Mua bản quyền chương trình THTT: "Chế biến" quá tay, khán giả "nuốt" không trôi


Thứ 6, 09/09/2016 | 09:20


(ĐSPL) - Thời gian gần đây, các chương trình truyền hình thực tế ở nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, vì thế khán giả có nhiều lựa chọn hơn...

(ĐSPL) - Thời gian gần đây, các chương trình truyền hình thực tế ở nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, vì thế khán giả có nhiều lựa chọn hơn, khi xem các kênh trên Đài truyền hình. Tuy nhiên, “cơn bão” truyền hình thực tế chiếm lĩnh khá nhiều thời gian phát sóng khiến nhiều khán giả… thấy hoảng, vì mở kênh nào ra cũng thấy game show truyền hình. Có một thực tế là, khi phát sóng tại Việt Nam, nhiều chương trình thực tế đã bị “Việt hoá” theo kiểu chắp ghép dẫn đến tình trạng nhiều chương trình tẻ nhạt, ồn ào vì bị lai căng…

“Miếng bánh béo bở”…

Lê Minh – nhà sản xuất phim Cô hầu gái chia sẻ với PV báo ĐS&PL: “Hiện nay, nhiều Đài truyền hình coi chương trình thực tế là “miếng bánh béo bở” để khai thác. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình ấy được mua từ nước ngoài. Có thể kể đến 2 kênh truyền hình lớn hiện sở hữu nhiều chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn nhất hiện nay là VTV và HTV, các chương trình đạt được lượng người xem rất cao hiện nay như Vietnam Idol, Cuộc đua kỳ thú, Người mẫu Việt Nam- Vietnam Next Top Model, Giọng hát Việt, Thách thức Danh hài... Đây đều là các chương trình truyền hình được mua bản quyền từ nước ngoài. Ngoài việc phát sóng các chương trình này sẽ tăng được lượng Rating (người xem – PV) thì doanh thu từ quảng cáo trong chương trình cũng là “miếng mồi” béo bở, nên nhiều nhà sản xuất đầu tư vào các game show thực tế...”.

Đạo diễn Việt Tú cho hay: “Hiện nay, nhiều chương trình thực tế được các nhà sản xuất mua về và được “Việt hoá” cho phù hợp với văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chương trình được các nhà sản xuất “chế biến” quá tay nên nhiều chương trình khán giả Việt Nam “nuốt” không trôi.

Nhiều khán giả không muốn xem chương trình, nên có bật ti vi thấy chương trình, họ chuyển kênh vì... không thích, thậm chí, nhiều người thẳng thắn cho rằng, nhiều khi MC đã làm hỏng chương trình thực tế, các MC nói nhiều, lải nhải trên ti vi khiến cho chương trình rất nhạt. Nhiều khán giả cảm thấy mình không được nhà đài tôn trọng. Vì thế, mới có chương trình thực tế chỉ tồn tại hay chỉ “nổi” một, hai số đầu, càng về sau lại càng nhàm, nhảm, nhạt và dẫn tới không ai xem nữa”.

Đêm chung kết chương trình The Face được ví là một đêm tạp kỹ.

Vào tối 4/9 vừa qua, đêm chung kết chương trình The Face 2016 (Gương mặt thương hiệu) diễn ra, tuy nhiên, nó được đánh giá là một đêm nhạc tạp kỹ với nhiều “hạt sạn”. Theo đó, đêm chung kết gắn với ý tưởng gắn kết 4 thái cực: Lửa, nước, mây, đất với màn biểu diễn múa đương đại khó hiểu, kết thúc là màn selfie (chụp ảnh tự sướng) tích tắc mang đến sự “hoang mang” cho người xem.

Phần thi ứng xử trong chương trình lại thiếu sự cân bằng trong độ khó dành cho Top 4. Trong khi câu hỏi của Quỳnh Mai, Phương Anh cho thấy rõ rệt độ khó, để thí sinh giải quyết vấn đề, thì nội dung câu hỏi của Huyền Thanh và Khánh Ngân được xem là quá bình thường. Điều quan trọng, đây là phần thi không có trong format gốc (bản quốc tế) và lần đầu tiên được Việt Nam bản địa hoá mang tính chất kiểu “Hoa hậu”.

Nhiều người cho rằng, thí sinh đã được học thuộc câu trả lời nên mới trả lời trôi chảy, không vấp như thế. Ở phần thi khiêu vũ chuyển tải thông điệp sản phẩm, nhiều người nhận rõ sự thiếu đồng đều trong cách dàn dựng, khi phần thi của Phương Anh được đầu tư hoành tráng nhất so với 3 thí sinh khác.

Ngoài ra, ý tưởng cho phần thi này của Top 4 chỉ mang cảm giác như biểu diễn khiêu vũ, chứ không gắn kết hình ảnh, thương hiệu. Phần đông khán giả đều có chung nhận xét, đêm thi gần giống như một chương trình... tạp kỹ, khâu xây dựng kịch bản chưa tốt, đã khiến đêm chung kết như nồi “lẩu thập cẩm” vì được góp nhặt ý tưởng từ nhiều cuộc thi trước đó. Vòng một giống như thi Vietnam's Next Top Model, vòng hai tương tự phần thi ứng xử ở các cuộc thi hoa hậu, vòng 3 mang đậm chất cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ.

Chương trình thực tế thành “nồi lẩu thập cẩm”

NSƯT Công Lý bày tỏ: “Xem chung kết chương trình The Face, tôi thấy rất giống các game show về nhảy múa, nhưng trình độ chỉ dừng ở mức đơn giản. Phần trình diễn của ca sỹ khách mời như: Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Lưu Hương Giang... làm chương trình rời rạc khi các tiết mục không hề liên quan với cả nội dung tổng thể. Nhiều khán giả tinh ý nhận thấy, Sơn Tùng M-TP lại có sự copy trang phục của G-Dragon khi biểu diễn tại The Face.

Tôi thấy, việc Việt hoá những chương trình truyền hình thực tế như này là “con dao hai lưỡi”, nếu chỉ mua chương trình về rồi chắp ghép để lên sóng sẽ tạo hiệu ứng ngược, khán giả sẽ quay lưng với chương trình. Chính vì Việt hoá “nửa mùa” nên chương trình mới giống một đêm tạp kỹ!”.

Theo NSƯT Công Lý, để một chương trình truyền hình thực tế được khán giả yêu thích, cần có sự “sàng lọc” của phông văn hoá. Bởi các chương trình ấy đến từ một quốc gia khác, có nền văn hoá khác nhau nên khi đưa vào Việt Nam phải điều chỉnh cho phù hợp với văn hoá nước sở tại. Tuy nhiên, không nên biến các chương trình thực tế ấy thành một “nồi lẩu thập cẩm” của nhiều chương trình kết hợp.

“Cô Đẩu” của chương trình Táo Quân cho hay: “Tôi cho rằng, ngoài việc mua các chương trình thực tế về Việt Nam, các nhà sản xuất nên có những chương trình game show thuần Việt để phù hợp với văn hoá Việt Nam. Chương trình thực tế do người Việt tạo ra thường rất gần gũi, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Chúng tôi là chiến sỹ, Điều ước thứ 7... Nếu sản xuất được những chương trình thuần Việt sẽ tiết kiệm được chi phí mua bản quyền, kết cấu của chương trình sẽ phù hợp với khán giả Việt Nam...”.

Đạo diễn Việt Tú nhận định, để một chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền tại Việt Nam thành công, cần có một quy trình Việt hoá chuyên nghiệp. Có thể kể đến một chương trình được “Việt hoá” thành công như chương trình Giai điệu tự hào, được mua bản quyền từ chương trình Di sản quốc gia của Nga. Giai điệu tự hào được nhiều khán giả yêu mến vì đã qua một “màng lọc” đúng quy trình và phù hợp với văn hoá Việt.

Chương trình Giai điệu tự hào được đánh giá là “Việt hoá” thành công.

Cùng với một số chương trình truyền hình thực tế thành công vì biết đánh trúng tâm lý khán giả, thì một số chương trình thuần Việt khác như Phái mạnh Việt được phát trên HTV7 không thu hút được người xem, thậm chí có khán giả còn không biết đến tên chương trình này. Cho dù được quảng cáo các nhân vật tham gia, chương trình sẽ có một hành trình xuyên quốc gia, để truy tìm người đàn ông Việt tự tin, táo bạo, không kém phần dí dỏm nhưng không được khán giả hưởng ứng. Vì thế, ngoài việc sản xuất một chương trình thuần Việt thì việc nắm bắt được thị hiếu cũng là điều quan trọng.

Khán giả chờ được “gãi đúng chỗ ngứa”

NSƯT Công Lý thông tin: “Cùng với việc phải Việt hoá những chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài, việc sản xuất các chương trình thuần Việt cần được quan tâm hơn. Những năm qua, các chương trình truyền hình thực tế thuần Việt không được khán giả quan tâm nhiều, do chưa đánh trúng được thị hiếu và xu hướng của người xem. Nhiều khán giả cho rằng, nhiều chương trình truyền hình thực tế thuần Việt không được xây dựng trên một format rõ ràng nên khán giả không được “gãi đúng chỗ ngứa” khiến các chương trình nhạt nhoà, không có người xem...”.

LẠC THÀNH

Xem thêm video Giải trí:

[mecloud]mGkW4RfvHy[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-ban-quyen-chuong-trinh-thtt-che-bien-qua-tay-khan-gia-nuot-khong-troi-a147103.html