước khi lên đường vào chiến trường.

    “Nó là một đứa con ngoan hiền và rất có hiếu với bố mẹ. Có một tuần nghỉ phép mà nó tranh thủ làm bao nhiêu việc. Thương bố đau lưng nên nó bổ một đống củi rồi xếp gọn gàng vào góc bếp. Nó bảo Tết này con không ở nhà, bố mẹ đừng buồn. Ở nhà được mấy ngày thì nó được lệnh về đơn vị để chuẩn bị hành quân vào Nam. Kể từ đó, tôi không còn tin tức gì của con nữa”, bà Nhị nghẹn ngào.

    Xen lẫn nỗi đau là niềm tự hào khi có người con dũng cảm hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Chỉ lên bàn thờ, bà Nhị tâm sự: “Giang đó các cháu, ngày hy sinh nó còn trẻ lắm. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày nó tạm biệt chúng tôi để lên đường. Nó háo hức lắm. Trước đó, mấy ngày liền nó không ngủ được. Nó nói với tôi rằng rất mong ngày lên đường nhập ngũ. Tôi chỉ tiếc một điều trước khi lên đường nhập ngũ nó chưa cảm nhận được tình yêu đôi lứa là gì. Nếu nó còn sống chắc bây giờ gia đình hạnh phúc lắm đấy. Con cái của nó chắc lớn rồi. Nhìn những đứa cùng trang lứa với nó yên bề gia thất, nhiều khi vợ chồng tôi cảm thấy chạnh lòng”.

    Nghe vợ nói, ông Nghị chia sẻ thêm: “Khi biết chắc chắn con trai mình đã hy sinh, vợ chồng tôi trăn trở về việc muốn đi tìm hài cốt của con. Chúng tôi vẫn muốn tìm hài cốt của Giang về quê nhà cho ấm cúng chứ ở ngoài đảo lạnh lẽo lắm vì người thân không ra thăm nom được. Nhưng biển trời mênh mông, chúng tôi không biết tìm con ở đâu”.

    Năm 2010, nhân lễ khánh thành Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Trường Sa, một số cơ quan đơn vị đã có lời mời gia đình vào thăm Trường Sa nhưng phải tự lo thêm một phần chi phí. Hai ông bà sức khỏe yếu, cuộc sống phụ thuộc vào mấy đồng lương hưu nên không có cơ hội ra đảo. Biết là khó khăn nhưng trong thâm tâm ông bà vẫn muốn một lần được ra đảo Trường Sa để được gần nơi con yên nghỉ. “Vợ chồng tôi giờ đã sang bên kia dốc cuộc đời rồi, chẳng biết sống được bao lâu nữa. Tôi thì mắc bệnh tim mới đi điều trị ở Hà Nội về nên không thể ra ngoài đó được. Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn chồng tôi ra đó một lần để được gần con hơn”, bà Nhị nói.

    Chúng tôi rời căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nghị khi trời đã về chiều, màn sương mỏng giăng trên khắp nẻo đường. Mong ước suốt hơn một phần tư thế kỷ của đôi vợ chồng già khiến chúng tôi xúc động. Dẫu biết rằng chiến tranh là mất mát nhưng đâu đó vẫn là niềm tự hào của những người làm cha, làm mẹ khi con mình hy sinh vì Tổ quốc.  

    Kỷ vật chỉ còn trong ký ức

    Ngày ông bà nhận được giấy báo tử và kỷ vật còn lại của liệt sỹ Giang là một chiếc ba lô và vài ba bộ quần áo giản dị. Bây giờ, những kỷ vật của anh Giang đã không còn. Lý giải về điều này, ông Nghị chia sẻ: “Ngày cầm ba lô con từ đồng đội của nó, chúng tôi không thể cầm được nước mắt. Đáng lẽ ra, tôi cũng định cất giữ nó để làm kỷ niệm nhưng do đông con, gia đình nghèo, những bộ quần áo của Giang đã dành cho mấy đứa em mặc, nên những kỷ vật đó giờ chỉ còn trong ký ức của gia đình”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mong-mot-lan-ra-truong-sa-de-duoc-gan-noi-con-yen-nghi-a81237.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan